Sắc màu Cuộc Sống

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Hãy cầu nguyện cho chính chúng ta, cũng đã đến lúc rồi!

Chia sẻ

Không ít người đã lên tiếng phản đối khi tôi viết trên Facebook cá nhân về con số những người đã chết trong vụ khủng bố ở Paris và số người chết trong cùng thời điểm ở Việt Nam.

Những ngày này, thế giới cầu nguyện cho nước Pháp, sau những gì đã xảy ra ở Paris, khi những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu đã lấy đi mạng sống của hơn 100 người. Chúng ta sốc, bởi thế giới này ngày càng trở nên điên loạn và nhiều bất trắc hơn, bởi nước Pháp cũng gần gũi với rất nhiều người. Paris hoa lệ, đẹp đẽ và lung linh. Nước Pháp của nhân văn và các giá trị.
 
Tôi cầu nguyện cho Paris, vì những cảm tình của tôi cho nước Pháp từ khi còn nhỏ, vì con gái tôi đang hưởng thụ nền giáo dục của họ, vì những cuốn tiểu thuyết, bài thơ, câu truyện, nhân vật và các giá trị mà tôi tiếp thu. Không sốc sao được khi những kẻ đến từ một tôn giáo khác xông vào nơi mà ta yêu mến, cầm súng tàn sát những người có thể không phải bạn bè ta, không quen biết ta, nhưng tự nhiên trở thành một sợi dây gắn bó vô hình với ta, bởi họ đã chết trên mảnh đất ấy, dưới tay của những kẻ điên loạn đã cướp đi mạng sống của bao người vì lòng thù hận.Và như một hậu quả, những cái chết ấy có thể sẽ dẫn đến nhiều cái chết khác của những người vô tội, trong những cuộc chiến tranh chất chồng máu và nước mắt.
 
 
Bỗng dưng, tôi nghĩ đến những người đồng bào đã chết vì tai nạn giao thông và ung thư. Không phải một sự so sánh, chỉ là một sự liên tưởng về những hình thức khủng bố. Không ít người đã lên tiếng phản đối khi tôi viết trên Facebook cá nhân về con số những người đã chết trong vụ khủng bố ở Paris và số người chết trong cùng thời điểm ở Việt Nam, trên những con đường vì tai nạn hoặc trong bệnh viện, vì ung thư, rồi đặt ra một câu hỏi “ai sẽ cầu nguyện cho chúng ta?”. Họ nói tôi không nên so sánh, rằng khủng bố là kinh hoàng, còn chết vì tai nạn trên đường hoặc ung thư là bình thường, ở đâu chẳng có, riêng gì Việt Nam. Tôi không nghĩ thế, cảm thấy buồn vì người ta nghĩ rằng, tất cả những cái chết kia của chính đồng bào mình là chuyện bình thường.
 
Khi ta nghĩ rằng, những cái chết như thế quanh ta-nhiều vô cùng bạn ạ, và không có chiều hướng giảm-là điều bình thường, có nghĩa là ta đã chấp nhận điều ấy như một phần của cuộc sống, ta có thể dửng dưng với nó, và không làm gì hết, trong khi lẽ ra, ta cần phải thức tỉnh để làm một điều gì đó nhằm thay đổi tình hình. Số người chết mỗi ngày trên những con đường, trung bình chừng 30 người vì tai nạn giao thông, số người chết vì ung thư cao gấp 7-8 lần như thế-một nửa là do thức ăn hoặc môi trường-là không hề bình thường. Nó là một cơn ám ảnh khủng khiếp với nhiều người, trong đó có tôi, người sống không hề duy tâm và xuề xòa theo kiểu “ôi dào, sống chết có số”. Một người bạn của tôi đã mất vì tai nạn giao thông, em họ tôi cũng thế. Một người bạn khác đã chết vì ung thư, vài người khác tôi quen biết cũng qua đời vì những căn bệnh ung thư quái ác liên quan đến những gì mà họ ăn vào.
 
 
Sẽ còn ai nữa, sau đây, trong số bạn bè, người thân của tôi, hay sau đó sẽ là chính tôi, nếu không chết vì những thứ ăn vào hoặc môi trường sống tệ đi thì cũng vì bị một kẻ nào đó đâm xe ngoài đường?
 
Những kẻ khủng bố ở Pháp có thể bịt mặt và tàn sát người khác vì lí tưởng của chúng, tôn giáo của chúng, chui lủi và không dám công khai ra mặt. Còn những kẻ khủng bố ở ta thì khác. Họ không bịt mặt. Họ cùng nói ngôn ngữ với ta, chia sẻ cùng với ta một nền văn hóa. Họ sống cùng với ta trong thành phố, có khi là hàng xóm của ta. Ta gặp họ ở đường, ở chợ, ở mọi nơi. Họ sống quanh ta, và nếu một ngày, nếu ta đi ẩu và vô tình gây ra tai nạn cho một ai đó, ta cũng có thể trở thành một kẻ khủng bố giao thông. Đừng nghĩ rằng chỉ có những kẻ gieo rắc cái chết bằng súng đạn là gây ám ảnh, những cái chết ở thời bình mà không cần đến súng đạn, từ sự vô ý thức trong cuộc sống và sinh hoạt, sự tham lam và vô nhân tính của chúng ta còn kinh khủng hơn nhiều. Vì nó xảy ra hàng ngày và ở bất cứ đâu, có thể ngay quanh ta, trước mắt ta, trong nhà ta.
 
Những cuộc khủng bố ở đâu đó, từ Tunisia, Lebanon cho đến Pháp đều xa lắc xa lơ và trở thành sự kiện nóng trên truyền thông, các mạng xã hội. Những cuộc bàn luận về các nguy cơ khủng bố với thế giới trở nên nóng bỏng và căng thẳng sau bàn phím hay những quán cà phê vỉa hè hoặc máy lạnh. Nhưng những cuộc khủng bố ở ta thì diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trên những con đường - khi những “xe điên” lao vào người khác, khi những kẻ say rượu đâm lung tung, những kẻ coi thường tất cả vượt đèn đỏ; diễn ra một cách từ từ trên mâm cơm ở mỗi gia đình, trong quán nhậu ở ngoài đường, với những thứ ta ăn vào. Họ bỏ những gì vào trong đó theo kiểu “khuất mắt trông coi” không ai biết, nhưng thỉnh thoảng lại rùng mình khi đọc được trên báo chí, người ta thu được không biết bao nhiêu là thuốc kịch độc bỏ vào đồ ăn chăn nuôi, bao nhiêu chất kinh khủng được cho vào hoa quả, rau ăn.
 
 
Đâu cũng thấy chuyện đồ ăn nhiễm chất độc (mà chẳng thấy ai phải vào tù). Nhìn đâu cũng thấy những sự phớt lờ, hoặc chấp nhận cam chịu vì không còn lựa chọn nào khác (“đằng nào chả chết, cứ ăn thôi”). Thế là hình thành những “vườn treo Babylon” trồng rau trên gác thượng để ăn (nhà tôi cũng có một cái như thế). Và những lần về quê là quý hóa xúc động vô cùng khi được các cô, chú, bác, người dúi cho mấy củ xu hào, người mấy mớ rau, bảo là “quà quê đấy, rau sạch, không như trên Hà Nội nhà mày đâu”. Sực nhớ đến cái thuở bao cấp xa lắc xa lơ ngày xưa ăn theo tem phiếu, thiếu đủ thứ, gạo, thịt, và “nhà quê” trở thành nơi cung cấp hào phóng những thứ đó cho các gia đình ở Hà Nội. Bây giờ đâu có thiếu đồ ăn như ngày đó, mà “nhà quê” cũng vẫn là phao cứu sinh? Lại phì cười chua chát khi nhớ một lần, tôi giật mình kêu lên khi thấy một con sâu trong đĩa rau của mình vào một bữa trưa cơm bụi gần cơ quan, thì bạn bè ngồi bên kêu lên: “Đấy mới là rau sạch”. Từ bao giờ trong chúng ta tồn tại một điều kì cục như thế trong định nghĩa về “sạch”?
 
Ai đó đọc bài này có thể bảo, tôi cả nghĩ quá, suy diễn lảm nhảm linh tinh. Và nữa, ai chẳng phải chết. Ừ, nhưng tôi không muốn chết như một kẻ tai nạn hoặc quá ốm yếu vì bệnh tật, và nếu cộng đồng không làm một điều gì đó trước khi quá muộn, con cháu chúng ta sẽ “lĩnh” đủ. Mà hình như từ bọn trẻ và nhiều người lớn bây giờ cũng đang hình thành một tầng lớp khủng bố mới rồi thì phải, bằng bàn phím…
Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất