Sắc màu Cuộc Sống

Ngư dân hốc hác, làng xơ xác sau khi 1.500 tấn cá ồ ạt chết

Theo Zing.vn
Chia sẻ

Sau khi hơn 1.500 tấn cá chết ồ ạt trên sông La Ngà, hàng chục hộ gia đình lâm cảnh trắng tay. Ngư dân phải bỏ bè, bỏ nghề nuôi cá, lên bờ kiếm việc mưu sinh qua ngày.

Sau một đêm, 1.500 tấn cá của 80 hộ dân làng bè La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) bị chết, khiến nhiều gia đình lâm cảnh trắng tay.

Đêm 20, rạng sáng 21/5, hơn 1.500 tấn cá của các hộ dân nuôi trong lồng bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) ồ ạt chết. Người dân sau đó vớt xác cá bán cho người dân ủ phân với giá từ 2.000-8.000 đồng/kg.

Cá chết đã đẩy hàng chục hộ dân rơi vào cảnh trắng tay. Bà Nguyễn Thị Thu nói rằng sau một đêm, gia đình bà mất hơn 20 tấn cá lăng, chép, diêu hồng… Thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Anh Trần Văn Thiện thu dọn lưới ở các bè nuôi để lên bờ kiếm việc làm. Ngư dân này cho biết tai họa cá chết đã làm gia đình anh trở nên kiệt quệ. “Tôi vừa nuôi vừa nhập cá của các hộ dân về bán lại cho thương lái. Vài ngày trước khi xảy ra 'thảm họa', tôi mua mấy tấn cá của người dân về bè nhốt, để chờ bán lại cho thương lái kiếm lời. Không ngờ sau đó chúng chết sạch, thiệt hại mấy trăm triệu đồng”, ngư dân Thiện nói.

Trong số hàng chục hộ bị thiệt hại, gia đình ông Võ Văn Thảo là trường hợp nặng nhất khi có đến 150 tấn cá chết. Ngư dân này cho biết số cá chết đều đã đến thời kỳ thu hoạch nên gia đình mất trắng nhiều tỷ đồng.

Ngư dân Huỳnh Tấn Hùng là người đứng thứ 2 về thiệt hại với trên 100 tấn cá lăng, diêu hồng, chép giòn… bị chết, thiệt hại gần 5 tỷ đồng.

Trắng tay sau “thảm họa”, nhiều người bỏ bè nuôi lên bờ kiếm việc làm để mưu sinh qua ngày.

Nhiều người bám lại bè cá và chờ đợi nước sông sạch trở lại để tiếp tục với nghề. “Gắn liền với nghề nuôi cá mấy chục năm rồi nên giờ không bỏ được. Rủi ro đó, kiệt quệ tài sản đó nhưng rồi sẽ qua. Nước sạch, tôi lại vay tiền làm lại từ đầu”, ngư dân Trần Thanh nói.

Một ngư dân nói rằng những ngày trước, cuộc sống làng bè La Ngà vui và lúc nào cũng nhộn nhịp tàu, ghe. Thương lái đổ về mua cá làm bến sông sầm uất như chợ đầu mối. Ông chia sẻ: “Bây giờ người dân gặp nhau chả ai muốn nói gì. Có hỏi nhau cũng vài câu 'mất bao nhiêu?', 'nợ tiền cám nhiêu?'. Ai cũng lo, ai cũng buồn, tàu thuyền neo cả ngày”. Để có cơm ăn, áo mặc, nhiều gia đình quyết định chạy thuyền đến khu vực nước sạch hơn để đánh cá.

Một ngư dân đổ mớ cá rô vừa bắt được ở sông vào thùng để mang đi bán.

Sau “thảm họa” cá chết, nhiều hộ dân bắt tay vào việc vệ sinh lồng bè và thả lứa cá mới.

“Nước chưa sạch hẳn nên cá thả xuống vẫn còn chết. Hôm rồi tôi đổ mấy chục kg cá trê nuôi thử nhưng chúng cứ chết dần”, một ngư dân nói.

Ngư dân Trần Văn Lành nhìn ra sông với ánh mắt buồn phiền. Ông không tin cá chết do thiên tai mà do một nguồn xả thải nào đó. Ông tâm sự: “Tôi nuôi cá từ năm 1992 đến nay, chưa bao giờ thấy cá chết nhiều như vậy”.

Những chiếc tàu, ghe hàng ngày dùng chở cá bị “bỏ hoang” cùng những lồng bè trống trên sông.

Sở NN-PTNT Đồng Nai ghi nhận trên 1.500 tấn cá của 80 hộ dân nuôi ở các lồng bè trên sông La Ngà bị chết. Trong đó, có 37 hộ nuôi thuộc xã La Ngà (huyện Định Quán), thiệt hại 700 tấn và 43 hộ nuôi ở xã Phú Ngọc, thiệt hại trên 800 tấn. Thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng.

Đầu tháng 6, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết cá chết trên sông La Ngà do thiên tai. Theo đó, tối 20/5, địa bàn có mưa lớn khiến nhiều tạp chất, rác thải trên cạn bị nước cuốn xuống sông rồi đổ về khu vực nuôi cá. Thời điểm này, mực nước sông đã xuống mức thấp nên lượng ôxy hòa tan thiếu làm cá chết.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, vì cá chết do thiên tai nên cơ quan đang đề xuất lực lượng chức năng hỗ trợ tiền cho ngư dân.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing.vn

Tin mới nhất