Sắc màu Cuộc Sống

Nghệ nhân lụa Vạn Phúc: 'Thay nhãn mác như Khaisilk là không thể chấp nhận'

Định Nguyễn
Chia sẻ

Theo người dân kinh doanh và những người làm nghề lụa ở Vạn Phúc, ở đây có bán của lụa Trung Quốc nhưng phải ghi rõ là hàng nhập. Hàng Việt Nam cũng ghi rõ xuất xứ và không bao giờ thay mác như Khaisilk.

Những ngày vừa qua, vụ việc nhiều khách hàng lên tiếng tố khăn lụa thương hiệu Khaisilk có tới 2 nhãn mác, một là “Made in China” và một là “Made in Vietnam” đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngay sau vụ lùm xùm này, ông Hoàng Khải- chủ tịch tập đoàn Khaisilk thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Trên cùng 1 chiếc khăn mua tại cửa hàng thuộc hệ thống Khaisilk lại có 2 mác, 1 “made in China” và 1 là Khaisilk made in Vietnam. Ảnh: Facebook Dangnhuquynh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi xảy ra sự việc thì 2 cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai và 26 Nguyễn Thái Học tại Hà Nội đều đóng cửa. Các cơ quan chức năng cũng kiểm tra đột xuất cơ sở bán lụa tại 113 Hàng Gai và thu nhiều mẫu hàng hóa với tổng trị giá trên 30 triệu đồng.

Cửa hàng Khaisilk ở Nguyễn Thái Học đã đóng cửa.

Trước đó, cửa hàng ở phố Hàng Gai cũng đóng cửa.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Hoàng Khải cho biết suốt 30 năm tập đoàn này nhập và bán lụa có nguồn gốc Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, ngành tơ lụa của Việt Nam một thời gian dài phát triển khá chậm. Thậm chí, đến làng nghề tơ lụa Vạn Phúc (Hà Đông), bản thân ông cũng khó phân biệt hàng Trung Quốc, hàng Việt Nam. Và để mua được sản phẩm đúng của Việt Nam, chính ông cũng không chắc chắn.

Trước thông tin trên, chiều 26/10, chúng tôi đã tìm về làng lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc (Hà Đông). Tại đây từ nhiều hộ kinh doanh đến gia đình sản xuất lụa truyền thống có truyền thống hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm đều vô cùng bức xúc trước thông tin trên.

Bà Thoa cho biết, những mặt hàng bà bán tại cửa hàng đều được lấy từ các xưởng sản xuất thủ công trong làng.

Bà Nguyễn Thị Thoa (56 tuổi), người có thâm niên kinh doanh các mặt hàng lụa lâu năm ở làng Vạn Phúc) cho rằng, những mặt hàng bà bán tại cửa hàng đều được lấy từ các xưởng sản xuất thủ công trong làng.

“Nếu ông Hoàng Khải nói chúng tôi bán hàng Trung Quốc là hoàn toàn sai. Còn về hành vi cắt nhãn mác của Trung Quốc, dán nhãn mác của Việt Nam vào bán là việc làm không thể chấp nhận được”, bà Thoa nói.

Ông Hà khẳng định, việc cắt mác lụa của Trung Quốc, gắn mác của Việt Nam là hành vi lừa dối khách hàng.

Là nghệ nhân hơn 30 năm kinh nghiệm dệt lụa, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà thẳng thắn cho biết: “Việc cắt mác lụa của Trung Quốc, gắn mác của Việt Nam vào là việc làm phi đạo đức, đây là hành vi lừa dối khách hàng.

Tại địa phương chúng tôi, hiệp hội luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, để làm ra những hàng hóa làm từ lụa đúng chất Việt, đòi hỏi người làm rất tỉ mỉ. Để thành công được với những mặt hàng truyền thống như lụa thì trước hết phải tâm huyết với nghề, phải trung thực với sản phẩm mà mình làm ra và phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng, cũng như lắng nghe ý kiến của khách hàng để làm sao có sản phẩm thủ công tốt nhất.

Các công đoạn dệt lụa làm thủ công.

“Lụa Vạn Phúc làm ra, hoa văn được tạo ra trong quá trình dệt, còn hàng nước ngoài đa số là hoa văn được in lên trên. Riêng với lụa của Trung Quốc, chỉ sử dụng được một mặt, còn lụa của Vạn Phúc sử dụng được cả hai mặt. Thứ 3 là nét hoa văn ở Vạn Phúc mang đậm văn hóa của Việt Nam, nên khi mua chúng ta phải nhận biết được những hoa văn thể hiện văn hóa của nước Việt Nam, không bao giờ Trung Quốc sử dụng hoa văn của Việt Nam để in lên sản phẩm của họ”, ông Hà nói rõ.

Nhiều khách hàng vào lựa chọn lụa.

Cùng chung quan điểm với ông Hà, bà Mão, chủ một xưởng dệt có tiếng ở làng luạ Vạn Phúc khẳng định, khi sản xuất ra một sản phẩm lụa thì việc trao đổi là có, nhưng chỉ là trao đổi giữa các làng nghề truyền thống, chứ không có chuyện “hoán đổi” nhãn mác.

Những hộ dân ở Vạn Phúc chỉ dệt vải chứ không nuôi được tằm, nên phải liên kết với nơi nuôi tằm để lấy tơ về dệt vải. “Hay khi tạo ra một chiếc chăn tơ tằm, chúng tôi phải liên kết với làng nghề chuyên sản xuất chăn chẳng hạng… Nhìn chung, sự liên kết trong các làng nghề là có, nhưng đó đều là những làng nghề truyền thống chứ không có chuyện “đánh tráo” thương hiệu”, bà Mão nói.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Mai Hòa (35 tuổi, ở quận Thanh Xuân) cho biết, chị rất hay mua lụa để dùng hoặc mua biếu người thân trong gia đình và mỗi lần như thế chị đều đến Vạn Phúc để chọn lựa.

“Tôi rất thích lụa bởi mềm mại và sờ rất thích, không những thế những đường nét hoa văn được in trên những tấm lụa rất tinh xảo, đẹp mắt và đậm chất Việt Nam. Mua dùng và tặng người thân yêu của mình thì không gì quý bằng, mẹ tôi cũng rất thích. Còn việc làm của thương hiệu lụa Khaisilk là không thể chấp nhận được, sẽ làm mất niềm tin ở khách hàng”, chị Mai Hòa chia sẻ.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất