Sắc màu Cuộc Sống

Nữ Tiến sĩ hai lần từ chối làm Thứ trưởng

Theo Tuổi Trẻ
Chia sẻ

"Tôi không quan tâm đến chức vụ mà tôi quan tâm đến công việc của mình, làm sao để có thể cống hiến được nhiều nhất mới là quan trọng". Tiến sĩ Lê Xuân Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường Sư phạm mẫu giáo trung ương 3, tâm tình với Tuổi Trẻ như thế.

Bà Hồng (con gái của nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh) đã 2 lần từ chối làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT vì quan điểm đó.


Trong căn nhà nhỏ ở khu cư xá Bắc Hải, Q.10 (TP.HCM), bà mở đầu câu chuyện bằng hồi tưởng:

- Tôi sinh ra ở xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Cả thời ấu thơ, tôi sống với ông ngoại và các cậu vì ba má đi kháng chiến. Thời đó chiến tranh ác liệt, tôi chỉ được đi học đến lớp 3 rồi nghỉ.

Đến khi 13 tuổi, tôi được đưa ra miền Bắc và học tiếp tiểu học. Hết bậc THPT, tôi có tên trong danh sách đi Liên Xô học ĐH sư phạm ngành tâm lý giáo dục trẻ em trước tuổi học.

Năm 1978 tôi về nước và nhận giấy phân công về làm giảng viên Trường Sư phạm mẫu giáo trung ương 3 (nay là Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM).

Thời ấy, đất nước vừa mới hòa bình, khó khăn trăm bề, chúng tôi cứ ban ngày lên lớp giảng bài, ban đêm về nhà dịch tài liệu và biên soạn giáo trình giảng dạy.

Thời ấy, học viên cũng ngang tuổi với cô giáo nên rất thân tình và hỗ trợ lẫn nhau. Tôi hăm hở không chỉ trong công tác chuyên môn mà còn xông xáo trong công tác phong trào, dẫn sinh viên đi thâm nhập thực tế, đi kiến tập rồi thực tập - không chỉ ở TP.HCM mà còn đi các tỉnh xa như Bình Dương, Đồng Nai…

Có lẽ vì vậy mà bà nhanh chóng được đề đạt làm hiệu trưởng Trường Sư phạm mẫu giáo trung ương 3?

Không đâu, 11 năm làm giảng viên, tổ trưởng chuyên môn, năm 1989 tôi được đề đạt làm Hiệu phó. Năm 1992 mới được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Cũng cần nói thêm là tôi không thích lên hiệu trưởng. Thời kỳ đó trường chúng tôi xảy ra mâu thuẫn nội bộ mà nguyên nhân sâu xa chính là cái ghế của người đứng đầu.

Thậm chí, tôi đã xin chuyển công tác sang một trường khác, chuyển sang chỉ để làm giảng viên chứ không làm cán bộ quản lý nhằm tránh những áp lực về tinh thần.

Rồi sau đó, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Trần Chí Đáo làm trưởng đoàn đã vào trường tôi, bỏ phiếu bầu Hiệu trưởng.

Tôi còn nhớ anh Trần Chí Đáo đã công bố kết quả bỏ phiếu đồng thời hỏi tôi trước cuộc họp: “Tập thể đã tín nhiệm cô như vậy, cô có nhận nhiệm vụ không?”.

Lúc ấy tôi đã trả lời rằng: “Nếu hỏi nguyện vọng của cá nhân tôi rằng có muốn làm hiệu trưởng không? Tôi sẽ trả lời ngay: hoàn toàn không có.

Nhưng tập thể đã tín nhiệm tôi, vì trách nhiệm của Đảng viên, tôi sẽ nhận nhiệm vụ. Tôi mong mọi người hãy hỗ trợ cho tôi vì tôi còn non nớt lắm. Nhận nhiệm vụ hiệu trưởng là một sự mạo hiểm nhưng tôi hứa sẽ cố gắng hết mình”.

Bà Lê Xuân Hồng và 'đàn con' của mình

Rồi đến khi nào bà được đề đạt làm Thứ trưởng?

Cuối năm 1996, anh Trần Hồng Quân là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ đã ngỏ ý kêu tôi về làm thứ trưởng. Và tôi đã từ chối.

Nhưng sau đó, khi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, tôi lại nghe Bộ GD-ĐT tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để tôi giữ chức Thứ trưởng. Tôi vội vàng gọi điện cho ba tôi nhờ ba can thiệp để tôi không phải làm Thứ trưởng.

Sau này, khi anh Nguyễn Minh Hiển lên làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, anh cũng kêu tôi ra làm Thứ trưởng phụ trách bậc học mầm non nhưng một lần nữa tôi lại từ chối.


Tại sao bà không nhận một vị trí mà nhiều người mơ ước?

Tôi hiểu rất rõ bản thân mình. Tính tôi thẳng thắn, đã không nhận việc gì thì thôi, khi đã nhận phải làm hết sức mình và ít nhiều phải có hiệu quả. Nói ra có vẻ sáo rỗng nhưng thực sự trong lòng tôi luôn tâm niệm rằng nếu không có Đảng và Nhà nước, tôi chỉ là một đứa trẻ thất học.

Nhờ Đảng và Nhà nước mà tôi được học hành đàng hoàng, học đến nơi đến chốn. Tôi nguyện sẽ làm việc hết sức mình để trả ơn cho Đảng và Nhà nước, không nề hà bất cứ việc gì.

Tôi biết làm thứ trưởng thì sẽ gặp phải nhiều chuyện phức tạp mà bản thân tôi sẽ khó dung hòa được. Như thế công việc khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Chắc mọi người đã rất bất ngờ với quyết định của bà?

Đúng rồi, bạn bè bảo tôi đi làm chuyện ngược đời: người ta nhờ ba mình để được thăng quan tiến chức, còn tôi nhờ ba mình để không phải thăng quan tiến chức.

Bà nghĩ như thế nào về việc chạy quyền chạy chức?

Thời còn trẻ, tôi không tin có việc này nhưng khi đã có sự trải nghiệm của cuộc đời, tôi mới thấm thía rằng vì quyền vì chức mà người ta bất chấp tất cả, đạp đổ cả những mối thâm tình đã được gầy dựng mấy chục năm.

Vì tiền tài, địa vị, danh vọng mà người ta sống bất chấp, sống vô cảm không còn tình, còn nghĩa gì nữa. Thật kinh khủng!


Ngày xưa, khi bà còn làm hiệu trưởng, nhiều người đã rất ấn tượng với hình ảnh một cán bộ quản lý giáo dục miệng nói tay làm, lúc nào cũng bận rộn. Bây giờ, hình như bà vẫn bận rộn?

Trước khi nghỉ hưu, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ tiếp tục làm thêm việc gì nữa. Làm nhiêu đó đủ rồi, nghỉ hưu là dành thời gian cho gia đình. Nhưng rồi có một chuyện hết sức tình cờ của gia đình, run rủi cho tôi thành lập trường mầm non tư thục ở Q.9.

Tôi năm nay đã 68 tuổi, hằng ngày tôi bắt đầu một ngày mới vào lúc 4h45 với việc tập thể dục, học tiếng Anh, làm một số việc lặt vặt trong nhà rồi đi làm.

Trên đoạn đường từ nhà tôi ở Q.10 đến trường mầm non (trú đóng trên địa bàn Q.2 và Q.9), chúng tôi sẽ đón một số học sinh mầm non có nhu cầu đi xe đưa rước.

Tôi vừa làm chủ trường vừa làm hiệu trưởng, vất vả đấy nhưng cứ nghe những tiếng kêu ngọt lịm “Bà ơi”, nhìn những ánh mắt trong veo, ngây thơ và hồn nhiên của học sinh mầm non trong trường, tôi lại thấy cuộc đời thật đẹp và ý nghĩa biết bao.

Tôi có nghe nhầm không: bà vẫn tự học tiếng Anh?

Đúng rồi! Tôi học để đáp ứng công việc hiện tại của mình. Do vài năm gần đây trường tôi có sinh viên Đan Mạch đến học tập, tôi phải biết tiếng Anh để tiếp xúc và học hỏi từ các em ấy.

Bà vẫn còn nặng nợ với ngành giáo dục mầm non?

Về cuộc sống riêng tư, tôi hài lòng với gia đình có con cháu sum vầy tại căn nhà nhỏ do Nhà nước cấp cho má tôi ở khu cư xá Bắc Hải này.

Nhưng về nghề nghiệp, tôi vẫn còn nhiều trăn trở: xã hội nói chung, phụ huynh nói riêng đã có cái nhìn tích cực hơn về ngành giáo dục mầm non, nhưng giáo viên mầm non vẫn còn gian truân lắm.

Nhất là công tác đào tạo giáo viên mầm non, hiện có nhiều nơi đào tạo, nhiều trường đào tạo nhưng chương trình đào tạo ở nơi này, nơi nọ vẫn còn nhiều khiếm khuyết.

Khi giáo sinh ra trường đi làm, các trường mầm non phải đào tạo lại, nếu hiệu trưởng không “cứng tay”, rất dễ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc, gây bức xúc cho xã hội.

Thêm một điều trăn trở nữa: các trường sư phạm hiện nay không chọn được người thực sự yêu trẻ, thực sự yêu nghề giáo. Nhiều cô giáo mầm non chỉ coi nghề này như một nghề để kiếm sống chứ không yêu, không sống chết với nó.

Thế nên mới có chuyện bạo hành trẻ. Chứ cô giáo mầm non mà biết lấy sự tiến bộ của trẻ làm niềm vui cho mình, thấy mình có sự đóng góp cho xã hội… thì tốt quá rồi.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Tuổi Trẻ

Tin mới nhất