Sắc màu Cuộc Sống

Người cha mù và ước mơ có nồi cháo móng giò cho con gái mắc bệnh tâm thần vừa sinh con

Theo Khám phá
Chia sẻ

Dù rất muốn bồi bổ để con gái có sữa nuôi cháu, nhưng ông Dương không đủ tiền để mua một chiếc chân giò về nấu cháo cho con gái mới sinh.

“Tôi đã định mang cháu đi cho vì không thể lo được miếng ăn”

Về xã Bằng Doãn (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) khi hỏi đến nhà ông Nguyễn Văn Dương (63 tuổi, có biệt danh là ông Dương mù) thì không ai là không biết. Sở dĩ ông Dương nổi tiếng đến vậy là từ bé ông đã bị mù, nhưng vẫn một mình “gà trống nuôi con” suốt mấy chục năm qua. Bây giờ ông lại tiếp tục một mình nuôi thêm đứa cháu.

Ông Dương đã từng nghĩ đến chuyện cho cháu nhưng lại không dám liều vì sợ bị bán.

Ông Dương cho biết, sở dĩ người làng gọi ông là “gà ông nuôi cháu” vì đứa con gái thứ hai (tên Nguyễn Thị Cúc - SN 1980) của ông mắc bệnh tâm thần, hàng ngày cứ đi lang thang hết nhà nọ đến nhà kia, ai cho gì ăn đấy, ai bảo gì làm đấy, rồi chẳng biết ngủ với ai có chửa.

“Mắt tôi mù cũng có biết được đâu, thấy người làng bảo con gái tôi bụng to như có chửa, khi đó mọi người mới bắt đi ra trạm xá siêu âm thì phát hiện đã có bầu 5 tháng. Lúc đó, thai nhi đã quá to nên không thể bỏ được”, ông Dương kể lại.

Rồi con gái ông Dương cũng đến ngày sinh đẻ. Nhưng trớ trêu thay khi sinh cháu ra (sinh vào giữa tháng 3/2017, được đặt tên là Nguyễn Thế Anh), con gái ông Dương chẳng có lấy một giọt sữa.

Chị Cúc chỉ giúp ông Dương bế con trong chốc lát chứ không thể nuôi con như những người bình thường.

Sau khi con gái sinh nở, đúng vào kỳ hạn gia đình được lấy tiền trợ cấp hàng tháng (được khoảng 1 triệu đồng/tháng - pv). Cầm tiền trong tay, ông Dương dự định sẽ trích ra một ít để mua móng giò về nấu cháo bồi bổ cho con gái, nhưng cuối cùng điều đó vẫn chỉ là ước mơ.

“Buổi trưa nghĩ vậy, buổi chiều cháu tôi bị ốm nặng phải đưa xuống bệnh viện tỉnh cấp cứu. Sau khi đi điều trị về cộng với tiền thuê xe taxi hai lượt đã hết 1,2 triệu đồng. Con tôi chẳng được ăn cháo móng giò nữa”, ông Dương nói.

Lâm vào cảnh bi đát, nghe cháu khóc vì khát sữa ông Dương quặn lòng và nghĩ đến việc mang cháu ngoại cho người khác để cháu đỡ phải sống cuộc đời khổ cực. Nhưng sau vài đêm suy nghĩ, ông lại sợ cháu mình bị bán đi nên ông không dám “liều” và quyết giữ lại nuôi với phương châm “ông ăn gì, cháu ăn nấy”.

Tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm người trông trẻ

Cảnh người mù trông trẻ như ông Dương quả thật chẳng đơn giản chút nào. “Có đêm cháu khóc, tôi phải dậy đến 6 - 7 lần cho cháu đi vệ sinh, cho cháu uống sữa, lúc đó cháu khóc nên vội, nên bị dội cả nước sôi vào tay, thậm chí có hôm còn bị đập cả đầu vào cột”, ông Dương nói.

Ông Dương phải vừa thay mẹ, vùa thay cha chăm sóc cháu Thế Anh.

Khi chúng tôi hỏi về mẹ cháu bé có hỗ trợ gì không? Ông Dương cho biết: “Đêm thì cháu ngủ với tôi, ngày thì thỉnh thoảng mẹ cháu bế được một lát, nhưng tôi chỉ cho bế ở nhà. Vì nếu đi ra đường, mẹ cháu mải chơi là bỏ con ở vệ đường ngay.

Còn chuyện ăn uống thì tôi phải lo 100%, chứ con tôi có biết pha sữa đâu. Có hôm tôi đi sang hàng xóm chưa kịp về, cháu pha sữa cho thằng bé uống bị bỏng phồng cả môi.

Do bị mù nên nhiều hôm ông Dương bị nước sôi tràn vào tay.

Video ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ về hành trình nuôi cháu ngoại.

Vừa mới cách đây 3 hôm, cháu tôi bị sặc vào phổi vì mẹ cháu pha sữa bột quá đặc, sau đó cứ cố nhét vào miệng cháu thế là cháu hít lên tận phổi”.

Còn ông Dương, tuy mù nhưng ông vẫn biết đọc, biết đếm và ước lượng được tỷ lệ. “Tôi cứ đếm được 3 thìa sữa thì dừng lại, sau đó rót hai chén nước sôi, 1 chén nước nguội pha vào với sữa bột cho cháu là xong. Trước khi cho cháu uống, tôi nếm thử xem ngọt nhạt, bỏng nguội thế nào, chứ không dám đưa thẳng vào miệng cháu luôn”, ông Dương kể.

Khi pha sữa, ông Dương đều có cữ hoặc ước lượng bằng những chiếc chén trên bàn.

Khoe xong chuyện chăm cháu, chúng tôi hỏi ông về hoàn cảnh gia đình, lúc đó ông Dương hướng mặt về phía cánh đồng trước mặt ngậm ngùi: “Tôi bị mù vĩnh viên từ năm 16 tuổi. Khi đến tuổi lấy vợ tôi được mọi người giới thiệu cho một cô gái ở xóm trên.

Lúc đầu cùng chẳng định sinh con, xong mọi người động viên cố đẻ lấy đứa con bầu bạn khi về già. Thế là tôi sinh cháu đầu năm 1974, nhưng không may cháu mắc bệnh tâm thần bỏ nhà ra đi lâu lắm chưa thấy về nhà.

Đến năm 1980 tôi sinh cháu thứ 2 (chính là mẹ cháu bé bây giờ), khi cháu thứ 2 sinh được 2 tháng thì mẹ cháu bỏ đi, từ đó đến nay không tin tức gì. Tôi một mình gà trống nuôi con, sau này lớn lên đưa con thứ 2 này cũng mắc bệnh tâm thần, chính vì vậy nên mới bị lừa có chửa, sinh con mà chẳng biết bố thằng bé là ai”.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo xã Bằng Doãn (huyện Đoan Hùng - Phú Thọ) cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Dương là hộ nghèo nhiều năm nay. Bản thân ông cùng các con đều bị tật nguyền, có vấn đề về thần kinh nên luôn được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương.

Hàng tháng gia đình ông Dương vẫn được nhận trợ cấp theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, với việc có thêm một cháu nhỏ khiến gia đình ông càng khó khăn hơn, vì thế rất mong nhận được sự chung tay giúp đỡ của mọi người.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Ông Nguyễn Văn Dương - ở Khu 3 - xã Bằng Doãn - Huyện Đoan Hùng - Tỉnh Phú Thọ.

SĐT của ông Nguyễn Văn Dương: 0164 701 2753

Chia sẻ

Bài viết

Theo Khám phá

Tin mới nhất