Logo Saostar - Special
SPECIAL

Phía sau những tấm lòng hiến tặng giác mạc, mô tạng

Chia sẻ
Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Có những người chết đi, tất cả sẽ hoá thành hư không. Nhưng cũng có những người, sự sống sau cái chết mới thực sự bắt đầu và nối dài mãi không thôi. Họ chính là vô vàn số phận không may gặp nạn, chết não nhưng vẫn quyết hiến tạng, nhường sự sống cho người khác… Dù đã mất, nhưng trái tim, quả thận, lá gan và đôi mắt vẫn còn nguyên nhịp trong một cơ thể lành lặn nào đó. Mặc lời dị nghị, gọi là bán nội tạng, họ lại sẵn sàng hồi sinh cho một sự sống khác mà chẳng cần đáp đền.

Những trang viết mà chúng tôi sắp kể sau đây, là về những con người như thế. Nơi không chỉ có máu, cái chết, tang thương… mà còn là cả nước mắt hạnh phúc của người thân họ. Những con người tôi xin gọi trịnh trọng: ANH HÙNG THẦM LẶNG.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Cách đây 3 năm, bà Cấn Thị Ngần (57 tuổi, ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) hằng ngày đều phải chịu tai tiếng của xóm giềng khi quyết định hiến tạng con trai. Trước đó, con út của bà Ngần - anh Trịnh Đình Vàng (SN 1986), qua đời sau một tai nạn thương tâm. Ôm nhiều đắn đo, cuối cùng bà quyết nén tất cả đau thương để tặng tạng con trai và cứu được 5 mạng người. Ngày ấy, 5 ca ghép tạng gồm tim, 2 quả thận và 2 giác mạc kịp thời cứu sống 5 sinh mạng nguy hiểm nhất.

Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai giờ đây bà Ngần lặng lẽ sống một mình. Bà sinh được 3 người con, 1 gái và 2 trai. Năm 30 tuổi, người chồng không may mất sớm do bị điện giật khi sử dụng bếp điện lò xo. Lúc cha qua đời anh Vàng mới 5 tuổi.

Hoàn cảnh khốn khó, bà Ngần quyết ở vậy, gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. Ngôi nhà cấp 4 tạm bợ của 4 mẹ con cứ mai một, xuống cấp theo ngày tháng. Cứ khi mưa tới nước ngập đến đầu gối. Năm 2015, bà xây được căn nhà mái bằng cất trên nền ao ngày trước để mẹ con có chỗ ra vào phòng khi mưa gió, rét mướt.

Hai anh chị của Vàng được dựng vợ gả chồng. Nhưng hạnh phúc chưa tày gang, con rể bị tai nạn qua đời, con gái một mình chăm sóc 2 con nhỏ và bố mẹ chồng. Người con trai cả cũng chịu nhiều đen đủi khi gặp nạn nhiều lần suýt mất mạng. Riêng Vàng lặn lội vào miền Nam theo học cơ khí. Sau đó, anh về quê làm cho công ty xây dựng. Vàng dự tính sẽ lo nhà cửa cho mẹ xong xuôi rồi mới lấy vợ.

Thế mà, bao dự định ấp ủ đành dang dở. Ngày 26/7/2016, anh Vàng rơi từ lan can tầng 2 xuống đất trong lúc ngủ. Lúc được phát hiện, Vàng đã trong tình trạng nguy kịch. Khi ấy bà Ngần đang giúp việc cho một gia đình ở trung tâm Hà Nội. Nghe tin con gặp nạn, bà vội bắt xe buýt tới viện 103. Vào tới nơi, nghe bác sĩ nói con đã chết não, không còn chút hy vọng nào nữa, bà gục ngã. Bà bật khóc trong vô vọng “giá mà ngày đó tôi ở nhà với con thì đã không phải chịu cảnh mẹ con âm dương cách biệt như vậy. Mẹ con có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Tổ tư vấn của Bệnh viện 103 xác định bệnh nhân Trịnh Đình Vàng không còn cơ hội sống sót nên đã gặp riêng bà Ngần đề cập tới việc “làm nhân đạo”. Nghe xong bà không hiểu “làm nhân đạo” nghĩa là gì, cho tới khi nghe chuyện hiến tặng mô, tạng, để cứu sống những con người đang cận kề với cái chết.

“Với những gia đình khác, nghe tin dữ này chỉ muốn mang thi thể con về thật nhanh. Mất con trai tôi đau đớn vô cùng. Lúc đó tôi chỉ biết khóc mà không không nên lời. Tôi bảo bác sĩ để tôi suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định mọi chuyện. Mọi người khuyên ai chết rồi cũng muốn toàn thây, con đang lành lặn, đang nguyên vẹn như thế mà giờ phanh con ra để dứt hết các bộ phận thì không được. Tôi mang nhiều trăn trở khi quyết định hiến hay không hiến cơ thể của con trai để cứu người”, bà Ngần tâm sự.

Sau nhiều giờ suy nghĩ, cuối chiều cùng ngày, bà Ngần đồng ý ký vào giấy hiến tạng. Bước vào phòng trước khi ca mổ thực hiện, bà ôm chầm lấy con trai bật khóc. Nếu con mất cơ thể con hoá thành tro bụi. Bà chọn cách được nhìn thấy những bộ phận của con vẫn được tồn tại trong cơ thể người khác, những người đang chờ đợi được ghép tim, thận, gan… từng ngày.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Ngay trong đêm 27/7/2016, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã lấy tim, 2 quả thận của Vàng để cứu sống 3 người đang cận kề cái chết. Khi kết thúc ca mổ, quả tim của anh Vàng cũng đã được đập bên trong lồng ngực mới, bệnh nhân được ghép thận đã xuất hiện nước tiểu ngay sau khi được ghép trên bàn mổ. Còn 2 giác mạc, một thời gian sau cũng đã được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia kết hợp cùng Bệnh viện 103, chọn 2 trong số hàng ngàn bệnh nhân để trao cho họ cơ hội được nhìn thấy cuộc đời.

Cũng kể từ sau khi con trai qua đời, bà Ngần chịu nhiều tai tiếng từ xóm giềng. Có người không hiểu chuyện cho rằng bà bán nội tạng của con để lấy tiền… Nhiều câu nói chạm đến trái tim người mẹ khiến bà đau đớn. Thế nhưng bà gạt tất cả, hy vọng một ngày nào đó biết được thông tin của người được hiến tạng.

Bà mong muốn sau này thỉnh thoảng tới thăm cho đỡ nhớ con chứ không có ý định đòi hỏi điều gì. Nhưng vì bảo mật đời sống riêng tư của người bệnh nên phía bệnh viện không chấp thuận. Bà Ngần cũng đành chờ đợi một ngày nào sẽ được cảm nhận trái tim con đập trên người khác, lá gan, quả thận của con vẫn tồn tại….

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Cũng giống bà Ngần, mới đây vợ chồng ông Phạm Văn Thụ (58 tuổi, ở xã Đồng Hoá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) và bà Vũ Thị Vân (56 tuổi) đưa ra quyết định đầy trăn trở khi hiến tạng con trai 27 tuổi của mình.

Con trai ông Thụ là Phạm Công Tuấn Anh (SN 1993). Tuấn Anh đã có gia đình và có một người con trai năm nay mới lên 2 tuổi. Thế nhưng cách đây hơn 2 tháng, Tuấn Anh thường xuyên bị đau đầu, buồn nôn. Khi những cơn đau ngày càng xuất hiện nhiều gia đình quyết định đưa anh lên Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, tại đây mọi người ai cũng bàng hoàng khi bác sĩ nói con trai ông bị dị dạng mạch máu não.

Tình trạng bệnh quá nặng, Bệnh viện Bạch Mai đã cho gia đình đưa bệnh nhân về nhà. Sau đó, gia đình đã chuyển Tuấn Anh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với hy vọng tìm được cơ hội sống. Dù đã dồn toàn bộ tài sản của gia đình để làm phẫu thuật cho Tuấn Anh, nhưng ca phẫu thuật không được như kỳ vọng.

Trước lúc gia đình quyết đưa Tuấn Anh về nhà lo hậu sự, các bác sĩ đã gặp vợ chồng ông Thụ nói chuyện về hiến tạng. Các bác sĩ bảo bộ phận tạng của Tuấn Anh còn quá khoẻ, gia đình có nên hiến không? Nghe nói xong, ông Thụ đã suy nghĩ với nhiều trăn trở, đắn đo. Cuối cùng, ông hy vọng có thể thay con trai cứu giúp những bệnh nhân khác đang cần một phần bộ phận cơ thể của con trai mình.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Người thân trong gia đình, bạn bè, người thân, thậm chí cả vợ ông Thụ đều phản đối. Quan niệm “cái chết toàn thây” cứ mãi đeo bám, sao có thể phanh thân thể con trai rồi dứt hết các bộ phận như thế. Tuy nhiên, khi nghe nỗi lòng trăn trở của người cha, mọi người trong gia đình cũng dần xuôi lòng trong nước mắt.

“Thực lòng tôi muốn thằng Khôi (con của Tuấn Anh) sau này khi lớn lên, biết rằng cha nó vẫn còn phảng phất, tồn tại trên cõi đời này. Khôi chưa được 2 tuổi, tôi không muốn cháu mình thiệt thòi”, ông Thụ rưng rưng nhớ lại.

Đêm trước ca phẫu thuật cuối cùng của Tuấn Anh, ông Thụ lặng lẽ một mình lên gặp con lần cuối. Ông ngắm nhìn con nằm trên giường bệnh. Khi đó Tuấn Anh đã chết não nhưng da còn hồng hào, chẳng ai nghĩ rằng anh đã chết, chỉ như một giấc ngủ sâu. Nắm bàn tay con lần cuối, ông Thụ xuýt xoa. Mấy tiếng nữa, khi các bác sĩ rút ống thở, cha con ông sẽ âm dương cách biệt.

Sáng 18/5, 5 bàn mổ được chuẩn bị, khoảng 130 cán bộ y tế tham gia ca lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân khác, mà nếu không có tạng của Tuấn Anh, thời gian sống chỉ còn tính theo ngày tháng. 10 tiếng sau, tất cả ca mổ đều kết thúc thành công. Hai bệnh nhân nhận thận ngày 4/6 đã ra viện, trong đó có một người 61 tuổi và một người mới ngoài 30 tuổi. Bệnh nhân nhận gan cũng đã về nhà, bệnh nhân nhận tim sức khoẻ đang dần ổn định.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Ngoài tiến hành ghép đa tạng cho người nhận, các bác sĩ còn lấy hai giác mạc chuyển sang Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương để ghép cho bệnh nhân và lấy 8 gân lưu trữ trong Ngân hàng mô, Bệnh viện Việt Đức.

Sau ca mổ lấy tạng, các bác sĩ ngỏ lời tổ chức tang lễ cho Tuấn Anh tại bệnh viện. Tuy nhiên, gia đình chỉ xin một bộ quần áo mới cho con mặc. Chiếc xe chở thi thể chàng trai trẻ về quê nhà. Khi hiến tạng con trai để cứu người, dù nhận được nhiều lời động viên chia sẻ từ các bác sĩ, nhưng khi trở về quê hương, ông Thụ lại phải chịu đựng không ít những lời trách móc của người làng.

“Khi nghe mọi người nói rằng tôi hiến tạng con để được nổi tiếng, bán tạng con được hơn một tỷ, bán nhiều tiền vậy mà vẫn cần tiền ủng hộ… tôi cảm thấy tủi thân lắm.

Quả thật, để có thể đưa ra quyết định hiến tạng con, tôi đau xót lắm, nhưng giữ lại tạng của con để tiếp nối sự sống cho người khác tôi lại cảm thấy nhẹ nhàng hơn một chút. Thực lòng, tôi có thích sự nổi tiếng này đâu”, ông Thụ nói trong nước mắt.

Dù mất đi người con trai nhưng đến nay, ông Thụ bảo ông vui thì vui một phần vì những người được hiến tạng có thể tiếp tục sống, nối dài cuộc đời. Nhưng đau xót biết bao thế nào khi hàng xóm, bạn bè nói mình bán nội tạng con.

“Tôi hy vọng thời gian sẽ giúp họ hiểu ra, điều duy nhất tôi có thể thay mặt con trai mình làm là để lại sự sống trên cõi đời này. Dù chưa thể gạt đi nỗi đau mất con, nhưng năm tháng tới, chỉ cần được gặp lại các bệnh nhân đã được hiến tạng nghĩ thôi tôi cũng đã thấy mãn nguyện lắm rồi”, ông Thụ nói.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Cách đây gần 1 năm đúng ngày 2/7/2018 chị Nguyễn Thị Hải Vân (ở quận Ba Đình, Hà Nội) đau đớn ôm con gái là bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi) vào lòng. Bé Vân Nhi đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào lúc 11h cùng ngày. Thế nhưng câu chuyện về bé Vân Nhi đầy nghị lực kiên cường mỗi khi nhớ lại khiến người mẹ ấy không ngừng rơi nước mắt.

Bé Vân Nhi được gia đình phát hiện mắc bệnh Papylome (u nhú dây thanh quản) từ năm 2 tuổi. Vân Nhi đã điều trị tại nhiều bệnh viện, được mở thanh quản, đặt ống thở suốt hơn 10 năm qua. Mặc dù bệnh tật nhưng Vân Nhi vẫn đến trường. Bé rất hiền, học hành tiến bộ nên được thầy cô, bạn bè yêu quý.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Chị Hải Vân kể, do mở khí quản nhiều nên phổi của Vân Nhi bị ảnh hưởng, xơ phổi. Sức khỏe con ngày một yếu. Từ câu chuyện cảm động của bé Hải An, gia đình đã có nguyện vọng được hiến tạng. Khi còn nhận thức được, gia đình đã nói chuyện hiến tạng và Vân Nhi hoàn toàn đồng ý.

“Tuy không nói được nhưng con đã mỉm cười. Ánh mắt của con thể hiện niềm mong mỏi làm được một việc tốt, có ý nghĩa”, chị Vân ngậm ngùi.

Vì thời gian quá gấp, mọi chuyện còn rối bời nên cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người trong gia đình tỏ ý phản đối việc để bé Vân Nhi hiến giác mạc.

Thế nhưng, hiến giác mạc hoàn toàn là quyết định của Vân Nhi và mẹ bé chỉ làm theo di nguyện của con. Và đó cũng là tâm nguyện của chị Vân.

“Có thể, 12 tuổi còn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc hiến xác nhưng Vân Nhi muốn hiến toàn bộ tạng, đôi mắt và trái tim cho người khác. Như thế, ông bà, bố mẹ sẽ được gặp lại con trong một hình hài khác, nhưng vẫn là con, theo một cách đặc biệt nhất”, chị Vân xúc động nhớ lại.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Cuối cùng, tâm nguyện của Vân Nhi đã thành hiện thực. Trưa 2/7, Trung tâm điều phối và ghép tạng Quốc gia cùng Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã hoàn thành việc lấy giác mạc bé Vân Nhi. Trước khi con ra đi, chị Vân ôm con vào lòng bật khóc, chị yêu con, thương con hết đỗi.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương), người tận tay lấy giác mạc của Vân Nhi, cho biết, trường hợp của Vân Nhi khá đặc biệt. Bé còn nhỏ nhưng đã có nghĩa cử cao đẹp. Khi bác sĩ tới bệnh viện, cô bé không thể trò chuyện, nằm trên giường bệnh như chỉ đang ngủ mà thôi. Giấc ngủ dài thanh thản và đẹp đẽ.

“Khi chúng tôi phẫu thuật xong, mẹ bé tuy không nói lên lời nhưng qua ánh mắt chúng tôi hiểu, dù đau đớn trong lòng nhưng chị cảm thấy đã làm được một việc có ý nghĩa. Hành động đó đã đánh thức cảm xúc của tất cả mọi người xung quanh”, ông Hoàng chia sẻ.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi
Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Kể từ ngày con ra đi, chị Vân cùng người thân vẫn gìn giữ những hình ảnh, kỷ vật của bé Vân Nhi. Chiếc bàn học cùng những cuốn sách bé Vân Nhi yêu thích vẫn được xếp gọn gàng một góc trong căn nhà tập thể ở gần đường Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình.

Chị Vân tâm sự rằng, dù con đã ra đi vĩnh viễn nhưng quyết định hiến giác mạc theo ý nguyện của Vân Nhi chưa bao giờ chị thấy hối hận. Chị thấy thanh thản trong lòng vì sự hy sinh của con có ý nghĩa mang lại ánh sáng cho hai cháu bé khác.

Đợt gần Tết Nguyên đán vừa qua, không lâu sau khi bé Vân Nhi qua đời, bé trai Hoàng Anh (6 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) đã được bố mẹ dẫn về nhà chị Vân thắp hương. Được nhìn thấy giác mạc của con gái tồn tại trên đôi mắt người khác chị Vân đã vô cùng xúc động.

“Lần đầu tiên được nhìn ánh mắt đó tôi cảm giác gần gũi vô cùng. Tôi nghĩ con vẫn tồn tại trên cõi đời này. Bé Hoàng Anh ban đầu không dám nhìn trực diện với tôi nhưng cảm thấy thân thương vô cùng. Bố mẹ bé Hoàng Anh hôm đó cũng chia sẻ mong muốn gia đình tôi nhận bé Hoàng Anh làm con nuôi. Tôi đã nhận bé cùng hai chị gái của Hoàng Anh làm con nuôi. Thi thoảng hai bên gia đình vẫn gặp gỡ, trao đổi vui vẻ với nhau”, chị Vân xúc động chia sẻ.

Chị Vân cũng bày tỏ mong muốn sẽ sớm nhìn thấy cháu bé ở Sơn La nhận giác mạc của con gái. Chỉ cần nhìn thấy thôi chị đã thấy ấm lòng và hạnh phúc rồi. Chị luôn tâm niệm rằng nên cho đi mọi cái tốt đẹp sẽ đến với mình.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Nhắc lại cuộc đoàn tụ sau khi hiến tạng con trai, bà Cấn Thị Ngần bảo sẽ không bao giờ quên được giây phút xúc động vào cuối năm 2016, khi bà nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Bên kia đầu dây ngập ngừng “Con Tiến đây, con nhận được trái tim của con trai mẹ đây”. Nghe xong bà chết lặng.

Anh Tiến là chiến sĩ cảnh sát quê ở Quảng Bình. Cuộc gọi ngắn ngủi của anh Tiến chia sẻ ngày hôm sau sẽ tìm về gặp mẹ Ngần khiến cả đêm hôm đó bà Ngần mất ăn mất ngủ thao thức.

“Nhìn thấy Tiến từ ngoài cổng, nước mắt tôi tự dưng tuôn trào, rồi như có động lực gì khiến tôi chạy lại ôm con, ghì mặt mình vào ngực trái của nó, nơi có trái tim của Vàng đang đập trong đó mà gọi con ơi”, bà Ngần xúc động nhớ lại.

Anh Tiến đứng im làm chỗ dựa cho bà Ngần mà giọng cũng nấc lên. Nửa năm trước anh đang hấp hối vì bệnh suy tim giai đoạn cuối. Từ người khỏe mạnh anh trở nên yếu ớt. Anh từng xác định sẽ ra đi bất cứ lúc nào, vì hầu như suy tim đều có một điểm đến là cái chết. Nhờ quả tim của Vàng mà anh được tái sinh.

Cũng từ ngày anh Tiến đến thăm, hàng xóm xung quanh bắt đầu hiểu hơn nghĩa cử của bà Ngần. Họ không còn bàn tán mỗi khi bà đi qua nữa mà dành cho bà những lời động viên, an ủi.

Sau anh Nguyễn Nam Tiến, bà Ngần lần lượt gặp những người được nhận tạng từ con trai mình. Đó là chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn) và anh Vương Xuân Cường (ở Sơn La) - 2 bệnh nhân được ghép thận; chị Đinh Thu Thủy và anh Nguyễn Xuân Hưng (đều ở Hà Nội) - những người được nhận giác mạc của anh Vàng.

Cả 5 con người kể trên, anh Hưng, chị Thuỵ, anh Tiến, chị Hậu và anh Cường, đều là những con người xa lạ, chung hoàn cảnh khó khăn, sống trong đau đớn khi bị bệnh tật giày vò. Họ đã từng có ý định buông xuôi cuộc đời, nếu như mẹ Ngần không xuất hiện đúng lúc và kịp thời. Mẹ Ngần mất đi một đứa con ruột, bù lại mẹ có 5 người con khác.

Phía sau những phận người hiến tạng: Bị dị nghị là hám tiền háo danh nhưng với họ cho đi là để sự sống tồn tại mãi

Cho tới nay, gần 3 năm sau khi anh Vàng qua đời, ngày nào cũng có người gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ mẹ Ngần. Đặc biệt, đúng ngày 27/7 hằng năm - ngày mất của anh Vàng, dù bận trăm công nghìn việc, 5 người con đều tìm về nhà mẹ Ngần, ăn bữa cơm ôn lại kỷ niệm.

Bà Ngần tâm sự rằng, từ khi quyết định hiến tạng con trai, chưa một phút nào bà hối tiếc. Mỗi khi nhớ con, bà có niềm an ủi khi nhiều mảnh đời được hồi sinh từ quyết định của mình. “Nếu tôi không hiến tạng thì con tôi cũng sẽ trở thành cát bụi. Nhưng giờ đây, con chỉ mất đi thể xác còn sự sống của con vẫn còn tồn tại trên cõi đời này. Nếu tôi ra đi mà để lại cho người khác tôi cũng sẽ làm như con trai mình đã làm”, bà nói.

Phía sau những tấm lòng hiến tặng giác mạc, mô tạng Ảnh 15
Phía sau những tấm lòng hiến tặng giác mạc, mô tạng Ảnh 16
Phía sau những tấm lòng hiến tặng giác mạc, mô tạng Ảnh 17

Chia tay bà Ngần, ánh mắt gần gũi cùng những câu thơ của bà Ngần khiến chúng tôi mãi xúc động. Ở đó có tình cảm của bà Ngần, của gia đình bé Vân Nhi hiến giác mạc, có hình ảnh của gia đình anh Phạm Công Tuấn Anh… Trước khi mất họ để lại cho đời, cho những số phận khác có cơ hội sống…

“Một đôi mắt một trái tim nhân hậu

Hai lá gan hai quả thận cứu sống được nhiều người

Sống nhân văn nghĩa cử trên đời

Con hiến tặng để bao người được sống…

Con yêu ơi mẹ nhớ con da diết

Mồ côi cha từ thuở còn thơ

Một mình mẹ lận đận thân cò

Nuôi con lớn mong có ngày hạnh phúc

Sống giữ trọn chữ tâm chữ đức

Thác hiến tặng cứu người phải không con”

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tính đến ngày 10/6 cả nước đã có 24.405 người đăng ký hiến tạng, giác mạc.

Ông Phúc chia sẻ, người đăng ký họ chưa hiến được ngay hoặc có thể sau này sống hết cuộc đời không hiến được. Tuy nhiên, khi chúng ta đã đặt bút đăng ký hiến tạng thì điều đó đã đem đến cho những bệnh nhân một niềm tin, một hy vọng rằng cả cộng đồng, cả xã hội đang quan tâm giúp người bệnh chờ đến ngày có tạng để ghép.

“Có những người 80 tuổi vẫn đăng ký hiến tạng. Điều này giúp cho chính cộng đồng xã hội, người thân của họ thấy rằng ông cha mình và là người cao tuổi vẫn nghĩ về cuộc đời, về những điều tốt đẹp, vẫn mong muốn đem lại sự sống cho cuộc đời. Đó là bài học, là tấm gương lớn về tình thân ái.

Có thể 80-90 tuổi ra đi nhưng giác mạc hoàn toàn có thể tiếp nhận được để đem lại ánh sáng cho người khác. Có người nghĩ rằng mình nhiều tuổi rồi mình không hiến được nữa… điều đó không quan trọng quan trọng là mọi người có mở lòng ra không”, ông Phúc chia sẻ.

Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng, khi người nào đặt bút ký thực sự có nghĩa rằng họ đã nhìn thấy câu chuyện về nhân quả, về những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời này. Do đó việc đăng ký đó đem lại niềm vui hạnh phúc thực sự cho những người đăng ký vì họ vượt qua nỗi sợ hãi chết phải toàn thây, dị nghị của cộng đồng xã hội. Họ hiểu rằng việc đăng ký hôm nay họ có cơ hội không chỉ đem lại sự sống cho người khác trong tương lai bất kỳ lúc nào. Đăng ký hiến tạng mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời này.

Bài viết

Định Nguyễn

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ