Sắc màu Cuộc Sống

Người phụ nữ Bạc Liêu 22 năm lưu lạc Trung Quốc: Nhớ ra mình là người Việt Nam khi nghe từ 'ăn cơm' và số đếm 'một, hai'

Linh Chi (tổng hợp)
Chia sẻ

Chị Nguyễn Kim Hon, người phụ nữ Bạc Liêu đã trở về bên gia đình sau 22 năm lưu lạc Trung Quốc, và câu chuyện ly hương đầy sóng gió của chị dần được hé lộ qua lời kể bằng tiếng Trung.

Câu chuyện của chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi), nhà ở Ấp Bửu Đông, xóm Lung, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, trở về nhà sau 22 năm thất lạc dần được hé lộ qua lời kể bằng tiếng Trung khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Rời quê năm 1997 đi phụ bán nước và thất lạc 22 năm trời

Thời còn ở Bạc Liêu, chị có chồng tại xóm Lung (thuộc phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai), sống với nhau hơn một tháng rồi chia tay.

Sau đó, chị lên TP. Cần Thơ làm thuê, có thời gian lang bạt tận Campuchia rồi quay về phụ bán nước mía ở xóm Lung.

Thời gian này, chị Hon nhớ có một người đàn ông lớn hơn mình 2-3 tuổi, nói giọng Bắc nối nào cũng đến uống nước, quen biết như bạn bè.

Chị Nguyễn Kim Hon hội tụ người thân sau 22 năm lưu lạc Trung Quốc. Clip: Tuổi Trẻ Online

Người này sau đó rủ chị về nhà ở quê rồi cùng lên TP. Bạc Liêu. Thanh niên này đãi chị ăn cơm và cho uống nước trong một chai nhỏ, chị Hon ngủ luôn từ đây. Khi tỉnh dậy, chị đã thấy mình ở Quảng Đông (Trung Quốc) trong một căn phòng nhỏ với khoảng 20 cô gái trẻ người Việt, đều là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Ngay tối hôm đó, các cô gái phải xếp hàng để phục vụ khách làng chơi.

Theo Tiền Phong, chị Hon và một vài cô gái không chịu tiếp khách liền bị nhốt vào phòng nhỏ, tra tấn dã man. Từ đó, chị Hon buộc phải theo đám người đi từ Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) sang tỉnh Phúc Kiến, Ôn Châu làm trò mua vui cho các đại gia.

Vào một hôm trời mưa, nhân lúc đám người lơ là, chị Hon trốn thoát khỏi “tổ quỷ”, chạy về phía con đường vắng rồi vào một nghĩa địa và thiếp đi bên một ngôi mộ lớn có mái vòm.

Khi tỉnh dậy, chị Hon thấy mình đang ở chính nơi vừa trốn ra và bị 3 thanh niên xăm trổ đầy mình giữ tay rồi tiêm vào người một thứ thuốc màu nâu đục.

“Sau một đêm lì bì, tôi bị tẩy não. Suốt 3 năm trời, tôi như người mất hồn, không nói được câu nào. Tôi cũng chẳng biết mình là ai, từ đâu tới. Khi hết thuốc thì quên luôn tiếng mẹ đẻ…Tuy vậy, trong tiềm thức của tôi luôn thường trực câu hỏi tôi là người dân tộc Choang, người Lào hay Thái Lan?”, chị Hon kể.

Khoảng 3 năm sau đó, đầu óc chị trở nên “trống trơn”, không nói được.

Chị Nguyễn Kim Hon kể về 22 năm lưu lạc đầy sóng gió băng tiếng Trung. Ảnh: Tuổi Trẻ

Chị trải qua 6 lần bị đem bán để làm “osin” và làm vợ ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc. Lần gần nhất, chị bị bán về làm vợ một người đàn ông lớn hơn 3 tuổi nghiện rượu ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Quảng Tây. Một năm đầu yên ắng rồi sau đó là những trận đòn chị phải nhận với bất cứ lý do gì.

Vì không sinh được con nên chị bị ruồng bỏ, đuổi ra khỏi nhà, phải sống vất vưởng. Khi đó, chị Hon bế tắc với mọi thứ, chẳng biết bản thân mình là ai, đến từ đâu.

Lưu lạc và tìm đường trở về Việt Nam 

Chị Hon trong giây phút hội ngộ cùng người thân tại Lạng Sơn sau 22 năm lưu lạc. Ảnh: bạn đọc cung cấp

Cho đến một ngày, chị xem chương trình trên TV, tình cờ phát tiết mục có tiếng Việt, vô tình nghe được những tiếng như “ăn cơm”, số đếm “một, hai, ba, bốn”, “hai ngàn đồng”,… chị quả quyết mình là người Việt Nam và cố tìm đường về Việt Nam.

Sau đó, chị Hong đi lang thang làm thuê kiếm sống. Được người tốt mách bảo, chị tìm đến các đồn công an nước sở tại và qua 3 đồn cảnh sát, chị tới gần biên giới Việt Nam.

Chiều muộn ngày 27/6, các chiến sỹ Biên phòng và Công an tỉnh Lạng Sơn đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới thì xuất hiện cô gái hoảng loạn chạy đến, liên tục đưa tay chỉ vào ngực nói gấp gáp: “Việt Nam”.

Chị Hon được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội, được sự giúp đỡ các thành viên CLB “Thắp sáng niềm tin” động viên, an ủi và tìm ra manh mối quê quán, địa chỉ, họ tên các thành viên trong gia đình.

Trong hành trang của chị Hon có một mảnh giấy ghi rõ tên của cha mẹ, anh chị em ruột và địa chỉ quê nhà ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, chị Hon òa khóc nức nở khi nhận ra và nói được tên một số người trong gia đình qua hình ảnh qua điện thoại.

Chia sẻ trên báo Tiền Phong, anh Nguyễn Văn Tảng, người con thứ 5 thay mặt gia đình từ Bạc Liêu ra đón em rơm rớm nước mắt: “22 năm về trước mất em, chúng tôi đi tìm kiếm khắp nơi, sang cả Campuchia mà không có kết quả gì. Cho rằng Hon không còn, gia đình đã báo tử suốt 18 năm qua. Nay nhờ các cơ quan, đoàn thể, nhà thiện nguyện “Thắp sáng niềm tin” mà gia đình tôi được trùng phùng. Thật là kỳ diệu, các anh chị đã hồi sinh cho em Hon và cả gia đình chúng tôi”.

Những giọt nước mắt trùng phùng

Trên đường về nhà, người chị thứ 9 (chị Hon thứ 10) ra đón bằng xe máy. Từ xa, chị Hon đã nhận ra và bật khóc nức nở khi gặp mặt chị gái.

Người mẹ già ngất xỉu khi con gái lưu lạc 22 năm trở về nhà. Clip: Tuổi Trẻ Online

Theo Một Thế Giới, bà Nguyễn Kim Hến (mẹ của chị Hon) kể: “Người ta đem hình con gái cho tôi xem, tôi nhìn là nhận ra ngay. 22 năm qua tôi tưởng nó không còn, tôi cắt hộ khẩu và ở một mình cho tới giờ. Biết nó còn sống, tôi lên xã làm đơn xin nhận lại con liền, rồi con cái trong nhà cử người đi máy bay ra Lạng Sơn đón con nhỏ về”.

Bà Hến cũng cho biết, năm 1997 chị Hon lên Cần Thơ làm việc nhà cho người ta. Hai tháng đầu bà Hến lên thăm thì chị vẫn còn đó nhưng sau này bà lên thì chủ nhà nói con gái bà đã bỏ đi làm chỗ khác. Từ đó, gia đình mất liên lạc cho tới giờ. “22 năm xã cách, 18 năm tôi làm đám giỗ cho nó”, bà Hến xúc động.

Khi nghe tin chị Hon về nhà sau 22 năm thất lạc, người mẹ già ngất xỉu. Từ khi chị Hon mất tích, gia đình gần như tuyệt vọng và đã “báo tử”, lấy ngày 2/5 làm “ngày giỗ”.

Vợ chồng bà Hến có với nhau 11 người con, chồng bà Hến sau đó qua đời vì tuổi già sức yếu, thọ 74 tuổi. Ở tuổi 83, bà Hến có tổng cộng 62 đứa cháu nội, ngoại và cháu cố.

Bà Nguyễn Kim Hến (mẹ của chị Hon) xúc động khi con gái trở về. Ảnh: Người Lao Động

Theo Tiền Phong, trước khi hoàn tất các thủ tục bàn giao chị Hon về quê ở tỉnh Bạc Liêu, anh Nguyễn Văn Tảng chia sẻ, khi gặp em gái, dù còn nhiều điều muốn nói, trong đó có chuyện ba là ông Nguyễn Văn Tông đã mất nhưng thấy em xúc động mạnh, tâm lý chưa ổn định nên anh giấu kín chuyện buồn trên. Đến khi về nhà, Hon nguôi ngoai rồi mới lựa lời tiết lộ cho em.

Nhiều người đến chia vui cùng chị Hon. Ảnh: Lao Động

Theo UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, chị Hon mất tích năm 1997 và đến năm 2016 gia đình mới làm giấy khai tử. Việc làm giấy khai tử đối với trường hợp của chị Hon là hoàn toàn đúng với quy định.

Cũng theo UBND huyện Đông Hải, khi chị Hon về đoàn tụ với gia đình sau 22 năm thất lạc, huyện cũng đã chỉ đạo cho xã ra quyết định hủy bỏ giấy khai tử, đồng thời giúp đỡ chị Hon sớm hoàn thiện các thủ tục hợp pháp về giấy tờ như: giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu,… giúp chị sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi (tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất