Sắc màu Cuộc Sống

Những vụ trao nhầm con: Trong hội ngộ có còn chia cắt?

Hà Phan
Chia sẻ

Tôi mừng trong niềm vui ai về nhà nấy sau 43 năm chia cắt, tôi vui cho những người con trở lại với đấng sinh thành và chia sẻ hạnh phúc cùng những bà mẹ, người cha tìm lại đứa con thất lạc. Nhưng ở đâu đó, trong hiện tại và có thể còn cả tương lai vẫn còn ngậm ngùi của nỗi buồn chia cắt…

Những ngày qua câu chuyện về gia đình chị Tạ Thu Trang (phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) tìm thấy người con thất lạc cách đây 43 năm khiến dư luận xôn xao. Cổ tích xảy ra giữa đời thực khiến nhiều người vừa vui mừng vừa nhỏ lệ cho số phận trớ trêu. Trên MXH, rất nhiều lời chúc phúc cho gia đình may mắn này.

Rồi đây, tất cả sẽ ổn định với cuộc sống mới, cha mẹ mới và gia đình hoàn toàn mới . Nhưng bảo rằng họ sẽ quên mái nhà xưa, nhạt dần với ba mẹ cũ hay chẳng còn nhớ nữa đứa con trao nhầm thì quả thật tôi không tin. Công sinh không bằng công dưỡng, một vài ngày như trung úy CS Khuất Khánh Ly cho đứa trẻ bị bỏ rơi bú còn quệt nước mắt ngậm ngùi khi chia ly huống hồ chẳng khác dứt ruột đẻ ra 43 năm trời.

Thiếu úy Khuất Khánh Ly và cháu bé bị mẹ bỏ rơi trong nhà nghỉ.

Bà Nguyễn Mai Hạnh dù đang rất hạnh phúc vì sau bao năm đã tìm thấy người con gái mình chưa từng được bồng bế nhưng vẫn nói thế này “Đúng là tưởng xa tận chân trời nhưng lại gần ngay trước mặt. Bây giờ, cả 2 gia đình đã có dịp gặp nhau, coi như tôi đã có 2 con, con nuôi cũng như con ruột, đều đã có gia đình hạnh phúc”. Còn chị Tạ Thu Trang, đã có lúc thốt lên rằng chẳng đi đâu hết, đó mãi mãi là gia đình mình. Còn chị X. đã phải trải qua quãng thời gian rất khó khăn khi phải tranh đấu với chính mình. Có thể, chị đã tự tìm hiểu và biết sự thật về cha mẹ ruột nhưng không muốn cuộc sống bị đảo lộn.

Gia đình chị Trang và bà Hạnh.

Từng là con rồi lại là cha, tôi hiểu tất cả cảm giác ấy, một tình cảm mà đôi khi chỉ có cái chết mới chia lìa. Tôi cầu mong cho họ hạnh phúc sau những cuộc chia ly bất đắc dĩ nhưng cũng lại thầm muốn rằng mãi mãi mẹ cha hay gia đình nào cũng là của chung để suốt cuộc đời còn lại họ có thêm nhiều điểm tựa. Công dưỡng dục hơn công sinh thành. Xa rời đứa con mình ôm ấp vỗ về từ nhỏ sao đành được. Không còn trong vòng tay, hơi ấm mấy chục năm qua cũng khó nỡ lòng lắm!

Chắc nhiều người còn nhớ vụ hai bé gái bị trao nhầm ở Bình Phước. Hơn một năm về với cha mẹ đẻ mà một người bố còn bảo rằng “giúp hai con hòa nhập cuộc sống mới là điều không dễ, nó khiến cuộc sống hai gia đình đảo lộn suốt một năm qua. “Hạnh phúc vì có được thêm một người con, nhưng nó cũng khiến mình phải làm việc nhiều hơn chút để chăm lo tốt hơn cho các cháu“, anh chia sẻ.

Nhớ lại giây phút chia tay đứa con đã nuôi nấng ba năm, vợ chồng anh đau như thắt nghe bé khóc, gào lên “con thương ba, sao ba bỏ con”. Trong đêm đầu được nằm cạnh đứa con máu mủ mà hai vợ chồng anh không sao chợp mắt vì bé liên tục khóc, đòi mẹ. “Bé khóc suốt đêm không sao dỗ được, đến lúc mệt thì mới lịm đi. Đúng là công sinh không bằng công dưỡng”, anh Khiên ngậm ngùi.

Anh Khiên bên con đẻ Lan Anh (trái) và đứa con mình nuôi dưỡng từ nhỏ Ngọc Yến. 

Giờ đây có lẽ cuộc sống của hai bé đang dần ổn định hơn , một phần hai gia đình chọn cách thường xuyên cho qua lại luân phiên gia đình cũ. Phần khác thời gian cũng giúp xóa bớt những bỡ ngỡ ban đầu nhưng để các bé quên hoàn toàn chuyện cũ có lẽ còn phải lâu dài. Trẻ nhỏ đã vậy, những người buồn vui, sâu đậm bên gia đình đã 43 năm còn khó khăn hòa nhập thế nào. Không ai muốn, chẳng ai ngờ nhưng tình cảm và sợi dây gắn bó gia đình số phận là vậy.

Tôi đã đọc được những dòng này “Tội nghiệp cho hai trẻ, đó là một cú sốc tinh thần quá lớn, đối với một tâm hồn quá non nớt. Trước đây, khi xem câu chuyện trao đổi con giữa hai gia đình, tôi cũng đã khóc như chính mình là nhân vật trong cuộc. Mong cho hai cháu sẽ quen dần theo năm tháng, vết thương lòng cũng sẽ được khép lại”.

Còn riêng mình tôi cũng cầu chúc cho chị Trang, mẹ Hạnh, chị X… và những thành viên của hai gia đình 43 năm thất lạc sẽ lành dần bất cứ vết thương chia cắt nào…

Chia sẻ

Bài viết

Hà Phan

Tin mới nhất