Sắc màu Cuộc Sống

Nén nỗi đau mất ba, nữ sinh lên đường chống dịch: 'Có những đêm mẹ khóc hết nước mắt'

Khải Anh
Chia sẻ

Giữ chặt nỗi đau mất cha trong lòng, gói ghém theo niềm thương yêu của mẹ, Ngọc Thùy (quê Cà Mau) đã bước lên chiếc xe khách đi về TP.HCM, vùng tâm dịch của cả nước. Cô mong mỏi có thể góp sức mình khi cả thành phố đang 'oằn vai' chống dịch bệnh.

Mẹ ơi! Con sẽ lên đường chống dịch

Có những nỗi đau khiến chúng ta dường như gục ngã, nhưng cũng chính nó làm cho ta có thêm lòng can trường và sự mạnh mẽ. Ngọc Thùy cũng thế. Cô đã quyết định lên đường chống dịch khi vừa trải qua nỗi đau mất ba vỏn vẹn 12 ngày.

Thùy chia sẻ: "Trong những ngày để tang ba, mình cảm thấy rất buồn. Lúc ba mất cũng là ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, ai nấy đều sợ và không dám ra đường. Tang lễ ba chỉ có vỏn vẹn vài ba người thân, nhìn cảnh đó mình lại nghĩ đến các y bác sĩ, những người nơi tuyến đầu. Trong số họ cũng có người từng mất người thân như mình, nhưng họ không được về, họ phải hi sinh nỗi niềm riêng vì Tổ Quốc. Sau khi lo xong tang ba, mình cũng thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày theo sự hướng dẫn của địa phương.

Rồi tình cờ, mình nhìn thấy fanpage Thành Đoàn TP.HCM tuyển tình nguyện viên cho chiến dịch tiêm vaccine. Ngay lúc đó, mình đã muốn đăng kí và lên TP.HCM chống dịch nhưng nghĩ lại còn mẹ ở nhà 1 mình, xe liên tỉnh đã bị dừng hoạt động rồi lại thôi, mình buồn suốt mấy ngày".

Ngày thứ 13 cách ly, Thùy nói với mẹ: "Con muốn lên Sài Gòn chống dịch”. Mẹ vờ như chưa nghe gì. "Mình biết mẹ đang sợ, mình cũng đóng cửa phòng, cả ngôi nhà im bặt", Thùy kể.

Tầm 20 giờ, mẹ hỏi: "Rồi định đi Sài Gòn bằng cách nào?”. Lúc đó, Thùy vừa vui, vừa buồn, vừa xúc động. Cảm xúc nghẹn ngào dâng lên trong lòng, cô quyết định soạn balo, gói ghém hành lý lẫn yêu thương của mẹ rồi rời đi.

Thùy đón một chiếc xe chở hàng hoá từ Cà Mau lên TP.HCM để đi nhờ. "Lúc đấy trên xe chỉ có mình và chú tài xế. Mình ngồi giữa một đống lộn xộn hàng hoá người ta gửi lên Sài Gòn, có cả tôm mực tươi, mùi bám đầy người mình. "Giờ nghĩ lại mình xem đó như một chuyến xe mạo hiểm mà từ trước đến giờ em lần đầu tiên trải nghiệm. Mình đã không muốn mẹ đưa đi vì sợ nhìn thấy mẹ khóc mình sẽ khóc, nên mình chỉ để mẹ đứng trước nhà rồi em tự vác balo ra khỏi hẻm để đón xe. Mẹ mình đã khóc rất nhiều sau đó, mình biết hết", cô nữ sinh nhớ lại.

Những câu chuyện không quên

Từ điều phối, xịt khử khuẩn, hỗ trợ lấy mẫu... Thùy không nề hà bất kì công việc nào. Chỉ cần được điều động, cô sẽ có mặt tại địa điểm để hỗ trợ. "Có lần, mình chạy từ Gò Vấp qua quận 8 để hỗ trợ điều phối người dân khu F1 làm xét nghiệm. Hôm đó trời mưa lất phất cả buổi.

Mình vừa mệt, vừa đói lại vừa mắc mưa nhưng vẫn cố gắng làm. 10 giờ đêm, mình mệt rã rời và không thể nào nói chuyện được nữa ngồi bệt xuống một góc mái hiên nhà dân. Bỗng nhiên có một anh tình nguyện viên mang cho mình chai nước sủi C ngâm sẵn và 1 ổ bánh mì. Mình xúc động nghẹn ngào chẳng biết nói gì ngoài hai chữ cám ơn".

Rong ruổi khá nhiều điểm trên địa bàn TP.HCM, không ít lần trái tim cô như thắt lại khi thấy những khu nhà “lụp xụp” cùng những con người đang xoay xở trong việc tìm cái ăn, cái mặc. "Covid-19 chẳng buông tha cho họ. Có nhiều gia đình nhiều thế hệ sống chung với nhau, một người bị cả nhà đều bị. Mình đã không ít lần chứng kiến cả nhà từ bé đến lớn mươi mấy người cùng nhau bước chân lên xe cứu thương để đi cách ly. Có nhiều bé rất rất nhỏ, nhưng lại vô tình bị nhiễm căn bệnh này. Đau lòng lắm".

Thùy kể, những lúc khó khăn nhất cô hay nghĩ về ba. "Mình muốn làm thêm nhiều điều tốt đẹp để ba ở trên trời linh thiêng có thể chứng kiến và tự hào về mình. Mình nhớ hoài những câu nói lúc ba còn sống, đó là động lực cho mình cố gắng".

Hạnh phúc là khi có mẹ

Thùy nhớ lại lần đầu gặp F0, cả người cô run bần bật. Trong bộ đồ bảo hộ, cô mất nước, vừa mỏi chân mà kèm thêm lo lắng. Có lần, Thùy bế con giúp một người phụ nữ lấy mẫu xét nghiệm, kết quả hai mẹ con đều dương tính.

"Mình thấy cả mẹ con bế nhau vào chỗ phòng chờ xe cứu thương đến là lúc đó tay chân mình rụng rời, vừa thương cho họ, vừa lo cho mình. Mình liền chạy vào nói nhỏ với anh trưởng đoàn, mọi người đã động viên mình rất nhiều. Vài ngày sau, kết quả âm tính mình mới thở phào nhẹ nhõm". Những lần "đứng tim" như thế, Thùy không kể với mẹ vì sợ làm mẹ thêm lo lắng. Ở quê nhà, mẹ Thùy vẫn khóc khi không gọi được cho con gái, bởi cô đang làm nhiệm vụ.

"Mẹ mình là một người phụ nữ tuyệt vời. Mình hay giành từ ngữ đó cho mẹ. Vì mẹ mình không giống những người mẹ khác, mẹ là người khuyết tật do bị nhiễm chất độc màu da cam. Mẹ đã rất vất vả để sinh ra và nuôi lớn mình. Trong suốt gần 20 năm qua, mẹ luôn ủng hộ và cổ vũ mình. Đây không phải đây là lần đầu mình đi tình nguyện, nhưng lần này khá nguy hiểm bởi mình vẫn có nguy cơ phơi nhiễm.

Mỗi ngày, lúc hết ca rảnh là mình gọi về tâm sự với mẹ. Mẹ luôn lắng nghe những câu chuyện mình kể. Mẹ học cách biết lên đọc báo, theo dõi tình hình dịch bệnh và đặc biệt hơn là biết theo dõi sức khoẻ của chính mình".

Không ít lần, Thùy đã rưng rưng xúc động khi nhận được tin nhắn từ mẹ. Đó là những tin nhắn không dấu câu, do mẹ cố gắng hết sức tập nhắn. "Cố lên con nha!”,”Mẹ ở nhà vẫn khoẻ, con cũng giữ sức khoẻ”, "Mẹ nhớ con, con rảnh thì gọi về cho mẹ”... Những dòng tin ấy thôi thúc Thùy mỗi ngày phải cố và cố hơn nữa.

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất