Sắc màu Cuộc Sống

Người Việt xấu xí hay câu chuyện về tâm lí nhược tiểu?

Đức Thành
Chia sẻ

Người Việt có nhiều đức tính tốt nhưng bên cạnh đó, cũng không ít những điều chưa thật sự được thoả đáng từ cách nghĩ của số đông. Tự ti là một điều như vậy?

Không tin “người ngoài” đạo của “người nhà”…

Câu chuyện ColdPlay và Rihana bị nghi “đạo nhạc” của Trần Tiến gây ồn ào một dạo, rồi cũng nhanh chóng rơi vào quyên lãng. Số là, ca khúc 'Princess Of China' của Rihanna và Coldplay trong album 'Mylo Xyloto' phát hành ngày 17/10/2011 bị phát hiện có những chi tiết trùng lặp với bài hát 'Ra ngõ tụng kinh' của Trần Thu Hà nằm trong đĩa 'Trần Tiến' phát hành năm 2008.

Nhớ lại, nói về vấn đề này, Nhạc sĩ Bảo Thạch cho biết anh cảm thấy buồn cười, rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì chỉ giống mấy câu dạo đầu. Theo anh, một bài nhạc RnB pha trộn chút rock, còn một bài kiểu dân ca miền Bắc, không hề liên quan đến nhau. Bảo Thạch phản biện, Rihanna là một tên tuổi quá nổi tiếng của âm nhạc quốc tế, còn nhạc của Hà Trần chỉ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, cùng lắm là người Việt ở nước ngoài. Khả năng Rihanna nghe nhạc của Hà Trần đã là hiếm chưa nói đến chuyện đạo nhạc. Anh cũng nói thêm, kiểu giai điệu này, nhạc Hoa, nhất là nhạc phim võ thuật tới mấy chục bài giống như vậy. “Chắc là cả hai bài này đều tham khảo cách hòa âm của nhạc dân gian Trung Hoa thôi”, Bảo Thạch kết luận.

Hà Trần có lẽ là nghệ sĩ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam "dám" lên tiếng về chuyện nghệ sĩ nước ngoài vay mượn ý tưởng nghệ sĩ Việt

Hà Trần có lẽ là nghệ sĩ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam “dám” lên tiếng về chuyện nghệ sĩ nước ngoài vay mượn ý tưởng nghệ sĩ Việt

Đa phần nhạc sĩ tại Việt Nam vào thời điểm đó đều thận trọng với ý kiến của mình và cho rằng khó mà có chuyện ban nhạc lừng danh cùng ca sĩ lừng danh thế giới đi đạo nhạc của một cô ca sĩ ở một quốc gia kém phát triển. Ở chiều ngược lại, nhạc sĩ Thanh Phương lại rất “nhẹ nhàng” lên tiếng khi cho rằng, Việt Nam vốn là một thị trường âm nhạc nhỏ nên thường bị những thị trường âm nhạc lớn hơn lấn át. Hơn nữa, chúng ta vốn mang tâm lý tự ti nên thường nghĩ chỉ có người Việt Nam mới đi “copy” sản phẩm nước ngoài, chứ không nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nào lại đạo nhạc Việt Nam cả. Việc ca sĩ, nhạc sĩ nước ngoài “dùng lại” những giai điệu Việt Nam không phải là lần đầu nhưng thường không vấp phải sự phản ứng nào từ công chúng Việt, dù nhỏ.

Còn nhạc sĩ Trần Tiến - cha đẻ của ca khúc - thì lại hóm hỉnh cho rằng: “Việt Nam sử dụng lại nhạc nước ngoài quá nhiều, nên bây giờ có một ca sĩ nổi tiếng như Rihanna lấy chút ít nhạc Việt Nam đưa vào bài hát của mình thì chúng ta cũng vui vui chứ nhỉ? Chắc vì lý do đó nên cư dân mạng mới bàn tán xôn xao đến thế”. 5 năm đã qua, câu chuyện về “nghệ sĩ nhà người ta” đạo nhạc “nghệ sĩ nhà mình” đã chìm vào quên lãng. Đã chẳng còn mấy ai nhắc tới nữa. Mà sự bận tâm, như muôn thưở vẫn dồn vào “nghệ sĩ nhà mình” đi “chôm” nhạc của ai trên Thế Giới.

…Nhưng lại rất có niềm tin nghệ sĩ Việt đi đạo nhạc nước ngoài

Câu chuyện về Vũ Cát Tường vừa qua có lẽ cũng là một điều đáng để nhắc nhớ với người nghe nhạc, giới truyền thông cũng như giới làm nghề nói chung.

Sau tất cả, Tường đã có một cú “lội ngược dòng” ngoạn mục bằng một thái độ đương đầu và minh bạch mọi chuyện như không thể tốt hơn. Sự thật đã được sáng tỏ khi nữ nghệ sỹ người Nhật gửi Email khẳng định Vũ Cát Tường không đạo nhạc của cô. Trước đó, nữ nghệ sỹ “Vết mưa” đã gửi cho nhạc sỹ người Nhật một bức thư rất dài trình bày về quá trình sáng tác ca khúc, và khẳng định “Vết mưa” ra đời trước bản nhạc của vị nhạc sỹ người Nhật kia. Chuyện Vũ Cát Tường “đạo nhạc” vì thế mà kết thúc.

Sau tất cả, Tường đã tự cứu mình bằng một thái độ sòng phẳng nhất có thể

Sau tất cả, Tường đã tự cứu mình bằng một thái độ sòng phẳng nhất có thể

Trong khi trước đó, có nhiều trang báo đưa tin Vũ Cát Tường dính nghi án đạo nhạc. Dù chưa được kiểm chứng, nhưng link những bài báo này vẫn được shared đều trên khắp các tài khoản facebook kèm theo những lời nhận định “chói tai” dạng như “đẹp mặt chưa” hoặc “nói người chẳng nghĩ đến thân”, v.v… Trong những bài viết đó, độc giả đa phần comment để chửi bới Vũ Cát Tường, chỉ một số rất ít tin rằng cô trong sạch. Thậm chí, ngay cả như đồng nghiệp là Châu Đăng Khoa cũng vào fanpage của Vũ Cát Tường để “móc máy” và nhắc nhở khéo léo đàn em trên facebook cá nhân của mình. Sau khi mọi chuyện được Tường “dẹp loạn”, liệu có ai trong số những người nói trên cảm thấy mình có lỗi vì đã mắng mỏ, chửi bới Vũ Cát Tường khi trước đó vội tin vào những điều chưa được kiểm chứng.

Trước đó, Sơn Tùng M-TP cũng dính nghi án đạo nhạc khi ca khúc Chắc ai đó sẽ về được cho là đạo ca khúc Because I Love You của ca sỹ Hàn Quốc, Jung Yong Hwa. Cư dân mạng sôi sục và hàng trăm ngàn những lời nhục mạ được tuôn ra từ bàn phím máy tính và điện thoại, nhằm vào Sơn Tùng. Tuy nhiên, có một điều lạ rằng, ngay cả khi chủ nhân của ca khúc Because I Love You khẳng định Sơn Tùng không đạo nhạc, thì nhiều người vẫn không buông tha và cho rằng, công ty quản lý Sơn Tùng M-TP đã “cấu kết” với phía Hàn Quốc để chứng minh sự trong sạch của chàng trai Thái Bình, chứ thực tế thì Sơn Tùng vẫn đạo nhạc.

Tâm lý nhược tiểu của một bộ phận giới trẻ hiện nay thực sự đáng lo ngại, khi nó làm mờ đi niềm tin của bản thân vào những điều tốt đẹp ngoài xã hội. Vì thế, họ luôn nghĩ người Việt mình yếu kém, nhỏ bé không giàu sức sáng tạo như người nước ngoài. Vì thế, nếu như có bất kỳ điều gì giống nhau giữa sản phẩm của người Việt với nước ngoài, thì ngay lập tức, người Việt mình sẽ trở thành “kẻ cắp” trong chính con mắt người Việt. Đó thực sự là một điều đáng buồn.

Trở lại câu chuyện Ra ngõ tụng kinh của Trần Tiến nghi bị ColdPlay và Rihana đạo ý tưởng cách đây 5 năm trước, nhạc sĩ Thanh Phương từng hóm hỉnh và sâu cay khi nói rằng: “Thú thật là sau nghi nghe xong Princess Of China, tôi thấy mình may mắn. May mắn vì đã kịp ra album từ cách đây 3 năm - nếu không thế nào cũng bị lên án là đạo nhạc”.

Và có lẽ Hà Trần đã hoàn toàn đúng khi lên tiếng để khép lại chuyện 5 năm trước, rằng: “Độ phổ biến của nhạc Việt Nam còn hạn chế nhưng cái gì hay, độc đáo thì vẫn có thể trở thành cảm hứng của người khác - nhất là thời điểm Internet phát triển, dễ tìm kiếm thông tin như hiện nay. Nhưng người Việt hay có tính tự ti, dễ tin mình đạo nhạc, còn khi thấy nhạc nước ngoài giống mình thì cho rằng đó là sự trùng lặp ý tưởng chẳng có gì phải ầm ĩ”.

Đến bao giờ bộ phận giới trẻ Việt “nhược tiểu” mới dám tự tin vào bản thân và những người khác ngoài xã hội. Hãy đứng lên đi, bởi nếu chỉ ngồi, bạn sẽ luôn thấy người khác cao hơn mình!

(*) Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp tại báo Vnexpress.net

Chia sẻ

Bài viết

Đức Thành

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất