Sắc màu Cuộc Sống

Nghệ nhân hơn 30 năm trồng đào Thất thốn ‘tiến vua’ ở Hà Nội: ‘Chưa bao giờ thời tiết khắc nghiệt đào chết nhiều như năm nay’

Định Nguyễn
Chia sẻ

Ông Lê Hàm - người trồng đào Thất thốn nổi tiếng ở Nhật Tân (Hà Nội) cho biết, thời tiết năm nay khắc nghiệt khiến nhiều gốc đào hàng chục năm tuổi bị chết.

Lắp điều hòa hai chiều cho đào 

Cứ mỗi dịp cuối năm, ông Lê Hàm (56 tuổi) ở làng đào Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội lại tất bật đánh chuyển 100 gốc đào Thất thốn từ ngoài vườn về khu nhà lắp điều hoà để “chờ Tết”. Tại đây ông Hàm điều tiết nhiệt độ để đào Thất thốn nở đúng dịp Tết Nguyên Đán. Đây là loài đào “sang chảnh” nhất trong các loại hoa đào và một giống đào quý hiếm nên xưa kia thường được tiến vua.

Cây đào này có dáng siêu trực, gốc đào xù xì, lá xanh mướt, hoa đỏ tươi, cánh dày đẹp đến nao lòng. Thế nhưng để trồng, chăm sóc loài hoa đào vốn “khó tính” này không hề đơn giản. Với nghệ nhân Lê Hàm thì tình yêu cũng như nghiên cứu về loài hoa này đã thành niềm đam mê suốt hơn 30 năm qua.

Nghệ nhân Lê Hàm bên vườn Thất thốn tiền tỷ của mình.

Hiện tại ông Hàm sở hữu 100 gốc đào Thất thốn hàng chục năm tuổi quý hiếm.

Với đặc điểm, cách xếp từng cánh hoa cũng như màu sắc không loại đào nào có được đã khiến loại đào này hiếm và kén người chơi, giá trị thì cao vút. Chỉ vào gốc đào cổ thụ đang chờ đơm bông dịp Tết, ông Hàm cho hay, đó là một trong số cây đã được ông chăm sóc suốt hơn 30 năm qua. Do đặc tính của loài đào này chăm sóc vất vả nên rất hiếm người đủ kiên nhẫn cũng như đam mê để trồng đào này.

Ông Lê Hàm kể, đào Thất thốn có đặc điểm sinh trưởng khác biệt với đào Nhật Tân, đào rừng hay đào ở nhiều địa danh khác nên cách chăm sóc vô cùng vất vả. Đặc biệt, nếu đúng theo nhịp sinh trưởng thì loại đào Thất thốn chỉ ra hoa dịp Rằm tháng Giêng, nhưng thời điểm qua Tết ít người chơi nên buộc nghệ nhân phải tự mình đầu tư hệ thống điều hòa nhiệt độ cho hơn 100 gốc đào.

Việc chăm sóc đào Thất thốn cũng mất nhiều công sức, ông Hàm phải lắp điều hoà hai chiều cho đào.

“Năm nào tôi cũng có 100 gốc đào phục vụ Tết. Tất cả gốc đào đều hàng chục năm tuổi. Tôi cũng thường xuyên trồng cây đào mới để gối đầu phòng khi đào cổ thụ bị chết. Chưa bao giờ thời tiết khắc nghiệt như năm nay, tôi bị chết đến 50% cây đào Thất thốn lâu năm. Cũng may năm nào tôi cũng trồng cây mới nên không ảnh hưởng gì nhiều và vẫn phục vụ được những người đam mê với loài đào này”, nghệ nhân Lê Hàm chia sẻ.

Giáp Tết ông Hàm bắt đầu thuê người đánh chuyển những gốc đào Thất thốn cổ thụ vào nhà điều hoà. Giữ nhiệt độ bên trong cũng phải ổn định từ 18-22 độ C thích hợp cho sự phát triển của đào Thất thốn. Ngay cuối tháng 11 Âm lịch, đã có khách đến đặt thuê đào đón Tết Nguyên đán.

Những gốc đào có niên đại vài chục năm tuổi.

Đúng dịp đào Thất thốn sẽ ra rất nhiều hoa.

“Trước kia việc điều tiết để gốc đào đơm hoa, nảy lộc đúng dịp Tết vô cùng khó khăn bởi đặc tinh sinh trưởng của giống đào Thất thốn thường nở hoa vào dịp Rằm tháng Giêng. Cách đây vài năm, tôi đã nghĩ ra phải điều tiết bằng nhiệt độ luôn ở mức nhiệt độ ổn định. Thế là tôi quây nhà tôn, lắp điều hòa 2 chiều cho các gốc đào. Nếu thời tiết quá lạnh, mình sẽ bật điều hòa nâng nhiệt độ lên, còn trời quá nóng sẽ hạ nhiệt độ xuống, miễn sao phù hợp với nhịp sinh trưởng của giống đào này. Nếu như lạnh quá hoặc nóng quá đào cũng sẽ chết”, nghệ nhân Lê Hàm chia sẻ.

Đào quý chỉ cho thuê chơi Tết chứ không bán

Quá khó khăn, vất vả và phải mất gần 10 năm trời nuôi dưỡng mới cho ra một gốc đào Thất thốn chính hiệu để chơi Tết nên nguyên tắc của nghệ nhân Lê Hàm là không bao giờ bán mà chỉ cho thuê. Giá thuê mỗi gốc đào từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

Vườn đào Thất thốn giống ông Hàm ươm trồng.

“Với đặc tính sinh trưởng nên chăm sóc đào Thất thốn vô cùng khó khăn. Nếu không biết cách chăm, cây sẽ không bao giờ ra hoa, hoặc có ra thì cũng không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, đây cũng là giống đào dễ chết khi gặp thời tiết bất thường, vì vậy nếu mình cho thuê thì người dân chỉ chơi dịp Tết xong là mình thu gốc về. Nhưng nếu bán đứt, mình sẽ mất tất. Để nuôi dưỡng một cây đào đủ tiêu chuẩn để cho thuê, tôi phải mất gần 10 năm trời chăm ở vườn ươm. Chính vì vậy tôi chỉ cho thuê với lại bán đi đào chết rất tiếc vì người dân không biết cách chăm sóc”, ông Hàm lý giải.

Những gốc đào này sẽ gối vào những cây đào Thất thốn không may bị chết.

Dịp cuối năm cũng là lúc ông Hàm cùng nhiều người giúp việc cho mình bắt đầu ươm giống những cây đào Thất thốn mới. Đây là việc làm thường niên bởi như thế sẽ giúp chủ nhân gối vào những gốc đào chết hàng năm để vườn đào thành phẩm luôn duy trì trên 100 gốc phục vụ người dân mỗi dịp Tết.

Trong số những gốc đào bị chết do thời tiết trong năm nay, ông Hàm không khỏi tiếc nuối với những gốc đã gắn bó với mình nhiều năm. Với người nghệ nhân, từng gốc đào quý hiếm chết khô như những vết cứa vào ruột gan.

Một cành hoa đào Thất thốn đẹp đến nao lòng người.

Cần mẫn cắt tỉa cảnh, lá và uốn dáng cho những gốc đào từ 1 tuổi đến gần 10 tuổi tại vườn ươm, ông cho biết nếu bình thường những gốc đào trồng 1 - 2 năm là có thể bán được, nhưng với giống đào Thất thốn thì 1-2 năm chỉ nhỏ bằng đầu ngón chân cái, 4-5 năm bằng bắp tay, nhưng từng đó thời gian vẫn chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ người chơi và chưa ra hoa.

Việc chăm sóc đào Thất thốn tại vườn ươm cũng lắm công phu và đòi hỏi nghệ nhân phải biết uốn theo thế, dáng và làm sao để những gốc đào phình to phần gốc, từ đó mới mang lại giá trị cao.

“Chăm sóc đào giống tại vườn ươm cũng khổ cực trăm bề, từ việc điều tiết nước, phân bón, cắt tỉa rồi tùy vào từng tuổi của gốc mà có chế độ chăm sóc khác nhau. Nếu điều chỉnh không tốt thì coi như gốc đào đó bỏ đi. Trồng đào Thất thốn vất vả lắm, ít ai trồng theo. Bản thân tôi hàng chục năm qua đã cùng ăn ngủ với giống đào này nên luôn dành tình yêu với những gốc đào này rồi”, ông Hàm nói thêm.

Đào Thất thốn - hay đào tiến vua - loại cây chỉ các bậc nhà giàu, vua chúa thời xưa mới được thưởng lãm. Đào Thất thốn hot rần rần bởi nhiều người tò mò về loài hoa đào tiến vua và cũng bởi mức giá khá “khủng” của nó nữa.

Có người giải thích về tên gọi Thất thốn theo 3 nghĩa. Thứ nhất đó là mỗi cây đào thất thốn thì cứ khoảng 7 “thốn” (mỗi thốn bằng khoảng một đốt ngón tay) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất.

Nghĩa thứ hai là, lá đào Thất thốn dài 7 khoảng thốn, gấp 3 - 4 lần so với lá đào thường. Thứ ba là 7 năm đào Thất thốn mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh.

Khác với các loại bích đào hay đào phai khác, sắc hoa của đào Thất thốn cũng đặc biệt hơn. Hoa đào đậm màu, không quá sẫm, nụ to, khi nở bông to, cánh kép tràn đầy sức sống. Lá, lộc đào cũng dày, xanh thẫm, mọc chìa đều ra xung quanh cành.

Trong mỗi thốn đào, có thể ra vài chục bông hoa cùng lúc. Những bông hoa đào kép có thể có tới 30 - 50 cánh/bông. Khi hoa tàn, hoa không rụng cánh lả tả như các giống đào khác mà vẫn ở nguyên trên đài hoa.

Cái lạ nữa là hoa mọc thành “chùm” vài bông một, nhưng nếu không nở cùng lúc mà có bông nở trước, nó sẽ nở trùm lên những nụ khác, không cho những bông kia đẹp cùng.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất