Sắc màu Cuộc Sống

Vụ thiếu nữ bị tra tấn như thời Trung cổ: Nhóm người hành hung có thể đối diện với những hình phạt nào?

Long Quyền
Chia sẻ

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, hành vi tra tấn, lột đồ, quay clip làm nhục của các đối tượng này là hành vi nguy hiểm, có dấu hiệu tội phạm cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.

Qua nội dung video và phản ánh của người dân, nhóm đối tượng bao gồm 5 người, trong đó, 3 đối tượng Thư, Hương và Hà đã dùng chân tay, dép đánh vào mặt, bắt ngậm khăn, cởi bỏ hết quần áo, đổ bột giặt, dội nước lên đầu V.T.H.T, còn đối tượng Lộc và Trần Ngọc Nhất thì đứng ngoài dùng điện thoại quay video.

Thiếu nữ 15 tuổi bị nhóm bạn hành hung, tra tấn như thời Trung cổ. (Ảnh: VTC News).

Sau khi đánh đập, xúc phạm V.T.H.T cả nhóm rủ nhau đi chơi và khóa cửa để T ở lại trong phòng. Hành vi của các đối tượng này là hành vi nguy hiểm, có dấu hiệu tội phạm cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, với hành vi dùng chân tay, dép đánh vào mặt V.T.H.T (15 tuổi) nếu gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe cho nạn nhân với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới tỉ lệ đó, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).

Bên cạnh đó, việc các đối tượng quay video quá trình đánh đập, bắt nạn nhân ngậm khăn, cởi bỏ hết quần áo, đổ bột giặt, dội nước lên đầu và đăng tải video đó lên mạng xã hội, chia sẻ cho người khác có thể cấu thành Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Căn cứ quy định tại Điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Trong trường hợp này, theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), phạm tội đối với người dưới 16 tuổi được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Theo đó, với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 14 năm.

Còn đối với Tội làm nhục người khác, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối với các đối tượng chưa đủ 16 tuổi, được coi là người chưa có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Do đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Theo Luật sư Tiền, các đối tượng này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội cấu thành tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng phạm tội sẽ bị áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 1 năm đến 2 năm đối với các đối tượng này nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

Chia sẻ

Bài viết

Long Quyền

Tin mới nhất