Sắc màu Cuộc Sống

365 ngày và những mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Nhật Minh - CTV
Chia sẻ

Kể từ ngày phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, hơn 90 triệu người dân cả nước đã cùng chung tay để từ đó, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công bậc nhất trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch thế kỷ này.

Thời điểm này đúng một năm về trước, những người dù có tiêu cực đến mấy cũng khó có thể nào hình dung ra được một gam màu u ám bủa vây khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực trên toàn thế giới trong năm 2020. Đại dịch COVID-19 đã thay đổi nếp sống sinh hoạt của hàng tỷ người, từ một cuộc sống nhộn nhịp tất bật thì nay, nhịp sống ấy trở nên chậm rãi hơn rất nhiều.

Nhắc đến cuộc chiến với dịch COVID-19 tại mảnh đất hình chữ S trong 365 ngày đã qua là cả một hành trình dài mà ở đó, 90 triệu người dân Việt Nam từ đủ mọi tầng lớp, giai cấp, già trẻ lớn bé đã cùng nhau chung tay hành động và tạo nên những điều tuyệt vời, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ cho những kỳ tích mà một đất nước nhỏ bé đã tạo ra. Chính con số lây nhiễm ít cùng với các biện pháp truy vết được thực hiện triệt để nhằm hạn chế đến mức tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng,… 

Tất cả đã tạo nên những “điểm sáng”, tạo ra một Việt Nam thành công trong cuộc chiến mà cả thế giới vẫn đang còn loay hoay, chưa thể khắc chế được làn sóng đại dịch và số ca nhiễm lẫn tử vong vẫn đang tăng lên từng ngày, từng giờ.

Nếp sống của người dân Việt cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, bước khởi đầu cho chặng hành trình không có điểm dừng

Những ngày trước Tết Nguyên Đán 2020, trong khi nhà nhà người người ai cũng đều đang tất bật chuẩn bị trang hoàng nhà cửa để đón một mùa xuân mới thì các y bác sĩ, cơ quan y tế đã cùng nhau bước vào cuộc chiến mà không biết thời điểm kết thúc sẽ là bao giờ. 

Sau những ca nhiễm COVID-19 mới tại Trung Quốc thì thông tin về loại virus này ngày một được phổ biến rộng rãi hơn. Rồi dần sau đó, những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện, từ hai cha con người Trung Quốc cho đến nữ tiếp viên hàng không, tất cả đều khiến cho hàng triệu người dân bắt đầu cảm thấy hoang mang, lo sợ hay cả những dự cảm chẳng lành cho một năm sắp tới.

Các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị tích cực cho hai cha con người Trung Quốc, cũng là hai bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong

Để giúp chúng ta có được một cái nhìn chính xác và chân thật nhất, sau đây là những mốc thời gian đáng nhớ trong 365 ngày đã qua cho cuộc hành trình chống lại đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Giai đoạn 1 – 16 ca bệnh đầu tiên

Ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết Canh Tý): Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống COVID-19. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xác nhận 2 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam là cha con người Vũ Hán, Trung Quốc

Ngày 12/2/2020: Tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi (thuộc huyện Bình Xuyên).

Giai đoạn 2 – Các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài

Ngày 6/3/2020: Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên và là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam.

Ngày 10/3/2020: Xuất hiện bệnh nhân “siêu lây nhiễm” tại Bình Thuận – Cũng là bệnh nhân thứ 34 tại Việt Nam. Bệnh nhân này từ Mỹ trở về nước và đáp tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), sau đó đi xe riêng về Phan Thiết mà không khai báo, cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế. Bệnh nhân này đã lây nhiễm cho 11 người khác.

Ngày 17/3/2020: Việt Nam tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh. Ngày 21/3, Việt Nam tạm ngừng nhập cảnh hành khách nước ngoài.

Giai đoạn 3 – Nguy cơ lây lan trong cộng đồng

Ngày 20/3/2020: Bộ Y tế thông báo hai nữ điều dưỡng của Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhiễm COVID-19, lần lượt là bệnh nhân thứ 86 và 87 tại Việt Nam

Ngày 28/3/2020: Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa

Ngày 31/3/2020: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16 về việc cách ly xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày để phòng chống COVID-19, từ 0h ngày 1/4. Ngày 15/4, việc cách ly xã hội được kéo dài với Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành có nguy cơ cao.

"Nội bất xuất, ngoại bất nhập" tại Bệnh viện Bạch Mai thời điểm ổ dịch được phát hiện

Giai đoạn 4 – Tái phát hiện ca nhiễm lây lan trong cộng đồng

Ngày 25/7/2020: Bộ Y tế thông báo bệnh nhân thứ 416, phát hiện tại Đà Nẵng nhưng không truy được nguồn lây nhiễm. Bệnh viện C Đà Nẵng được phong tỏa.

Ngày 26/7/2020: Bộ Y tế thông báo bệnh nhân thứ 418. Bệnh viện Đà Nẵng được phong tỏa.

Ngày 27/7/2020: Xác nhận thêm 11 bệnh nhân tại Đà Nẵng. Đà Nẵng khởi động giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 28/ 7.

Từ ngày 31/7/2020: Việt Nam bắt đầu ghi nhận những ca tử vong đầu tiên do mắc COVID-19.

Sau một thời gian thì đến ngày 31/7, Việt Nam bắt đầu ghi nhận những ca tử vong đầu tiên

Các giai đoạn còn lại – Chống dịch dài hơi cùng phát triển kinh tế - xã hội

Từ ngày 23/4/2020: Cả nước cơ bản dừng cách ly xã hội nhưng vẫn tiếp tục đảm bảo các quy tắc phòng chống dịch.

Ngày 25/4/2020: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị 19 nhằm tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Ngày 5/9/2020: Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội.

Ngày 15/9/2020: Chính thức nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Ngày 24/9/2020: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra Công điện 1300/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thế nhưng sau một quãng thời gian dài không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng thì mới đây, Việt Nam đã ghi nhận các ca mắc mới do nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh miền Tây Nam Bộ như An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,… đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành rà soát, truy vết để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Chung cư Sư Vạn Hạnh (quận 5, TP.HCM) bị phong tỏa khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 do nhập cảnh trái phép những ngày cuối tháng 12/2020. Ảnh: Zing.vn

Quản lý xuất nhập cảnh tại Việt Nam

Ngay sau khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn và chống lại sự lây lan của loại virus này sang Việt Nam cũng như cảnh báo công dân Việt Nam tránh đến các khu vực có dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói rằng, Việt Nam đã cân nhắc việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc như là một biện pháp đối phó cần thiết.

Từ ngày 23/ 1, Saigon Tourist thông báo rằng họ đã hủy bỏ tất cả các tour du lịch đến hoặc quá cảnh ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 24/ 1, Cục hàng không dân dụng Việt Nam đã ra lệnh hủy bỏ tất cả các chuyến bay đến từ Vũ Hán.

Tại buổi họp báo ngày 25/2 diễn ra tại Trung tâm báo chí TP.HCM, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua và Khen Thưởng (Bộ Y tế) Vũ Mạnh Cường khẳng định, Việt Nam công khai, minh bạch và không giấu dịch. 

Theo cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng 11/3, Việt Nam đơn phương tạm ngừng miễn thị thực với công dân 8 nước châu Âu: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha từ 0 giờ ngày 12/3/2020 và thúc đẩy việc sử dụng khẩu trang với hành khách di chuyển bằng đường hàng không.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các chuyến bay đến và đi các quốc gia khác trên thế giới cũng trở nên thưa thớt

Sáng 14/3, Bộ Ngoại giao thông báo Chính phủ quyết định tạm ngừng nhập cảnh trong thời hạn 30 ngày kể từ 12 giờ ngày 15/ 3/2020 đối với người đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen và Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (Anh Quốc) trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam; tạm dừng việc cấp thị thực tại cửa khẩu. 

Từ 15/3, Vietnam Airlines ngừng chuyên chở hành khách trên các chuyến bay từ London, Paris, Frankfurt tới Việt Nam. Từ 25/3, hãng đã giảm 14 chuyến bay mỗi tuần của các đường bay giữa TP.HCM, Hà Nội và ba địa điểm trên.

Ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ ra thông báo 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, việc tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bị triển khai trong khoảng thời gian 30 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3/2020. Trong khoảng thời gian từ ngày 25/3 đến hết 31/3/2020, các hãng hàng không dừng chuyển người Việt về sân bay Tân Sơn Nhất do các khu cách ly tại TP.HCM đang rơi vào tình trạng quá tải. Lượng người cách ly tại các địa phương cũng tăng trong những ngày cuối tháng 3.

Ký túc xá ĐHQG TP.HCM được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng dịch COVID- 19.

Tương tự, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không ngừng vận chuyển công dân Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế về sân bay Nội Bài. Thay vào đó, các chuyến bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Các cửa khẩu đường bộ tiếp giáp Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng bị thắt chặt, tăng cường nhân lực ứng phó.

Từ ngày 1/9, Việt Nam triển khai thu phí cách ly với tất cả các trường hợp nhập cảnh.

Khai báo y tế

Từ ngày 7/3, du khách bắt buộc phải khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam. Từ ngày 10/3, Việt Nam thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân để kiểm soát dịch bệnh một cách tổng thể. Thông tin khai báo bị quản lý chặt, chỉ phục vụ chống dịch, không dùng vào mục đích khác. Từ ngày 21/3/2020, hành khách di chuyển bằng tàu hỏa, máy bay, xe khách trong nước phải khai báo y tế điện tử.

Giao diện chính của ứng dụng NCOVI do Bộ Y tế kết hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phát triển. Ảnh: Travellive

Các biện pháp xã hội

Để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, các hoạt động tập trung đông người tại những địa phương bị hạn chế, đồng thời một số nơi thực hiện đo thân nhiệt, trang bị chất sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí, siết chặt kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng như lập các chốt chặn giao thông ở cửa ngõ của mỗi tỉnh; đóng cửa các hàng quán; thiết lập buồng khử khuẩn; lập tổ chống dịch. Một số nơi thực hiện khử trùng hoặc hạn chế việc đi lại của người dân.

Những chuyến bay đón công dân từ các vùng dịch về nước đã bị thực hiện. Việc di chuyển giữa các tỉnh thành bị kiểm soát chặt chẽ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, từ ngày 16/3, người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng..., đồng thời giao 2 Bộ Công thương và Y tế chỉ đạo bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân. 

Việc đeo khẩu trang nơi công cộng dần trở nên phổ biến nhiều hơn

Theo PGS. TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh của Bộ Y tế, mọi bệnh viện vô cảm, thờ ơ với hoạt động chống dịch sẽ bị đóng cửa. Chiều ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra lệnh đóng cửa mọi hàng quán cho đến ngày 5/4, trừ hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm. Trước đó một ngày, TP.HCM cũng đã có công văn yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh ăn uống trên 30 người, cơ sở làm đẹp, phòng gym,...

Sáng 26/3, tại phiên họp thường kỳ 2 lần/tuần của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo", khẳng định sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung quá 20 người, đồng thời tạm dừng các dịch vụ ăn uống, tụ điểm vui chơi,...

Riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương cần đóng cửa toàn bộ cơ sở cung cấp dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay nội địa từ Hà Nội và TP.HCM.

Các chuyến bay cũng được khử khuẩn thường xuyên để đảm bảo an toàn trong phòng dịch

Từ 0 giờ ngày 28/3, các địa phương có trách nhiệm quản lý đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch như đi từ vùng dịch. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 chiều 26/3, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đã đề nghị UNBD thành phố ra chỉ thị buộc người dân phải dùng khẩu trang khi ra đường, kể từ ngày 27/3. 

Thêm vào đó, xe buýt nội thành, ôtô khách liên tỉnh tại đây sẽ ngừng hoạt động trong 2 tuần, bắt đầu từ 18 giờ ngày 27/3 năm 2020. Cùng ngày, Hà Nội bắt đầu giảm 80% chuyến xe buýt (khoảng 12.400 lượt/ngày), kéo dài cho đến ngày 5/4 và tiếp tục tuỳ theo tình hình dịch bệnh.

Cách ly xã hội

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, bị xem là một biện pháp cao hơn để phòng chống dịch bệnh nhưng không phải là phong tỏa toàn quốc. Chỉ thị này yêu cầu mọi người ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu. 

Trong khi đó, các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động; thực hiện nghiêm chỉnh việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. 

Chiều ngày 3/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử phạt người ra đường không có lí do chính đáng; tiếp tục đề nghị người dân trên địa bàn ở nhà.

Nhằm triển khai chỉ thị của Thủ tướng, một số tỉnh thành trên cả nước đã đóng cửa các công trình công cộng, lập các tổ công tác liên tục đi tuần tra, tuyên truyền và nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp chống dịch. Trong thời gian cách ly, siêu thị, chợ dân sinh vẫn tiếp tục hoạt động, bổ sung các điểm bán hàng lưu động, dã chiến. Nhà nước thực hiện việc điều phối, vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ kho dự trữ để cung cấp cho các địa điểm trong trường hợp phong tỏa hoặc giới nghiêm. 

Mặc dù hầu hết các loại xe đều bị tạm ngưng, các loại xe công vụ, thiết yếu, xe máy hai bánh và việc giao hàng bằng xe máy vẫn được phép hoạt động. Đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM giảm xuống còn 2 chuyến khứ hồi mỗi ngày, tất cả đường bay khác đều bị tạm ngưng. Toàn bộ tàu khách địa phương cũng bị dừng và không đưa người ra các đảo.

Có một Hà Nội rất khác những ngày cách ly xã hội

Từ ngày 28/7 đến ngày 4/9, TP. Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội. Từ ngày 12/8, Đà Nẵng phát thẻ cho người dân đi chợ theo ngày chẵn - lẻ nhằm thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ cho người dân trên toàn địa toàn.

Ngày 26/3, Bộ GD-ĐT gửi công văn tới các cơ sở đào tạo đại học, Sở GD-ĐT tất cả tỉnh thành thực hiện việc khai báo y tế tự nguyện cho 2,4 triệu học sinh, sinh viên và 1,5 triệu giáo viên trên toàn quốc. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ tất cả hoạt động của các trường học trên toàn quốc và đã di dời lịch năm học và kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để hạn chế sự lây lan của virus.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh - CTV

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất