Sắc màu Cuộc Sống

Ứng dụng liệu pháp điều trị ung thư đoạt giải thưởng Nobel Y học 2018 tại Việt Nam: Nhân lên hi vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư

Theo An Ninh Thế Giới
Chia sẻ

Giải thưởng Nobel Y học 2018 vinh danh GS. Tasuku Honjo (Nhật Bản) và GS. James Allison (người Mỹ) vì khám phá ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế điều hòa miễn dịch âm tính.

Với giới y khoa Việt Nam, tin vui này còn có một giá trị đặc biệt. Bởi có một học trò xuất sắc của GS. Tasuku Honjo là người Việt Nam đang tiếp nối di sản của ông, đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng chống căn bệnh đang khiến gần 100.000 người tử vong mỗi năm. Đó là GS. TS. Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein.

Bước đột phá trong ngành ung thư Việt Nam

GS. Tạ Thành Văn là nhà khoa học mà tên tuổi đã vượt ra ngoài biên giới. Tôi hình dung ông là một người nghiêm khắc đến mức khó tính nên chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn khá cẩn trọng, có cả sự… hồi hộp. Tuy nhiên, không giống như tôi nghĩ, GS. Tạ Thành Văn lập tức gây thiện cảm bởi phong thái khiêm nhường, dễ gần với nụ cười ấm áp cùng vẻ năng động của một người trẻ hơn tuổi rất nhiều. Căn phòng làm việc ngăn nắp chìm trong bản nhạc du dương của xứ Phù Tang, cùng bức thư chúc tết 2018 của GS. Tasuku Honjo đặt dưới mặt kính trên bàn làm việc, phần nào nói lên tính cách của chủ nhân.

GS. Tạ Thành Văn không giấu niềm tự hào trước thành công của người thầy mà ông vô cùng kính trọng. Như các học trò của GS. Tasuku Honjo, GS. Văn không bất ngờ khi thầy được nhận Giải Nobel. “Nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư chỉ là một trong những phát minh có tính đột phá của ông. Vì thế, năm nào chúng tôi cũng chờ đợi Hội đồng của Giải Nobel xướng tên ông” - GS. Tạ Thành Văn chia sẻ.

Là học trò xuất sắc, cũng là học trò người Việt đầu tiên của GS. Tasuku Honjo, trong thời gian gắn bó với phòng nghiên cứu của vị giáo sư danh tiếng mà ông trìu mến gọi là “siêu nhân”, GS. Văn học hỏi được rất nhiều để rồi có những đóng góp xứng đáng cho khoa học. Bởi thế, mặc dù đã rời xa nơi ấy nhiều năm, GS. Tạ Thành Văn luôn tự hào và xúc động khi thấy tên mình vẫn được GS. Tasuku Honjo gắn trên bảng tên trước cửa phòng nghiên cứu vốn chỉ dành cho những người đang học.

Giáo sư Tạ Thành Văn.

Là nhà khoa học đích thực, GS. Văn đã tiếp nối thành tựu của thầy một cách sáng tạo. Ông cho biết, liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư có 2 hướng: Một là kích hoạt các hệ thống tế bào có thẩm quyền miễn dịch hoạt động mạnh hơn ngay tại khối u, để các tế bào có khả năng nhận diện và tiêu diệt chính xác tế bào ung thư. Hai là lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra ngoài cơ thể để nhân lên, biệt hóa trong những điều kiện đặc biệt, rồi truyền lại cho bệnh nhân, để tiêu diệt tế bào ung thư. Hai hướng này có chung cơ sở khoa học là tăng cường chức năng của các tế bào có thẩm quyền miễn dịch nhưng cách tiếp cận hơi khác nhau.

GS. Honjo đi theo hướng thứ nhất, còn quy trình hiện nhóm nghiên cứu của GS. Tạ Thành Văn tại Đại học Y Hà Nội lại đi theo hướng thứ hai. Với quy trình này, khoảng 10-30 ml máu ngoại vi của bệnh nhân được lấy ra để phân lập các tế bào miễn dịch (khoảng vài triệu), nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt của các tế bào trong môi trường đặc biệt (để đạt được số lượng vài tỷ tế bào sau 2 tuần), rồi truyền lại cho bệnh nhân với số lượng và chức năng cao gấp nhiều lần, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh và đặc hiệu tiêu diệt các tế bào ung thư.

“Các tế bào miễn dịch trong cơ thể khi chưa biệt hóa giống như những “tân binh” và các nhà khoa học đưa chúng ra ngoài để “huấn luyện” thành những “chiến sĩ đặc nhiệm”, rồi đưa vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Mỗi liệu trình điều trị gồm 3 tháng với 6 lần truyền, 2 tuần/lần. Liệu pháp này có thể điều trị cho tất cả bệnh ung thư mô đặc (trừ ung thư máu), như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng” - GS. Tạ Thành Văn giải thích.

Theo GS. Văn, ý tưởng về ứng dụng liệu pháp này xuất hiện từ năm 2013, sau đó đã được Bộ Y tế phê duyệt và chấp thuận cho triển khai nghiên cứu vào năm 2015 và thử nghiệm trên người từ cuối năm 2017. Đến nay, có khoảng 20 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K. Kết quả bước đầu khá lạc quan, có bệnh nhân đáp ứng rất tốt và có bệnh nhân đáp ứng vừa phải. Cũng có những bệnh nhân đáp ứng không rõ rệt nhưng nhìn chung chất lượng cuộc sống của người bệnh đều được cải thiện đáng kể.

Việc thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành trong 3 năm, sau đó, sẽ tổng kết và thông qua hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế để đánh giá, kết luận để liệu pháp có thể áp dụng rộng rãi hay không.

“Tại cơ sở chuyển giao công nghệ cho chúng tôi ở Nhật Bản, có hơn 10.000 lượt người được điều trị bằng phương pháp này và tỷ lệ đáp ứng tới 55-60%, tức là bệnh nhân ăn được, ngủ được, đi lại được và không đau. Có khoảng 3% khối u nhỏ đi hoặc biến mất. Tuy nhiên, mục tiêu chúng tôi hướng đến là cải thiện triệu chứng lâm sàng, tăng chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Hiện, còn khoảng 40% đáp ứng không rõ ràng do tùy thuộc vào thể trạng từng người vì phương pháp điều trị này theo y học cá thể” - GS. Văn cho hay.

Theo đánh giá của giới khoa học, miễn dịch trị liệu giải pháp mang tính đột phá của ngành ung thư và miễn dịch. Phương pháp này hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả thông qua tăng cường sức đề kháng của bệnh nhân, thường áp dụng cho người bị ung thư giai đoạn 3 trở đi, có thể kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích để tăng cường hiệu quả. Bệnh nhân không phải nằm viện, chỉ đến lấy máu rồi về và khoảng 2 tuần sau thì đến truyền, không bị đau đớn. Cho đến nay, chưa phát hiện ra biến chứng cũng như tác dụng phụ đáng kể từ liệu pháp này.

Tuy nhiên, GS. Tạ Thành Văn khuyến cáo: Không có phương pháp điều trị nào là hoàn hảo. Vì thế, nếu bệnh nhân ở giai đoạn sớm vẫn ưu tiên điều trị bằng các phương pháp truyền thống nếu có thể phẫu thuật , hoặc hóa trị, xạ trị thì nên phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, sau đó kết hợp với miễn dịch trị liệu, hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.

Người thầy truyền cảm hứng sáng tạo

Bước đột phá trong chuyên ngành ung thư Việt Nam hôm nay với liệu pháp tế bào miễn dịch bắt đầu từ quyết định táo bạo của GS. Tạ Thành Văn gần 20 năm trước, để tạo nên cơ duyên dẫn dắt ông trở thành học trò của GS. Tasuku Honjo: “Tôi biết thầy Honjo từ trước năm 2000, khi đang là thực tập sinh sau tiến sĩ ở Mỹ, bởi những phát minh quan trọng của ông trong lĩnh vực sinh học phân tử và miễn dịch học.

Với sự ngưỡng mộ, tôi đã viết thư bày tỏ nguyện vọng được làm việc trong phòng nghiên cứu của thầy. Sau khi trao đổi, thầy đã đồng ý. Vì thế, tôi đã tới làm việc ở Khoa Y, Đại học Kyoto (Nhật), nơi thầy Honjo làm trưởng khoa (tương đương chức hiệu trưởng trường đại học y ở Việt Nam) từ tháng 4-2001 đến tháng 10-2003”.

GS. Văn còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khá thú vị: Trước khi sang Nhật làm việc cùng thầy Honjo, trong một hội nghị y khoa ở Mỹ, ông có gặp một số giáo sư của Đại học Tokyo. Khi biết ông chuẩn bị sang làm việc tại phòng nghiên cứu của GS. Honjo, họ rất ngạc nhiên và hỏi ông đã suy nghĩ kỹ chưa.

“Khi đó, tôi không hiểu hết ý nghĩa trong câu hỏi của các giáo sư người Nhật. Về sau, làm việc ở phòng nghiên cứu của thầy Honjo, tôi mới dần hiểu ý họ. Thì ra, lâu nay giới nghiên cứu sinh nước ngoài ở Nhật vẫn quan niệm rằng: “Khi đã tồn tại được ở các trường đại học của Nhật thì có thể tồn tại ở bất cứ trường nào trên thế giới. Mà đã tồn tại được ở phòng nghiên cứu của GS. Honjo thì có thể tới bất kỳ phòng nghiên cứu nào ở Nhật”. Điều đó cho thấy được làm học trò của thầy Honjo là may mắn nhưng cũng vô cùng áp lực” - GS. Tạ Thành Văn mỉm cười nhớ lại.

Gần 3 năm làm việc với GS. Honjo là khoảng thời gian vinh quang nhưng cũng thấm đẫm mồ hôi lao động khoa học nghiêm cẩn của GS. Tạ Thành Văn. Áp lực không đến từ GS. Honjo, bởi thầy nghiêm khắc nhưng nhân hậu, nhẹ nhàng và lịch thiệp. Áp lực đến từ sự canh tranh giữa các thành viên trong phòng nghiên cứu, giữa các nhóm nghiên cứu trên thế giới. Vì hằng tuần, từng người phải báo cáo kết quả nghiên cứu một lần, có khi vài lần.

Phòng thí nghiệm của thầy Honjo có hơn 30 nghiên cứu sinh từ các nước đến và tất cả đều làm việc bất kể ngày đêm nên nơi đây sáng đèn 24/24h. Có nghiên cứu viên sau tiến sĩ không theo nổi, đã tự bỏ cuộc. Có kỹ thuật viên bị thôi việc ngay sau một lần pha nhầm hóa chất. Lúc này, GS. Văn mới thực sự hiểu câu hỏi ý nhị của vị giáo sư Nhật khi biết ông quyết định làm học trò của GS. Honjo.

Giáo sư Honjo và giáo sư Tạ Thành Văn.

Như các đồng nghiệp, GS. Văn phải làm việc từ sáng tới khuya. Nhưng, làm khoa học thì khó tránh được thất bại, có khi tới trên 90%, dù có tư duy và logic đúng đắn. GS. Văn từng lang thang suốt đêm dưới ánh trăng thu lạnh lẽo trong nỗi buồn trĩu nặng vì không thành công. Dòng sông thơ mộng, những thảm lá rực rỡ sắc màu hôm nào là niềm thi hứng với người đàn ông xa xứ, nay trở nên u ám lạ lùng… Nhưng, thất bại lại chính là động lực để vươn lên, cùng tấm gương của người thầy đã giúp GS. Văn nỗ lực không mệt mỏi trên con đường khoa học, để có được những đóng góp xứng đáng.

“Trong thời gian may mắn được làm học trò của thầy Honjo, tôi theo đuổi đề tài nghiên cứu cơ chế hoạt động của gen mã hóa enzym tham gia quá trình điều hòa tổng hợp và chuyển dạng kháng thể ở người. Đó là AID (Activation-Induced Cytidine Deaminase) có ứng dụng quan trọng trong bệnh lý ung thư, suy giảm miễn dịch và bệnh tự miễn. Công trình được công bố năm 2003 trên tạp chí quốc tế nổi tiếng Nature Imunology và được giới khoa học đánh giá rất cao. Đó là trí tuệ của thầy và nỗ lực không ngừng của trò” - GS. Văn chia sẻ.

Ký ức đẹp đẽ về người thầy luôn hiện lên trong người học trò xuất sắc: Các học trò vẫn gọi thầy GS. Honjo là “siêu nhân” bởi trí tuệ phi phàm. Mặc dù rất bận nhưng thầy vẫn nhớ chính xác tên tuổi từng thành viên trong phòng nghiên cứu, cũng như ai đang làm gì và tiến độ đến đâu. GS. Văn nhiều phen giật mình vì đang chăm chú làm việc, thầy từ đâu nhẹ nhàng bước đến bên, vỗ vai hỏi “kết quả đâu”, chứng tỏ thầy nắm rất rõ tiến độ mà học trò đang thực hiện. Là người Nhật nhưng thầy yêu cầu tất cả các học trò nói, viết bằng tiếng Anh. Thầy có khả năng viết sách, báo bằng tiếng Anh rất tốt, đặc biệt là nói luôn vào máy ghi âm để các thư ký nghe và đánh máy lại.

Thành công từ phòng nghiên cứu của GS. Honjo với những công trình công bố quốc tế đã mở ra nhiều cánh cửa tươi sáng cho GS. Văn ở nước ngoài nhưng ông quyết định trở về Việt Nam sau gần 10 năm xa Tổ quốc. Ông bảo ông về vì lời hứa với PGS. Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội và PGS. Nguyễn Thị Hà, nguyên Phó Hiệu trưởng. Thầy Honjo ủng hộ quyết định này và hứa sẽ hỗ trợ khi GS. Văn muốn có nhóm nghiên cứu riêng ở Việt Nam.

Kể lại cho chúng tôi nghe mà GS. Văn vẫn nguyên niềm xúc động: Trước khi tôi về nước, thầy Honjo gọi tôi vào phòng và nói: “Đã đến lúc về rồi”. Điều khiến tôi cảm động là trên bàn làm việc của thầy hôm đó có tấm biển mang dòng chữ Smile Boss. Đây là một trong 2 tấm biển thầy luân phiên để trên bàn để mọi người biết tâm trạng của thầy mà ứng xử cho phù hợp: Smile Boss (dùng khi thầy vui vẻ, thoải mái), Thinking Boss (khi thầy đang bận tư duy).

Trong buổi trò chuyện, thầy Honjo khuyên tôi khi về nước nên tham gia nhiều hội nghị khoa học, để các nhà khoa học Việt Nam biết tôi đã làm được những gì và có thể làm gì, đồng thời, thông qua các báo cáo của đồng nghiệp sẽ hiểu được nhu cầu khoa học ở trong nước, từ đó xác định hướng nghiên cứu cho mình.

Sau đó, như đã hứa, thầy Honjo tiếp tục hỗ trợ nhóm nghiên cứu của GS. Văn, bằng việc đào tạo TS. Trần Huy Thịnh trở thành một nhà khoa học nhiều tiềm năng, một cộng sự đắc lực của GS. Văn tại Đại học Y Hà Nội.

Giờ đây, GS. Văn vẫn thường xuyên giữ liên lạc với GS. Honjo và đến thăm khi có dịp. Mỗi dịp năm mới, GS. Honjo đều gửi thiệp chúc mừng GS. Văn và thông tin mới nhất về sự nghiệp và cuộc sống của mình, như kết quả ứng dụng kháng thể kháng PD1 đã được thử nghiệm thành công trên nhiều loại ung thư, điểm số chơi golf vẫn tốt, gia đình vừa chuyển đến một căn hộ gần nơi làm việc…

Chia sẻ

Bài viết

Theo An Ninh Thế Giới

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất