Sắc màu Cuộc Sống

Những lễ hội mùa Xuân nổi tiếng ở miền Bắc

Linh Chi
Chia sẻ

Những lễ hội Xuân gắn liền với “tháng ăn chơi” của người Việt theo quan niệm cũ, là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống độc đáo từ nhiều thế kỷ.

Tháng Giêng – thời điểm Tết đến xuân về mang lại sức sống mới cho thiên nhiên vạn vật, cũng là thời gian lý tưởng cho một chuyến du lịch đầu năm. Không chỉ vậy, “tháng ăn chơi” của người Việt còn gây chú ý hơn cả bởi những lễ hội xuân nổi niếng, lưu giữ bản sắc, nét đẹp truyền thống riêng mang dấu ấn của từng vùng miền.

Lễ hội Chùa Hương – Hà Nội

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội Phật giáo được đón chờ nhất ở Việt Nam, được tổ chức tại địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội được mở màn từ ngày mùng 6 Tết Âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Là lễ hội thu hút nhiều sự chú ý của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về, ngay từ mùng 2 Tết Âm lịch, đã có rất nhiều người về đây trẩy hội sớm. 

Chùa Hương có kết cấu khá đặc biệt, được tạo thành bởi tập hợp hang động, đền chùa nằm trong lòng núi rừng thiên nhiên. Đây không chỉ là cụm di tích văn hóa tâm linh mà còn là di sản văn hóa quốc gia.

Đến với lễ hội chùa Hương, bạn sẽ không chỉ được hòa mình cùng không khí ngày hội Phật giáo, cùng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm sắp tới mà còn có cơ hội chìm đắm trong không gian thơ mộng trữ tình của phong cảnh thiên nhiên, hay lênh đênh trên những chiếc thuyền độc mộc ngắm nhìn sông núi hùng vĩ.

Lễ hội Gò Đống Đa – Hà Nội

Là lễ hội Xuân hiếm hoi diễn ra ngay giữa nội thành Hà Nội, hội Gò Đống Đa được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải – Nguyễn Huệ (Vua Quang Trung) và chiến thắng lẫy lừng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. 

Theo truyền thống hàng năm, Hội gò Đống Đa là dịp để nhân dân dâng hương hoa, ôn lại chiến thắng lẫy lừng của dân tộc và tham gia các trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ, trong đó, rước Rồng lửa Thăng Long là tiết mục độc đáo hơn cả. Du khách đặc biệt bị cuốn hút bởi không khí hào hùng khi những tốp người mặc võ phục vây quanh chú rồng được bện từ nùi rơm, giấy bồi, mo nang đánh quyền, múa côn như đang tái hiện lại bối cảnh những cuộc chiến vang danh sử vàng.

Hội đền Gióng – Sóc Sơn

Hội đền Gióng được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng Âm Lịch hàng năm tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội – gắn với địa điểm tương truyền là nơi dừng chân cuối cùng của Phù Đổng Thiên Vương trước khi bay về trời. Tại lễ hội có mô phỏng lại những trận đấu oai hùng chống giặc Ân xâm lược của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang ta, thông qua đó góp phần nâng cao "nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc".

Lễ hội Gióng Sóc Sơn luôn thu hút một lượng lớn du khách trong 3 ngày mùng 6, 7 và 8 Âm lịch. Trong đó chính hội là mùng 7, ngày thánh hóa theo truyền thuyết với nghi lễ chủ yếu là dâng hoa tre ở đền Thượng (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc.

Năm 2011, hội Gióng chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. 

Lễ hội chùa Bái Đính – Ninh Bình

Lễ hội khai xuân tại chùa Bái Đính cũng là một trong lễ hội xuân nổi tiếng ở miền Bắc thu hút sự quan tâm của du khách. Lệ hội được tổ chức vào mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch, đây được coi là ngày lễ mở đầu cho các lễ hội hành hương trở về mảnh đất cố đô Hoa Lư lừng danh một thời. 

Ngôi chùa Bái Đính khiến ai nấy đều phải trầm trồ ngưỡng mộ bởi kiến trúc công trình nội bật với những hình khối lớn vô cùng hoành tráng, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Đến với lễ hội chùa Bái Đính, du khách có cơ hội tham gia nhiều hoạt động giải trí như các trò chơi dân gian, thưởng thức nghệ thuật ca trù, chèo, xẩm nổi danh đất cố đô.

Lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử - thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh – được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. 

Đây là lễ hội gắn với không gian của non thiêng Yên Tử - nơi vua Trần Nhân Tông về đây tu tập và khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Do đó, nơi đây lưu giữ tinh hoa văn hóa Phật giáo lâu đời của Việt Nam.

Vào mùa xuân, hàng vạn du khách nô nức đổ về Quảng Ninh trẩy hội Yên Tử. Không chỉ gây ấn tuọng bởi phong cảnh tuyệt đẹp với nhiều tháp cổ, chùa chiền, du khách còn tìm lên chùa Đồng linh thiêng trên đỉnh núi - ở độ cao 1.068m so với mực nước biển – để được tách mình khỏi thể giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Lễ hội bao gồm những hoạt động như: bái tổ Trúc Lâm, dâng hương cúng phật, những hoạt động văn hóa dân gian… 

Hội chợ Viềng – Nam Định

Hội chợ Viềng được tổ chức tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bảng, TP. Nam Định vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may (bán rủi cầu may). Điều đặc biệt là chợ Viềng không không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn... Các sản phẩm được đem ra mua bán tại đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi quen thuộc, gần gũi, dân dã. Phiên chợ Viềng “mua may bán rủi”, ít tính thương mại nhưng lại đậm ý nghĩa cầu may theo quan niệm truyền thống. Tại đây, mỗi du khách đều có thể lựa chọn cho mình một vài món đồ phù hợp để mua “lấy may” cho mình.

Không chỉ vậy, khu vực này nằm cạnh quần thể di tích Phủ Dầy với hơn 20 di tích lớn nhỏ thờ mẫu Liễu Hạnh – một trong “tứ bất tử” của Việt Nam – nên thường xuyên thu hút đông đảo du khách khi Xuân về. 

Lễ hội Đền Trần – Nam Định 

Được tổ chức vào ngày 13 – 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, lễ hội khai ấn Đền Trần là một trong những lễ hội xuân rất nổi tiếng nhằm tỏ lòng thành kính đến trời đất cùng chư vị thần linh. Quy mô của lễ hội được tổ chức tại cả ba đền: Thiên Trường, Trùng Hoa, Cố Trạch.

Người dân đến hội không chỉ để thắp hương bày tỏ lòng thành đến thần linh mà còn xin tờ ấn để cầu thăng tiến trong sự nghiệp. Ngoài ra, lễ hội còn diễn ra rất nhiều hoạt động truyền thống rất sôi nổi như múa rồng, múa lân, hát chèo…

Hội Lim – Bắc Ninh

Hội Lim – kết tinh văn hóa truyền thống của đất Kinh Bắc - được tổ chức thường niên và kéo dài trong khoảng 3 ngày từ 12 – 14 tháng Giêng Âm lịch trên địa bàn huyện Tiên Du, Bắc Ninh. 

Trong đó ngày hội chính là ngày 13, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân và lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.

Điểm đặc sắc của lễ hội là hội thi hát được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, các liền anh liền chị đứng hoặc ngồi trên chiếc thuyền rồng được sơn son thiếp vàng, từ từ rời bến trong những câu hát,  ngọt ngào, đậm đà nghĩa tình. 

Ngoài ra, du khách còn được hòa nhập vào không khí nhộn nhịp ở lễ hội thông qua các trò chơi cổ truyền như đu quay, nấu cơm, đấu võ, dệt cửi…

Lễ hội Bà Chúa Kho - Bắc Ninh

Mặc dù ngày 14 tháng Giêng Âm lịch mới là ngày lễ chính nhưng ngay từ những ngày đầu năm, dòng người đã nườm nượp đổ về ngôi đền Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, Bắc Ninh.

Đền Bà Chúa Kho được xây dựng theo lối kiến trúc cổ từ thế kỷ XIX theo kiểu chữ T với những đường nét chạm khắc công phu. Đây cũng là một di tích lịch sử quan trọng nằm trong quần thể di tích Cổ Mễ.

Lễ hội Bà Chúa Kho có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà như cầu mong một năm tài lộc đầy mình. Từ lâu phong tục đầu năm xin lộc và cuối năm trả lễ Bà Chúa Kho đã trở thành thói quen thường niên không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Theo phong tục này, du khách phải dâng sớ xin lộc (để sau này tới trả lễ), mong cho năm sau vốn liếng dồi dào, làm ăn phát đạt.

Lễ hội Đền Hùng – Phú Thọ

Nhắc đến những lễ hội lớn mùa Xuân nói riêng và cả năm nói chung, không thể không nhắc đến Giỗ tổ Hùng Vương, được tổ chức từ ngày mùng 9 – 13 tháng 3 Âm lịch. Ngày mùng 10 tháng 3 là chính hội. Đây là lễ hội mang tầm vóc quốc gia được tổ chức nhằm ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng.

Lễ hội chủ yếu gồm 2 phần: lễ và hội với những hoạt động truyền thống được tổ chức linh đình, trong đó phải kể đến phần dâng lên những lễ vật để bày tỏ tấm lòng thành của con cháu đối với cội nguồn, tổ tiên. Bên cạnh đó, tiết mục rước kiệu đầy sôi động cũng để lại ấn tượng sâu sắc với bất cứ du khách nào tham dự lễ hội này.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất