Sắc màu Cuộc Sống

Những công trình tiền tỉ và nỗi ám ảnh về cái nghèo

Ngô Bá Lục
Chia sẻ

Tuần qua, thông tin về những công trình tượng đài, cổng chào tiền tỉ gây xôn xao dư luận, bên cạnh đó là hình ảnh cậu trò nghèo làm đơn xin thôi học, là nhóm học sinh suýt bị lũ cuốn trôi khiến nhiều người xúc động.

Tôi là người hay suy nghĩ, và những hình ảnh ấy cứ ám ảnh trong tôi.

Rõ ràng, Quảng Ninh - một trong những tỉnh giàu, lọt top 10 tỉnh có số thu ngân sách cao nhất nước. GDP của Quảng Ninh cũng ở mức cao so với mặt bằng chung, ngành công nghiệp khai khoáng, du lịch phát triển mạnh mẽ, cũng xứng đáng để xây chiếc cổng chào 200 tỉ, như một sự tự hào - khẳng định vị thế.

Đường dây 500 KV từ lâu cũng được coi là niềm tự hào của Điện lực Việt Nam. Khởi công từ năm 1992 đến 1994, đường dây 500 KV Bắc Nam đã đi qua 14 tỉnh thành, chủ yếu qua các vùng rừng núi, với 3.437 cột điện tháp sắt, kéo căng 1.487 km đường dây dẫn. Công trình đã phải huy động 12.000 người tham gia và 250 đã tử nạn trong quá trình thi công. Để tri ân những người đã mất và ghi nhớ quãng thời gian thi công “lịch sử”, Tổng công ty truyền tải điện dự kiến xây dựng một Đài tưởng niệm với mức đầu tư khoảng 108 tỉ đồng.

Tuy nhiên, những thông tin ấy lại trái ngược với những hình ảnh khác, cũng được báo chí đưa tin trong tuần, về cái đói nghèo, về sự nguy hiểm, về nỗi lòng con trẻ xót xa phải xin nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le.

anh1_wiof

Cậu bé Quách Văn Trúc vì nhà nghèo, cha mẹ bệnh tật nên phải nuốt nước mắt xin thôi học.

Có lẽ ai cũng cảm thấy mủi lòng, xót xa cho hoàn cảnh cậu bé Quách Văn Trúc - học sinh lớp 7C Trường THCS Xuân Khang (xã Xuân Khang huyện Như Thanh tỉnh Thanh Hóa). Vì nhà nghèo, bố lại mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, mẹ thì bệnh tụt huyết áp sức lực suy kiệt nên em đã quyết định làm đơn xin nghỉ học để ở nhà nuôi bố mẹ. Trước đó, ngoài giờ học, Trúc đi chăn dê và chặt mía thuê lấy tiền phụ giúp gia đình. Em cũng chăm chỉ việc nhà để đỡ đần mẹ. Một cậu bé mới hơn 10 tuổi đã phải bươn chải để lo lắng cho gia đình, lãnh trách nhiệm của một người trưởng thành khiến không ít người rơi lệ xúc động.

untitled-2216

Trẻ em học sinh vùng cao đi học về qua chiếc cầu phao bất ngờ bị gãy vì lũ cuốn thực sự là nỗi ám ảnh cho nhiều người.

Một thông tin khác, không lạ, nhưng vẫn luôn luôn là nỗi trăn trở của nhiều người. Đó là mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh các em học sinh vùng cao đi học về qua chiếc cầu phao bắc qua sông đang ngày nước lũ, khi đi đến giữa cầu, các em đã phát hiện cầu đang vỡ và một nhóm thì chạy hẳn sang bên kia, nhóm còn lại thì lùi về phía sau ngay khi chiếc cầu bị lũ cuốn trôi một đoạn, ngăn cách hai bờ. Đó là chuyện xảy ra tại xã Nầm Cha, huyện Nầm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Và nhiều chuyện khác nữa, mà tôi không tiện kể!

Chỉ 4 thông tin đưa ra như tôi liệt kê ở trên, đã thấy nhiều nỗi trăn trở, suy tư. Rõ ràng, việc xây cổng chào và tượng đài không liên quan đến việc em bé phải nghỉ học vì nghèo, học sinh suýt chết vì vỡ cầu phao dưới dòng thác lũ. Bởi, cổng chào Quảng Ninh, tượng đài kỷ niệm đường dây 500 KV Bắc Nam được xây dựng bằng nguồn vốn huy động của doanh nghiệp; Tuy nhiên, cho dù xây dựng bằng nguồn vốn nào đi chăng nữa, thì rõ ràng cũng mất một số tiền vô cùng lớn. Và câu hỏi đặt ra là, cái cổng chào hoành tráng ấy, liệu có thực sự thu hút khách du lịch, hay chính cách làm du lịch của Quảng Ninh, từ chính sách đến các hoạt động dịch vụ,…mới là điều du khách quan tâm?! Hoặc như Đài tưởng niệm những người đã mất khi xây dựng đường dây 500 KV có làm thân nhân của họ an lòng, hay chính sự quan tâm của xã hội, mà cụ thể là sự quan tâm của ngành điện đối với các gia đình này, mới chính là điều khiến gia đình họ thấy rằng, cái chết của con cháu mình thực sự có ý nghĩa?!

13213123-1475940732662

Cổng chào Quảng Ninh rất hoành tráng nhưng liệu đã phù hợp ở thời điểm này?

Rất may, sáng nay tôi đọc được tin, ông Vũ Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia đã trả lời báo chí, đại ý rằng, công trình Đài tưởng niệm đường dây 500 KV mới chỉ là ý tưởng ban đầu, và sau khi nhận được sự chỉ đạo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, ông đã ra công văn yêu cầu dừng triển khai dự án và vĩnh viễn không xây Đài tưởng niệm này nữa. Vậy là doanh nghiệp này đã có 108 tỉ đồng để sử dụng vào những mục đích khác ý nghĩa và thiết thực hơn.

Ở câu chuyện khác, ngay sau khi nhận được đơn xin thôi học, cô giáo chủ nhiệm của em Quách Văn Trúc đã báo cáo Ban giám hiệu trường THCS Xuân Quang, nhà trường đã động viên em Trúc tiếp tục đi học và vận động thầy cô và học sinh trong trường quyên góp được 200 ngàn và 20 kg gạo ủng hộ. UBND xã Xuân Quang cũng phát động mỗi gia đình trong xã góp 2 kg gạo và 10 ngàn đồng ủng hộ gia đình em Trúc. Số tiền và gạo tuy không lớn, nhưng nó thực sự có ý nghĩa đối với gia đình em, để giảm bớt khó khăn, giúp em Trúc đỡ vất vả kiếm tiền cũng như tiếp tục thực hiện giấc mơ đến trường.

anh_iecn

Các thầy cô giáo nhà trường đã động viên em Trúc tiếp tục đi học và vận động thầy cô và học sinh trong trường quyên góp, ủng hộ em.

Mặc dù những câu chuyện không liên quan nhau, diễn ra ở các địa phương khác nhau, nhưng cùng trên dải đất hình chữ S này. Giống như trong một gia đình, cái cổng nhà hoành tráng, đẹp đẽ nhưng bên trong là cuộc sống quá khác nhau của mấy anh em, người giàu có, kẻ nghèo khó thì liệu ngôi nhà ấy có hạnh phúc, có thực sự yên ấm?

Tôi cứ nghĩ, giá như Quảng Ninh dùng 200 tỉ đồng xây cổng chào ấy, để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, để đầu tư hơn nữa vào việc đảm bảo an toàn cho những công nhân khai thác than hầm lò, để cải tạo triệt để môi trường xanh - sạch - đẹp của vùng mỏ lộ thiên,… thì tốt biết mấy. Bởi khi ấy, không chỉ những người dân Quảng Ninh được thụ hưởng tốt nhất cuộc sống của họ, mà du khách đến với vùng biển Hạ Long cũng sẽ cảm thấy thú vị và muốn quay lại nhiều lần nữa. Cái cổng chào to đẹp, hoành tráng, đắt tiền,… cũng tốt, nhưng kể cả khi không có cổng chào, Quảng Ninh vẫn thực sự rất đẹp, rất kiêu hãnh, rất cuốn hút du khách thập phương, đó mới chính là những giá trị bền vững tạo nên vị thế của mảnh đất này.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn kêu gọi tiết kiệm. Người nói: “Không phải chỉ tiết kiệm khi đất nước nghèo nàn mà ngay cả khi giàu và càng giàu có càng phải thực hành tiết kiệm”. Nếu chúng ta thực sự tiết kiệm, xây dựng những công trình phù hợp, sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, bên cạnh đó, sẽ có thêm những nguồn kinh phí để hỗ trợ người nghèo, cải thiện đời sống cho những bà con vùng sâu vùng xa, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chia sẻ

Bài viết

Ngô Bá Lục

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất