Nữ chiến binh chống chọi lại ung thư vú với vũ khí là tình yêu thương của gia đình

Đừng vội đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình khi được các bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư vú bởi vì không bao giờ là quá muộn để trở thành một chiến binh cừ khôi chống chọi lại tử thần.

Bài viết Vương Quốc Anh
Chia sẻ

Nhìn vào chị Bạch Tuyết, người phụ nữ với thân hình có chút đầy đặn sở hữu khuôn mặt phúc hậu cùng nụ cười luôn nở trên môi, có lẽ không ai biết được chị đã trải qua những tháng ngày kinh khủng nhất khi mang trong mình căn bệnh ung thư vú chết người.

Không giống những người mắc bệnh hiểm nghèo khác, chị sống rất vui vẻ và lạc quan vào ngày mai; một điểm khác biệt nữa đó là chị không chỉ nhìn vào ung thư vú với “tư cách” là một bệnh nhân, mà còn là một bác sĩ chuyên ngành của chính căn bệnh đó.

“Bệnh nhân bình thường khi mắc bệnh thì họ buồn một chứ mình buồn mười, vì mình là bác sĩ, mình biết rõ căn bệnh của mình và diễn tiến của nó sẽ đi đến đâu. Lúc mắc bệnh, có đôi khi mình ước mình không phải bác sĩ”, chị Tuyết chia sẻ. Nhưng cuối cùng, dù buồn một hay buồn mười, chị cũng đã vượt qua được và trở thành nữ chiến binh cừ khôi nhờ món vũ khí là tình yêu thương của gia đình.

Một năm của những biến cố

Tháng 6 năm 2018, cuộc sống của chị Bạch Tuyết bỗng dưng đảo lộn khi nhận được tin dữ: mắc ung thư vú. Buổi chiều hôm đó, chị như sụp đổ hoàn toàn vì không hề ngờ được rằng bản thân là một bác sĩ ung bướu lại có thể mắc ung thư vú, căn bệnh không chừa một ai.

Lúc này, chị Tuyết gọi điện thoại cho một người để kể về tin dữ mới nhận được. Chị không gọi cho chồng, cho con hay cho người thân nào cả, mà chị gọi cho một người bạn đã từng là kẻ kém may mắn khi mắc đúng căn bệnh ung thư chị vừa mang.

“Người bạn đó lắng nghe và nói mình hãy dành 1 tuần để khóc, bởi vì khi khóc xong ta mới có thể vượt qua được nỗi buồn mà tiếp tục phấn đấu. Mình khóc 3 ngày. Đó là 3 ngày đen tối nhất cuộc đời khi mình không thấy gì ở tương lai, đường đi phía trước đã bị bóng đêm bao trùm.

Cuối cùng, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến chồng và con, mình đã đứng lên và quyết định tiến hành điều trị. Vì tính chất công việc, tối thứ ba mình phát hiện bệnh nhưng đến sáng thứ năm mới hoàn tất thủ tục nhập viện để hóa trị”, chị Tuyết kể lại.

Khi biết tin mắc ung thư đã là điều đáng sợ, khi tiến hành điều trị bằng hóa chất thì mọi thứ còn kinh khủng hơn. Nhớ lại khoảng thời gian đó, nữ bác sĩ chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì những tác dụng phụ của chất hóa học gây ra. Chị cho biết:

“Nhẹ nhất là mất vị giác. Cơ thể đã quá mệt mỏi, không thể ăn uống gì được, mà lại còn không cảm giác được thức ăn. Chưa bao giờ thấy ăn một bữa mà cực khổ, mà như hành xác như vậy. Tiếp theo là về tim mạch, thuốc và các chất hóa học khiến tim bị hở van, dẫn đến tim đập mạnh.

Một điều nữa mà có lẽ bệnh nhân ung thư nào khi hóa trị cũng sẽ trải qua, đó là rơi vào trầm cảm. Thật sự mà nói, khó có ai kéo mình ra khỏi những cảm xúc tiêu cực ngoài mình. Những lúc đó, nằm trên gường bệnh, nếu mình không nghĩ đến gia đình thì mình chỉ toàn nghĩ đến cái chết.

Sau khi hoàn thành vài toa điều trị đầu tiên, mình cố gắng đứng lên để vận động và rời khỏi không gian của bốn bức tường, vì chỉ có như vậy mới tự kéo mình ra khỏi trầm cảm. Những lúc đó, suy nghĩ về chồng và con, về những người còn cần đến mình ngoài kia, bỗng dưng đôi chân của mình như được tiếp thêm sức mạnh để di chuyển”, chị chia sẻ.

Nhưng tác dụng phụ đáng sợ nhất đối với một người phụ nữ đó chính là mái tóc dài suôn mượt không còn nữa. Chị Tuyết trong những tháng ngày điều trị, cứ nhớ mãi mái tóc của mình, chị càng nhẹ nhàng đưa tay chạm lấy để nâng niu thì những sợi tóc cứ càng rơi rụng và lũ lượt ra đi.

Lúc này vì không chịu được cảnh mái tóc nham nhở, chỗ lõm chỗ dày, chị nhờ chồng cạo trọc giúp nhưng anh không dám vì xót. Cuối cùng, nữ bác sĩ tự đến tiệm hớt tóc nam để nhờ thợ làm giúp. Về nhà và trút bỏ chiếc khăn che đầu, trong khi chị rất bình tĩnh và có chút hứng thú với vẻ ngoài mới của mình, thì người chồng đã bật khóc vì xót xa.

“Bản thân mình lúc đó nghĩ đến gia đình nên rất lạc quan, chính tay mình còn quay phim lại cảnh tượng mái tóc được cạo trọc. Mình biết đăng ảnh một cái đầu trụi lủi lên mạng như vậy thì không đẹp đẽ gì, nhưng mình đã khiến nó dễ coi hơn bằng cách nở một nụ cười, là nụ cười của sự hạnh phúc”, chị tâm sự.

Những ngày nằm trên giường bệnh để mặc bao nhiêu thứ hóa chất tiêm vào người, là những ngày chị Tuyết chỉ có thể đảo đôi mắt để biết rằng mình vẫn còn sống. Não bộ gần như không hoạt động, cả cơ thể rã rời bất động, người mẹ khi này chỉ còn biết nghĩ đến người con ở nhà để cố gắng vượt qua cơn đau và nỗi sợ.

Thứ vũ khí mang tên gia đình

Giờ đây khi một năm đã đi qua và mọi thứ dần đi vào ổn định, nữ bác sĩ nhớ lại khoảng thời gian kinh khủng của năm ngoái và thừa nhận rằng nếu không có gia đình, cả gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ, thì mọi chuyện đã không diễn tiến theo chiều hướng tốt như vậy.

“Con trai nhà mình năm ngoái chỉ mới 9 tuổi, mình không dám nói cho bé về tình trạng bệnh vì sợ bé còn nhỏ, chưa chuẩn bị được tâm lý để đón nhận. Nhưng hóa ra, cu cậu mở Google ra để tìm kiếm ung thư là gì, rồi còn nói với chồng mình rằng ‘Sắp tới mẹ sẽ rất cực, ba ráng chịu đựng mẹ nha’, làm mình hết sức bất ngờ.

Những ngày sau đó, cậu bé nhà mình luôn chủ động làm việc nhà để khiến mình cảm thấy được thoải mái nhất. Nhìn vào hình ảnh chú nhóc tập tành làm việc nhà một cách vụng về, mình như được tiếp thêm nguồn sức mạnh và động lực để vượt qua những đau đớn của bệnh tật”, nữ bác sĩ nhớ lại.

Bệnh tật khiến cơ thể rệu rã, đôi khi chị Tuyết thấy mình là gánh nặng của mọi người. “Có mấy lúc, mình khuyên chồng thật lòng là hãy đi tìm người khác đi, anh ấy chỉ nói ‘Khùng quá, trong cuộc đời này anh chỉ có em và con thôi, làm sao mà lấy người khác được’.

Giờ đây nằm ngẫm nghĩ, mới thấy được trong cuộc đời của mình có rất nhiều quyết định được đưa ra và thực hiện, có đúng, có sai, nhưng lấy người chồng này là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời của mình. Lập gia đình không chỉ là cùng nhau chia sẻ những niềm vui, mà còn là bên nhau những lúc khổ đau như thế này. Nằm trên giường bệnh, dù rất đau nhưng mình cũng thấy rất hạnh phúc”.

Sau 4 tháng điều trị và một năm theo dõi định kỳ, tình hình sức khỏe của chị Bạch Tuyết đã khởi sắc và thay đổi ngoạn mục theo chiều hướng tích cực. Ngoài những bài thuốc hay và bàn tay mát dịu của các y bác sĩ, thì tình cảm của người thân gia đình đã tạo nên điều kỳ diệu, giúp chị lội ngược dòng và làm nên điều gần như không thể.

“Con trai mình học piano từ nhỏ, nhưng cu cậu chỉ đánh đàn trên lớp học hoặc ở nhà, cậu bé nhút nhát nên ít khi dám diễn cho nhiều người xem. Nhưng hôm đó, bé lén đăng ký tham gia một cuộc thi rồi ‘lôi kéo’ vợ chồng mình đến xem. Mặc dù mình quá mệt nên không thể ngồi xem đến hết, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc cậu bé đi thi vì mình mà mình cảm động đến khóc”, chị Tuyết chia sẻ kỷ niệm đẹp.

Hành trình từ nữ chiến binh thành người truyền cảm hứng

Là một bác sĩ cũng như là một bệnh nhân, chị Bạch Tuyết hơn ai hết hiểu rõ cảm giác của người bệnh. Sau khi ngồi dậy khỏi căn bệnh quái ác, giờ đây mỗi lần thăm khám bệnh nhân là mỗi lần chị đồng cảm với họ.

“Người bệnh nằm trên giường bệnh, họ cô đơn và trống trải lắm. Đôi khi thứ họ cần không phải là tiền bạc hay vật chất mặc dù những thứ này quan trọng, mà chỉ là một chút quan tâm. Mình từng chứng kiến nhiều bệnh nhân không có người thân ở bên cạnh, họ phải một mình đương đầu với cơn đau và nỗi khổ.

Những lúc đó, mình trải lòng ra, chia sẻ về quãng thời gian khổ cực của mình để tìm sự đồng cảm, giúp họ cảm thấy ấm lòng để vượt qua, để không từ bỏ. Mình không thể giúp mọi người bằng vật chất hay tiền của, mà là nghị lực và sự lạc quan, cách suy nghĩ và cách tiếp nhận bệnh. Mình muốn ai cũng phải đón nhận bệnh bằng tinh thần vui vẻ nhất để nhẹ nhàng đi qua nó”, chị tâm sự.

Sau tất cả những sự lạc quan và nỗ lực vượt qua nỗi sợ, chị Tuyết bây giờ không còn được gọi là một bệnh nhân nữa, mà là một nữ chiến binh dám đương đầu với tử thần, đem thứ vũ khí mạnh mẽ nhất ra chiến trường là nụ cười rạng rỡ trên gương mặt bầu bĩnh cùng hậu phương vững chắc là gia đình thân thương.

Bài viết

Vương Quốc Anh

Thiết kế

Tú Nguyễn

Chia sẻ