Sắc màu Cuộc Sống

Đại gia từng bỏ hơn 20 tỷ đồng mua cây sưa đỏ: Suốt 8 năm qua vợ chồng ‘nai lưng’ ngược xuôi vay mượn để trả nợ

Định Nguyễn
Chia sẻ

Theo ông Thái đại gia gỗ ở Bắc Ninh, suốt 8 năm qua số tiền 20 tỷ đồng ông bỏ ra mua nhánh cây sưa đỏ bị gãy đổ ở đình làng Phụ Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn bị công an phong tỏa khiến vợ chồng ông phải ngược xuôi, nai lưng vay mượn để trả trả nợ, thậm chí phải vay với lãi cắt cổ.

Đại gia bỏ số tiền 20,5 tỷ mua gỗ sưa nhưng 8 năm sau chưa được thu hồi lại

Những ngày gần đây, câu chuyện cây sưa đỏ từng được đại gia trả giá 100 tỷ đồng ở xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được dư luận vô cùng quan tâm. Cây sưa đỏ tại đây có tuổi đời khoảng hơn 100 năm.

Suốt nhiều năm qua người dân trong làng ngày đêm trông coi đề phòng cây sưa bị kẻ trộm cắt mất. Năm 2010, một cành của cây bị gãy và được bán với giá hơn 20 tỉ đồng. Được biết đại gia bỏ ra số tiền hơn 20 tỷ mua cây gỗ sưa này chính là ông Dương Văn Thái (ở làng Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Cây sưa đỏ ở đình làng Phụ Chính.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thái kể, cách đây 8 năm ông bỏ số tiền 20,5 tỷ mua 2,5m3 gỗ sưa của làng Phụ Chính, xã Hòa Chính. Tuy nhiên, ngay sau đó số lô gỗ sưa ông vận chuyển về thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ.

Ông Thái kể, hồi tháng 7/2010, các bô lão và người dân Phụ Chính đang tế lễ trong chùa thì bỗng dưng một cành sưa to bằng cổ chân của cây sưa được định giá trên 100 tỷ đồng bị mối đục rơi xuống. Sau đó, các cụ cao niên đã họp bàn về chuyện khai thác những cành sưa già cỗi để tránh nguy hiểm khi gió bão, đồng thời có thêm kinh phí xây đình, tu sửa chùa. Trong buổi họp bàn, 100% biểu quyết tán thành đề xuất này.

Một nhánh cây sưa trước đây bị gãy đổ được dân làng cắt bán cho ông Thái với giá 20,5 tỷ đồng.

“Sau khi tổ chức đấu giá, tôi là người trả giá cao nhất với số tiền là 20,5 tỷ đồng. Tôi đã ký hợp đồng mua bán số gỗ sưa này với người dân thôn Phụ Chính. Tôi đặt cọc 1 tỷ tiền mặt, số tiền còn lại được thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Tuy nhiên, đến ngày 25/10/2010, khi tôi thuê xe chở gỗ sưa về Bắc Ninh để chế tác thì bị công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ”, ông Thái nhớ lại.

Theo ông Thái, đến năm 2015, huyện tổ chức đấu giá bán lại khúc gỗ sưa cho một người khác với giá là 31 tỷ đồng. Từ đó đến nay, ông Thái không được nhận số tiền này, riêng khoản 20,5 tỷ ông bỏ tiền ra đấu giá gỗ sưa cũng bị phong tỏa.

“Suốt 8 năm qua gia đình tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Tôi mua số gỗ sưa trên là hoàn toàn hợp pháp, có đầy đủ các giấy tờ mua bán, hợp đồng.

Tại buổi đấu giá, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, xác nhận của lực lượng kiểm lâm về nguồn gốc hợp pháp của số gỗ trên, không phải là mua chui. Tổng Cục lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, hai cây gỗ sưa trong khuôn viên đền thôn Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn chăm sóc, bảo vệ thì quyền khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn tự quyết định nhưng không hiểu vì lý do gì xe chở gỗ vẫn bị tạm giữ. Điều đáng nói là số tiền của tôi cũng không được lấy về”, ông Thái tỏ ra bức xúc.

Vợ chồng nai lưng trả nợ vì khoản tiền lớn bị “đóng băng”

Vị đại gia này cho rằng, để có số tiền 20,5 tỷ đồng mua gỗ sưa ông đã phải lấy uy tín, danh dự của mình đi vay mượn, huy động anh em trong nhà và cả bạn bè. Tuy nhiên, sau khi số gỗ hàng chục tỷ đồng bị phong toả khiến vợ chồng ông không ít lần xảy ra lục đục, chật vật “nai lưng” vay mượn lãi suất cao để trả nợ.

Để mua được phần cây gỗ sưa gãy đổ này, vợ chồng ông Thái đã phải vay mượn khắp nơi.

“Sự việc khiến gia đình tôi điêu đứng, phải bán nhà, bán đất để trả nợ. Đó là thời gian khó khăn, khủng hoảng nhất của gia đình. Để có tiền, tôi phải đi vay lãi cắt cổ, chạy vạy khắp nơi. Không những thế uy tín, danh dự trong kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Thái tâm sự.

Cùng tâm trạng với chồng, bà Nguyễn Thị Kim Lượng (vợ ông Thái), mới đây gia đình bà mới trả xong phần gốc số nợ trên, phần lãi vẫn phải xin khất. Số gỗ sưa được gia đình bà Lương mua dự định chế tác đồ thủ công, mỹ nghệ để xuất bán sang nước ngoài nhưngì đã bị công an huyện Chương Mỹ tịch thu, tạm giữ.

Cho đến nay, việc mua bán quanh cây sưa cổ thụ này vẫn gây ra không ít tranh cãi, lùm xùm.

“Suốt thời gian qua vợ chồng tôi vất vả ngược xuôi vay tiền trả nợ, không tập trung kinh doanh làm ăn. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị khắp các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết. Gia đình chỉ mong muốn vụ việc sớm kết thúc để có tiền trả nợ, tập trung kinh doanh”, bà Lương nói.

Về vấn đề này, đại diện xã Hòa Chính xác nhận vụ việc ông Thái từng bỏ số tiền 20,5 tỷ đồng mua gỗ sưa trong đình làng. Tuy nhiên, do còn một số khúc mắc nên chưa thể trao trả lại số tiền trên cho ông Thái.

Hình ảnh hai cây sưa tại đình làng Phụ Chính.

Sau khi tịch thu số gỗ sưa trên huyện Chương Mỹ đã tổ chức đấu giá lại vào năm 2015 và thu về 31 tỷ đồng. Số tiền này, thống nhất được trao trả cho ông Thái. Tuy nhiên, do số tiền bán cây gỗ sưa nhân dân thôn Phụ Chính gửi tại ngân hàng do một số cá nhân đứng tên, trong đó có người đã chết nên chưa làm thủ tục để trả được.

Mặt khác, số tiền bán đấu giá trước kia đã được chính quyền chi cho nhân dân sử dụng vào xây dựng các công trình phúc lợi nên phải sử dụng số tiền đang gửi ngân hàng nêu trên để trả cho ông Thái.

Văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng trả lại số tiền cho ông Thái.

Trước đó, tháng 6/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Công văn đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Chương Mỹ và các cơ quan có liên quan trả lại số tiền bán đấu giá số gỗ sưa, cành sưa cho ông Dương Văn Thái.

Mới đây, ngày 18/5, trong thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tại cuộc họp về việc giải quyết tồn tại liên quan đến việc mua bán gỗ sưa ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng nêu rõ, chuyển trả số tiền 31 tỷ đồng theo yêu cầu của ông Dương Văn Thái cho ông Dương Văn Thái, số tiền còn lại sau khi chuyển cho ông Dương Văn Thái, chuyển cho Chi hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính. Chi hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính có trách nhiệm cử người đại diện để nhận số tiền này.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất