Sắc màu Cuộc Sống

Nỗi tủi cực của người phụ nữ lấy chồng phố cổ Hà Nội, đêm tân hôn bật khóc bỏ về nhà người thân vì biết chồng ở trên nóc nhà vệ sinh

Định Nguyễn
Chia sẻ

Nhờ người mai mối, bà Sâm nên duyên vợ chồng với Hải khi người đàn ông này cũng đã ngoài 50 tuổi. Ngày cưới cũng là lần đầu tiên bà Sâm về nhà chồng rồi ngỡ ngàng khi thấy ông Hải ở túp nhà nhỏ ngay trên nóc nhà vệ sinh.

Cặp vợ chồng hơn 40 năm ở nóc nhà vệ sinh

Hơn 40 năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Phùng Hải (85 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sâm (75 tuổi) phải sống trong ngôi nhà rộng hơn 10m2 trên nóc nhà vệ sinh giữa phố cổ Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi nhà của vợ chồng ông Hải lọt thỏm sâu trong ngõ 107 phố Hàng Bạc tối om.

Căn nhà cũ kỹ rộng 10m2 trên nóc nhà vệ sinh hơn 40 năm qua là nơi sinh sống của ông Hải và vợ con.

Ngôi nhà này nằm sâu trong ngõ 107 phố Hàng Bạc sầm uất.

Khi vào nhà này, ít ai nghĩ rằng giữa con phố sầm uất giữa lòng thủ đô lại có gia đình than phiền “ở phố cổ nhưng khổ hơn nhà quê”. Vợ chồng ông Hải cùng con gái sinh sống trong ngôi nhà chật hẹp đặt trên nóc một khu vệ sinh tập thể với tường bao. Ông Hải cho biết, nơi đây là nơi trú ngụ của 2 thế hệ trong gia đình suốt bao năm qua.

Năm nay đã 85 tuổi nhưng ông Hải hằng ngày vẫn đi làm bơm vá, sửa chữa xe đạp tại phố cổ. Dù tiếng là có nhà ở phố cổ Hà Nội, nhưng bao năm qua vợ chồng ông vẫn gắng gượng sống trên nóc nhà vệ sinh. Hằng ngày đủ thứ mùi bốc lên khiến ông Hải cùng vợ con mất ngủ nhưng chẳng biết phải làm sao. Ông bảo nếu không ở đó thì cũng chẳng biết đi đâu. Hai vợ chồng chẳng có lương hưu, chồng vá xe đạp, vợ kiếm sống bằng gánh bún riêu dọc đường. Vừa trải qua trận ốm nên sức khoẻ bà Sâm sa sút rất nhiều.

Ông Hải cùng vợ trong căn nhà cũ, dột nát.

Ngôi nhà này bao năm qua vợ chồng ông cùng các con sinh sống.

“Gia đình tôi là chăm dọn nhà vệ sinh nhất khu tập thể, vì mình ở trên đầu mà không dọn thì ở sao được. Lịch cố định của tôi hàng ngày là trước mỗi bữa ăn và trước giờ đi ngủ, bao giờ tôi cũng phải xuống dọn dẹp sạch sẽ sau đó mới tạm yên tâm chợp mắt”, ông Hải kể.

Theo ông Hải, trước đây bố mẹ ông để lại cho 8m2 đất. Sau ông cơi nới hết cỡ được 10m2. Ông tham gia chiến trường rồi lo làm ăn nên mãi hơn 50 tuổi mới lập gia đình. Khi đó, ông được một người mai mối cho bà Sâm là vợ hiện tại bây giờ.

Hằng ngày tránh mùi xú uế vợ chồng ông Hải cắt cử nhau đi dọn vệ sinh.

Trước giờ ăn cơm trưa và giờ đi ngủ ông Hải lại phải đi dọn vệ sinh.

“Ở đây cực lắm, mùa mưa nước ngập lênh láng vào nhà. Cả đêm vợ chồng con cái phải thức để tát. Còn mùa hè nóng không ngủ được, tôi ở nhà cứ phải cởi trần. Bà nhà tôi thì hắt nước lên tường sau đó ra ngoài chờ đến khoảng 1h chiều mới dám quay về nhà. Cùng cực là thế nhưng biết sao bây giờ…”, ông Hải nói.

Ngồi cạnh chồng, bà Sâm chỉ biết thở dài: “Ai cũng bảo tôi dũng cảm mới dám về đây sống. Kể từ khi lấy ông ấy về đây, tôi xác định số phận mình khổ cả đời rồi”.

Do tình duyên chắc trở nên năm 37 tuổi bà Sâm mới lấy chồng, khi đó do tuổi đã cao và được mai mối nên bà chẳng quan tâm đến gia đình, nhà cửa của người bạn đời ra sao và chưa một lần về thăm nhà chồng trước khi cưới. Bà cũng chỉ biết ông Hải một hai lần rồi cưới.

Clip: Vợ chồng ông Hải tâm sự về hoàn cảnh sống hiện tại.

Đêm tân hôn “chạy mất dép”, mang tiếng lấy chồng phố cổ nhưng ở… trên nóc nhà vệ sinh

Khi đám cưới được tổ chức ở nhà gái xong, bà theo ông Hải về phố Hàng Bạc và tất cả vượt quá sức tưởng tượng của bà. “Bước chân vào con ngõ, ông ấy chỉ tôi nhà ở trên khu vệ sinh tập thể tôi choáng váng không thể tin được. Khi đó trời cũng tối rồi, tôi choáng quá. Cứ nghĩ lấy chồng phố cổ sướng ai ngờ mình lại đúng trong hoàn cảnh này. Đêm tân hôn tôi khóc nức nở bỏ về nhà bà dì ở Ngã Tư Sở, quận Đống Đa.

Đêm tân hôn bà Sâm bỏ về nhà người thân vì chứng kiến cảnh chồng sống trên nóc nhà vệ sinh.

“Tại đây người thân nói tôi lấy chồng thì phải theo chồng, sướng hưởng khổ chịu. Giờ công việc đã xong phải chấp nhận thôi. Nếu tôi bỏ về nhà bố mẹ đẻ thì mang tiếng, xong mọi người động viên tôi quay về nhà chồng”, bà Sâm nhớ lại.

Vợ bỏ đi đúng đêm tân hôn, ông Hải bần thần chẳng nói được gì, cũng chẳng đuổi theo người vợ mới cưới. Ông lên nhà nằm và nghĩ: “Nếu họ không chấp nhận thì đành chịu, sống trong hoàn cảnh này biết sao được. Cùng lắm mình lại quay lại cảnh sống một mình”. Sau 1 đếm suy nghĩ, bà Sâm đã quay về với ông Hải và “liều” sống trên nóc nhà vệ sinh.

Trong nhà không vật dụng gì đáng giá.

Tường xây ẩm mốc, bong tróc.

Mỗi khi mưa xuống nhà ông Hải lại phải tát nước.

Về nhà, bà Sâm phải dọn dẹp đúng gần nửa tháng. Nghĩ cảnh vợ chồng chỗ ở bí bách, khổ cực trăm phần, ông Hải sau đó cũng bán bớt đồ đạc cơi nới thêm giường để vợ chồng có chỗ chui ra chui vào. Ông quan niệm chỗ ở quan trọng đến cuộc sống lắm chứ không phải tình yêu, sự dũng cảm nữa.

“Cuộc sống bí bách, kinh tế lại khó khăn nên không tránh được chuyện vợ chồng cãi vã. Thế nhưng khi có con cái rồi phải cố nhịn nhau để sống vì con”, bà Sâm nói.

Phải chịu cảnh ở nóc nhà vệ sinh nhưng ông Hải không còn cách nào.

Sau 33 năm chung sống trên nóc nhà vệ sinh tập thể, ông Hải và bà Sâm có với nhau 2 người con. Đến nay con trai bà Sâm đã lập gia đình và sinh 1 đứa cháu, con gái cũng đã học xong và đang đi làm. Gia cảnh khó khăn, nhà không nên hồn nhà nên ngay từ khi các con đến tuổi trưởng thành, bà Sâm đã động viên tư tưởng và khuyên các con không nên giấu diếm về cuộc sống gia đình.

“Kể ra chẳng hay ho gì nhưng cuộc sống gia đình tôi như vậy rồi. Các con khi có người yêu cũng ngại ngần không giám về ra mắt vì sợ người yêu thấy cảnh này. Tôi bảo các con là cứ nói cho người mình yêu hoàn cảnh gia đình mình như thế nếu yêu thì xác định. Nếu người ta hiểu và đồng ý thì mới sống được với nhau.

Vợ chồng ông Hải mong sớm có nơi ở sạch sẽ an nghỉ tuổi già.

Con dâu tôi bây giờ rất hiểu và thông cảm cho cuộc sống gia đình, còn đứa con gái út thấy bảo đã có người yêu nhưng chưa dám dẫn về ra mắt. Chắc cuộc sống gia đình thế này nên nó cũng ngại”, bà Sâm tâm sự.

Không gian chật hẹp, con trai bà Sâm sau khi lấy vợ sinh con đã ra ngoài thuê nhà ở riêng, hai vợ chồng bà ủng hộ điều đó vì cháu nhỏ nếu ở trên nóc nhà vệ sinh dễ sinh bệnh không chịu được nắng nóng.

Giờ đây, khi đã ở cái tuổi xế chiều, chân tay yếu vợ chồng bà Sâm chỉ mong nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sớm cải tạo các khu tập thể cũ nát để ông bà có được căn nhà nho nhỏ, tử tế ở những ngày tháng cuối đời.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất