Sắc màu Cuộc Sống

Niềm vui của 'Uma' - người phụ nữ dành tấm lòng cho người khuyết tật

Ngọc Ngân
Chia sẻ

Bằng khả năng sáng tạo, chị Nguyễn Nhật Minh Phương (biệt danh Uma) đã trở thành nghệ nhân làm tranh dây đồng đầu tiên ở Việt Nam. Với tấm lòng làm thiện nguyện, chị đã tạo cơ hội việc làm cho rất nhiều người khuyết tật trong những năm gần đây.

Thổi hồn cho dây đồng

14 năm trước, Minh Phương (sinh năm 1989) đã tìm thấy niềm say mê với các sợi kim loại từ những bông hoa voan làm bằng dây kẽm mà chị tình cờ bắt gặp ở nhà bạn. Vốn hay sáng tạo, Minh Phương đã mày mò và biến những sợi dây bé nhỏ này thành các món đồ lưu niệm và trang sức độc đáo.

Bên cạnh tình yêu với dây đồng, chị Minh Phương còn gắn bó với những chuyến từ thiện. Tốt nghiệp đại học rồi đi dạy được vài năm, chị xin nghỉ và dành ra hai năm để làm từ thiện song song với việc thiết kế những sản phẩm mới.

Bén duyên với dây đồng đã lâu nhưng phải 5 năm trở lại đây chị Minh Phương mới bắt đầu thực hiện và hoàn chỉnh thể loại tranh dây đồng. Nghề làm tranh đồng vừa đòi hỏi sự sáng tạo vừa cần phải kiên trì, khéo léo.

Vì chưa học qua trường lớp mĩ thuật nên chị Phương gặp khó khăn trong việc phối màu và phác thảo các nét chính. Chị tâm sự: “Ban đầu, mẹ mình cũng không ủng hộ vì thấy con gái cực quá. Mình phải lén mẹ mà làm. Trong thời gian thực hiện bức tranh thứ hai - Phật niết bàn, có những lúc phải thức đêm để làm tranh, năm giờ nghe gà gáy mình mới biết trời sáng rồi. Mất đến 6 tháng bức tranh mới hoàn thành và đã có người mua ngay”.

Ngôi nhà của những nụ cười

Hiện tại, chị Minh Phương đang mở một lớp học quấn tranh dây đồng tại quận Gò Vấp với các bạn học viên vô cùng đặc biệt. Chị hay đùa rằng người bình thuờng “không có cửa” tham gia vì lớp học này chỉ truyền nghề cho những nguời khuyết tật

Chị Phương chia sẻ: “Mình hay tự tổ chức các chuyến công tác xã hội. Trong một lần tổ chức chương trình Tết cho trẻ em khuyết tật, mình và các bạn tình nguyện viên đã bật khóc khi trông thấy cảnh người thân phải bồng, cõng các em đến nhận quà. Lúc đó mình nhận ra nếu chỉ tặng quà thì sẽ không giải quyết được vấn đề của các em. 

Sau cái Tết này, các em vẫn trở lại là gánh nặng của gia đình. Đây là điều mình luôn trăn trở và sau này khi nghề làm tranh đồng nổi tiếng hơn, mình quyết định truyền nghề lại cho các bạn khuyết tật”.

Tại lớp học của chị Phương, từ quản lí đến học viên, tất cả đều là người khuyết tật. 11 con người với những khiếm khuyết khác nhau nhưng đều có chung tinh thần lạc quan, yêu thương, giúp đỡ và bảo vệ nhau như một đại gia đình. 

Chị Phương tự hào: “Đối với mình, không có một đội ngũ người khuyết tật nào hạnh phúc và ấm áp như họ. Có những bạn đi lại khó khăn,hai tay phải chống để đỡ lấy chân thì những người khác sẵn sàng xách đồ giúp. Học viên mới ở xa đến thì được mọi người nhiệt tình tìm phòng trọ, sắm sửa đồ dùng và hỗ trợ đi lại. 

Với những bạn câm điếc thì mọi người sẽ dùng thủ ngữ. Mỗi lần kể chuyển cười, cả đám cười nắc nẻ còn người ngoài thì chẳng hiểu gì. Trước đây mình cũng không biết thủ ngữ đâu, đều do các bạn phổ cập cho mình. Buổi sáng các bạn là học viên, nhân viên còn buổi tối họ trở thành thầy của mình”.

Cô chủ tốt bụng

Bé Thủy là học viên nhỏ tuổi và có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong lớp học của chị Phương. Em năm nay vừa tròn 13 tuổi, không thể nghe và nói được. Trước đó em từng đi làm may và bị đối xử không tốt. Từ khi về với chị Minh phương, Thủy được học nghề, được đi chơi và vui cười nhiều hơn. 

Chị tâm sự: “Cô bé chính là lý do khiến mình mở thêm một học viện để bảo trợ và đào tạo các bé dưới 18. Hồi đó, lớp học chưa thể nhận các bạn quá nhỏ tuổi. Từ khi gặp mình, bé Thủy ngày nào cũng nhắn tin tâm sự và tha thiết muốn sang đây học nghề. 

Ngày Thủy chính thức về với đội của mình, mình dắt Thủy đi chợ mua dép, mua gối, mua kẹp tóc. Con bé thích lắm, cứ mân mê suốt. Về đến nhà, em viết lên tờ giấy thật to lời cảm ơn mọi người”.

Những ngày đầu học nghề, các bạn vẫn còn tâm lí tự ti, không nghĩ mình có thể làm ra những bức tranh đồng tinh tế như vậy. Chị chia sẻ: “Mình chưa bao giờ chê bai các bạn mà lúc nào cũng động viên vì không ai mới bắt đầu mà giỏi được. Bây giờ thì các bạn ấy đều trở thành nghệ nhân cả rồi, mỗi khi nhìn lại tác phẩm cũ, mọi người hay đùa rằng sao hồi đó mình làm xấu thế. 

Vào những dịp lễ Tết, mình thường “đuổi” hết mọi người về quê vì mình cũng từng đi làm công nên hiểu cảm giác muốn về ăn Tết sớm. Năm nào mỗi người cũng có một túi quà chất lượng từ giò chả cho đến bánh, mứt để đón một cái Tết ấm áp bên gia đình”.

 

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Ngân

Tin mới nhất