Sắc màu Cuộc Sống

Người dân trong vùng dịch bệnh từ chối tiêm vaccine Covid-19 có bị xử phạt?

Long Quyền
Chia sẻ

Bộ Y tế cho biết, việc tiêm vaccine Covid-19 sẽ giúp người dân phòng tránh được sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 và giảm các triệu chứng nặng, nguy cơ tử vong khi mắc bệnh.

Mặc dù vậy trên thực tế, hiện nay đã có tình trạng một số người từ chối tiêm vaccine Covid-19. Nhiều người dân đặt ra câu hỏi việc từ chối tiêm vaccine có bị xử phạt hay không?

Ảnh minh hoạ.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết hiện nay chưa có quy định bắt buộc toàn bộ người dân phải tiêm vaccine Covid-19.

Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam phải tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, tương đương 150 triệu liều. Chính vì vậy, các cơ quan y tế khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe.

Theo khoản 1 điều 29 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Do đó, nếu trường hợp ở một số khu vực tình hình phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao, cơ quan y tế có thẩm quyền yêu cầu người dân tiêm vaccine Covid-19 thì lúc này người dân cần phải thực hiện.

Theo điểm a khoản 2 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng với hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Cho nên, trừ một số trường hợp như: phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người có sức khỏe không đảm bảo để được tiêm vaccine Covid-19..., những trường hợp từ chối tiêm vaccine Covid-19 theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như quy định nêu trên.

Nếu trường hợp không chịu tiêm vaccine dẫn đến bị nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo điều 240 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm, ngoài ra  người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Chia sẻ

Bài viết

Long Quyền

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất