Sắc màu Cuộc Sống

Phải làm sao để dẹp nạn trộm cướp ở TP HCM?

Chia sẻ

Trộm cắp, cướp giật ở TP HCM xảy ra như cơm bữa. Chính quyền quyết dẹp nạn cướp giật ra sao? Người dân và các chuyên gia hiến kế hàng loạt giải pháp.

Người dân TP HCM cứ ra đường là nơm nớp lo sợ bị cướp giật, vấn nạn nhức nhối này tồn tại lâu nay ở TP HCM.

Trộm cắp hết hoành hành khu dân cư tung hoành ngoài đường phố. Tình trạng này biết bao giờ mới chấm dứt?

Ước một ngày ra đường không khư khư giữ đồ

Chị Huỳnh Ngọc Phương Loan (quận 3, TP HCM) kể chuyện từng tận mắt chứng kiến một vụ cướp nói: “Thật đáng sợ. Cướp giật ngày càng lộng hành, bây giờ chỉ còn cách tự bảo vệ mình. Ra đường ở Sài Gòn, người dân không nên đeo vòng, vàng, cầm smartphone hay túi xách gì hết là chắc ăn nhất”.

Theo Đại úy, Thạc sĩ Trần Thị Hương (Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm) ý thức tự bảo vệ tài sản của người dân là rất quan trọng. Nhiều người còn rất sơ hở trong khi thủ đoạn của những người trộm cắp thì ngày càng tinh vi.

Nhưng tại sao cứ phải như thế? Hàng loạt ý kiến của cư dân Sài Gòn cho rằng để TP trở thành nơi đáng sống thì phải làm sao để khi người dân bước chân ra đường, không còn cảnh phải lo lắng bị “cướp ở đường, trộm ở nhà”.

Tromcuop

Tên cướp táo tợn trên đường ở TP HCM đã bị công an và người dân bắt giữ.

Theo chị Phương Loan, chính quyền cần phải có nhiều biện pháp mạnh hơn nữa như tăng cường lực lượng cảnh sát ngầm, dân phòng, bảo vệ trên đường phố để người dân cảm thấy yên tâm hơn.

“Tôi đã từng đi du lịch ở Bangkok, Thái Lan. Tôi cảm thấy đường phố ở bên đó rất an toàn, mình có thể sử dụng điện thoại, đeo túi xách thoải mái ở ngoài đường mà không sợ cướp giật. Ước sao có một ngày ở TP HCM cũng có thể tự do thoải mái như vậy” - chị Phương Loan bộc bạch.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở TP HCM mới đây đã chỉ đạo phải kiên quyết hơn trong công tác phòng chống tội phạm.

Nhiều giải pháp được người dân TP HCM đưa ra: lắp camera chống trộm, tăng cường lực lượng cảnh sát tuần tra…

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, có thể xã hội hóa việc lắp đặt hệ thống camera chống trộm, vận động, khuyến khích người dân có điều kiện lắp camera chống trộm ở địa bàn dân cư, vừa bảo vệ nhà, vừa bảo vệ khu phố.

Bên cạnh đó, theo Th.S Trần Thị Hương, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường tuần tra ở những khu vực thường xảy ra tình trạng mất trật tự an ninh và vào những thời điểm mà người dân thường ít khi có ở nhà.

LS Nguyễn Văn Hậu đề xuất ngành công an nên thường xuyên mở những cuộc ra quân nhằm xóa bỏ triệt để tệ nạn trộm cắp, cướp giật.

“Cơ quan Công an có thể phối hợp với các lực lượng bảo vệ ở các tòa nhà, khu dân cư, khu mua sắm, các cơ quan đơn vị. Nếu chỉ tung lực lượng công an ra thì không thể bao quát hết được, một cảnh sát không thể thường xuyên đi tuần hết mấy trăm hộ dân, phải dựa vào sức dân” - LS Hậu nói.

Theo LS Hậu, một biện pháp khác là đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân cùng tham gia bảo vệ an ninh, tăng cường mối liên hệ giữa cơ quan công an và người dân.

Ngoài ra cũng phải xử phạt thật nghiêm hành vi trộm cắp, cướp của, có thể thường xuyên tổ chức các phiên xử lưu động án trộm cướp. 

Tiến sĩ (TS) Lê Nguyên Thanh - trưởng bộ môn tội phạm học, khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP HCM cho rằng việc chặn đứng những địa chỉ tiêu thụ sản phẩm trộm cắp cũng rất quan trọng. Kẻ trộm không có nơi tiêu thụ thì cũng chẳng trộm làm gì.

Giải pháp lâu dài

Theo TS Lê Nguyên Thanh, giải pháp chống trộm cắp phải đến từ hai hướng, hướng giải pháp về con người và hướng giải pháp về môi trường, tình huống dẫn đến trộm cắp. Trong đó, giải pháp về con người là giải pháp mang tính lâu dài.

TS Lê Nguyên Thanh phân tích, nguyên nhân phạm tội có nhiều loại nhưng phổ biến nhất vẫn là để thỏa mãn những nhu cầu, điều kiện vật chất.

Có thể nhu cầu vật chất đó là để đáp ứng cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhưng cũng có thể là để đáp ứng những nhu cầu phát sinh từ các tệ nạn như cờ bạc, ma túy ,…

“Trộm cắp có thể là do không có công ăn việc làm, không có thu nhập, không có ý thức đạo đức, ý thức pháp luật. Cho nên giải pháp lâu dài là giải quyết vấn đề công ăn việc làm và nâng cao ý thức cho người dân, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho người dân cũng như công tác quản lý. Bên cạnh đó cũng cần giải quyết dứt điểm những tệ nạn như cờ bạc, ma túy” - TS Lê Nguyên Thanh nhận định.

Một số biện pháp phòng tránh trộm “ghé thăm” nhà

Theo TS Lê Nguyên Thanh, người dân cần cẩn trọng, không nên chủ quan lơ là để phòng tránh trộm “ghé thăm nhà”.

Một số biện pháp phòng tránh như trang bị ổ khóa hiện đại, hệ thống chống trộm, chống đột nhập. Tuy một số tên trộm “cao thủ” vẫn có thể bẻ các loại khóa cao cấp nhất nhưng ít ra cũng sẽ kéo dài thời gian đột nhập, làm nản lòng đối tượng có ý định phạm tội.

Bên cạnh đó, trong xây dựng nhà cửa cũng cần chú ý khắc phục những lỗi có thể khiến kẻ gian đột nhập như lỗ thông gió, nhà vệ sinh…

Ngoài ra cũng cần cảnh giác với các đối tượng xung quanh, người làm, láng giềng có biểu hiện lạ, có tiền án tiền sự trộm cắp.

Chia sẻ
Tin mới nhất