Chiều ngày 25.9, BS Phạm Trịnh Quốc Khanh - trưởng khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương - cho biết, bệnh nhân nâng mũi còn khá trẻ - 17 tuổi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mũi xuất hiện nhiều vết mủ thâm đen, thăm khám cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng vùng này.
Các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và bôi thuốc dưỡng da. Chi phí điều trị để lấy lại gương mặt bình thường gấp 5-6 lần chi phí bệnh nhân đi “làm đẹp’’ tại cơ sở chui.
Bệnh nhân cho biết, 3 ngày trước có đến một cơ sở chuyên kinh doanh mỹ phẩm, chất làm đầy để… nâng mũi. Cô gái trẻ được tư vấn tiêm chất làm đầy vào mũi mặc dù người thực hiện thủ thuật không có một bằng cấp nào về chuyên ngành spa, phẫu thuật thẩm mỹ. Bản thân cơ sở làm đẹp này thực chất cũng chỉ là một cơ sở bán mỹ phẩm online, thuê tại một chung cư ở TPHCM, chưa được cấp phép thực hiện thủ thuật thẩm mỹ.
Cũng trong tuần qua, khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 35 tuổi nhập viện trong tình trạng áp xe vùng má. Người nhà cho biết, bệnh nhân học nhấn mí và cắt má lúm tại một cơ sở nhỏ ở TPHCM. Sau khi đóng 20 triệu đồng tiền học phí, các học viên tự học kỹ năng này và tự phẫu thuật cho nhau. Kết quả là sau khi được cắt má lúm, bệnh nhân có triệu chứng áp xe vùng má. Bệnh nhân được dùng kháng sinh, kháng viêm để giải quyết vùng áp xe má.
Qua 2 trường hợp này, BS Phạm Trịnh Quốc Khanh cho rằng, hiện nay, quá nhiều dịch vụ thẩm mỹ không phép hoạt động tràn lan, hỗn loạn. Vì thế, bệnh nhân có nhu cầu làm đẹp nên đến các cơ sở uy tín. Theo đó, cơ sở phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ phải treo công khai giấy phép hoạt động cũng như chứng chỉ hành nghề của phẫu thuật viên. Bản thân người làm đẹp cũng phải tìm hiểu và hỏi kỹ chất tiêm vào cơ thể là chất gì…
Bên cạnh đó, một số cơ sở tự ý đào tạo ngành thẩm mỹ, spa một cách tràn lan dù không được phép của Sở Y tế. Tại TPHCM, chỉ có Đại học Y dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được cấp phép đào tạo về phẫu thuật thẩm mỹ.