'Phải có phong bì' - Định kiến xã hội khó thay đổi một sớm một chiều

Chia sẻ

Một bác sĩ trải lòng về vấn nạn phong bì trên mạng xã hội đã một lần nữa khơi lại câu chuyện tưởng như quá cũ nhưng lúc nào cũng mới: chiếc phong bì có phải là nguyên nhân của vấn nạn “đầu tiên- tiền đâu”?

Vấn nạn này dường như đã ngấm vào cách hành xử của bất cứ người dân nào khi đến bệnh viện, nơi công quyền, thậm chí là cả trường học. Bạn đã bao giờ vướng vào vấn nạn này chưa? Nếu đặt câu hỏi này cho bất cứ một độc giả nào, chắc chắn sẽ có quá nửa câu trả lời là có. Chỉ có điều, người thì nói ra, người thì không.

Cái lệ mặc nhiên này trở thành luật bất thành văn khi đến bất cứ một nơi công quyền nào. Thậm chí, nếu ai không hiểu luật còn bị cho là kém nhạy bén, kém ứng xử. Thế nên câu chuyện, sau chuyến vi hành của Bộ trưởng Tiến, Hội đồng kỷ luật Bệnh viện K Trung ương đã quyết định kỷ luật đối với 2 cán bộ, nhân viên vì vi phạm quy định chuyên môn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

160517-xahoi2

Bệnh viện quá tải, y bác sỹ quá tải và lượng bệnh nhân ngày một đông khiến tâm lý “phải đưa phong bì” dần trở thành định kiến xã hội nặng nề

Câu chuyện bắt đầu từ 2 trường hợp sai phạm được bệnh nhân Vũ Thị Huyền, 27 tuổi (Hưng Yên) phản ánh với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi kiểm tra đột xuất cơ sở Quán Sứ, Bệnh viện K Trung ương vào giữa tháng 4 vừa qua. Bộ trưởng đã yêu cầu ban lãnh đạo bệnh viện làm việc với người tố cáo để điều tra thực hư vụ việc.

Theo phản ánh của bệnh nhân Huyền, bác sĩ Đào Thanh L., khoa Chẩn đoán hình ảnh và hộ lý Lê Thị H., nhân viên hợp đồng khoa Nội soi - Thăm dò chức năng có hành vi thu tiền của người bệnh trái quy định.

Ngay sau đó, Giám đốc Bệnh viện K đã đề nghị Thanh tra nhân dân và các phòng chức năng xác minh vụ việc. Kết luận cho thấy, bệnh nhân phản ánh đúng sự thật.

Việc xử lý kỷ luật và hành động quyết liệt của tư lệnh ngành Y tế cho thấy sự quyết tâm dẹp vấn nạn bấy lâu làm “rầu” ngành y. Thế nhưng, liệu một sự việc, một hành động này có thực sự đủ sức mang tính cảnh báo cho toàn xã hội và cho những người đang được nhân dân trao quyền trong tay.

Thế nên, câu chuyện chia sẻ của bác sĩ N.M.H công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội và đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề đã làm dậy sóng mạng xã hội khi anh chia sẻ: “Điều đầu tiên tôi phải khẳng định. Đúng! Chúng tôi làm việc tất nhiên vì tiền.

Sẽ chẳng có người bán hàng nào vì tôi là bác sĩ mà không lấy tiền bỉm tiền sữa của con tôi. Cũng chẳng có một siêu thị nào sử dụng thẻ hành nghề bác sĩ của tôi thay cho việc trả tiền bằng thẻ ngân hàng”.

Y tế là một lĩnh vực làm việc đầy áp lực, từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, đến hàng trăm giờ thực hành trước khi được tốt nghiệp. Một ngày làm việc của bác sĩ có thể kéo dài hơn 8 tiếng, nhiều hôm phải trực đêm, đang ngủ cũng phải lao đến bệnh viện vì cấp cứu. Công việc vất vả như vậy không phải ai cũng có thể thấu hiểu và chia sẻ được.

160517-xahoi1

Nhiều y bác sỹ cho rằng người ngoài nghề không thể thấu hiểu hết những nỗi vất vả và áp lực nghề nghiệp kinh khủng mà họ phải “gồng gánh” trên vai

“Tôi viết ra những dòng này không phải để biện bạch cho bản thân không phải để giải thích với các bạn. Mà tôi viết ra chỉ để các bạn hiểu rõ hơn về chúng tôi, hãy đồng cảm chia sẻ và bớt khắt khe với chúng tôi hơn. Sự tin tưởng của các bạn chính là động lực để chúng tôi phấn đấu mỗi ngày”- vị bác sĩ chia sẻ.

Quả đúng vậy, chuyện cái phong bì cũng có nhiều mặt của nó. Nếu là để bày tỏ sự hàm ơn và cảm tạ người đã giúp đỡ mình thì có thể chấp nhận được, còn chuyện mưu lợi, muốn “được việc” và để công việc được giải quyết nhanh chóng thì lại là việc đáng lên án. Tuy nhiên ranh giới giữa hai việc này rất mong manh.

Cần nhìn nhận việc đưa và nhận phong bì dưới khía cạnh đạo đức. Bởi nếu vì mục đích mưu lợi, thì người nhận khi nhận phong bì, vô hình chung, sẽ chia đối tượng phục vụ của mình ra làm hai nhóm: nhóm có tiền được phục vụ tốt hơn; nhóm không có tiền sẽ không được đối xử bình đẳng. Chỉ khi nào mỗi người đều làm nhiệm vụ của mình một cách tự nguyện, tự giác thì chuyện cái phong bì như vậy mới đi vào dĩ vãng.

Đúng là khó có thể nói không với vấn nạn này dù ai cũng biết, nó không đẹp. Nhưng xét dưới khía cạnh nào đó, tiền lót tay cũng không xấu đến mức như người ta nghĩ. Hãy cứ hình dung, một bác sĩ ngoại khoa đứng phẫu thuật hàng tiếng đồng hồ để giành giật lại sự sống cho người thân của mình thì có nên bồi dưỡng cho họ.

Tuy nhiên, nếu dựa vào những đặc quyền mình được xã hội đưa cho để vòi vĩnh trắng trợn thì thực sự đó là hành động đáng lên án. Thậm chí đó còn phải liệt vào hành động vô văn hóa, vô đạo đức. Những con sâu này đã làm hỏng hình ảnh của nhiều ngành nghề đáng quý trong xã hội. Cần phân biệt rõ sự kính trọng, sự biết ơn trước một việc làm của ai đó với sự ép buộc, dùng quyền lực bắt họ phải đưa tiền.

Các xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo, đi học để phấn đấu làm quan, làm quan là để ăn lộc dân. Xưa nay, nhìn nhận thức tế, làm quan (nhìn rộng ra có thể là người làm Nhà nước) ngoài chuyện thực hiện nghĩa vụ với nhà nước theo đúng nghĩa vụ và được nhận tiền công thì bên cạnh đó, họ còn có khoản thu không chính thức khác mà dân gian thường gọi là Lộc.

Thế nên, cụm từ quan lộc thường đi đôi với nhau hoặc dân gian có câu: Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ. Có điều nhiều người như mặc định ngầm, chuyện lót tay là chuyện đương nhiên. Cũng có quy định nhận như thế nào là đúng mức, nhận quá đi thì mới gọi là tham nhũng nhưng ranh giới đó cũng rất khó.

Vấn nạn tiền lót tay đã ngấm từ đời này đến đời kia và đã mặc định trở thành tập quán văn hóa. Mà khi đã là tập quán thì người ta ít bàn đến chuyện đúng hay sai, đánh giá nó dưới góc độ đạo đức xã hội.

Cũng có góc nhìn nữa cần bàn đến, đó là lương của những công chức thường không đủ đáp ứng cuộc sống nên khi có cơ hội kiếm thêm thu nhập thì khó có thể cưỡng lại chuyện lấy tiền lót tay.

Vậy nên để giải quyết cơ bản vấn nạn này, cần phải nâng cao đời sống của chính các công chức Nhà nước. Người nhận kiên quyết từ chối thì người đưa làm sao thực hiện được hành vi của mình.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất