Sắc màu Cuộc Sống

Phi công Vietnam Airlines đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc, fanpage của hãng liên tục bị đánh giá 1 sao

Vương Phi - Định Nguyễn
Chia sẻ

Hàng chục phi công đã phải viết đơn cầu cứu trước một số bất cập đang tồn tại nơi nhóm người này đã và đang công tác tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Họ sẽ phải bồi hoàn khoản kinh phí đào tạo lên tới nhiều tỉ đồng nếu nghỉ việc.

Tập thể hàng chục phi công hãng hàng không Vietnam Airlines viết đơn kêu cứu

Mới đây, chúng tôi nhận được Đơn kêu cứu của Tập thể phi công Việt Nam gửi các cơ quan thông tấn, báo chí gồm 16 chữ ký trực tiếp. Trong đơn phản ánh các bất cập đang tồn tại nơi nhóm người này đã và đang công tác tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA).

Ngoài việc phản ánh về các bất cập đang tồn tại ở VNA, nhóm phi công khẳng định: “Trong 3 năm qua chúng tôi đã đối thoại với VNA rất nhiều nhưng không nhận được bất kỳ một sự hợp tác nào… Môi trường làm việc không được đảm bảo, có sự bóc lột lao động và gây những bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không…”.

Đơn phản ánh của tập thể phi công đang công tác tại Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Ngoài việc tố VNA, các phi công cũng phân tích những bất cập trong những Thông tư liên quan của Bộ GTVT, vi phạm Luật Lao động, gây khó dễ cho những người muốn xin nghỉ việc.

Trong đơn, tập thể phi công cho biết: Năm 2015, Bộ GTVT ra thông tư 41/2015/TT-BGTVT phần 14.169 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày; khi chuyển đổi nhà khai thác phải “đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định…”.

Tiếp đó, Thông tư 21/2017/TT-BGTVT đã đưa những nội dung trên vào “Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay”.

Tuy nhiên, theo các phi công, khi họ mang những vấn đề này đối chiếu với các văn bản của Hiến pháp điều 35 và Luật Lao động thì nhận thấy những nội dung trong Thông tư nêu trên không tuân thủ một số vấn đề như việc chấm dứt hợp đồng lao động và bồi hoàn chi phí đào tạo không đúng với quy định.

Bởi, theo điều 37 Khoản 3 Bộ Luật Lao động quy định: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.

Số phi công có đơn xin nghỉ việc tiếp tục tăng.

Theo các phi công, những quy định này khiến họ gặp khốn đốn khi VNA dựa vào đó đưa ra những khoản phí bồi hoàn vô lý và quá lớn. Theo điều 62 Khoản 3 Bộ luật Lao động quy định: “Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chỉ có chứng chỉ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học…”.

Tuy nhiên, VNA đã bắt buộc các phi công bồi hoàn chi phí từ 2 - 3,5 tỷ đồng nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh. Ngoài ra, dựa vào Thông tư, Cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng cũng như chấp nhận cho các phi công chuyển nhà khai thác khác, buộc họ phải làm việc cho VNA với chế độ đãi ngộ thấp hơn mặt bằng chung của các phi công, đẩy họ lâm vào cảnh phải bồi hoàn cho VNA số tiền phi lý để chuyển sang nhà khai thác khác hoặc phải chịu cảnh thất nghiệp.

Tổng Công ty hàng không Việt Nam báo cáo việc phi công nghỉ việc và đề nghị Cục Hàng không Việt Nam hỗ trợ thu hồi chi phí đào tạo phi công.

Theo một phi công đề nghị giấu tên, chỉ tiết lộ đang làm việc tại Đoàn bay 919, khẳng định: “Vấn đề lương bổng đã âm ỉ tại VNA từ rất lâu. Trong 3 năm qua, hai bên đã đối thoại với nhau nhiều lần nhưng tựu chung lại, phần bất lợi vẫn đang thuộc về nhóm phi công Việt”.

Ngay tại cuộc đối thoại mới nhất diễn ra sáng 30/5, hãng cũng chỉ dừng lại ở mức tăng thêm 4,6 triệu đồng/tháng cho Cơ phó và 10 triệu đồng/tháng cho Cơ trưởng.

“Tại Vietnam Airlines, hiện tại, lương của một Cơ trưởng từ 120 - 130 triệu đồng/tháng, còn Cơ phó là khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng. Thế nhưng cùng là Cơ phó, cùng giờ bay, thì các hãng khác có thể trả tới 150 - 160 triệu đồng/tháng. Chưa kể, cùng trình độ và bằng cấp như nhau, nhưng cũng ngay tại Vietnam Airlines, lương của phi công Việt thậm chí chưa bằng một nửa lương phi công nước ngoài”, người này nói và cho biết đây là lý do anh và gần 60 phi công khác làm đơn xin nghỉ việc tại VNA.

Fanpage chính thức của hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines liên tục bị khách hàng đánh giá 1 sao

Mới đây có vẻ như nhiều khách hàng đồng loạt cảm thấy bức xúc về dịch vụ của hãng. Làn sóng mang tên “1 sao” đang lan tỏa nhanh chóng và khá gay gắt. Trên fanpage chính thức của hãng, từ đêm qua đến trưa nay (31/5), cứ khoảng vài phút trôi qua lại có thêm nhiều người cùng đánh giá 1 sao và để lại những phản hồi tiêu cực.

Ảnh chụp màn hình.

Theo tìm hiểu của PV, những đánh giá 1 sao này chủ yếu liên quan đến vấn đề trả lương cho nhân viên và đặc biệt là các phi công. Một số bình luận tỏ thái độ gay gắt, cho rằng hãng có sự phân biệt đối xử giữa phi công trong nước và ngoại quốc. Nhiều người còn chỉ ra rằng, hãng đang thu giá vé cao trong khi trả lương nhân viên quá bèo bọt.

Tôi không muốn ngồi trên máy bay do những phi công không vui vẻ và bức xúc chế độ đãi ngộ, ép với mức lương thấp nhất thế giới. Đánh giá 1 sao và chia sẻ để bảo vệ phi công“, một ý kiến bình luận dưới đánh giá 1 sao.

“Thu tiền vé cao mà chế độ hưởng lương cho nhân viên quá tệ. Trả lương phi công thì bằng một nửa hãng giá rẻ trong khi tiền vé thu gấp đôi. Giá vé không tương xứng với lương phi công”, một ý kiến khác bày tỏ.

Tuy chưa rõ những cáo buộc này có đúng hay không nhưng những bình luận chủ yếu đều chĩa vào vấn đề nội bộ khiến nhiều người nghi ngại, khả năng làn sóng “1 sao” này là do chính nhân viên của hãng phát động. Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng, có thể những thông tin tiêu cực về chế độ đãi ngộ của VNA đã gián tiếp làm khách hàng bức xúc.

Bằng chứng là ngoài ý kiến phàn nàn về vấn đề trả lương, nhiều người cũng than thở chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines đang có chiều hướng đi xuống. Trong khi hãng này thu giá vé cao hơn gần gấp đôi nhiều hãng máy bay giá rẻ thì chất lượng đang tụt xuống mức ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn.

“Giá vé thì đắt và tăng tằng tằng, dịch vụ càng ngày đi xuống“, nickname T.l nói.

Bên cạnh các đánh giá 1 sao vì lý do cụ thể, nhiều người chỉ để lại mức vote thấp nhất và không nói lời nào. Số khác lại thừa nhận mình vote như vậy hoàn toàn theo trào lưu. Đáng chú ý, không ít khách hàng lại vào bênh vực và vote 5 sao cho Vietnam Airlies. Làn sóng tranh cãi qua lại đang khiến tỷ lệ vote sao cho hãng này trên fanpage tăng chóng mặt.

Trước đó vào hồi cuối tháng 1/2015, phi công hãng Vietnam Airlines cũng từng xin nghỉ hàng loạt do bức xúc về vấn đề tiền lương. Theo một số phi công, thời gian làm việc của hãng hàng không Vietnam Airlines quá tải, nhưng lương không tương thích so với một số hãng khác. Cụ thể, các phi công này làm việc đến 23 ngày/tháng (nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật), lương 2.500 USD/tháng, trong khi ở hãng hàng không VietJet, phi công chỉ làm việc 15 ngày/tháng nhưng mức lương lên đến 7.500 USD/tháng. Bên cạnh đó, các phi công phản ánh khi bay ra Hà Nội được bố trí nơi nghỉ ngơi chưa tốt.

Việc 117 lượt phi công xin nghỉ ốm bất thường dịp Tết Dương lịch cùng năm không chỉ gây chú ý tới câu chuyện lương thưởng của Vietnam Airlines, mà còn khiến dư luận quan tâm tới chất lượng dịch vụ của hãng, nhất là trong những ngày khó khăn về lực lượng.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi - Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất