Sắc màu Cuộc Sống

Phận cô đào cải lương Hoa Mỹ Hạnh: Một thời vang bóng, và cuối đời chỉ mong chết đi được chôn cất tử tế

Huy Hậu
Chia sẻ

“Âu cũng là cái duyên, cái số của đời cầm ca, là không nhà trở về lúc đau ốm, không quê hương chôn thân khi tuổi già. Giờ đây, cô chỉ mong ngày chết đi còn có người thương mà chôn cất tử tế, thế là xong. Bởi người đời bảo: Cô là cái nghiệp xướng ca vô loài không phải đúng hay sao?”

“Đời ca hát cho người mua vui 

Nhưng khi cánh nhung khép im lìm

Ánh đèn lặng tắt…

Gởi ai nỗi niềm…” - Kiếp cầm ca.

Một khúc Đêm lạnh chùa hoang.

Hơn 30 năm là bà hoàng trên sân khấu, mỗi đêm kiếm hơn cây vàng tiền hát

Ở cái tuổi 63, không còn ánh đèn sân khấu, không còn hàng vạn khán giả dõi theo mỗi đêm, cô đào Hoa Mỹ Hạnh hằng ngày chỉ lủi thủi lui về trong căn phòng trọ ọp ẹp trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7, TP.HCM). Nhìn khuôn mặt đào Hạnh buồn hiu hắt, ai biết rằng đào từng là ngôi sao, giọng ca vàng của 3 - 4 kép hát nổi danh nhất Nam kỳ lục tỉnh thời trước.

Nhưng rồi, cái nghiệp cầm ca vỡ tan tành. Những năm 80 thế kỷ trước, trước làn sóng du nhập văn hóa Trung Hoa, cải lương dần bị suy thoái. Gánh hát phải rệu rạo dỡ đoàn, nhiều nghệ sĩ một thời vang bóng không còn kiếm ra tiền từ việc cầm ca, đành trở về thành phố. Họ sống lay lắt trong các khu trọ, hoặc ở viện dưỡng lão và mưu sinh trên đường.

Nhưng cái máu hát ca đã ăn sâu vào đào Hạnh lâu lắm rồi, đâu thể nói bỏ là bỏ được. Những đêm Sài Gòn mưa rả rích, đào lại hát. “Tự mình ênh vậy à, chớ nhớ cải lương rồi, là nhớ da diết lắm…” - đào kể.

Nhìn khuôn mặt đào Hạnh buồn hiu hắt, ai biết rằng đào từng là ngôi sao, giọng ca vàng của 3 - 4 kép hát nổi danh nhất Nam kỳ lục tỉnh thời trước.

Năm nhỏ Hiền lên 5, má nhỏ mất. Tang chưa dứt bao lâu, ba nhỏ đã lấy vợ lẻ, đành bán nó lại cho nhà giàu, chịu làm vú em.

Nhỏ Hiền mê ca lắm! Có lần, đoàn cải lương về bến Gò Công, đám bạn chạy qua nhà, gọi í ới: Mày đi theo gặp thần tượng,… mà nhỏ nào có gan trốn việc. Đêm đó, nhỏ Hiền nằm trong chăn, nghe tiếng nhạc văng vẳng đằng xa mà như kiến cắn trong lòng.

Nó đánh liều, lẻn ra ngoài đi xem hát. Buổi diễn nửa đêm, có chàng tên Phước Hồng đóng cái vai chi hay dữ thần, làm nhỏ xem một lần mà tối về ngủ mãi hổng yên. Rồi hôm sau, hôm sau nữa, đoàn cải lương dời bến đi xa, đám bạn thấy nhỏ Hiền đứng trước cửa, thẫn thờ như kẻ mất hồn. Sau lần đó, không ai còn thấy nhỏ quay về làng nữa, người ta bảo: Nó nhảy theo đoàn, theo chàng Phước Hồng từ cái đêm mất ngủ là thật chớ đâu…

Nhỏ Hiền 17 tuổi nhảy xe theo nghiệp hát, rồi kết tóc se duyên cùng chàng Phước Hồng. Hai vợ chồng rày đây mai đó khắp Nam kỳ lục tỉnh, làm vũ công suốt cuộc đời.

Hoa Mỹ Hạnh, Minh Vương, Lệ Thuỷ,… là những tên tuổi cải lương lớn nức lòng người dân thời trước.

Mấy năm sau, trời ban cho họ mụn con gái, đặt tên là Hoa Mỹ Hạnh, ý chỉ vừa đẹp người đẹp nết. Con nhỏ được sinh ra trong đoàn hát, lớn lên cùng kép cải lương, nghe ca nhiều hơn ăn cơm uống sữa… nên năm lên 7 tuổi, nó đã là kép con vang danh cả đoàn.

“Đến 17 tuổi, tuổi đẹp nhất là cô đã thành đào chánh luôn rồi. Hồi đó, ai ở quê cũng mê cải lương cả. Mỗi lần nghe rạp hát về thôi là cả ngàn khán giả ngồi kín luôn. Nhiều đêm, có người đến muộn còn la ó um tỏi vì hết vé. Nghệ sĩ lên sân khấu là họ nhét tiền vô quạt giấy thảy trắng xoá cả một vùng…”.

Ngày ấy, cải lương đạt đến độ cực thịnh, người già người trẻ đàn ông đàn bà đều mê. Đi tới đâu, nghe có danh đào Hoa Mỹ Hạnh, Út Bạch Lan, Lệ Thuỷ, Minh Vương,… là ít nhất cũng ngàn người xem. Người ta ái mộ nét đẹp của đào Hạnh, ở giọng ca ngọt như mía lùi, và cái ray rứt khôn nguôi mỗi lần đứt đoạn ngân vở “Đêm lạnh chùa hoang”.

“Có cậu kia mới 18 tuổi, tối ngày mơ mộng về Hồ Bảo Xuyên nhiều quá, chịu hổng có nổi. Mới hừng sáng đã chạy vô rạp, nằng nặc đòi gặp Hồ Bảo Xuyên. Người ta bảo già rồi, mà anh chẳng chịu tin vì yêu quá. Sau đó, gặp cô, ảnh mời cười cười là em xin lỗi chị, chỉ tại em yêu Hồ Bảo Xuyên quá. Đấy, người dân thương mình đến thế…”.

Với nghệ sĩ, theo nghiệp cầm ca tức là họ chấp nhận kiếp sống trước rày đây mai đó, không nhà, không người thân, không quê hương.

Giờ tất cả chỉ còn là kỷ niệm “một thời vang bóng”, lưu giữ trong những tấm hình.

Với nghệ sĩ, theo nghiệp cầm ca tức là họ chấp nhận kiếp sống trước rày đây mai đó, không nhà, không người thân, không quê hương. Họ tự đùm bọc nương tựa nhau sống qua ngày. Sân khấu là đôi tấm ván lắp ráp đơn sơ, ăn-nằm-ngủ-và hát dưới những con ghe chào bến, và chỉ dừng chân khi tới một vùng quê heo hút không tên, dăm ba hôm lại dời bến đi xa. Thế nhưng, với tất cả, được hát đã là sự mãn nguyện cả đời.

“Có nhiều đêm, cô lời được hơn cả cây vàng, tiền nhiều quá đếm mỏi tay vì được khách ủng hộ. Con tin không? Vàng 4 số 9 mà chất cao, mua luôn căn biệt thự ở Long An, rồi còn cả một chiếc xe con…” - Hoa Mỹ Hạnh nghĩ về ngày trước.

“Vàng 4 số 9 mà chất cao, mua luôn căn biệt thự ở Long An, rồi còn cả một chiếc xe con…” - Hoa Mỹ Hạnh kể.

Cuộc sống đào Hạnh là một khúc ca đau thương mất chồng mất con và cuối đời chờ được chết

Cũng năm đó, trong đoàn Sơn Ca Minh Hải, Mỹ Hạnh đứng chung sân khấu với chàng ca sĩ Minh Hải. Xứng đôi vừa lứa lắm, nên nhanh chóng đào Hạnh cũng chịu nhận lời yêu. Chuyện tình của họ dần dà trôi qua trong kép hát, có với nhau một mụn con trai đầu lòng.

Mỹ Hạnh nhớ: “Ổng đẹp trai nhất cái đoàn! Vừa lãng tự vừa ca hay nữa, biết bao nhiêu bóng hồng theo sau lưng. Thế rồi, ổng cũng sa ngã vào lòng người khác. Mà cô còn ngây dại lắm, làm sao nghĩ xấu cho chồng được. Rồi thằng hậu đài mới bảo: Chị Hạnh ơi chị Hạnh, có chuyện này mấy nay nghĩ hoài mà hổng dám thưa. Em học chị nhưng chị đừng nói anh Hải, tội nghiệp em. Rằng đoàn mình tàn tạ là do ảnh có vợ lẻ ở Tây Ninh…”.

Đào Hạnh nghe xong, đau thấu tận tâm can. Rồi cái hôm hai người cãi vã, đánh nhau,… cô đành chia tay, “vì ổng lấy hết tiền cho cô vợ lẻ, chẳng còn lại được gì”.

Người chồng ngoại tình, cuộc hôn nhân tan vỡ, riêng đào Hạnh còn đứt ruột vì mất đứa con trai 15 tuổi.

Đào dắt con trai sang đoàn khác. Đêm đêm, mẹ hát, con đi phóng loa rao tin cải lương về làng, chắt chiu từng đồng sống qua ngày.

“Tự nhiên nó lên cơn sốt, cứ đắp mền rum rúm. Cô đâu biết bệnh gì, chỉ mua thuốc về cho em nó uống. Thế mà mấy ngày sau, nó nằm rồi đi luôn, hổng thèm nói cho má nghe tiếng nặng tiếng nhẹ. Lúc đưa vô viện, bác sĩ bảo nó bị sốt xuất huyết tận mấy ngày rồi…”

Hôm đó, đoàn dừng ở bến Long Xuyên, người mẹ khóc cạn đành phải “gởi” luôn đứa con ở cái bến vắng ấy, “vì có quê đâu mà đem con về”. Vậy mà, tận 30 năm đào Hạnh mới gặp lại đứa con trai lần nữa.

Đoàn dừng ở bến Long Xuyên, người mẹ khóc cạn đành phải “gởi” luôn đứa con ở cái bến vắng ấy. Vậy mà, tận 30 năm đào Hạnh mới gặp lại đứa con trai lần nữa.

Cải lương thoái trào, đoàn tan rã dần, nghệ sĩ rệu rạo quay về Sài Gòn kiếm kế mưu sinh. Đào Mỹ Hạnh ngày nào giờ cũng lang thang khắp nơi đi làm móng dạo. “Cô lớn tuổi nên bệnh tim tái phát phải vào viện thường xuyên, rồi tiền nhà, tiền nước… chẳng còn dư đồng nào. Bữa Tết, người ta nhắc về quê tảo mộ mà nghĩ tới con mình giờ cỏ đã xanh cao, cô chỉ biết khóc”.

Cách đây 4 năm, được người ta giúp đỡ, Mỹ Hạnh mới có tiền quay về Long Xuyên, mang hài cốt con trai về thành phố, sống với mình những ngày cuối đời.

Với đào Hạnh, nghiệp cầm ca phải chấp nhận khổ đau trắc trở, mà cuộc đời mình cũng là một khúc ca.

Cứ thế, 30 năm ở Sài Gòn, đào Mỹ Hạnh vẫn một thân sống lay lắt. Có những hôm trời mưa rưng rưng, mỏi chân, đào lại nghĩ về thời trẻ. “Hồi đó, để giữ chồng, cô đâm đầu vào phẫu thuật cho đẹp. Giờ đây, silicon đóng cục làm gương mặt chảy xệ. Cô hối hận lắm”.

Nhưng tận sâu đáy lòng, người phụ nữ vẫn chỉ mong một ngày chàng bỗng nhớ về tình xưa nghĩa cũ mà tìm đường quay về. Dù người chồng giờ đã là ong bướm bay xa, Hạnh vẫn chờ. Cô khóc: “Hổng hiểu sao mình còn thương ổng nhiều vậy, vẫn mong quay lại tìm mình nữa cơ chứ. Nhưng mãi…”

Từng phẫu thuật thẩm mỹ để níu giữ chồng, giờ Hoa Mỹ Hạnh cảm thấy hối hận khi gương mặt chảy xệ.

“Khi nào mình đứt dây đàn, cô sẽ vào viện dưỡng lão để chờ chết. Mong còn có người lo an táng cho mình cẩn thận ở đây…”

Chiều buông xuống, đào Hạnh lại ngồi nhớ ánh đèn, nhớ cải lương, nhớ nhỏ Hạnh hào hoa diễm lụa ngày xưa… đào ngâm ca. Một khúc cho mình, một khúc cho phận “bèo dạt mây trôi” của kiếp cầm ca.

- Sau này cô tính sẽ sống như thế nào?

- Tiếp tục gì nữa đâu con. Thế là sắp xong rồi. Khi nào mình đứt dây đàn, cô sẽ vào viện dưỡng lão để chờ chết. Mong còn có người lo an táng cho mình cẩn thận ở đây… Bởi cầm ca làm gì có quê hương! Đào Hạnh bỏ lửng nửa câu, đưa mắt rưng rưng, rồi khóc.

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin mới nhất