Sắc màu Cuộc Sống

Ô tô bị dẫm bẹp nóc ở Vũng Tàu: Sự vô ý thức của 'kẻ giàu' và 'người nghèo'

My An
Chia sẻ

Sự vô ý thức hay lối sống văn minh không phụ thuộc vào việc chúng ta là ai? Chúng ta làm gì, sang hay hèn, giàu hay nghèo?... Nó phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người!

Kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua cộng đồng mạng xôn xao với tin tức “mở hàng” về lễ hội âm nhạc EDM miễn phí ở thành phố biển Vũng Tàu. Vốn dĩ lễ hội âm nhạc này cũng sẽ chỉ bình thường như hàng trăm sự kiện văn hoá trải khắp cả nước trong ngày Quốc Khánh. Nhưng nó đã lập tức chiếm “spotlight” giữa vô vàn tin tức bởi hành động “say” nhạc đến mức huỷ hoại tài sản của người khác của một số khán giả tham gia chương trình này.

Biển người ở Lễ hội âm nhạc EDM Vũng Tàu.

Theo đó, chương trình ca nhạc miễn phí thu hút hàng trăm nghìn khán giả này được tổ chức ở một quảng trường rất rộng lớn ngay trung tâm thành phố. Giữa biển người đang đứng trong khu vực cấm xe, bỗng nhiên xuất hiện một chiếc ô tô cũ kỹ chiễm chệ nằm đó. Những khán giả chới với giữa biển người như vớ được “chiếc phao” giúp họ có view đẹp nhìn lên sân khấu dễ dàng hơn. Và thế là, nhân lúc chủ xe không ở đó, hàng chục nam thanh nữ tú thản nhiên trèo lên nóc xe nhún nhảy, quay cuồng theo điệu nhạc mà không quan tâm chiếc xe cũ đang oằn mình chống đỡ.

Hình ảnh này sau khi được lan truyền trên mạng xã hội, những bạn trẻ trèo lên nóc xe đã phải nhận rất nhiều chỉ trích từ dư luận về sự hồn nhiên, vô ý thức của mình. Văn minh nơi công cộng là câu chuyện xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Thể hiện sự văn hoá, văn minh nơi công cộng là điều mà chúng ta vẫn hô hào mỗi ngày nhưng không phải ai cũng có thể nhận thức được điều đó.

Vì chiếc xe mang lại view đẹp nên rất nhiều người thản nhiên trèo lên nóc xe.

Nhún nhảy theo điệu nhạc trên nóc chiếc xe ô tô của người khác không thương tiếc.

Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều bạn trẻ hay lên tiếng chê bai hành động của người khác, nhưng lại không ý thức được việc mình làm gây khó chịu, thậm chí là thiệt hại về tài sản cũng như con người cho những người xung quanh mà cụ thể ở đây là chủ nhân của chiếc xe và chính chiếc xe tội nghiệp này.

Những bạn trẻ vô tư leo lên nóc xe ô tô rồi nhún nhảy có lẽ đều mang chung một suy nghĩ trong đầu rằng: “À, mấy người kia đều trèo lên nên chắc mình cũng leo lên được.”. Và thế là một sự hồn nhiên theo dây truyền từ người này sang người kia mà không một ai mảy may nghĩ rằng mình đang vô tư phá hoại tài sản của người khác. Những bạn trẻ này chưa hẳn là người vô văn hoá, vô ý thức. Họ thiếu sót về nhận thức và ở thời điểm tâm trí chỉ hướng về sân khấu, âm nhạc và ánh sáng, cộng với tâm lý “bầy đàn” đã dẫn đến một hành động vô tư khó chấp nhận.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong số những nam thanh nữ tú kia? Hãy nhìn cái chống tay bất lực của một người đàn ông được cho là chủ xe dưới đây để thấy rằng, những kẻ phá hoại kia đã biến mất rất nhanh vào đám đông ngàn người thoái thác trách nhiệm rồi. Bắt đền ai bây giờ?

Việc để xe sai luật, vô ý thức đã khiến người đàn ông này phải chịu hậu quả nặng nề hơn sự tưởng tượng của chính anh ta.

Ở một góc độ khác của câu chuyện, nhiều người thắc mắc vì sao giữa khoảng trống hàng nghìn người đi bộ bỗng nhiên xuất hiện duy nhất một chiếc ô tô, lại ở một vị trí khá gần sân khấu?

Theo một nguồn tin riêng của Saostar, trong khuôn khổ tổ chức chương trình ca nhạc, Công an thành phố Vũng Tàu đã có công văn về việc chặn các phương tiện giao thông trên tuyến đường Thuỳ Vân, Hoàng Hoa Thám. Theo đó, nhằm đảm bảo ANTT, TTATGT trong thời gian diễn ra chương trình, Công an thành phố Vũng Tàu đã chặn các tuyến đường Thuỳ Vân - Nguyễn Chí Thanh, Thuỳ Vân - Phó Đức Chính, Thuỳ Vân - Phan Chu Trinh, hẻm 81 Thuỳ Vân, Hoàng Hoa Thám - Tô Hiệu, Hoàng Hoa Thám - Võ Thị Sáu. Và chủ nhân của chiếc xe này cũng đã được lực lượng chức năng yêu cầu rời đi.

Điều này có nghĩa là chủ nhân chiếc ô tô đã đỗ xe ở một nơi cấm. Và điều này cũng có nghĩa là “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”. Những “người nghèo” đi xem nhạc miễn phí vô ý thức mà “người giàu” đi ô tô cũng có hành động vô ý thức. Chúng ta đi ô tô không có nghĩa là được quyền vi phạm quy định của cơ quan chức năng. Và một chiếc xe dừng đỗ vi phạm quy định cũng không có nghĩa là ta được quyền “xử lý” bằng cách leo trèo, nhún nhảy lên nó. Để rồi khi những hình ảnh xấu xí này được chia sẻ, cư dân mạng tranh cãi qua lại xem ai đúng ai sai.

Có lẽ chẳng “phe” nào đúng trong trường hợp này. Sự văn minh nơi công cộng có được không phụ thuộc vào việc chúng ta là ai. Nó phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người.

Chia sẻ

Bài viết

My An

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất