Sắc màu Cuộc Sống

Ngôi làng ở Hà Nội ăn 4 tấn thịt chó trong ngày Tết: ‘Việc bỏ tục lệ ăn thịt chó ở đây là rất khó’

Định Nguyễn
Chia sẻ

Cứ mùng 4 Tết nguyên đán mỗi năm, những hộ dân thôn Yên Trường, xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội lại cùng nhau mở tiệc thịt chó. Họ cho rằng, việc bỏ ăn thịt chó hay hạn chế ăn thịt chó ở đây là đều rất khó vì đã là tục lệ xa xưa.

“Đầu năm không có thịt chó coi như không có cỗ”

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về quản lý việc nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo. Theo đó, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh phòng bệnh dại; tuyên truyền để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

Một góc làng Yên Trường nơi có tục lệ ăn thịt chó đầu năm.

Trong ngày mùng 4 Tết tại đây tiêu thụ trên dưới 4 tấn thịt chó.

Văn bản nêu “thành phố mong muốn người dân thấy được ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật”. UBND TP Hà Nội cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại.

Ngoài ra, những người tham gia giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh dại, tả, xoắn khuẩn…

Ông Tứ chia sẻ về tục lệ ăn thịt chó ở thôn Yên Trường.

Trước vấn đề này, chúng tôi đã tìm về xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - xã nổi tiếng ở thủ đô với tục ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết hằng năm và đã duy trì qua nhiều thế hệ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Gia Tứ (Trưởng thôn Yên Trường, xã Trường Yên - nơi mà cả thôn không nhà nào không ăn thịt chó đầu năm) cho biết, bản thân ông đã nắm được chủ trương của UBND TP Hà Nội đề nghị người dân bỏ thói quen ăn thịt chó mèo.

Theo ông Tứ, nếu đầu năm không có thịt chó coi như không có cỗ.

Theo ông Tứ, tục ăn thịt chó ngày mùng 4 Tết đã có từ thời xa xưa, các cụ để lại. Cứ đến ngày này trong làng nhà nào cũng vậy đều giết chó thết đãi nhau. Cả thôn Yên Trường có khoảng 1.300 hộ dân với 7.000 nhân khẩu. Nếu tính sơ sơ ngày mùng 4 Tết cả thôn sẽ tiêu thụ hết khoảng trên dưới 4 tấn thịt chó móc hàm.

“Riêng họ Nguyễn Gia nhà tôi có số khẩu đông nhất thôn, mỗi dịp giỗ chạp cần 30kg thịt chó móc hàm. Ngày mùng 4 Tết mọi người trong làng tập trung ra mộ các cụ thắp hương khiến cả tuyến đường ách tắc rồi nườm nượp về nhà ăn uống. Nhiều khi cung không đủ cầu, không có thịt chó coi như không có cỗ”, ông Tứ chia sẻ.

Rất khó bỏ tục lệ ăn thịt chó

Ông Tứ nêu quan điểm, ăn thịt chó là tục lệ từ xa xưa ở đây. Chính vì thế nếu cấm người dân không ăn thịt chó thì rất khó thực hiện. Ông cho rằng đã là tục lệ thì giỗ, Tết nhất định phải có thịt chó.

“Nếu UBND TP tuyên truyền người dân hạn chế ăn thịt chó thì người dân phải thực hiện. Tuy nhiên để bỏ việc ăn thịt chó ở đây thì rất khó, chó chăn được thì người dân giết thịt, đó là một nguồn thực phẩm như lợn, gà…”, ông Tứ nêu quan điểm.

Ông Tư cũng cho rằng rất khó bỏ thói quen ăn thịt chó vì làng có tục lệ từ xa xưa.

Cùng chung quan điểm với ông Tứ, ông Trịnh Thế Tư (55 tuổi, người dân thôn Yên Trường) cho rằng, tục ăn thịt chó ở đây khó có thể bỏ được. Theo ông Tư, những ngày lễ Tết đầu năm ngoài thịt gà, lợn, cá… đến ngày mùng 4 Tết ai cũng chán với các loại thức ăn này thì thịt chó là nguồn thực phẩm “đổi khẩu vị” và mọi người trong làng đều thích.

Nhiều quán thịt chó cũng mọc lên ở xã Yên Trường.

“Ở đây là vậy, nếu mùng 4 Tết mà bảo người dân ăn thịt lợn, gà không ai ăn nhưng bảo ăn thịt chó thì ai cũng thích. Các cụ từ thời xa xưa để lại. Thịt chó ở đây được chế biến ăn một lần nhớ mãi”, ông Tư nói.

Trước một số ý kiến cho rằng, ăn thịt chó không văn minh, gây phản cảm, ông Tư cho rằng: “Nếu là động vật quý hiếm bảo tồn thì chúng ta không nên ăn, đó là tốt thôi nhưng nói nếu cấm hay hạn chế việc ăn thịt chó thì khó. Nói ăn thịt chó không văn minh là chưa đúng. Chó với gà không vấn đề gì, chó chăn để giữ nhà, chăn nhiều quá thì làm thực phẩm”.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất