Sắc màu Cuộc Sống

Nhà Chống Lũ - Những ngôi nhà phao đỏ đã cứu rất nhiều gia đình trong đợt lũ năm nay

Theo Trí Thức Trẻ
Chia sẻ

Ra mắt cách đây đã hai năm, nhưng mãi cho đến gần đây khi người dân miền Trung đang chật vật với mưa lũ thì dự án Nhà Chống Lũ mới bắt đầu nhận được sự chú ý của nhiều người.

Khúc ruột miền Trung đang oằn mình gánh chịu hậu quả của trận mưa lũ là chủ đề nhận được nhiều sự chú ý, quan tâm nhất trong những ngày gần đây. Nhìn hình ảnh biển nước dâng cao ở khắp mọi nơi, bao nhiêu nhà cửa, tài sản, hoa màu, thậm chí cả tính mạng con người đã bị nhấn chìm dưới dòng nước cuồn cuộn kia khiến nhiều người thương đến không cầm lòng được.

Giữa lúc hàng nghìn người vẫn đang vật lộn trên nóc nhà trong cơn lũ dữ và chưa biết sẽ cầm cự được bao lâu thì những ngày gần đây, dòng trạng thái chia sẻ về một dự án ý nghĩa mang tên “Nhà Chống Lũ” đã thắp lên hi vọng cho rất nhiều người. Được biết, người đăng tải status này là chị T.L - một trong những thành viên của dự án, đồng thời là quản lí truyền thông và điều phối chương trình miền Tây “Chảy đi sông ơi” của Nhà Chống Lũ. Nguyên văn dòng status có nội dung như sau:

hihi-1476707073154

“Quảng Bình, Hà Tĩnh đã lụt nặng.

2h sáng gọi điện cho bà con ở thung lũng Tân Hóa mà số nào cũng không liên lạc được, may đến 3h30 có Niên bắt máy, nói nước cao rồi, khoảng 3m, nhưng mà nhà Niên ổn, leo lên nhà phao trú, nước với đồ ăn trữ sẵn ở nhà phao đủ khoảng 4,5 ngày. Có điều chất lên hơi nhiều đồ nên nhà hơi nặng.

Niên nói mấy nhà quanh xóm Niên lên nhà phao ok hết rồi, không biết mấy xóm khác sao.

Đọc báo thấy có ông Năng bị mất tích, nghe nói ông Năng là ba anh Lực bán quán ăn ở xóm, mất do đi dắt bò về, qua chỗ ngàm nước. Thương ghê.

Giờ cứ vừa lo, vừa mừng. Trông cho trời mau sáng. Mấy năm lăn qua lăn lại với Tân Hóa để làm mấy chục nhà phao. Đi về không biết bao nhiêu bận, người nói ra nói vào, hai năm rồi không có lũ, nhà phao nằm đó không biết thế nào. Giờ lũ về đột ngột, nghe bà con sống được trên đó mừng thiệt là mừng.

Hồi đó mình nói với Vinh, mình phổ cập nhà phao cho Tân Hóa luôn. Nhưng rồi mình lại phải dừng trước khi mỗi nhà có 1 nhà phao. Sau đợt này mà bà con nói tốt, làm nữa, là mình đi xin tiền làm tiếp, làm tiếp.

Hồi này năm kia, chú trưởng thôn 4 dẫn mình đi tới mấy hộ để bàn chuyện làm nhà. Cũng mưa gió nhưng không có lũ.

Mấy nhà tôn xanh, đỏ là nhà phao đó.”

Ngay sau khi đọc được thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với chủ nhân bài viết và được giới thiệu tiếp để trò chuyện với chú Hùng Lương - Trưởng ban xây dựng của Nhà Chống Lũ. Được biết, dự án Nhà Chống Lũ là chương trình kêu gọi đóng góp từ cộng đồng để xây dựng nhà chống lũ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung.

1-1476707092650

Mô hình nhà kê nền hay còn gọi là nhà sàn thấp để tránh lũ bùn, lũ ống cường độ thấp.

1-1-1476707428093

1-2-1476707428095

Mô hình nhà vượt lũ cho vùng trũng thấp của Hà Tĩnh (như vùng ngoài đê Sông La, ven sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu thuộc các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn). Mô hình này cũng áp dụng cho vùng Lệ Thuỷ, Bố Trạch, Quảng Trạch của tỉnh Quảng Bình ở các vùng lũ cao từ 2,5- 3,5m vùng Lộc Thuỷ ven sông Kiến Giang, Cảnh Hoá và Liên Trạch ven sông Gianh, sông Son. Trong mô hình, phần mái nếu lợp tole mát thì đều có nẹp sắt chống bão giật!

Chú Hùng Lương chia sẻ nhà phao chống lũ là dạng nhà nổi, trên là kết cấu nhẹ (khung gỗ/sắt, vách, mái tôn), dưới là thùng phuy nhựa/sắt để làm nổi. Nước dâng đến đâu, nhà sẽ nổi đến đấy. Nhà phao này được phát triển từ bè chuối, bè cây của ông cha ta ngày xưa.

Ở Tân Hóa, bà con trước đây cũng dùng bè cây như vậy, nhưng không chịu được mưa gió và không đảm bảo an toàn. Năm 2010, Tân Hóa lụt lớn, có nơi nước trên 14m, thuyền đi ngang cột điện. Sau năm 2010, một hộ dân trong xã đi làm ăn ở miền Tây và học được cách làm nhà bè của bà con ở đó, về đã cải tiến lại để sử dụng tại xã. Còn lương thực và vật dụng đều đã được đưa lên nhà phao ngay đầu mùa lũ. Khi thấy mưa lớn kéo dài, bà con chuyển nốt những thứ cần thiết lên nhà phao.

Mục tiêu mà dự án này muốn hướng tới chính là xây dựng những ngôi nhà an toàn tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Dự án sẽ hỗ trợ các đối tượng nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nâng cao năng lực sống an toàn và chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

2-5-1476708148789

Các mô hình nhà cấp 4, mái xây cao, có gác xép bê tông để tránh bão và lũ thấp cho vùng Điện Bàn Quảng Nam, vùng ngoài đê Sông La của Đức Thọ Hà Tĩnh.

2-1-1476707530316 2-3-1476707572533 2-1476707530321

2-4-1476707572538

Một số hình ảnh về nhà chống lũ sau khi đã hoàn thành.

Dự án Nhà Chống Lũ được xây dựng và triển khai bởi Ban gây quỹ và Ban thực hiện. Ban gây quỹ là các cá nhân và tổ chức uy tín từ các công ty, đài báo và cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương. Ban thực hiện bao gồm cán bộ và tình nguyện viên thông qua sự hợp tác của Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn), một tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về quản lý thiên tai, giáo dục và phát triển cộng đồng.

14658342-1791977751016294-976668024-n-1476707717295

Trong ảnh là các cháu của một gia đình ở Điện Bàn, Quảng Nam đứng ở cầu thang lên gác xép tránh lũ.

Sở dĩ Nhà Chống Lũ chọn xã Tân Hoá là vì nơi đây hàng năm đều có lụt, mức lụt trung bình là 3 - 4m. Bình thường lụt đến, bà con chỉ có thể dắt nhau lên lèn (lên núi) để trú ẩn. Đây là xã thung lũng, bao quanh là núi đá, lũ khắp nơi đổ về nên nước dâng rất nhanh, nhưng thoát rất chậm vì chỉ có 1 hướng thoát là hang Tú Làn. Như hôm 14/10 vừa qua, lúc 14h, chỉ trong vòng 15 phút mà nước đã lên đến 1m.

3-1-1476708243686 3-1476708243693

3-2-1476708243690

Mô hình và sản phẩm thực tế nhà chống lũ cho vùng ngập sâu 2,8-3,2m nước, có cầu thang ngoài. Đây là mô hình nhà cho vùng ngập lũ kéo dài (lũ ngâm) từ 7-15 ngày ở vùng trũng sâu của Sơn Thịnh, Hương Sơn và một số vùng của Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cầu thang ngoài để dành cho trâu, bò, dê, heo/lợn… lên tránh lũ ở phần dành riêng phía sau!

Năm 2014 - 2015, Nhà Chống Lũ bắt đầu khảo sát và quyết định hỗ trợ bà con xây dựng nhà phao, vì chỉ nhà nổi mới có thể thích ứng được với tình hình ngập lụt ở đây.

4-1476708434139

4-2-1476708434136

Mô hình và sản phẩm thực tế nhà phao/nhà bè dành cho vùng đặc thù lũ ngâm trong thung lũng Tân Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình. Mức ngập sâu từ 4 - 14m. Trên thực tế Nhà Chống Lũ đã triển khai mô hình này và đạt hiệu quả tích cực qua đợt lũ vừa qua!

4-1-1476708434134 4-3-1476708434138

Dù 2 năm không lụt nhưng đây là xứ lụt, nên cứ đến mùa mưa lũ, bà con đều chuẩn bị sẵn sàng.

Tuy 2 năm qua vẫn chưa có trận lụt nghiêm trọng nào nhưng vùng quê nghèo này vẫn luôn sẵn sàng trước những cơn lũ lớn bất chợt ập đến. Lương thực và vật dụng đều được đưa lên nhà phao trước mùa lũ. Khi thấy mưa lớn kéo dài, bà con chuyển nốt những thứ cần thiết lên nhà phao. Theo như tình hình cập nhật ở một số gia đình tại Tân Hóa, nhờ có nhà chống lũ mà nhiều người dân đã may mắn không gặp nguy hiểm gì về tính mạng, đồng thời bảo vệ được những tài sản có giá trị của mình.

“Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao” - là phương châm mà dự án Nhà Chống Lũ đưa ra, hiện đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng. Và ê kíp Nhà Chống Lũ không chỉ dừng lại ở đó mà họ vẫn đang ngày đêm thực hiện công tác giúp đỡ người dân, đồng thời cứu trợ số lượng lớn nhu yếu phẩm bao gồm máy lọc nước, thức ăn, nước uống.

Mọi người đều mong muốn rằng, hình thức nhà chống lũ sẽ có cơ hội được nhân rộng để giảm nguy cơ thiệt hại về người và của cho người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực miền Trung thường xuyên phải oằn mình chống chọi với mưa lũ.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Trí Thức Trẻ

Tin mới nhất