Sắc màu Cuộc Sống

Nụ cười lạc quan của tài xế Grab 58 tuổi và chuyện chưa từng kể khi phải bán trâu hỗ trợ hộ nghèo để cứu con bạo bệnh

Định Nguyễn
Chia sẻ

Dù gần 60 tuổi nhưng ông Hoàng Văn Việt (58 tuổi, ở Giao Thuỷ, Nam Định) chưa một ngày nghỉ ngơi. Hằng ngày ông rong ruổi khắp tuyến đường Hà Nội làm nghề xe ôm Grab, lúc ship hàng… để kiếm tiền gửi về quê lo cho người con trai 15 tuổi bị tim bẩm sinh, bệnh song thị.

Cặp vợ chồng khánh kiệt phải bán cả trâu hỗ trợ hộ nghèo lấy tiền cứu con bị tim bẩm sinh

Cứ đều đặn mỗi ngày, ông Hoàng Văn Việt (58 tuổi, ở xóm 8, xã Giao Lạc, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) thức dậy từ rất sớm để chạy Grab. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài với công việc dù nắng mưa, gió rét…

Có lẽ chuyện về gia đình ông Việt sẽ chẳng mấy ai biết đến nhưng mới đây trên mạng xã hội lan truyền về hoàn cảnh của người đàn ông này. Ông có người con trai 15 tuổi bị tim bẩm sinh, mắc bệnh song thị… sức khoẻ ốm yếu. Để lo cho con, người cha này đã làm đủ thứ nghề nhưng ông luôn lạc quan và cố gắng để vợ con có cuộc sống tốt đẹp nhất.

Hằng ngày ông Việt luôn bắt đầu công việc từ sáng sớm.

Ngồi chờ khách sau khi giao một chuyến hàng từ phố Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sang phố Trung Kính, ông Việt tranh thủ uống cốc nước chè rồi rít một hơi thuốc lào thật sâu. Khuôn mặt gầy guộc đầy nếp nhăn đen sạm nhưng ông Việt vẫn luôn nở nụ cười tươi cùng tinh thần lạc quan. Ông cầm chiếc điện thoại lướt xem khách đặt vận chuyển.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Việt kể quê gốc ở huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định nhưng lớn lên ở xã Minh Tiến, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Sau này ông công tác trong quân đội ở lĩnh vực bảo mật rồi làm việc tại tỉnh Hà Giang. Trong suốt 13 năm ở đây, ông có yêu một cô gái nhưng hai người không thể đến được với nhau.

“Thế nhưng tôi và cô ấy trót lỡ có với nhau một người con gái sinh năm 1982 tên là Hoàng Thị Quế. Hồi bấy giờ tôi mới đang công tác tại đây được khoảng 2 năm thì người yêu sau khi sinh đã đến trao con cho tôi. Cô ấy giao con lại cho tôi rồi đi biệt từ đó, sau này tôi không còn tin tức gì nữa”, ông Việt nhớ lại.

Ông Việt một mình chăm sóc con gái nhỏ tại đơn vị cho tới khi con gái được hơn 10 tuổi, ông xuất ngũ về quê Yên Bái sinh sống. Vì thương và sợ con thiệt thòi nên ông không lấy vợ để lo cho tới khi con yên bề gia thất. Năm 2002, sau khi con gái lấy chồng, ông Việt mới nghĩ đến chuyện tìm riêng cho mình một mái ấm. Một năm sau ông lập gia đình cùng bà Cao Thị Mai (nay đã 52 tuổi, quê gốc ở huyện Giao Thuỷ, Nam Định).

Đôi bàn tay chai sạn gió sương của người tài xế này.

Một năm sau khi kết hôn, vợ chồng ông Việt sinh được người con trai tên là Hoàng Cao Ánh. Lúc này ông Việt đã 43 tuổi. Ánh sinh ra kháu khỉnh đáng yêu như những đứa trẻ khác. Thế nhưng khi được 3 tháng tuổi vợ chồng ông Việt thấy Ánh xanh xao, người tím ngắt cùng nhiều biểu hiện bất thường nên vội đưa con đi bệnh viện.

“Các bác sĩ nói con tôi bị tim bẩm sinh. Tôi ngây ngô không biết tim bẩm sinh là gì, tôi hỏi mấy người nhưng không ai nói. Con nằm viện trường kỳ từ ngày này qua ngày khác sức khoẻ yếu. Vợ tôi suy sụp lắm nhưng dù buồn tôi cũng luôn động viên vợ cố gắng”, ông Việt nói.

Bức ảnh ông Vệt chụp cùng người con trai mắc bệnh tim bẩm sinh. Dù đã 15 tuổi nhưng Ánh nặng chưa đầy 30kg.

Lo cho con đi bệnh viện khiến kinh tế vợ chồng ông Việt ngày thêm khánh kiệt, trong nhà không vật dụng gì đáng giá. Cuối năm 2005 kinh tế cạn kiệt thì vợ chồng ông Việt được Phòng thương binh xã hội của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái hỗ trợ, giao cho hộ nghèo bền vững như gia đình ông một con trâu làm vốn. Khi trâu lớn sinh con, sẽ giao trả lại con trâu cho dự án.

“Hồi bấy giờ con bệnh nặng như thế vợ chồng không thể đi làm được, tiền bạc trong nhà không có một đồng. Cực chẳng đã tôi bí bách quá đành phải bán con trâu dự án hỗ trợ để cứu con. Sau tôi đã lên Phòng thương binh xã hội trình bày hoàn cảnh gia đình mình. Lúc này mọi người cũng hiểu cho. Gia đình tôi khó khăn nên phía dự án sau này cũng tuyên bố xoá nợ cho gia đình tôi”, ông Việt ngậm ngùi nhớ lại tháng năm khốn khó.

“Tôi còn khoẻ ngày nào thì còn cố gắng, với tôi gia đình luôn là số một”

Con trai được 2 tuổi người ốm yếu, thường xuyên bị viêm phổi, vợ chồng ông Việt bàn tính chuyện cả gia đình vào Gia Lai sinh sống lập nghiệp. Khi vào đây, vợ chồng ông gửi con cho người thân rồi đi hái tiêu, cà phê thuê kiếm tiền sống qua ngày.

Thế nhưng căn bệnh tim bẩm sinh của Ánh mỗi ngày một nặng thêm. Khi con lên 4 tuổi, vợ chồng ông Việt lại ôm con ra Bệnh viện Việt Đức chữa trị. Tại đây các bác sĩ tư vấn sang Bệnh viện Bạch Mai để con được mổ tim một cách tốt nhất. Con trai ông trải qua ca phẫu thuật mổ tim vào cuối năm 2008 và năm đó cả gia đình ăn Tết tại bệnh viện.

Ông Việt làm nghề tài xế Grab được hơn 1 năm nay.

Cho tới nay, Hoàng Cao Ánh đã trải qua 3 lần phẫu thuật mổ tim tại Bệnh viện Bạch Mai. Cậu bé hiện đang theo học lớp 8 tại quê. Không chỉ bị tim bẩm sinh, Ánh còn bị bong võng mạc, bệnh song thị (tức nhìn một thành hai) khiến vợ chồng ông Việt chưa một ngày hết lo lắng.

“Dù con bệnh tật nhưng tôi là trụ cột gia đình nên phải kiên định. Tôi luôn lạc quan để vợ con không phải suy nghĩ. Tôi khuyên vợ ở nhà lo chăm sóc con còn mình đi làm lo cho gia đình. Trong mắt tôi, vợ là người biết lắng nghe, thương chồng thương con. Tôi sống để vợ luôn tin cậy vào mình. Tuy mình nghèo thật nhưng tính cẩn thận nên vợ chẳng bao giờ mảy may suy nghĩ”, ông Việt cười nói.

Cách đây vài năm, ông Việt làm nghề bảo vệ nhưng hơn một năm trước ông chuyển sang chạy Grab để có thời gian thi thoảng về quê thăm vợ con. Từ năm 2010 đến nay, vợ chồng ông về quê gốc ở xã Giao Lạc, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định sinh sống.

Những ngày đầu ông Việt cũng tập tành sử dụng điện thoại, tiếp cận với công nghệ rồi dần dần cũng thành quen. Bất kể nắng mưa, gió rét ông Việt rong ruổi qua khắp tuyến đường, ngõ phố. Hết chở khách ông tranh thủ giao hàng, đồ ăn… từ sáng cho tới tận chiều tối. Ông chi tiêu tằn tiện mỗi tháng tích cóp được 6-7 triệu gửi về cho vợ lo cho đứa con trai đang học hành và đều đặn phải đi viện để khám, thuốc men.

“Tôi còn khoẻ ngày nào thì còn cố gắng. Với tôi gia đình luôn là số một, là nơi để mình hy vọng nên vẫn phải cố lo cho vợ con. Cuộc đời tôi là vậy rồi nên cứ lạc quan. Đi chở khách nhiều thi thoảng nói chuyện cũng vui giúp tôi khuây khoả và thấy khoẻ hơn nhiều. Đa phần khách đi với tôi đều rất vui vẻ”, ông Việt hào hứng khoe.

Nói rồi người đàn ông này lấy xe tiếp tục công việc mưu sinh. Nơi đó có những người khách đang chờ ông để ông tiếp tục gắn bó với công việc để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của cả gia đình nhất là người con trai bị bệnh tim bẩm sinh suốt 15 năm qua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Định, Trưởng thôn 8, xã Giao Lạc cho biết, ở địa phương gia đình ông Việt có hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo của xã. Vợ chồng lấy nhau muộn và có người con bị tim bẩm sinh.

“Các đoàn thể khi biết hoàn cảnh gia đình ông Việt cũng đã tặng xe đạp, Tết trao quà. Vợ ông ấy ốm yếu thi thoảng ra biển đào ngao bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mới đây các đoàn thể hỗ trợ giúp gia đình ông ấy có tiền xây được một căn nhà hòng tránh khi mưa gió”, ông Định thông tin.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất