Sắc màu Cuộc Sống

Người đồng sáng lập quán cơm 2.000 đồng: 'Chẳng mấy ai giàu có, tiền đầy trong ví lại đi ăn cơm từ thiện'

Vương Phi
Chia sẻ

Người sáng lập quán cơm 2.000 đồng cho rằng, những chia sẻ gay gắt của anh Tuấn Anh là không đúng thực tế và đang làm tổn thương lòng tự trọng của nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, phải đến quán cơm Nụ Cười để tiết kiệm từng đồng lẻ.

Mới đây, anh Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên - đã khiến khắp các diễn đàn mạng xã hội xôn xao khi đề cập đến việc “sinh viên sức dài vai rộng” lại xếp hàng, đợi ăn cơm từ thiện ở Sài Gòn.

Chia sẻ về hình ảnh này, anh Tuấn Anh có những nhận định khá gay gắt: “Trong khi cơ hội làm việc kiếm tiền có rất nhiều nhưng các bạn lười biếng và chỉ có miếng ăn miễn phí, cho dù miếng ăn đó cướp của người nghèo“.

Hình ảnh nhiều sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện do anh Tuấn Anh đăng tải lên mạng. Nguồn: Facebook. TA.V

Để nhìn nhận những đánh giá của anh Tuấn Anh ở góc độ đa chiều hơn, chúng tôi cuộc trao đổi với nhà báo Nam Đồng, cựu TBT báo Pháp Luật TP HCM, người sáng lập ra hệ thống quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng khá nổi tiếng. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn những chia sẻ của nhà báo xung quanh phát ngôn gây tranh cãi của anh Tuấn Anh:

Những lời anh Tuấn Anh nói chắc chỉ định tạo tranh cãi cho vui nhưng nó lại đang làm tổn thương lòng tự trọng của nhiều người

Với tư cách là người sáng lập ra hệ thống quán cơm 2.000 đồng, đã vận hành suốt 5 năm nay, lời đầu tiên tôi muốn khẳng định, đó là quan điểm của anh Tuấn Anh không đúng với thực tế và tôi hoàn toàn không đồng tình.

Nhà báo Nam Đồng, cựu TBT báo Pháp luật TP HCM. Nguồn ảnh: Internet.

Chắc có lẽ anh Tuấn Anh đang định làm dấy lên một cuộc tranh cãi để mọi người bày tỏ ý kiến cho vui thôi nhưng anh lại không nghĩ rằng, nói như vậy là đang làm tổn thương lòng tự trọng của nhiều sinh viên nghèo, hàng ngày đến quán cơm Nụ cười chỉ vì muốn tiết kiệm từng đồng lẻ.

5 năm mở quán cơm giá tượng trưng, tôi không dám cam đoan tất cả những người đến đây đều có gia cảnh khó khăn. Nhưng tôi chắc chắn, con số những người khá giả vẫn đến ăn cơm Nụ Cười chưa đầy 1%. Trong bất kỳ phép tính nào, chúng ta vẫn có thể sai số đúng không? Nếu thế thì 1% kia là điều chấp nhận được. Mà nếu đã là chuyện chấp nhận được, chúng ta có nhất thiết phải làm cho nó rềnh rang đến thế không?

Quay trở lại câu chuyện sinh viên chờ đợi để ăn cơm 2.000 đồng, anh Tuấn Anh chắc có lẽ mới chỉ nhìn thấy bề nổi của sự tình. Anh thấy rằng, sinh viên khỏe mạnh như thế, thanh niên trai tráng như thế, họ lại có học thức hơn hẳn nhiều người, sao không đi làm, không tự lo cho bản thân mà phải sống dựa vào những suất cơm từ thiện? Bởi vậy nên anh lên án, anh cho rằng họ đang thiếu lòng tự trọng, từng ngày “cướp cơm” của người nghèo?

Mở quán cơm 5 năm qua, tôi đã nghe kể về bao hoàn cảnh sinh viên khó khăn. Các bạn ấy từ quê ra thành phố, số tiền bố mẹ cho hàng tháng chẳng đủ tiền thuê trọ nói gì đến đóng học phí hay tiền ăn uống, chi tiêu hàng ngày. Họ đã đi làm rất nhiều việc nhưng vẫn không có nhiều tiền, bởi vậy những lúc khó khăn, phải đến quán cơm Nụ Cười.

Có những bạn sinh viên nghèo, hàng ngày vẫn ăn cơm ở quán Nụ Cười nhưng một người chịu trách nhiệm cho hệ thống quán cơm ấy là tôi, lại chẳng thấy có vấn đề gì. Bởi vì tôi hiểu, phải khó khăn lắm, người ta mới đến đây.

Mỗi suất cơm ở Nụ Cười trị giá 15.000 đồng nhưng chúng tôi chỉ bán có 2.000 đồng. Vì thế tính ra, mỗi tháng, cho dù có ăn riết cơm ở đây, người ta cũng chỉ bỏ ra thêm được vài trăm nghìn. Số tiền ấy, trong thời buổi bây giờ, có thể xem là không quá lớn.

Một bạn sinh viên chia sẻ với tôi, nhờ ăn cơm ở quán Nụ Cười, họ tiết kiệm mua thêm được cái bàn học hay chiếc quạt máy để xua bớt nóng nực trong những căn nhà trọ ổ chuột tồi tàn mà nắng xuyên đến mặt, mưa dột trên đầu… Quán cơm chẳng cho họ được nhiều thứ nhưng cũng giúp họ cải thiện được phần nào cuộc sống. Đâu có mấy ai đi ăn cơm 2.000 đồng để dành tiền ngày ngày uống trà sữa hay bữa khác, đi ăn chơi “sang chảnh” như nhiều người nghĩ đâu.

Người ta phải ăn cơm giá tượng trưng để giữ lại cho mình từng nghìn lẻ cơ mà, nếu có tiền ăn chơi xa xỉ, ai còn đến đây làm gì?

Một ý khác mà anh Tuấn Anh có nói, đó là vì sao sinh viên không đi kiếm việc làm thêm. Tôi cũng đã nói, có nhiều bạn đã đi làm nhưng vẫn không có nhiều tiền vì còn nhiều gánh nặng. Mặt khác, kiếm được việc làm cũng chẳng phải điều dễ dàng. Còn nếu nói sinh viên có học thức sao không làm việc này việc khác kiếm nhiều thật tiền thì phải nghĩ rằng, khả năng mỗi người khác nhau.

Anh Tuấn Anh quá lời rồi chứ sinh viên khó khăn đâu có cướp cơm của người nghèo

Ở quán cơm Nụ Cười, chúng tôi luôn có đồ ăn cho tất cả mọi người. Ví dụ ở cơ sở này, ước chừng số người đến ăn khoảng 450 thì chúng tôi làm đủ từng ấy suất cơm. Ngoài ra, chúng tôi có thêm đồ dự trữ. Bữa nào hết cơm, ai đến muộn chúng tôi sẽ nấu tạm mì tôm trứng, mì tôm thịt xay. Ai cũng có phần, 5 năm rồi nhưng Nụ Cười hầu như chưa từng từ chối vị khách nào vì hết đồ ăn. Thế nên, chẳng thể nói là sinh viên “cướp” mất cơm của người nghèo.

Chúng tôi nấu cơm, có đủ cơm, canh, món mặn, xào và trái cây nhưng không bao giờ miễn phí cho ai. Các bạn có biết vì sao không? Bởi vì chúng tôi không muốn họ mặc cảm. Ai đến đây đều là khách, chúng tôi vẫn là những người phục vụ. 2.000 đồng cũng là tiền tiêu được và họ bỏ tiền để ăn cơm một cách bình thường, như bao thực khách ở nơi khác.

Chúng tôi không muốn người nghèo mặc cảm nhưng anh Tuấn Anh lại đang làm họ phải phiền lòng. Nếu cứ nói như anh ấy, chắc sinh viên nghèo, chẳng mấy ai dám đến ăn cơm giá tượng trưng nữa bởi vì người ta sợ, mang tiếng “cướp” miếng ăn của người nghèo.

Thực ra, quán cơm 2.000 đồng cũng không đủ nuôi các bạn sinh viên nghèo. Nếu không có những nơi như quán Nụ Cười, họ cũng chẳng chết được. Có điều, nếu có nó, cuộc sống của các bạn ấy cũng bớt phần khó khăn, chỉ là bớt đi chút chút thôi, giống như việc mua thêm một cái bàn học hay cái quạt máy mà tôi đã kể. Vì thế, đừng gay gắt về vấn đề này.

Tôi và những người ở quán cơm Nụ Cười, chúng tôi cũng không phải tỷ phú mà chỉ là những gạch nối nhỏ trong cuộc sống, kết nối các nhà hảo tâm với những người khó khăn. Chúng tôi là những người chịu trách nhiệm và duy trì hoạt động của quán cơm 2.000 đồng nên chúng tôi hiểu thực khách của mình. Các nhà hảo tâm, chắc họ cũng hiểu điều ấy bởi vì cứ đến quán cơm thì biết, chẳng mấy ai đi xe xịn, mang giày áo mũ hàng hiệu mà bước vào đây, có chăng họ đến cũng chỉ vì tò mò hoặc muốn tìm hiểu tận nơi để cùng chung tay giúp đỡ người nghèo.

Nếu có dịp vào Sài Gòn, tôi rất mong mời bạn đến quán Nụ Cười, nếu từng đến đây, quan sát thật kỹ mọi thứ xung quanh hoặc ngồi lại, trò chuyện với mọi người, tôi nghĩ rằng chắc chắn, chúng ta sẽ có một nhận định công bằng hơn!

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất