Sắc màu Cuộc Sống

Những câu hỏi được đặt ra sau vụ 7 thanh niên tử vong nghi do sốc ma túy sau đêm nhạc ở hồ Tây

Yến Nguyễn (Tổng hợp)
Chia sẻ

Sau sự việc 7 người tử vong nghi do sốc ma túy tại lễ hội âm nhạc ở hồ Tây, có khá nhiều câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn như: vì sao ma túy được đưa vào không gian này, các nạn nhân có đi cùng nhóm không và trách nhiệm của đơn vị tổ chức sự kiện đến đâu...

Tối ngày 16/9 vừa qua, lễ hội âm nhạc lớn nhất năm 2018 diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây có tên là Trip To The Moon (Du hành tới mặt trăng). Tuy nhiên, sau lễ hội âm nhạc đã có 7 người chết và rất nhiều người phải nhập viện nên khu vực công viên nước Hồ Tây đã tạm dừng hoạt động để phục vụ điều tra.

Qua khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện có nhiều bóng cười và một số chất nghi là ma túy.

Cũng liên quan đến vụ việc, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

“Trip to the Moon” là sự kiện gì ?

Theo tìm hiểu, lễ hội âm nhạc đêm 16/9 ở Công viên nước Hồ Tây có tên TRIP TO THE MOON (Du hành tới mặt trăng). Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Âm nhạc Điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) được tổ chức lần thứ 3 liên tiếp tại Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2017, sự kiện này từng gây chú ý khi có sự tham gia của DJ số 1 thế giới - Hardwell. Năm nay, VEW 2018 được nhiều người kỳ vọng hơn khi có concept Trung thu độc đáo và trình diễn các thể loại nhạc điện tử khác nhau ngay tại Công viên nước hồ Tây.

Rất đông các bạn trẻ tham dự sự kiện “Trip to the moon” vào tối ngày 16/9. Ảnh: báo Giao thông.

Theo lời quảng cáo của BTC, khi tham gia sự kiện này, giới trẻ Hà Nội sẽ được tận hưởng không gian giao thoa giữa những hoạt động truyền thống như múa lân, rước đèn ông sao… kết hợp với màn trình diễn hiện đại thông qua các bản EDM đang “thống trị” khắp các Bảng xếp hạng âm nhạc toàn thế giới.

Sự kiện bắt đầu từ lúc 15h30 ngày chủ nhật, 16 tháng 9. Theo BTC, lý do bắt đầu sớm là để khán giả nghỉ ngơi đúng giờ, đảm bảo sức khỏe cho 1 tuần làm việc mới vào sáng nay ngày 17/9.

Được biết, giá vé vào cửa của sự kiện này được đăng tải là 500 đến 600 ngàn đồng/vé.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xác nhận đơn vị này đã cấp giấy phép cho Công ty kết nối Á Châu (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức lễ hội âm nhạc trên vào tối 16/9 tại Công viên nước Hồ Tây.

Số lượng người tham gia trong đêm nhạc có vượt mức đăng ký không?

Theo Zing.vn thông tin, số lượng người tham dự mà đơn vị tổ chức đăng ký khoảng 5.000 người. Tuy nhiên, nhiều người dự khán cho rằng số lượng khách đông hơn nhiều.

Chia sẻ với báo Tiền Phong về lễ hội âm nhạc điện tử diễn ra tối 16/9, bạn Huy Trung cho biết, đây là chương trình khá “hot”, mình phải đặt vé trước 2 tháng, giá vé 500 ngàn đồng. Tuy nhiên làm ngoài trời nhưng BTC lại bố trí 3 sân khấu trong nhà có rèm quây lại. Đến khi mọi người đến quá đông, không khí trở nên vô cùng ngột ngạt, khó thở. Đến gần cuối chương trình đã có 1 số người bị ngất, lúc đó BTC mới cho kéo rèm lên, không khí mới dễ thở hơn.

Số lượng người tham dự có thể vượt mức đăng ký. Ảnh: Zing.vn.

Theo Huy Trung, khoảng hơn 10h có khá nhiều người ngất xỉu, một số phải đưa ra ngoài bằng cáng. “Sáng hôm sau đọc báo mới biết có 7 người tử vong, giờ mình vẫn chưa hết sốc”, bạn Trung nói.

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết quận đang yêu cầu Công viên Hồ Tây báo lại con số chính xác số lượng người có mặt trong đêm nhạc.

Tại sao ma túy lại dễ dàng được đưa vào lễ hội?

Khi lễ hội gần kết thúc, khoảng 23h10 ngày 16/9, Bệnh viện Tim Hà Nội có hai nam giới đến cấp cứu song 35 phút sau đã tử vong. Qua xác định, hai nạn nhân trên đều tham gia Đêm nhạc hội mùa thu 2018 do Công ty TNHH kết nối Á Châu tổ chức tại công viên nước hồ Tây.

Tại Bệnh viện E, cũng đã tiếp nhận 8 trường hợp đến cấp cứu. Trong đó một nạn nhân chết từ trước, 4 người tử vong tại bệnh viện. Hiện 3 nạn nhân đang trong tình trạng hôn mê ở bệnh viện E, hai người ở bệnh viện Bạch Mai.

Một nạn nhân lên cơn co giật sau đêm nhạc.

Tính đến trưa 17/9, 7 nạn nhân đã tử vong, 5 người đang hôn mê sâu. Toàn bộ các nạn nhân trên đều dương tính với ma tuý. Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện có nhiều bóng cười và một số chất nghi là ma túy.

Theo báo Lao Động, kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy 7 nạn nhân tử vong và một số nạn nhân cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau lễ hội âm nhạc tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây (Tây Hồ, Hà Nội) đã sử dụng thuốc lắc, ma túy đá, ma túy tổng hợp và cần sa.

Bóng cười được bày bán công khai tại lễ hội. Ảnh: Tiền Phong.

Tuy nhiên, câu trả lời cho thông tin ma túy loại gì, do ai mang đến chưa được giải đáp. Theo nhận định ban đầu, vụ việc có nguyên nhân chủ quan từ chính các nạn nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đang gấp rút làm rõ những đơn vị có liên quan trách nhiệm với vụ việc này, trực tiếp là các cơ quan cấp phép và đơn vị tổ chức, quản lý sự kiện.

Các nạn nhân có đi cùng nhóm hay không?

Danh tính các nạn nhân gồm: Nguyễn Hoàng Dương (SN 1991, phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm) tử vong trước khi đến bệnh viện, ngoài ra 4 nạn nhân tử vong tại Bệnh viện E gồm: Nguyễn Thị Tuyết (1996, trú tại TP Sơn La), Nguyễn Thu Hương (SN 1996, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), Hoàng Thanh Tùng (SN 1992, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Trường Chinh (SN 1997, trú tại TP Cao Bằng).

Tại Bệnh viện E hiện đang cấp cứu 3 trường hợp bệnh nhân trong tình trạng hôn mê gồm: Nguyễn Cảnh Vũ (SN 2000, trú tại Hoàn Kiếm, Bùi Văn Cường (SN 1988, trú tại Hải Phòng), Trần Thị Tâm (SN 1999, học viên điều dưỡng Đông Đô).

Có thể thấy, các nạn nhân có độ tuổi rất trẻ, trong đó có cả những bạn đang là sinh viên. Tuy nhiên, câu hỏi liệu “các nạn nhân có đi cùng nhóm không?” thì cơ quan chức năng chưa có cơ sở khẳng định vì họ đến từ nhiều địa phương khác nhau.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc, trao đổi với báo Giao Thông, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định, trước ngày biểu diễn, quận đã cho kiểm tra và Công ty Kết nối Á Châu đã xuất trình được giấy phép, trong nội dung có đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình tổ chức. Về vai trò của địa phương, ông Tuấn khẳng định, đã giám sát chặt chẽ, còn trong tổ chức thực hiện thì Công viên nước Hồ Tây phải chịu toàn bộ trách nhiệm theo hợp đồng ký kết với Công ty Kết nối Á Châu.

Nói thêm về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Viện cho rằng, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự thuộc trách nhiệm của phía công viên nước Hồ Tây phối hợp với công ty tổ chức sự kiện. Còn công an và đơn vị nghiệp vụ chỉ nắm bắt tình hình và khi xảy ra sự việc, công an đã tiếp nhận và điều tra ngay. Với việc có kiểm soát được bao nhiêu người mang ma túy vào và bao nhiêu người sử dụng, theo ông Viện, đến nay vẫn đang trong quá trình điều tra, khi có kết quả sẽ sớm thông tin.

Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Cũng liên quan đến vụ việc, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, do chưa có kết luận cụ thể của cơ quan điều tra nên nếu quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân nào đó là vội vàng. Tuy nhiên, có thể thấy công ty tổ chức sự kiện và nơi cho thuê địa điểm rất khó chối bỏ sự liên quan. Dù có hàng nghìn người tham gia nhưng nếu như kiểm soát tốt, không ai có thể mang ma túy vào để sử dụng.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Tin mới nhất