Sắc màu Cuộc Sống

Người dân nói gì về việc Hà Nội thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông?

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trước việc Hà Nội nói chung, UBND quận Thanh Xuân nói riêng thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông, nhiều người dân cho biết họ hoàn toàn đồng ý với chủ trương này. Đa số đều cho rằng việc làm này là cần thiết để đảm bảo an toàn cũng như phòng chống bệnh dại.

“Chúng tôi hoàn toàn đồng tình việc bắt chó thả rông, không rọ mõm”

Ngày 29/11, gần chục thành viên đội săn bắt chó thả rông phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội lên đường với vợt lưới, lồng nhốt chó để sẵn sàng cho buổi tuần tra. Đây là đội chuyên trách đầu tiên của TP. Hà Nội được thành lập từ đầu tháng 11, chuyên săn bắt chó thả rông, phòng chống bệnh dại.

Hình ảnh đội săn bắt chó ở phường Thượng Đình sáng ngày 29/11.

Trong vòng 30 phút tuần tra, đội đã bắt 2 con chó chở về lưu giữ tại nhà hội họp khu dân cư 87 phố Khương Hạ, Thanh Xuân. Theo đội săn bắt chó, mỗi tuần, đội tổ chức hai buổi tuần tra, chủ yếu vào buổi sáng sớm, chiều tối và không thông báo trước cho người dân địa phương. Sau khi thu gom chó thả rông, thông tin về địa điểm bắt chó, đặc điểm nhận dạng của từng con sẽ được thông báo trên loa phường để chủ chó biết.

Trước việc UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt việc thành lập đội săn bắt chó thả rông theo đề xuất của Chi cục Thú y Hà Nội nói chung và việc quận Thanh Xuân thành lập đội săn bắt chó nói riêng, nhiều người dân thủ đô cho rằng họ hoàn toàn ủng hộ.

Anh Nam cho rằng, việc bắt chó thả không không rọ mõm là việc làm cần thiết.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nam (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, anh chưa nghe thấy loa phường thông báo về việc lập tổ săn bắt chó trên địa bàn. Tuy nhiên, anh có đọc và tìm hiểu thông tin qua đài báo.

“Tôi thấy chủ trương này là cần thiết. Việc chó thả rông ra đường, không rọ mõm vô cùng nguy hiểm cho người dân nhất là trẻ nhỏ khi bị chó cắn, nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn vô cùng thương tâm, cách đây không lâu ở quận Thanh Xuân cũng có trường hợp một người dân bị chó cắn tử vong.

Người dân cho rằng việc bắt chó thả rông cần phải làm thường xuyên để tránh tình trạng gây dại, nguy hiểm cho mọi người.

Nhiều người chủ không rọ mõm cho chó mỗi khi ra đường đặc biệt là những dòng chó dữ khiến người dân đều sợ. Những lúc như thế tốt nhất tránh xa cho an toàn. Người dân chúng tôi mong muốn chủ trương này sẽ áp dụng rộng rãi cả toàn thành phố và người nuôi chó có ý thức hơn”, anh Nam nói.

Khu ngõ 358 phố Bùi Xương Trạch nơi cách đây 3 tháng có vụ chó Bécgiê cắn chết người đàn ông.

Ông Nguyễn Văn Hùng nhà ở ngõ 358 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân cho biết cách đây 3 tháng chính tại khu ngõ này có trường hợp một người đàn ông bị chó bécgiê cắn tử vong.

“Sau sự việc này nhiều người dân ai cũng sợ hãi. Cách đây 1 tuần phía UBND phường Khương Đình cũng có một tổ đi săn bắt chó thả rông. Tôi cho rằng tổ công tác cần hoạt động mạnh hơn để tránh trường hợp chó thả rông, không tiêm phòng dại gây nguy hiểm cho người dân nhất là đối với trẻ nhỏ”, ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh việc vào cuộc của lực lượng chức năng thì người dân nên có ý thức hơn đối với vật nuôi của mình, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. “Mọi người chỉ cần có ý thức với vật nuôi của mình hơn, khi thả ra đường hay cho chó đi dạo nên rọ mõm tránh trường hợp một số loài chó hung dữ cắn người”, ông Hùng đưa ra lời khuyên.

Chủ chó cắn chết người có thể bị phạt tù đến 5 năm?

Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc chó chạy rông không có người đi kèm hoặc có người đi kèm nhưng không rọ mõm tại nơi công cộng tạo ra những nguy hiểm tiềm tàng cho người khác. Trên thực tế có nhiều trường hợp người dân bị chó cắn gây thiệt hại đến sức khỏe, tiền bạc và không ít trường hợp còn nguy hiểm đến cả tính mạng.

Hiện ở Hà Nội có nhiều chó thả rông, không rọ mõm.

“Ngay cả khi không bị chó cắn, hình ảnh chó chạy rông cũng gây nên sự lo lắng, sợ hãi đối với nhiều người, khiến họ cảm thấy mất an toàn. Bên cạnh đó, thả rông chó cũng gây mất vệ sinh công cộng do chó phóng uế bừa bãi nhưng chủ nuôi không dọn dẹp. Ngoài ra còn tình trạng chó thả rông chạy trên đường gây cản trở hoặc gây tai nạn đối với người tham gia giao thông”, luật sư Thanh nói.

Luật sư cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể, theo Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày ngày 09/01/2007 về phòng, chống bệnh dại ở động vật, chủ nuôi khi đưa chó ra ngoài nơi cộng cộng phải rọ mõm cho chó. Bên cạnh đó, thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quy định: Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Nhiều người dân cho biết, việc bắt chó thả rông sẽ tránh được nguy hiểm cũng như phòng bệnh dại.

“Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Người nào vi phạm quy định trên có thể bị xử lý theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 - 7 - 2017 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, cụ thể là: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”, luật sư Thanh nêu rõ.

Trong trường hợp chó không bị rọ mõm cắn người khác ở nơi công cộng, nơi đông người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe (với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên) thì chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo Điều 295 BLHS 2017 với hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra chủ chó còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật dân sự quy định về “Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra”.

Đầu tháng 11 vừa qua, quận Thanh Xuân, Hà Nội là nơi đầu tiên thí điểm thành lập tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông. Theo thống kê, quận Thanh Xuân hiện có hơn 2.300 con chó trên địa bàn. Tình trạng người dân nuôi chó thả rông, phóng uế bừa bãi phổ biến khiến người dân bức xúc.

Bà Mai Thị Lan Hương, Trạm Thú y Thanh Xuân cho biết, mỗi tổ phản ứng nhanh gồm 5 người, đi xe máy đeo sọt sắt, thòng lọng tuần tra các tuyến đường. Các tổ đã bắt được 9 con chó, xử phạt chủ chó tổng số tiền 6,2 triệu đồng.

Theo bà Hương, khi bắt giữ chó, phía Trạm Thú y Thanh Xuân sẽ thông báo qua loa phường đề nghị chủ sở hữu đến nộp phạt và đem chó về. Sau 72 tiếng, chó không có người nhận sẽ bị tiêu hủy.

Theo bà Hương, hoạt động này nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống, không có xe chuyên dụng và chưa có nơi nhốt chó. Chó bị bắt thường được cho vào rọ sắt, đưa về trụ sở ủy ban phường đợi chủ đến nhận.

Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất