Sắc màu Cuộc Sống

Người đàn ông 50 năm chơi gà chọi: 'Có chiến kê đáng giá vài chục triệu, tôi chỉ cho chứ không bán'

Vương Phi
Chia sẻ

Nửa thế kỷ gắn bó với những chú gà chọi, ông Dũng dành cho chúng rất nhiều tình cảm. Mỗi chú gà khi bị thương, ông đều chăm sóc tận tình. Dù chiến kê được trả giá bao nhiêu, ông cũng hiếm khi bán hoặc đem chúng ra đánh cược kiếm tiền.

Chọi hay đá gà từ lâu, đã trở thành thú vui dân gian của người Việt. Trải qua nhiều thế kỷ, có những thú chơi mất dần theo thời gian nhưng nhờ chọi gà vẫn còn tồn tại với những nét hấp dẫn riêng.

Người mê gà chọi cho rằng, đấu gà cũng là một môn giải trí lành mạnh. Khi những con gà đánh nhau, chúng không chỉ thể hiện bản lĩnh của “chiến kê” mà còn phô diễn chiến thuật đấu pháp, tài nghệ của chủ nhân. Nuôi gà và chơi gà là cả một nghệ thuật mà tìm hiểu kỹ ra, sẽ thấy nó vô cùng tỉ mẩn và phức tạp.

Ông Nguyễn Khắc Dũng (Tây Hồ, Hà Nội) năm nay 57 tuổi và đã có thâm niên chơi gà chọi tới hơn nửa thế kỉ. Từ lúc chỉ 4-5 tuổi, ông Dũng đã say mê, tin rằng trên đời này chẳng có con vật gì đẹp đẽ và hùng dũng nhưng vẫn thân thuộc hơn gà chọi. Những chú chiến kê da đỏ rọi như màu máu, chân cao, thân hình bệ vệ nhưng lúc nào cũng uyển chuyển như loài chim nhỏ biết bay, dáng đi vươn cổ và ức nhìn rất đường hoàng, kiêu hãnh. Đối với ông, chúng không chỉ là một sở thích, đam mê mà còn là niềm mơ ước, khát khao. Một con gà chọi đẹp theo tiêu chuẩn của ông Dũng phải đáp ứng rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, chúng phải có tông dòng (nguồn gốc) rõ ràng. Càng có dòng dõi “danh gia vọng tộc”, chúng càng quý và khó tìm. Ngoài ra, để phân định thứ hạng vẻ đẹp của một chiến kê, người ta thường căn cứ vào 4 yếu tố khác là “Nhất thủ, nhì vĩ, tam hình, tứ túc” tức là xem đầu, lông, hình dáng và chân vảy đẹp.

Không chỉ sở hữu vẻ đẹp hùng dũng, chiến kê còn là những “kẻ” có tính cách quân tử và rất mực trung thành. “Con gà chọi cũng như người, đẹp không chỉ xét về ngoại hình mà còn phải có phẩm chất tốt“, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, gà chọi cũng rất thông minh và tôn sùng chủ nhân. Có những chiến kê theo ông chinh chiến nhiều nơi nên rất quấn chủ. Ông Dũng đi mộtbước là chúng liền đi theo, người khác chăm sóc, chúng cũng không tỏ ra tâm phục hoặc nghe lời như khi ông Dũng đảm nhiệm công việc này.

“Gà chọi cũng rất quân tử, gặp kẻ địch là đánh. Mà chúng chơi đẹp, nhiều con đánh đến chết gục ngay trên sới chọi nhưng không bỏ chạy. Khi đau chúng cũng không tỏ ra thảm thương, dáng đi lúc nào cũng nghênh ngang, oai vệ”, ông Dũng kể.

Nhưng con gà chọi đáng giá nhất là những con có chiến thuật tốt, hạ gục nhiều đối thủ. Một con gà vừa đẹp, vừa hăng máu chiến và đấu tốt có thể là tài sản vô giá. Có những chú gà được ngã giá lên tới cả tỷ đồng còn những con thường thường bậc trung, giá rẻ nhất từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng.

Gà chọi đắt đỏ là thế nhưng dân mê gà, ít khi đem bán. Ông Dũng bảo, chẳng có ai chơi đẹp như dân đá gà, họ không bán kiếm lời mà hay nhường cho nhau những chiến kê quý giá.

“Chúng tôi chỉ chơi cho vui thôi. Có con gà giá cả 30 triệu, người ta hỏi mua không bán nhưng anh em hỏi xin lại cho”, ông Dũng cười.

Biết anh em nuôi gà khó khăn, dân chơi thường giúp đỡ nhau một cách rất hào hiệp. “Ví dụ như trận này, họ đem gà của tôi về chơi, trả tôi 5 triệu, sau sới đấu lại hoàn gà, coi như cho thuê chiến kê một lúc“. Hoặc cũng có khi, người nuôi gà vực những chú gà từ lúc còn nhỏ thành một chiến kê và đem bán lại giá hữu nghị cho anh em.

Tôi mê gà, thích xem đấu chọi nhưng không đem nó ra cá cược, không bán gà để lấy nhiều tiền, ông Dũng kể. Hơn nữa, gà đã đem ra sới chọi, không bao giờ người ta biến nó thành đồ ăn trên bàn nhậu. Họ yêu quý chiến kê như thú cưng nên khi ốm thì chăm sóc, lỡ mất rồi thì đem chôn cất, coi như người chiến binh đã hoàn thành những trận đấu mà nằm xuống.

Để tạo nên những chú gà đẹp, thiện chiến, người nuôi phải bỏ ra rất nhiều công sức, phải để ý nó ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào. Thức ăn của gà phải được nấu chín. Chúng chủ yếu ăn lươn, chạch chấu, tôm và gan lợn… Khi những chú gà chọi phổng phao, người nuôi bắt đầu xuống lông cho chúng. Lúc này, mỗi ngày chủ gà phải lấy nước nghệ tươi, phèn chua, rượu trắng ngâm cùng nhau càng lâu càng tốt, sau đó bôi vào chỗ xuống lông, đem gà ra tắm nắng. Sau 1h, người ta rửa lại bằng nước trà xanh đun với một chút muối. Làm như vậy để gà có màu da đỏ, đẹp.

Ngoài ra, muốn “om” cho da gà dày lên, hàng ngày, người nuôi dùng lá sả, ngải cứu, trà mạn, lá bưởi đun sôi cực nóng, nhúng ướt khăn bông, vắt khô rồi ấp vào da gà. Cứ làm như thế, da gà chọi sẽ dày lên, tránh bị đau khi giao chiến.

Muốn giảm chấn thương cho gà, vào khoảng thời gian thích hợp, người nuôi sẽ cắt tai, tích gà. Vết thương sẽ được đắp bằng tro hóa vàng. Trong suốt thời gian nuôi gà, chủ nuôi phải chú ý việc tiêm phòng, cho gà uống rượu tỏi, tẩy sán bằng hạt cau để phòng ngừa bệnh tật, tuyệt đối không cho chúng uống kháng sinh vì sợ mất sức chiến đấu.

Nuôi gà là một cả nghệ thuật kỳ công, tiêu tốn nhiều sức lực. Ông Dũng kể, vì mê gà chọi, đã có lúc ông phải đổ máu vì chúng.Có lần mải làm chuồng gà, một con xổng ra đá vào cưa xẻ gỗ làm cưa xém vào tay chân, tôi bị thương nặng, mất rất nhiều máu.

Trước đây ông Dũng nuôi rất nhiều gà chọi nhưng chưa bao giờ, ông làm giàu từ đó. Cách đây không lâu, vì muốn ổn định kinh tế, ông quyết định xây lại nhà để cho khách du lịch thuê theo dạng homestay, số gà đã có, phải di tản cho anh em nuôi hộ hoặc đem về quê.

Tôi nuôi rất nhiều gà mà không bán làm giàu nên nhiều người không hiểu, họ nghĩ mình bị khùng. May mà gia đình tôi, ai cũng hiểu”. Ông Dũng kể, vợ và con trai ông cũng những thú chơi đặc biệt. “Vợ tôi rất say mê trồng hoa hồng, chỉ nhìn một cái lá đã biết cây bị bệnh gì còn con trai thích làm nghệ thuật, say mê ca hát, chơi nhạc, đã nhiều tuổi nhưng còn chưa lập gia đình và tính cách cũng rất lãng tử”“.

Đối với ông, mỗi người có một đam mê riêng, đáng được tôn trọng, cho dù đó có là sở thích đôi khi hơi kì quái một chút. “Phải có sở thích, yêu ghét rõ ràng thì cuộc sống mới ý nghĩa chứ“, ông Dũng phân tích.

Nghề nuôi gà chọi tuy không thu lợi nhiều về kinh tế nhưng có giá trị rất cao về tinh thần. Ông kể mình làm rất nhiều việc, từ lái xe Bắc - Nam đến sửa sang xe Vespa cổ để kiếm tiền… Công việc “ngập đầu” khiến ông cảm thấy áp lực, mệt mỏi nhưng hễ cứ nhìn thấy những chú gà chọi trên sới đấu, ông lại quên hết mọi muộn phiền. Nhiều khi đang làm việc cực nhọc, chỉ cần ra chăm sóc gà một chút, ông lại thấy tinh thần phấn chấn, hứng thú như ban đầu. Những chú gà chọi không chỉ là thú cưng mà còn là niềm kiêu hãnh - nơi mà ông thể hiện bản lĩnh cũng như kinh nghiệm chăm sóc gà chọi.

Người không chơi nói ra họ khó hiểu nhưng ai mà đã mê gà, đều công nhận rằng chơi, nuôi gà chọi là niềm vui lành mạnh, giúp người ta thu lợi trăm bề. Bởi vì tâm có khỏe thì thể chất mới mạnh mẽ, mà có sức khỏe rồi, trí tuệ lại minh mẫn thì làm được rất nhiều việc. Nhiều khi những cái lớn, nó lại bắt nguồn từ niềm vui rất nhỏ“, ông Dũng nói.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Thiết kế

Nyny Võ

Tin mới nhất