Ngày Sài Gòn khỏe mạnh

Những cái ôm đã được trao đi, những giọt nước mắt đã rơi xuống, lời chúc nhau khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an... cũng đã được gửi gắm. Đó là ngày Sài Gòn dần dần 'khỏe mạnh', các tình nguyện viên, y bác sĩ cũng đã được trở về nhà.

Bài viết Tuệ Yên
Chia sẻ

- Chị, chị biết khi Sài Gòn "khỏe mạnh" trở lại em sẽ làm gì không?

- Dạo phố hả?

- Em sẽ ngồi chỗ quen, gọi một tô bún bò "siêu to khổng lồ" rồi ăn liền mạch, thêm chai bia nữa. Em thèm quá!

....

Đó là cuộc nói chuyện giữa tôi và Quang Trường, trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất của Sài Gòn. Tôi là phóng viên, Trường là F0 rồi trở thành tình nguyện viên. 

Cụm từ "ngày Sài Gòn khỏe mạnh" được nhắc nhiều trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Đó là ước mơ, là mong mỏi, là nguồn động lực để vực Trường dậy sau những ngày mệt nhoài.

Và rồi ngày đó cũng tới, ngày Sài Gòn của chúng tôi đang dần dần... khỏe mạnh.

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 1

"Trường, thay tã cho bé đi em, đến giờ rồi"

"Cô A. cần kiểm tra oxy, em lên gấp nhé"

....

Không có lần nào mà các nhân viên y tế gọi "Trường ơi" mà cậu từ chối. Trường từng là bệnh nhân F0 tại đây. Khi mẹ và em lần lượt được về nhà, Trường xin nán lại để giúp đỡ nhân viên y tế.

"Mình cảm nhận giai đoạn đỉnh điểm nhất là giữa tháng 6 với rất nhiều ca bệnh nặng. Riêng khu A mình hỗ trợ 5 block nhà đều kín hết phòng bệnh, hơn 2000 bệnh nhân. Những ca trở nặng trong đêm rất nhiều mình thấy các anh chị bác sĩ bận rộn suốt ngày tới cả đêm cũng chưa xong. 

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 2

Nhiều lúc những ca bệnh trở đêm các mình và các anh chị bác sĩ phải thức trắng đêm để canh sáng hôm sau 7h lại phải ra block để khám bệnh buổi sáng. Mặc đồ bảo hộ từ sáng đến tận tối khuya mất nước và mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng vì sức khỏe của bệnh nhân", Trường nhớ lại.

Những ngày chống dịch đánh dấu những "lần đầu" của Trường. Chàng tình nguyện viên nói: "Lần đầu mình được trở thành "ba", chăm sóc hai bé F0 bị bỏ rơi. Ban đầu, mình luống cuống lắm, không biết thay tã, pha sữa thế nào. Nhưng dần dần, mình được các anh chị điều dưỡng hướng dẫn thêm nên cũng quen. 

Đó cũng là lần đầu tiên, mình thay tã dọn vệ sinh cho ông cụ neo đơn không có người nhà theo. Mình đã động viên, tâm sự với mấy ông bà cô chú trị bệnh. Vì từng là bệnh nhân nên mình hiểu tâm lý của họ".

Những ngày giữa tháng 9, bệnh viện "hạ nhiệt". 

Bệnh viện dã chiến số 4 với 4 khu hơn 4000 bệnh thì đến nay chỉ còn trên dưới 200 bệnh, các ca nặng thì cũng không còn nhiều. Đó là lúc Trường cảm nhận được mình đã thực sự đi qua những ngày "khốc liệt".

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 3

Ngày 13/10 là sinh nhật của Trường. Đó cũng chính là ngày cuối cùng mà bệnh viện dã chiến hoạt động.  "Tụi mình từ những con người xa lạ đã cùng nhau "chiến đấu". Chúng mình đã đợi đến ngày cuối cùng để đóng cửa bệnh viện dã chiến. Đó là một cảm giác hạnh phúc, xen lẫn biết bao niềm vui và nước mắt".

Mình thật sự rất biết ơn các anh chị bác sĩ từ mọi miền đã chi viện hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Cảm ơn những ngày tháng đáng nhớ nhất đời mình".

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 4

Ngày ra sân bay Nội Bài để vào Nam chống dịch, chị Phan Thị Nhạn (Bác sĩ hồi sức, Bệnh viện phổi tỉnh Phú Thọ) đã ôm theo những nỗi nhớ. Chị để lại 3 đứa con của mình để lên đường.

"Tôi đã xem những phóng sự về tình hình dịch bệnh trong miền Nam. Tôi thấy được những ánh mắt mỏi mệt của đồng nghiệp, khi họ ngày đêm chiến đấu giành giật sự sống cho các bệnh nhân. 

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 5

Sở y tế tỉnh Phú Thọ kêu gọi, chúng tôi lập tức điền tên mình vào đơn tình nguyện viên. 

Nhớ con, có.

Lo lắng, có. 

Nhưng tôi vẫn muốn tiếp sức với TP.HCM để chống dịch. Những ngày đầu mới vào đây, tôi cũng chưa thích nghi với môi trường và về ngôn ngữ giao tiếp của địa phương nhiều. Nhìn họ không hiểu hết những gì tôi nói, trông rất thương. Thế là chúng tôi phải cố gắng tìm hiểu thêm", chị nói.

Bác sĩ Nhạn là trưởng block A1.8 trực tiếp chữa trị và chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến số 4. Có những đêm, chị thức trắng cùng bệnh nhân, theo dõi sát sao từng ca trở nặng để kịp thời xử trí. Những tài liệu, hồ sơ bệnh án ngày càng dày.

Đôi lúc, Nhạn vẫn thấy ngưỡng mộ với nghị lực sống và sự kiên cường của bệnh nhân. Chị đã từng rưng rưng hạnh phúc khi giúp ông bác 60 tuổi mắc Covid-19, có rất nhiều bệnh nền qua cơn nguy kịch. 

"Có những lúc nhớ gia đình và 3 đứa con nhỏ, tôi lại lấy bức thư của các con viết gửi ra đọc. Đó là động lực lớn nhất giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để trở về gặp các con", bác sĩ Nhàn tâm sự.

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 6

Ngày chị mới vào viện, 4 khu đều được lấp đầy bởi bệnh nhân, gần 4000 ca bệnh được chữa trị. Riêng block A1.8 nơi chị công tác mỗi ngày đều nhận hàng chục bệnh nhân từ nặng đến nhẹ. 

Sau 55 ngày "chiến đấu" tại bệnh viện dã chiến, số lượng bệnh nhân xuất viện ngày càng tăng, những ca nhập viện thì một ít đi. Bệnh viện từ 4 khu đ.iều trị dần dần được gom lại thành 1 khu.

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 7

"Tôi đã rưng rưng x.úc động khi thấy Sài Gòn khỏe mạnh từng ngày. Chúng tôi đã sát cánh bên nhau và chiến đấu từng ngày. Sài Gòn nô nức tiếng nói cười, Sài Gòn có đông đúc xe cộ. Tôi sẽ ôm theo những nỗi nhớ về thành phố khi trở về quê hương. Cảm ơn các bạn vì những ngày tháng đồng hành cùng nhau", bác sĩ Nhàn nói.

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 8

"Ngày em đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, được ô tô đưa về khu cách ly, em thấy Sài Gòn vắng lặng. 

Đó là lần đầu tiên trong đời, em đến Sài Gòn. Nó không náo nhiệt, không ồn ã, không vội vàng như những gì em đọc, em biết về nó từ trước. Bởi lúc đó, thành phố đang "căng mình" chống dịch. Phố xá lặng im, thi thoảng vài bóng áo bảo hộ vụt qua thật nhanh, họ cũng đang hối hả làm nhiệm vụ.

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 9

Ngày về, em với đồng đội kịp ra phố đi bộ Nguyễn Huệ chụp vài bức ảnh. Đó là ngày sau giai đoạn "bình thường mới". Lúc đó, Sài Gòn trong mắt em thật đẹp, lấp lánh ánh đèn, nôn nức người qua lại. Em biết thành phố đang dần khỏe mạnh.

Nhiều cô chú, anh chị đã dành cho bọn em rất nhiều lời cảm ơn khi nhóm đi lấy mẫu, hỗ trợ công việc chữa trị. Em cảm nhận được sự nồng hậu, nhiệt thành và cực kì hào sảng của người Sài Gòn. Ngày ra sân bay, ai cũng buồn, chỉ mong có ngày được trở lại đây để tham quan", Thảo Hòa (sinh viên Y tại Hà Nội) nói. 

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 10

Những ngày qua, có nhiều đoàn Y tế từ các tỉnh, thành đã nói lời chào tạm biệt Sài Gòn sau thời gian chống dịch. Những cái ôm đã được trao đi, những giọt nước mắt đã rơi xuống, lời chúc nhau khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an... cũng đã được gửi gắm.

Bác sĩ Nhạn chia sẻ: "Quãng thời gian chúng tôi có mặt tại TP.HCM cùng với các đồng đội từ bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Ương, Viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bình Tân sẽ mãi là một đoạn ký ức đẹp đẽ trong tôi. Tạm biệt Sài Gòn, chúng tôi sẽ rất nhớ các bạn".

Ngày Sài Gòn khỏe mạnh Ảnh 11

Bài viết

Tuệ Yên

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ