Sắc màu Cuộc Sống

Phía sau những bức ảnh 'sống ảo' của dân mạng là một mùa hoa 'lavender' nhọc nhằn

Vương Phi
Chia sẻ

Trồng hoa "lavender" tuy vất vả nhưng nếu thắng lợi, với diện tích gần 4ha, mỗi năm, người dân thu lãi vài trăm triệu. Hoa trồng không phải để phục vụ khách chụp ảnh nhưng vì lòng mến khách, dẫu có người làm gãy nát thân cây, khiến hoa chết khô, chủ vườn cũng chỉ biết mong mọi người tự ý thức hơn.

Hoa oải hương không chỉ đẹp mà còn rất thơm nhưng dường như, nó sinh ra vốn không phải để sống khỏe mạnh ở vùng đất khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Bởi thế, khi dân tình rộ lên thông tin ngay ngoại thành Hà Nội, có một cánh đồng hoa oải hương rộng bát ngát, ai nấy đều bán tín bán nghi.

Bất cứ khi nào, ở đâu đó xuất hiện thông tin có một cánh đồng oải hương là mọi người lại háo hức rủ nhau đến chiêm ngưỡng tận mắt…

… Thế nên mới có chuyện cánh đồng rau húng khi chụp xa gây hiểu lầm đã khiến dân mạng sục sôi, về tận nơi tìm hiểu.

Dù chưa tin lắm nhưng những bức ảnh chụp sắc hoa tím nối dài tới tận chân trời, phía cuối vườn mập mờ hình ảnh sông nước khiến dân tình vẫn không thôi hy vọng. Ai cũng mong, cánh đồng oải hương kia là thật để họ có cơ hôi lui tới, chiêm ngưỡng tận mắt loài hoa bấy lâu chỉ được nhìn qua phim ảnh.

Dân mạng háo hức rủ nhau về tận nơi xem nhưng khi đến nơi, tất cả đều phần nào thất vọng vì chẳng có oải hương, chỉ có những ô ruộng hoa rau húng nằm san sát nhau, nối dài khoảng vài ha.

Những bông hoa “oải hương” người nông dân không trồng để phục vụ khách chụp ảnh nhưng đã đủ giúp bao người “check-in” ảnh “ảo tung chảo”

Phía cuối thôn Duyên Yết (Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội), ở bãi bồi ven sông rộng lớn, quanh năm được phù sa bồi đắp, có một cánh đồng rau húng rộng khoảng vài ha. Cây húng được trồng rất dày. Khi mùa đến, những bông hoa trổ màu tím biếc, tỏa hương ngào ngạt. Dù còn cách xa vài trăm mét, mùi húng quế đã nhuộm kín khắp không gian. Từ 2 năm nay, ở vùng đất này, người ta ăn, ngủ và sống chung hương thơm ấy quanh năm ngày tháng.

Những người nông dân ở Duyên Yết quanh năm vất vả vì rau húng.

Hoa rau húng cũng đẹp lắm đấy chứ!

Chẳng đẹp như lavender nhưng nhờ khung cảnh hoang sơ ở bãi bồi, nơi tiếp giáp với sông Hồng nước đỏ phù sa, cánh đồng rau húng mang nét đẹp thơ mộng rất riêng. Nếu chụp xa xa và bảo đấy là oải hương, chắc nhiều người cũng chẳng phân biệt nổi. Thế nên những ngày qua, hàng trăm người đã đổ về đây. Dịp cuối tuần, hết tốp này đến tốp khác kéo đến chụp ảnh.

Hoa đã trồng từ lâu nhưng người ta chỉ biết đến nó sau khi được dân mạng đồn thổi.

Dù có chút thất vọng vì không phải là oải hương nhưng dân mạng cũng “đã tay” khi chụp được những bức ảnh lung linh cùng rau húng quế.

Càng ngày, du khách đổ về đây càng đông. Đến nỗi người dân đã quá quen khi thấy ai hỏi thăm cánh đồng oải hương.

Khách cứ vô tư chụp ảnh nhưng ít người để ý đến công vun trồng của người nông dân. Hoa húng được trồng, chăm sóc từng ngày không phải vì chờ có người tìm đến chụp ảnh. Nó là một nghề kiếm ra tiền của nhiều hộ dân nơi đây. Người ta trồng hoa để thu lấy tinh dầu, xuất khẩu sang nước ngoài.

Nghề trồng húng quế cũng khá vất vả. Mỗi năm vào mùa xuân, người dân gieo hạt rồi cấy từng cây rau ở bãi bồi. Sau khoảng 2,5 tháng, họ bắt đầu cắt hoa và ép lấy tinh dâu. Cứ như thế, người dân vừa kịp cắt hoa, lá 3 lần thì gió mùa tràn về. Lúc này, cây húng bắt đầu lụi dần. Người ta nhổ bỏ, vỡ đất và chuẩn bị cho năm sau giao hạt.

Cây húng giòn và dễ gãy. Thế nên khi đến chụp ảnh, nhiều người thường len sâu vào trong và vô tình giẫm nát, làm gãy cành. Người dân ở đây không thu phí chụp ảnh vì đó không phải nghề chính của họ. Có lúc thấy khách vô tư ngắt, bẻ hoặc làm gãy nát thân cây nhưng người dân cũng ngại chẳng nỡ nhắc nhỏ. Hơn nữa, những người nông dân cũng muốn mọi người từ xa đến sẽ chụp được những bức ảnh đẹp. Hoa bị gãy, dập chút ít, họ cũng cố mà cho qua.

Cây húng rất giòn…

Chỉ cần vô tình đi qua lại nhiều, cành cây cũng có thể gây dập.

Nhiều cây bị dập gốc, chết khô.

Mình trồng nhiều mà, mùa hoa cũng sắp hết nên cứ để cho mọi người chụp thôi“, anh Chung (chủ một hộ trồng hoa) chia sẻ.

Từ ngày dân mạng chia sẻ, khách đổ về đông lắm nhưng chúng tôi không bao giờ thu tiền. Cũng muốn mọi người được vui vẻ. Mình không trồng hoa để cho thuê chụp ảnh mà vì lâu lâu có người từ xa tìm đến nên không nỡ chối từ nhưng cũng mong mọi người có ý thức bảo vệ hoa”, chị Hạnh (vợ anh Chung) nói.

Nhọc nhằn canh bạc thắng lãi vài trăm triệu, thua lỗ đành ngậm đắng nuốt cay

Khách chụp ảnh đến rồi đi, phía sau chỉ còn lại người nông dân và cánh đồng rau húng. Khu vườn hoa rất rộng nhưng chỉ có 3 hộ gia đình trồng. Họ thuê đất của các hộ khác với giá khá cao. Tuy nhiên bù lại, vì có nguồn nhập ổn định nên giá tinh dầu khá đắt, khoảng 1-1,5 triệu đồng/ lít. Nếu trẩy hoa lấy hạt giống, giá cũng khoảng 1,5 triệu đồng/kg.

Chai tinh dầu húng nguyên chất.

Hạt húng được tách khỏi hoa.

Giá của hạt húng khô dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng/kg.

Nghề nấu tinh dầu khá vất vả. Mùa hoa rộ nhất vào tháng 4-6 (âm lịch). Khi hoa đến độ tím biếc, người ta phải nhanh chóng thu hoạch toàn bộ. Nếu cắt sớm qua hoặc trễ hơn, sản lượng tinh dầu sẽ bị hạn chế. Những ngày trời càng nóng nực, oi bức và có hiệu ứng Phơn, mọi người nấu tinh dầu càng thu về sản lượng tốt.

Nghề này vất vả ở chỗ đó, cứ phải thu hoạch hoa liên tục vào mùa hè. Ngày càng nóng nấu dầu càng hiệu quả, chờ ngày mưa mát thì tinh dầu rất đục và chất lượng kém hơn“, anh Chung kể.

Để nấu tinh dầu, người ta cho cả hoa, lá vào thùng phuy, chưng cất như nấu rượu. Tinh dầu húng rất nóng, nếu chẳng may dây ra tay có thể gây bỏng rát. “Nếu bắn vào mắt thì rất nguy hiểm. Ở vùng này từng có người không may uống nhầm tinh dầu húng, phải nhập viện cấp cứu, chậm chút nữa có thể gặp nguy hiểm“, chị Hạnh kể.

Chị Hạnh đi hái hoa để trẩy hạt.

Khi những bông hoa húng chuyển từ màu tím phớt trắng sang tím biếc hoàn toàn cũng là lúc người dân bắt đầu thu hoạch.

Những ô ruộng rau húng xen lẫn với ngô xanh ở bãi bồi Duyên Yết.

Không rõ ai đã đem nghề trồng húng quế đến Duyên Yết nhưng nhờ nó, 3 hộ gia đình ở đây có cơ hội thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Chung nhẩm tính, với diện tích gần 4ha, mỗi năm, anh thu về khoảng 500-600 triệu. Sau khi trừ hết mọi chi phí, vợ chồng anh thu lãi khoảng 200-300 triệu.

Rau húng đã mang đến Duyên Yết một nguồn sống mới. Chị Hạnh kể, những hộ gia đình thay vì trồng ngô, khi cho gia đình anh thuê đất cũng có một khoản thu nhập tốt. Ngoài ra, mỗi mùa vụ, các hộ trồng húng thu hút khá nhiều lao động để cùng thu hoạch và nấu tinh dầu. Tính ra hàng năm, suốt vụ húng quế, ở Duyên Yết, mọi thứ như cũng nhộn nhịp hẳn lên.

Rau húng chết do ảnh hưởng mưa bão khiến bãi bồi ngập nước.

Bãi chính rộng hàng chục ha biến thành đồng cỏ hoang dại.

Dấu vết mùa rau húng gần như bị xóa sạch.

Tuy nhiên, đó là khi vụ mùa bội thu. Năm nay, do tình hình mưa bão kéo dài nên từ nhiều tháng trước, cánh đồng chính trồng rau húng ở Duyên Yết bị chết khô. “Bãi chính trồng hoa rộng bạt ngàn đã bị chết sạch, cỏ mọc um tùm. 3 hộ trong thôn chỉ còn lại những mảnh ruộng lẻ tẻ“.

Anh Chung nhẩm tính, mưa bão đã làm gia đình mình thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Nhiều lúc đi qua bãi chính chỉ biết thở dài lặng lẽ, xót xa nhưng cũng không thể trồng lại kịp được vì hoa phải gieo, cấy vào mùa xuân thì mới tốt tươi“, anh Chung nói.

Giống như rất nhiều nghề nuôi trồng khác, người dân ở Duyên Yết vẫn luôn phải chơi canh bạch đỏ-đen với thời tiết. Nhưng dù thế nào, nghề trồng rau húng vẫn giúp họ có cơ hội thu lãi “khủng” mỗi năm.

Bấy lâu nay ăn ngủ cùng mùi húng quế cũng quen, bây giờ không trồng chắc buồn lắm. Mà hoa húng cũng đẹp, nhiều lúc buồn buồn chạy ra bãi hoa chơi cũng thấy vui. Chẳng phải chỉ có mình mình mà 2 năm nay, người dân cũng thích thú, thi thoảng ra đây dạo chơi, coi như cũng điểm cho vùng này thêm một chỗ hoa cỏ để mọi người còn tranh thủ “sống áo”, chị Hạnh cười nói.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

tag-icon
Tin mới nhất