Sắc màu Cuộc Sống

Những viên thuốc giả - cú sốc niềm tin và sự tàn độc đến tận cùng

Mõ Bàn Phím
Chia sẻ

Một khi sự “bấu víu” cuối cùng – là những viên thuốc - cũng bị làm giả, bệnh nhân ung thư sẽ mất hết niềm tin và có thể buông xuôi số phận – đó chính là một bi kịch!

Những ngày qua, cả xã hội rúng động khi câu chuyện Công ty CP VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư giả bị vỡ lở. Đây thực sự là một điều khủng khiếp đối với những bệnh nhân ung thư, gây phẫn nộ trong cộng đồng.

Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma)

Ung thư - án tử lơ lửng trên đầu

Ung thư là căn bệnh hầu như chưa có thuốc chữa, và ai đã chẳng may mắc căn bệnh này, coi như mang cái án tử trên đầu. Vì thế, họ chỉ có một sự bấu víu duy nhất để có thể kéo dài sự sống, đó chính là những viên thuốc điều trị bệnh do các bác sỹ đưa ra phác đồ, sau khi đã được thăm khám, xét nghiệm và kết luận cụ thể.

Đã mắc bệnh ung thư, coi như gia đình đó tiêu tan tài sản, và hầu như vẫn không cứu được người. Vẫn biết “khó có đường sống” nhưng vì đó là con mình, là em mình, là vợ (chồng) mình, là cha (mẹ) mình, nên “còn nước còn tát”, họ tin tưởng vào phác đồ của bác sỹ, cũng như tin vào sức mạnh của những viên thuốc điều trị, vì thế, hết bao nhiêu tiền họ cũng sẵn sàng chi, chấp nhận bán hết tài sản, của cải, thậm chí đi vay họ hàng, người thân, bạn bè và cả ngân hàng,… chỉ để có tiền mua thuốc điều trị cho người thân.

Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Họ nghèo, thậm chí hơn cả cái nghèo, đó là sự cùng cực. Nhưng sự khốn cùng của vật chất không ngăn được niềm tin và hi vọng vào một “phép màu” từ những viên thuốc, để điều trị cho người thân. Đó chính là lý do họ sẵn sàng làm tất cả để lấy tiền mua thuốc. Có những bà mẹ tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn dầm mưa dãi nắng nhặt ve chai, những người cha gầy gò hốc hác chấp nhận ăn uống kham khổ dù hàng ngày làm lụng khó nhọc,… chỉ để gom góp những đồng tiền lam lũ mua thuốc chữa bệnh cho con.

Vậy mà, những đồng tiền “xương máu” ấy, được đánh đổi bằng những viên thuốc giả. Không còn gì khốn nạn hơn!

Còn gì chua xót hơn những nhọc nhằn bỏ ra chỉ để đổi lại những viên thuốc giả.

Sự tàn độc đến tận cùng…

12 năm tù giam cho kẻ cầm đầu vụ nhập thuốc điều trị ung thư giả, và những cái án tù khác cho những kẻ cùng “mâm”. Pháp luật đã trừng trị theo quy định, nhưng, với những người có lương tri, cái án tù đó là quá nhẹ so với sự độc ác mà những kẻ mất nhân tính này đã gây ra cho những người bệnh.

Đốn mạt và độc ác cùng tận, đó là đi lừa đảo những người đã khốn đốn, đường cùng. Sự phè phỡn, giàu đó, xa hoa của gia đình những kẻ buôn thuốc giả, nó đối nghịch với những đớn đau thân xác, những mệt mỏi tinh thần, những kệt quệ về tài chính của gia đình những bệnh nhân ung thư - đó là bức tranh rõ nét nhất cho sự tàn ác của những kẻ buôn thuốc giả.

Tôi không hiểu những kẻ táng tận lương tâm kia, có khi nào họ nhìn đứa con, đứa cháu bụ bẫm, xinh đẹp, vàng ngọc lụa là, áo quần thời thượng của mình kia, bỗng một ngày nào đó, nằm đúng vào vị trí của những bệnh nhân ung thư, và họ sẽ cảm giác như thế nào, khi hàng ngày nhìn của cải lần lượt “đội nón” ra đi để rồi mua về những viên thuốc giả, nó không những không làm thuyên giảm bệnh tật, mà có khi lại làm cho bệnh nặng hơn, đẩy bệnh nhân nhanh đến với cái chết hơn. Tôi muốn hỏi cảm giác của họ lúc ấy sẽ như thế nào?

Tôi tin là đồng tiền đã làm loá mắt họ, và vì thế, họ chưa khi nào “tưởng tượng” được ra điều đó. Thật tình, tôi không muốn bất cứ ai trên cõi đời này phải mang bệnh, nhưng tôi muốn những kẻ táng tận lương tâm kia, phải đặt mình vào vị trí của người bệnh, ít nhất một lần, để họ sẽ phải “giật mình” mà tỉnh ra đôi chút, để không làm những điều đốn mạt khiến cả xã hội phẫn nộ như cách họ đã làm.

Vụ án đã được tuyên phạt nhưng nỗi lo lắng của người dân vẫn còn ở đó.

…Và niềm tin đã mất?

Vụ án nhập thuốc điều trị ung thư giả đã được phá, án đã tuyên, nhưng dư luận xã hội dường như vẫn chưa được thoả mãn, bởi họ có quyền đặt ra câu hỏi, vậy trách nhiệm của lãnh đạo ngành Y ở đâu?

Đặc biệt, vai trò của cơ quan Tranh tra - Bộ Y Tế, Cục quản lý Dược ở đâu khi để xảy ra hiện tượng này. Ngoài tội của những kẻ trực tiếp trong đường dây nhập thuốc giả, thì cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm, không thể đứng ngoài. Bởi, có ai khẳng định rằng trước khi vụ án được triệt phá, còn có những lần nào chúng thực hiện trót lọt không? Và, liệu có bao nhiêu bệnh nhân đã phải dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng với giá cắt cổ không chỉ bệnh nhân ung thư mà cả những căn bệnh khác với các loại thuốc điều trị khác? Ai có thể trả lời câu hỏi đó?

Không ai có thể trả lời câu hỏi đó trừ chính những kẻ buôn bán thuốc giả. Và cuối cùng, chỉ có những người bệnh là thiệt thòi, họ khổ đơn khổ kép. Tình trạng bệnh viện quá tải, giá thuốc điều trị bệnh thì cao, thậm chí mỗi nơi bán một giá không thể kiểm soát. Người dân dù hoài nghi thì cũng chẳng biết bấu víu vào đâu để tin rằng những viên thuốc này là thật, là chất lượng tốt. Thôi thì cứ tin, như cách tự an ủi chính mình, cộng thêm nghị lực, sự tự tin bản thân để chống lại bệnh tật.

Đến bao giờ, người bệnh sẽ nguôi ngoai với cúc sốc về niềm tin này? Thật khó trả lời nếu như Bộ Y tế không đưa ra được những thông tin xác đáng làm an lòng người dân. Một lời xin lỗi không bao giờ là muộn, nếu thực lòng những người đứng đầu ngành muốn thốt ra, từ cái Tâm của một người thày thuốc chân chính. Và sau lời xin lỗi ấy, sẽ phải là một cuộc “cách mạng” trong việc giải quyết những tồn tại trong nội bộ ngành Y, chỉ có như thế mới lấy lại được niềm tin trong dân chúng.

Chia sẻ

Bài viết

Mõ Bàn Phím

Tin mới nhất