Sắc màu Cuộc Sống

Ngoài Việt Nam, các nước châu Á khác đón Tết âm lịch như thế nào?

Giai Kỳ
Chia sẻ

Tết âm lịch là ngày lễ lớn nhất trong năm đối với các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore, Mông Cổ...

Trung Quốc

Năm mới của người Trung Quốc thường bắt đầu từ mồng 1 đến 15 tháng 1 âm lịch. Trước đó vào tháng 12, người dân sẽ trang hoàng, dọn dẹp lại nhà cửa để xua đuổi những xui xẻo của năm cũ và đón thần may mắn vào nhà.

Tết âm lịch là ngày lễ lớn nhất ở Trung Quốc.

Theo truyền thuyết của người Trung Quốc, Nian là một con quái vật luôn xuất hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ để quấy phá dân lành, và một năm nọ người ta phát hiện con quái vật này rất sợ màu đỏ và tiếng ồn. Kể từ đó cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, các gia đình sẽ trang trí bằng cách treo những câu đối đỏ, lồng đèn đỏ và đốt pháo với mong muốn có một cái Tết an lành.

Người Trung Quốc cũng có 12 con giáp nên năm âm lịch tương ứng với con giáp nào thì người ta sẽ kiêng sát sinh con vật đó vào những ngày đầu năm.

Màu đỏ là màu chủ đạo trong Tết cổ truyền của người Trung Quốc.

Với người Trung Quốc, 3 ngày đầu năm mới được xem là 3 ngày quan trọng nhất trong năm. Vào ngày mồng 1 Tết, sau thời khắc giao thừa, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng xem các chương trình đầu năm và thắp đèn sáng cả đêm.

Đến sáng mồng 1, trẻ con sẽ mặc áo quần đẹp nhận tiền mừng tuổi được bỏ trong những phong bao lì xì màu đỏ và cùng gia đình đi chúc Tết họ hàng, láng giềng. Mùng 1 còn là ngày để con cháu trong nhà bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ. Một số người Trung Quốc tin rằng, việc đốt lửa và sử dụng dao vào ngày đầu năm mới sẽ làm họ dông cả năm. Vì thế, những món ăn dành cho ngày hôm đó đều là những món được chế biến từ ngày hôm trước.

Trẻ con sẽ được nhận lì xì trong những phong bao màu đỏ.

Mồng 2 là ngày những người phụ nữ đã lấy chồng sẽ trở về nhà thăm bố mẹ đẻ, người thân và bạn bè. Vì theo truyền thống thì phụ nữ đã xuất giá sẽ không có nhiều cơ hội trở về nhà thăm bố mẹ thường xuyên.

Mồng 3 được xem là ngày hóa vàng. Theo quan niệm của người Trung Quốc, mồng 3 không phải là một ngày thích hợp để tiếp khách hoặc tới thăm ai đó.Vì vậy vào ngày này mọi người thường đi chùa để cầu những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình.

Suốt dịp Tết, người Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động náo nhiệt để xua đuổi những linh hồn xấu xa và chào đón năm mới, mùa xuân và những điều tốt đẹp.

Hàn Quốc

Tết âm lịch với người Hàn Quốc là ngày lễ trọng đại nhất năm, còn được gọi là Seollal. Vào những cuối cùng của tháng 12 âm, người Hàn Quốc sẽ bắt đầu dọn dẹp và trang hoàng cho nhà cửa mới mẻ. Trong đêm giao thừa, người dân sẽ tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các gia đình cũng sẽ đốt các thanh tre trong nhà để làm cho ma quỷ sợ hãi mà bỏ chạy.

Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món Ttok-kuk (một loại phở nước được chế từ bò hay gà) và món cay kim chi.

Bữa cơm của người Hàn trong ngày Tết.

Kim chi là món không thể thiếu.

Đêm giao thừa người Hàn Quốc sẽ không ngủ, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy. Một số người khác lại đón năm mới bằng cách đến thăm các bờ biển phía Đông Hàn Quốc như các thành phố Gangneung và Donghae thuộc tỉng Dangwon, để ngắm nhìn mặt trời mọc lần đầu tiên trong năm mới. Điều này được xem là sẽ mang lại may mắn cho mọi người.

Vào ngày mồng 1 đầu năm, mọi người đa phần sẽ mặc trang phục truyền thống hanbok và cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên ngay tại nhà, hay còn được gọi là tục Sebae. Sau khi đã tưởng nhớ tổ tiên, con cái sẽ bày tỏ sự kính trọng với cha mẹ và ông bà bằng cách quỳ lạy họ. Người lớn sẽ đáp lễ lại bằng cách mừng tuổi, hoặc tặng những món quà quý giá khác như vàng, ngọc… cho những đứa con. Sau khi đã thực hiện xong các nghi lễ, cả gia đình sẽ cùng ăn súp bánh gạo trong bữa sáng.

Nghi lễ thờ cúng gia tiên của người Hàn Quốc trong ngày đầu năm.

Trong những ngày tiếp theo, người Hàn Quốc thường tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian.

Singapore

Với dân số khoảng 80% là người Hoa nên Tết âm lịch ở Singapore cực kì quan trọng. Những ngày cuối năm các gia đình sẽ bắt đầu mua sắm quần áo mới và dọn dẹp nhà cửa. Trong đêm 30, mọi người cùng quây quần ăn bữa cơm tất niên. Cá là món ăn không thể thiếu với người dân Singapore trong ngày này vì họ quan niệm cá sẽ mang đến may mắn. Cũng trong đêm 30, trẻ em ở Singapore sẽ thức cùng bố mẹ cúng giao thừa, tổ tiên và đốt pháo xong mới đi ngủ.

Đêm 30 là thời gian đoàn viên của người dân Singapore.

Sáng ngày mồng 1, trẻ con sẽ xúng xính quần áo mới để đi chúc Tết cha mẹ, ông bà, họ hàng và nhận những phong bao lì xì. Ngoài những bao lì xì, người Singapore còn trao nhau những quả quýt chín mọng, tượng trưng cho sự may mắn. Tất cả những món quà đó đều phải có đôi, có cặp, bởi người Singapore tin rằng số lẻ sẽ đem về sự xui xẻo. Trong ngày đầu năm, mọi người thường ăn món bánh rán làm bằng bột nếp và đường đỏ.

Ở Singapore, trong những ngày đầu năm mới còn có chương trình đặc biệt là Lễ hội mùa Xuân, hay còn gọi là Chun Jie. Chun Jie kéo dài 6 tuần từ đầu tháng 1 đến giữa tháng 2 với nhiều lễ hội như Singapore River Hongbao; lễ diễu hành Chingay Parade of Dreams hoành tráng với sự tham gia diễu hành của hàng trăm người; lễ đón Năm mới tại khu phố người Hoa cùng hàng loạt hoạt động như kết đèn hoa đăng trang hoàng đường phố; hay các bữa tiệc tất niên với quy mô hàng trăm nghìn người.

Chun Jie là chương trình lớn ở Singapore thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Mông Cổ

Ngày Tết âm lịch ở Mông Cổ được gọi là Tết Tsagaan Sar hoặc Tết Tháng Trắng. Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar không chỉ là một ngày lễ cổ truyền báo hiệu kết thúc một mùa đông dài và lạnh lẽo để đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm cho việc quây quần sum họp gia đình và thắt chặt những mối quan hệ trong xã hội.

Để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng này, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại để đón năm mới “sạch sẽ”. Thậm chí, trước đêm Giao thừa, họ còn rửa bát với sữa ngựa. Trong thời khắc giao thừa người Mông Cổ sẽ liên tục uống trà.

Tết âm lịch của người Mông Cổ.

Vào ngày đầu năm mới, mọi người dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới, nhóm lửa, rồi mọi người ăn bánh bao hấp và uống Airag (sữa ngựa lên men) và tặng quà lẫn nhau. Họ sang nhà bên cạnh, bắt đầu thăm người lớn tuổi trước và chúc Tết những người hàng xóm.

Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.

Những thứ bánh không thể thiếu trong ngày đầu năm.

Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng.

Triều Tiên

Năm mới ở Triều Tiên gọi là “Nguyên nhật”, đúng vào ngày mùng 1 tháng Giêng Âm lịch. Trước đó vào đêm 30 Tết, các gia đình sẽ dọn dẹp nhà cửa, treo câu đối Tết, tranh Tết và làm bữa cơm tất niên.

Trong ngày mồng 1, tập tục của người Triều Tiên đa phần giống các nước khác như Trung Quốc, Việt Nam đó là hành lễ với tổ tiền sau đó đi chúc Tết mọi người. Tuy nhiên ở Triều Tiên còn có một hoạt động rất đặc thù đuổi quỷ” và “đốt tóc”. Để “đuổi quỷ”, họ bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột, sáng sớm mùng 1 Tết đem vứt ra ngã tư đường với ý tống khứ ma quỉ, nghênh đón điều tốt lành. Hai là “đốt tóc”: họ đem tóc rụng hàng ngày được giữ trong một hộp trang điểm, đợi đến xế chiều mùng 1 vứt ra cửa để trừ tà, xua đuổi dịch bệnh và cầu bốn mùa bình an.

Hoạt động múa hát được tổ chức trong những ngày đầu năm.

Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên đó là món “cơm thuốc”. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương… rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.

Món cơm thuốc đặc trưng của người Triều Tiên.

Trong số các phong tục đón Tết của các quốc gia, bạn ấn tượng với đất nước nào nhất. Hãy cho Saostar biết ý kiến của bạn bằng cách để lại bình luận bên dưới nhé.

Chia sẻ

Bài viết

Giai Kỳ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất