Sắc màu Cuộc Sống

Nạn săn người bạch tạng ở châu Phi

Theo VnExpress
Chia sẻ

Một ngày chủ nhật nắng ráo tháng 4/2016, cậu thanh niên 17 tuổi David Fletcher xin phép bố mẹ cho tới trường xem bóng đá rồi một đi không trở lại.

Nạn săn người bạch tạng ở châu Phi

Bố mẹ tìm khắp làng nhưng không thấy Dave, tên thân mật của David. Ngày hôm sau, họ đi bộ tới đồn cảnh sát gần nhất để trình báo con trai mất tích và về nhà chờ đợi. Một tuần sau, cảnh sát trưởng tới báo tìm thấy xác Dave ở cách nhà 80 km, tại đất nước Mozambique láng giềng.

Thi thể đã bị phân hủy gần hết, khó mà mang về làng chôn cất. Có điều nếu gia đình muốn, cảnh sát vẫn có thể đưa các phần thi thể còn lại về làng hoặc người nhà có thể bỏ tiền túi tới nơi phát hiện xác.

“Thằng bé chết rồi, nhìn thấy xác nó còn ích gì nữa?” Fletcher Machinjiri, 65 tuổi, bố của Dave tự hỏi. “Chúng tôi làm gì có tiền đi tới Mozambique”.

Ông ngồi trầm tư cạnh vợ ngoài cửa nhà. Bà Namvaleni Lokechi, 53 tuổi, thẫn thờ nhìn xuống đất. Hai người con của họ là cô Mudelanji, 32 tuổi và anh Manchinjiri, 21 tuổi, đứng cách đó vài mét chăm chú lắng nghe.

Nạn săn người bạch tạng ở châu Phi

Ngày nào chúng tôi cũng khóc“, ông Fletcher nghẹn lời. “Thằng bé là hy vọng của chúng tôi. Nó học rất giỏi, chúng tôi cứ nghĩ rằng tương lai sẽ dựa vào nó. Bây giờ chúng tôi vẫn cực khổ kiếm ăn, còn nó đã xa rồi”.

Dave sinh năm 1999, là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em và là người duy nhất mắc bệnh bạch tạng.

“Khi sinh thằng bé, tôi không hề bất ngờ“, mẹ của Dave nói. “Tôi thậm chí còn cảm thấy cực vui vì màu da của nó”. 

Bà có một người dì cũng mắc bệnh rối loạn sắc tố bẩm sinh. “Tôi lúc nào cũng cảm thấy nhóm người này gặp may mắn trong cuộc đời”, bà chậm rãi nói.

Dave đi học ở làng Kachule bên cạnh, nổi tiếng học giỏi. Thầy giáo Clement Gweza nhớ đã vô cùng lo lắng khi không thấy học trò tới trường hôm thứ hai.

“Tôi cứ ngỡ là nhà trò có việc hoặc bị ốm”, Clement tâm sự. “Nhưng tới ngày hôm sau, trò vẫn không tới trường. Tôi bắt đầu lo lắng”. 

Khi hay tin Dave gặp nạn, Clement sốc. “Điều đó nghĩa là tôi có thể là nạn nhân tiếp theo”, anh lo sợ. Clement cũng mắc bệnh bạch tạng.

Latida Macho, 14 tuổi, một học sinh khác trong trường, cũng có thể gặp nguy cơ tương tự. Cô bé có 5 anh chị em, nhưng chỉ mỗi Latida có tóc, da màu trắng. Sau vụ David, gia đình Latida cho con nghỉ học suốt ba tuần.

“Nếu đây là cuộc săn lùng người bạch tạng thì có nghĩa tôi sẽ là nạn nhân tiếp theo”, Clement nhận định. Thầy giáo trẻ biết có những vụ người bạch tạng bị giết nhưng “chuyện này xảy ra ngay ở khu này, thậm chí xảy đến với học sinh trong lớp, tôi vẫn không tin nổi”. 

Sau đó, hai người bị bắt vì tội giết người. Họ đều là công dân Malawi, bị kết án 25 năm tù giam vì âm mưu phạm tội và bắt cóc hồi tháng 5/2016. Gia đình David có biết tin qua báo chí nhưng họ thất vọng với phán xét này.

“Những kẻ đó phải bị tử hình“, Fletcher nói. “Con tôi bị giết một cách tàn nhẫn, chúng cũng phải bị xử tàn nhẫn”.

Chuyện của Alfred

Alfred Chigalu, 17 tuổi, sống cùng dì trong một ngôi nhà đất, bao quanh là hàng rào hoa hướng dương khô quắt tại làng Nasi, huyện Phalombe, phía đông Malawi. Phía trong mảnh sân đất đỏ thả 5 con dê và chục con gà.

Nhà hàng xóm gần nhất cách 5 phút đi bộ dọc lối mòn hai bên đầy cỏ dại. Phải mất 20 phút đi bộ băng qua cánh đồng thuốc lá mới đến đường lớn. Hạn hán đang ảnh hưởng nặng nề khu vực này. Ven đường trồng những cây xoài cao vút cho bóng mát nhưng lại không ra quả.

Khí hậu nơi này rất khắc nghiệt. Cây trồng thường bị hạn hán hoặc bão kèm mưa đá phá hại. Giống như những người dân khác trong làng, Alfred và dì, Lydia Petulo, đang sống sót nhờ ngô phơi khô từ vụ năm ngoái. Mấy con dê trong sân không phải của họ. Lydia chăm sóc chúng hộ một nhà buôn ở địa phương, đổi lại, đến cuối năm bà sẽ được nhận một con.

Tháng 12/2015, 4 người đàn ông đạp cửa xông vào phòng ngủ của Alfred. Chúng lấy dao rựa chém cậu, đá túi bụi vào gáy, vai và lưng Alfred. Khi Lydia phát hiện, Alfred đang nằm trong vũng máu, còn những kẻ tấn công bỏ trốn.

Cậu bé sống sót nhưng trên người đầy sẹo, tiếng động khe khẽ cũng làm cậu giật mình, còn mỗi khi vào làng phải có người đi cùng.

“Trước vụ tấn công, tôi sống dựa vào cháu. Tôi sai nó đi chợ, ra đồng làm thuê“, bà Lydia nói, khẽ cắn môi. “Nhưng giờ đây tôi không dám nữa. Tôi sợ cháu nó mất mạng. Những việc đó giờ tôi phải làm”.

6 năm trước, Alfed từng phải nghỉ học khi bị tấn công. Bà Lydia nhận nuôi cháu sau khi chị gái qua đời. Alfred có anh mắc bệnh bạch tạng nhưng đã chết. Bà không nhớ rõ người anh mất khi nào, tại sao lại chết, cũng không nhớ tại sao bố mẹ Alfred chết, chỉ nhớ hai người mất khi cậu bé chập chững bước đi đầu tiên.

Người Alfred giờ đầy sẹo, không thể làm việc nặng, thậm chí cầm chổi cũng run tay. Cậu bé cô đơn vì không được đến trường, cũng không dám ra ngoài.

“Cháu muốn tốt nghiệp, trở thành giáo viên và rời khỏi chỗ này. Cháu ước gì có ai đó đưa cháu khỏi làng này. Cháu phải đi khỏi nơi này“, cậu nói.

'Câu chuyện của Hari'

Edna Cedric nhớ lại cái đêm tháng hai năm ngoái. Chồng cô là Marizana Kapiri đã đi câu kiếm ăn, chỉ còn hai con trai song sinh 9 tuổi là Hari và Harrison đang ngủ cạnh mẹ trong căn nhà nhỏ tại làng Mpakati, huyện Machinga, miền nam Malawi.

Có tiếng gõ cửa, Edna hỏi vọng ra, một người đàn ông cầm dao đạp cửa xông vào. Hắn lôi Hari khỏi giường, lôi ra cửa. Edna một tay kéo Hari, tay kia vẫn giữ chặt Harrison.

Kẻ đột nhập lấy dao chém vào mặt cô khiến Edna ngã sấp xuống sàn và cứ như thế, Hari biến mất.

Tôi không giữ nổi thằng bé”, Edna nói. “Tôi chạy ra ngoài hét toáng lên. 4 ngày sau, cảnh sát tìm thấy đầu thằng bé ở Mozambique”.

Marizana Kapiri là bố dượng của hai đứa con Edna. Sau khi Hari bị bắt cóc, cảnh sát nghi ngờ Marizana có liên quan vì không ở nhà. Cho đến khi trưởng thôn đứng ra giải thích Marizana ở suốt đêm với ông bên hồ câu cá, họ mới thả anh ra.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, hai người đàn ông đã bị bắt vì liên quan tới vụ giết Hari. Một người khai rằng là chú cậu bé, người kia không phải họ hàng, bị ám ảnh bởi việc sở hữu xương người bạch tạch. Hắn bị phạt 30 USD vì sở hữu xương của Hari.

Đến tận bây giờ, Edna vẫn không biết ai là kẻ chịu trách nhiệm vụ tấn công và chuyện gì xảy ra với những kẻ bị bắt.

Harrison mặc pyjama, đội mũ cao bồi, Cậu bé ngồi giữa nghe bố mẹ kể chuyện, nghịch sợi dây thừng trên mũ, thỉnh thoảng lại liếm đôi môi nứt nẻ và gãi cánh tay. Cậu bé quay lại trường học hồi tháng 9/2016, 8 tháng sau khi anh trai bị giết.

Ngôi nhà đơn sơ của gia đình họ nằm ở vùng nông thôn hẻo lánh, xa đường cái nối Blantyre và Mangochi. Nhà cửa ở đây thưa thớt, lọt thỏm giữa những cánh đồng rộng lớn. Đi từ nhà này sang nhà kia phải mất vài phút. Đồn cảnh sát gần nhất cách đó rất xa, trong đồn cũng không có mấy người.

Có điều, căn nhà hiện tại không phải nơi Hari bị tấn công. Ngôi nhà kia ở chỗ biệt lập hơn, Marizane giải thích.

“Chúng tôi đã dỡ nhà, chuyển tới đây để gần gũi mọi người trong thôn hơn”, anh nói. Có điều, đối với cậu bé Harrison, chuyển nhà cũng không mang lại nhiều thay đổi.

“Thẳng bé vẫn giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm, la hét vì không thấy anh trai. Chúng tôi chỉ biết bảo con rồi Hari sẽ trở lại”, Marizane nói.

Về phần Edna, mỗi lần nhớ về cảnh cái đầu con trai được cảnh sát bọc trong khăn mang về nhà, cô lại lo lắng.

“Tôi lại lập tức nghĩ về em trai nó, Harrison. Cuộc đời thằng bé rồi sẽ vĩnh viễn thay đổi”, Edna nhìn vào đứa con còn lại.

Lịch sử bạo lực

“Albinism - bạch tạng”, có nguồn gốc từ chữ “alubs” trong tiếng Latinh nghĩa là màu trắng. Bạch tạng là một bệnh di truyền rối loạn bẩm sinh, khi cơ thể không sản xuất đủ melanin, sắc tố làm sậm màu da, tóc và mắt.

Trên thế giới cứ 20.000 người lại có một người mắc bệnh này. Tuy nhiên, ở khu vực châu Phi hạ Sahara, căn bệnh này phổ biến hơn, nơi tỉ lệ mắc bệnh là 1:5.000 người. Hầu hết những ca mắc bệnh xuất hiện ở các quốc gia Mozambique, Tanzania, Burundi, Kenya, Zimbabwe và Nam Phi.

Tại Malawi, quốc gia có dân số 16,5 triệu người, có khoảng 7.000 - 10.000 người mắc bệnh bạch tạng. Hiện chưa rõ tại sao căn bệnh này tập trung chủ yếu ở khu vực hạ Sahara.

Thiếu melanin không chỉ ảnh hưởng tới màu da, nó còn ảnh hưởng tới thị lực, khiến mắt người bệnh nhạy cảm với ánh sáng và thực tế, rất nhiều người bị mù. Da của họ cũng dễ bị tia cực tím mặt trời tổn thương, dễ mắc ung thư.

Theo một nghiên cứu năm 2014, người bạch tạng ở châu Phi có khả năng bị ung thư da cao gấp 1.000 lần người khu vực khác. Tuy nhiên, cái mà họ phải đối mặt không phải vấn đề y tế, mà là chuyện bị phân biệt đối xử do ảnh hưởng của mê tín dị đoan.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, người bạch tạng bị phân biệt đối xử ở 23 quốc gia châu Phi, có nguy cơ bị sát hại, thậm chí chôn sống hay giết chết ngay khi chào đời.

Số lượng các vụ giết người và gây tàn tật cho người bạch tạng tăng lên nhanh chóng trong thập kỷ qua. Nội tạng, xương và các bộ phận cơ thể họ bị rao bán trên chợ đen. Nguyên nhân do niềm tin vào thần thoại rằng xương họ làm từ bụi vàng và là một thành phần quan trọng để chế tạo thuốc thần.

Tuy nhiên, ngoài những tin tức như xương người bạch tạng có thể bán giá 75.000 USD trên chợ đen, không có báo cáo chính thức nào ghi nhận về các vụ buôn bán. Vì vậy, câu hỏi có hay không tồn tại đường dây có tổ chức mua bán bộ phận cơ thể người bạch tạng vẫn chưa được giải đáp dứt khoát.

Chuyên gia Ero của Liên Hợp Quốc cho biết không có cách nào xác nhận thị trường này có tồn tại.

Chắc chắn là thị trường này trị giá rất cao. Tôi nói chắn chắn vì người dân khu vực luôn nói đi nói lại rằng thị trường này có giá trị giao dịch lớn”, bà nói. “Tuy nhiên, số vụ tấn công tại một vài quốc gia đã bắt đầu giảm, có thể do người ta nhận ra xương và các bộ phận người bạch tạng chẳng có giá trị nào cả”.

Phần lớn các vụ tấn công xảy ra quanh khu vực Đại Hồ châu Phi, chủ yếu ở Tanzania và Burundi. Theo truyền thông, Tanzania đã ghi nhận 180 vụ tấn công, bao gồm 76 vụ giết người kể từ năm 2000. Trong đó, năm 2015 có 35 vụ giết người.

Trong vòng 8 tháng kể từ khi được bổ nhiệm làm chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc về người bạch tạng hồi tháng 6/2015, bà Eron, bản thân cũng là người bạch tạng, đã ghi nhận 40 vụ tấn công ở 8 quốc gia.

Sống thấp thỏm

Emily Chiumia làm việc cho chính quyền ở Zomba, miền nam Malawi. Tuy nhiên, cô nổi bật hơn trong vai trò nhà hoạt động bảo vệ người bạch tạng. Cô từng là phó chủ tịch Hiệp hội người Bạch tạng (APAM), nơi ghi nhận các vụ phạm tội với những người mắc bệnh bạch tạng giống Emily.

Thủ phạm thường là họ hàng, láng giềng, thậm chí là người mà nạn nhân coi là bạn thân.

Trước đây người ta hay truyền tai nhau rằng nếu ngủ với người bạch tạng, da bạn sẽ trắng ra”, Emily nói. “Giờ thì khác. Tôi không thể sống thoải mái như trước. Tôi không dám ra đường buổi tối, không dám ngủ dù đang ở trong nhà vì sợ có người bất ngờ xông vào”. 

Một người bạch tạng khác là Ian Sambota kể lại năm 2012, anh từng được một phụ nữ lớn tuổi, có học thức đề nghị trả 138 USD, sau đó tăng lên 700 USD để ngủ với bà ta.

“Bà ấy dương tính với HIV và tin ngủ với người bạch tạng sẽ khỏi bệnh”, Ian nói. Anh từ chối nhưng thừa nhận mình đã dao động vì khi đó rất cần tiền chữa bệnh cho mẹ.

Steven Burgess, một người đàn ông trung niên ngoài 40 tuổi, cho biết hồi bé thường bị gọi là “bạch thú”. Ông lo lắng bởi số lượng vụ tấn công ngày một nhiều trong thời gian gần đây.

Bazirio Kaudzu, 46 tuổi, sợ tới mức chỉ dám đi bệnh viện ở thủ đô Lilongwe lấy thuốc bôi da với điều kiện có cháu trai đưa đi. Ông là nông dân trồng cà chua. Mỗi lần lên thành phố, ông đều phải vay tiền để trả taxi cho hai người.

Vấn đề

Chính phủ Malawi cũng nhận ra điều này. Neverson Chisiza, chuyên gia tư vấn cấp cao của Bộ Tư pháp cho biết chính phủ đã ghi nhận 85 vụ tấn công người bạch tạng kể từ năm 2014 tới nay, bao gồm giết người, hành hung, âm mưu bắt cóc, buôn người, gây thương tích và đào mộ; trong đó có ít nhất 20 vụ giết người.

Hồi tháng 5/2016, chuyên gia Ero cảnh báo nếu chính phủ không thực hiện các biện pháp quyết liệt, người bạch tạng có thể bị tuyệt chủng ở Malawi.

Chính phủ Malawi cho biết cuộc truy quét những kẻ săn lùng người bạch tạng ở đất nước Tanzania láng giềng đã đẩy ngành “thương mại” giết người lấy bộ phận cơ thể sang nước mình.

Ông Kawinga, một quan chức cấp cao của huyện Machinga, nơi có số vụ tấn công nhiều nhất cho biết có nghe tin tồn tại chợ mua bán bộ phận cơ thể người bạch tạng ở Mozambique. Theo nhận xét Azad Essa, phóng viên Aljazeera, dường như mỗi quốc gia ở khu vực này đều có xu hướng coi nước láng giềng là nguồn gốc rắc rối.

Các nhà hoạt động đã nỗ lực thay đổi quan niệm của người dân về bệnh bạch tạng, bước đầu bằng cách thay đổi cách dùng từ “bạch nhân” sang dùng từ “người mắc bệnh bạch tạng”.

Tháng 6 năm ngoái, 150 quan chức chính phủ, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động từ 26 quốc gia đã nhóm họp tại Dar es Salaam, thành phố lớn nhất Tazania và cũng là đô thị đông dân cư nhất khu vực Đông Phi. Đây là diễn đàn đầu tiên về người bạch tạng ở châu Phi, thảo luận kế hoạch hành động chấm dứt các vụ tấn công, kết luận chính phủ các nước phải dành ngân sách và thành lập lực lượng đa ngành để thực thi.

“Bây giờ chúng ta đã có danh sách những biện pháp cụ thể, không tốn kém, chính phủ đã không còn phải lúng túng nữa. Đã đến lúc hành động“, bà Ero nói.

Nhà tù Zomba lát gạch đỏ lấp lánh giữa ánh nắng ban trưa chói chang ở Zomba. Nhìn bên ngoài, nó giống một nhà máy cũ. Hai ven đường trồng đầy cây xoài và cây bụi. Lối vào cửa chính là con đường bụi mù.

Trong tù đang giam giữ khoảng 2.365 phạm nhân chờ xét xử hoặc trong thời gian thi hành án những tội nghiêm trọng nhất như giết người, bắt cóc, buôn người và cướp có vũ trang.

Giám đốc nhà tù, thiếu tá Manwell mặc đồ rằn ri, đi xăng đan da, đứng trước cảnh cổng cao gần ba mét màu xanh lá cây đón đoàn phóng viên.

Tôi giúp gì được các anh đây?” ông hỏi, miệng nở nụ cười.

Manwell cho hai quản giáo dẫn đường cho phóng viên đi qua khu hành lang mở ngăn cách quầy lễ tân và bếp ăn của nhân viên. Họ tới gặp 8 người tù đang đợi xét xử hoặc đang thi hành án vì liên quan tới các vụ tấn công người bạch tạng.

Hai người thừa nhận có liên quan tới các vụ tấn công. Còn lại nói rằng mình bị vu khống, bị oan. Chỉ một người thừa nhận phạm tội.

Stenala Shaibu Lizahapa mặc áo sơ mi trắng, quần jeans rách. Anh ta chậm rãi ngồi xuống ghế, đợi tới lượt phỏng vấn. Stenala tầm 35 tuổi, bị bắt vì đào mộ lấy xương một người chết có tên Awali Mandevu. Stenala bị bắt cùng 5 người nữa khi đang bán xương cho một cảnh sát giả trang hồi tháng 4/2015. Họ bị buộc tội xâm nhập trái phép, lấy mô người và bán xương.

Stenala bị kết án 6 năm tù giam.

“Tôi đã sai, tôi rất xấu hổ”, anh ta khẽ nói. “Nhưng lúc đó tôi bí quá hóa liều. Ai mà chẳng muốn có nhiều tiền hơn chứ?”

“Tôi biết đó là sai nhưng vẫn làm vì muốn kiếm tiền cho gia đình. Có chợ xương người hay không thì tôi không biết”.

Gia đình nạn nhân

Emily Emisi ngồi trên chiếu cói trải ngoài căn nhà gạch lợp mái ngói ở làng Chinangwa. Vây quanh cô là vài chú chó con, giữa sân là ngô đang phơi. Ba đứa trẻ tò mò quan sát đoàn phóng viên rồi tiếp tục quay lại chơi bóng.

“Stenala đã đào mộ của ông nội tôi lên”, Emily nói. “Thật khủng khiếp. Ông được chôn ở đó từ năm 1990. Gia đình tôi cứ có cảm giác ông lại chết thêm lần nữa”.

Emily cho biết người làng không ngạc nhiên khi hay tin Stenala chính là thủ phạm.

“Anh ta nổi tiếng khắp vùng vì từng ăn trộm dê“, cô nói.

Vài tuần trước khi đào mộ, Stenala từng cãi nhau với anh trai khi cố thuyết phục anh này giúp tìm xương. Anh kia từ chối, hai anh em quay ra đánh nhau. Cả làng đều biết chuyện này, Emily giải thích.

“Ông tôi không phải người bạch tạng. Nhưng mộ ông nằm cạnh mộ một người bạch tạng. Vì thế, họ đã lấy nhầm xương”, Emily nói.

Có điều, lấy đúng hay lấy nhầm cũng không thay đổi được hình phạt. Bởi vụ án của Stenala không phải vụ ngộ sát hay giết người có chủ đích nên anh ta không đủ điều kiện để được hỗ trợ pháp lý và có luật sư đại diện.

Khi biết tin Stenala tỏ ý hối hận trong tù, Emily cho rằng đương nhiên là anh ta sẽ hối tiếc vì vào tù mới biết khổ, nhưng “anh ta không phải loại người sẽ thay đổi. Tất cả chúng tôi đều cho rằng án tù này quá ngắn”.

'Tôi sẽ đợi anh ấy'

Hoàng hôn dần buông, bóng một người phụ nữ tay bế đứa trẻ, bên cạnh là một bé gái lũi cũi đi theo trên con đường làng đầy bụi.

“Đó là Annie Fuleya“, một cô bé nói. “Vợ của Stenala”.

Cô đang đi kiếm củi. Làng của Stenala cách làng của Emily vài trăm mét. Trước khi chồng phạm tội, Annie cảm thấy anh ta cư xử rất lạ. Cô từng bảo chồng tránh xa một người bạn mà cô cho rằng anh này có vấn đề.

“Khi biết tin chồng phạm tội, tôi không tin vào tai mình. Tuy nhiên, sau đó tôi cực kỳ thất vọng, tôi hiểu rằng anh ấy đã làm việc đó”, người phụ nữ 26 tuổi nói.

Khi chồng bị bắt, Annie đang mang thai. Giờ đây, cô một mình nuôi nấng hai đứa con là Saamyato, 4 tuổi và Latifa, 14 tháng tuổi. Cô tới ở gần nhà mẹ chồng sau khi Stenala bị bắt. Annie làm ruộng thuê, nuôi nấng con cái qua ngày dưới sự đùm bọc của người nhà.

“Tôi chỉ biết rằng anh ấy bị bắt vì buôn bán bộ phận cơ thể người bạch tạng nhưng tôi không rõ đó là bộ phận nào. Tôi chỉ cảm thấy cực kỳ thất vọng”, Annie nói.

“Có điều, tôi hiểu rằng anh ấy làm thế vì gia đình. Câu cá không đủ sống. Anh ấy phải chăm sóc tôi, mẹ đẻ, mẹ tôi, hai đứa em mồ côi con bà dì”, Annie giải thích. “Có lẽ anh ấy túng quá hóa liều“.

“Tôi sẽ đợi anh ấy vì tôi đã tha thứ cho chồng. Nhưng anh ấy phải hối cải khi ra tù”, cô nói.

Bà Elizabeth Magawa, 49 tuổi, mẹ chồng Annie, chăm chú theo dõi con dâu nói chuyện. Elizabeth bật cười khi phóng viên bảo mấy đứa cháu nội giống hệt Stenala. Trông bà có vẻ mệt mỏi, già trước tuổi.

Trước đây tôi không thế này“, bà nói. “Từ khi Stenala bị bắt, tôi mất ngủ suốt, luôn tự hỏi tại sao nó có gan làm việc đó. Từ trước tới nay nó luôn chăm chỉ giúp đỡ gia đình.Có lẽ Stenala làm thế vì nhà chúng tôi nghèo quá, hoặc bị bạn bè ép. Tôi không biết nữa”.

John Alfred, 31 tuổi, bị kết án 6 năm tù vì định bán con đẻ.

“Tôi phải bán nó vì nghèo quá, không phải vì lý do nào khác”, anh ta nói. John có 5 đứa con, sống tại làng Naweta, huyện Machinga, làm thuê trong vườn và trang trại một doanh nhân, được trả lương 5,5 USD cho hai tuần công.

“Ông chủ nhìn thấy tôi đói khổ bèn bảo: 'Tại sao không dũng cảm lên, bán bớt một đứa con đi?' Ông ta nói rồi chỉ vào Vanessa, con gái tôi. Ông ta bảo có người ở Mozambique sẵn sàng mua những đứa trẻ giống con bé“, John kể lại.

Anh ta bảo con gái không mắc bệnh bạch tạng nhưng “trắng hơn bình thường”. Tuy nhiên, quan chức nhà tù cho biết đứa trẻ có mắc bệnh bạch tạng, chỉ có điều không ghi vào hồ sơ.

“Tôi có 5 đứa con, tôi nghĩ là bán bớt một đứa đi chẳng có vấn đề gì”, John giải thích. Tháng 4/2015, John tự ý đưa con gái 4 tuổi tới Mozambique mà không hỏi ý vợ.

“Lúc đấy tôi cứ đi thôi, tôi định tới Mozambique để tìm khu chợ đen”, anh ta nói. Tuy nhiên, cảnh sát đã theo dõi và bắt anh ta tại Machinga.

Khi ra tòa, tôi nhận tội và bị kết án“, John tâm sự.

Melinda Mbendera, 20 tuổi, kích động khi liên tục nói rằng mình vô tội. Cô bị buộc tội bắt cóc một trẻ bạch tạng và kết án ba năm tù. Melinda nói tòa không đủ bằng chứng, chỉ dựa vào lời khai của đứa trẻ và bố mẹ đứa bé.

Melinda nói quan tòa bảo rằng cô vào tù sẽ an toàn hơn ngoài đường nếu không muốn bị công chúng trừng phạt.

Năm 2016, 11 người bị tình nghi liên quan tới đào trộm mồ mả hoặc mang theo bộ phận cơ thể người đã bị đám đông hành hình giữa đường tại Malawi. Trong một vụ ở huyện Nsanje hồi tháng 3/2016, 7 bác sĩ bị cáo buộc dùng xương người đã bị thiêu sống. Một tháng trước đó, đám đông phá tan tòa án ở thị trấn South Lunzu khi cho phép bảo lãnh ba nghi phạm bị cáo buộc giết người bạch tạng.

Melinda từng ngồi tù 8 tháng vì ăn cắp 275 USD của bạn. Cô ngờ rằng tiền án này đã ảnh hưởng tới quyết định bản án.

“Tôi không ngu ngốc khi ngồi tù 8 tháng rồi lại phạm tội khác khi được ra tù. Cảnh sát bảo rằng bởi vì tôi từng ăn cắp nên có khả năng cao là tôi đã phạm tội vụ này. Có điều, tại sao tôi lại dám bán người cơ chứ?” cô nói.

Nguyên nhân

Edge Kanyongolo là một người đàn ông cao lớn, lông mày và ria mép dày rậm. Ông là giáo sư luật ở đại học Malawi tại Zomba. Ngồi sau bàn làm việc, sau lưng Edge là cửa sổ hướng ra khu vườn xanh mướt. Sách giao khoa, hồ sơ vụ án xếp đầy một giá sách bằng gỗ cạnh bàn.

“Tôi cho rằng những vụ tấn công người bạch tạng biểu thị một vấn đề rộng hơn. Ngoài mặt, nó thể hiện sự mê tín dị đoan nhưng tôi cho rằng thực chất nó bộc lộ nỗi tuyệt vọng của người dân”, ông nói.

Malawi đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2012 tới nay. Khủng hoảng bắt đầu khi thuốc lá, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước tụt giá hơn 50% năm 2010. Đồng tiền bị mất giá gần 50% trong khi lạm phát vượt hơn 20%. Năm 2015, Ngân hàng Thế giới xếp hạng Malawi là quốc gia nghèo nhất thế giới.

Cứ 5 người Malawi trong độ tuổi lao động thì hai người không có việc làm. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, ít nhất 61% người Malawi sống dưới mức 1,25 USD một ngày và 2,3 triệu người đói ăn.

Người dân không có cách kiếm tiền. Điều này khiến họ tuyệt vọng và nghĩ tới việc bán bộ phận cơ thể người để kiếm tiền. giáo sư Edge giải thích.
Tuy nhiên, Elijah Kachikuwo, phó ủy viên cấp cao sở cảnh sát Mangochi không đồng tính với ý kiến này.

Cái nghèo không phải nguyên nhân”, ông khẳng định. “Đây không phải lần đầu đất nước đối mặt với đói nghèo. Chúng tôi không nên đổ lỗi cho điều này vì nó không hợp lý“.

Luật pháp và thực tế

Masiyambuyo Njolomole (trái) và Usmani Ibrahima Banda (phải).

Masiyambuyo Njolomole và Usmani Ibrahima Banda sống ở Mphalare, ngôi làng hẻo lánh tại Dedzam cách thủ đô Lilongwe khoảng 80 km. Cả hai là thầy lang.

Trong nhà chỉ có 7 cái ghế gỗ xếp dựa vào tường, một cái bàn trà nhỏ. Không có điện, cửa nhà luôn mở để lấy ánh sáng. Nắng hắt lên khuôn mặt hai ông.

Masiyambuyo có dáng người cao gầy. Ông khẳng định hai người không hề dùng xương người chữa bệnh, tuyên bố “những người như ông” bị vu oan bởi âm mưu chính trị.

Bạch tạng có từ lâu rồi, chúng tôi cũng thế”, ông nói. “Một số người quan tâm tới các bộ phận cơ thể người bạch tạng muốn đánh lạc hướng dư luận nên cáo buộc chúng tôi”.

Tháng 6/2016, Tòa án Tối cao Malawi đã cấm “thầy mo, thầy lang, người chữa bệnh cổ truyền, thầy bói, thầy cúng” hoạt động không có giấy phép, nhằm dập tắt nạn buôn bán xương người bạch tạng.

Những thầy lang như Usmani và Masiyambuyo cho rằng lệnh cấm chỉ làm ảnh hưởng tới những người bệnh mà họ muốn giúp đỡ.

“Người ta nghĩ rằng chúng tôi phù phép chữa bệnh nhưng không phải, chúng tôi ở đây để giúp đỡ mọi người“, Masiyambuyo nói.

Theo Hiệp hội Những người chữa bệnh truyền thống ở Malawi, 97% người dân thường xuyên đến chữa bệnh ở các thầy lang địa phương. Tuy nhiên, thật khó để xác định họ có sử dụng xương người bạch tạng không, đặc biệt ở khu vực nông thôn hẻo lánh.

Tại Malawi, cứ 100.000 người mới có hai bác sĩ và 59 y tá. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số các nước khu vực châu Phi hạ Sahara. Vì thế, Usmani cho rằng ông và Masiyambuyo đang cung cấp dịch vụ chữa bệnh quan trọng cho người dân.

“Người ta tìm đến tôi khi bệnh viện trả về”, Usmani nói.

Ranh giới giữa người chữa bệnh cổ truyền và thầy mo phù thủy cũng không rõ ràng. Mary Shawa, nguyên thư ký bộ trưởng Bộ Giới, Trẻ em, Khuyết tật và Phúc lợi xã hội giải thích sự khác biệt nằm ở việc có giấy phép.

“Người làm đúng luật thì sao phải sợ“, bà giải thích.

Luật sư Edge Kanyongolo.

Giấy tờ bừa bộn trên bàn làm việc của Masauko Chamkakala, giám đốc Legal Aid - cơ quan đại diện cho những người không đủ khả năng mời đại diện pháp lý, trong văn phòng ở Khu 4, thủ đô Lilongwe.

“Hơn 90% người dân không đủ khả năng mời đại diện pháp lý. Chúng tôi chỉ có 7 luật sư trên cả nước“, ông nhăn mặt nói.

Một báo cáo năm 2013 cho thấy Malawi có chưa tới 400 luật sư, nghĩa là cứ 38.500 người mới có một luật sư. Nhà tù quá tải, nghi phạm chờ hàng tháng, thậm chí hàng năm mới được xét xử, trong khi không có tiền thuê luật sư.

“Phí hẹn gặp luật sư là 27 USD, trong khi lương tối thiểu một tháng của người bình thường là 25 USD”, ông nói.

Ngoài ra, người ta còn đặt câu hỏi về cách gài bẫy của cảnh sát, phương pháp cho tới nay chỉ bắt giữ được người bán mà không bắt được người mua.

Trong trụ sở tòa án tối cao Malawi, Neverson Chisiza, chuyên gia tư vấn của Bộ Tư pháp thừa nhận nội bộ ngành tư pháp nhiều lần thảo luận “tại sao chỉ có kẻ bán, những người đang tuyệt vọng muốn kiếm tiền bị bắt mà kẻ mua không bao giờ bị tóm”.

Mary Shawa phụ trách các vấn đề an ninh, sức khỏe và phúc lợi của người Malawi mắc bệnh bạch tạng. Cô cho biết trước đây, khi chưa xảy ra các vụ giết hại người bạch tạng, cộng đồng vẫn coi họ như người bình thường, không hề có bệnh.

“Nhìn vào nhân khẩu học, người bạch tạng có cả trẻ lẫn già, một số còn làm luật sư, giáo viên, một số đang đi học”, Mary nói.

Trước khi chuyển vào bộ này làm việc năm 2012, bà là thư ký văn phòng tổng thống về Dinh dưỡng, HIV và Aids. Mary liên miệng kể về các vụ án đã được phá và nói “nghiên cứu cấp bộ” cho thấy không hề có chợ bán xương người.

“Thủ phạm lấy xương đi rao bán chui”, bà nói, nhấn mạnh chính phủ đã lập kế hoạch truyền thông giải quyết khủng hoảng. “Chúng tôi đưa tin lên sóng phát thanh, biển quảng cáo, chính phủ đã rất nỗ lực”, bà giải thích. Tuy nhiên, không rõ người dân có nghe hiểu không.

“Chúng tôi đang điều tra dân số, thống kê số lượng người bị bạch tạng trong nước”, bà nói.

Bộ Y tế có cung cấp oxit kẽm ở các bệnh viện nhưng loại thuốc này chỉ chữa loét mà không bảo vệ da khỏi tia tử ngoại. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải đi rất xa để tới những thành phố lớn lấy thuốc.

Bà Mary cho biết chính phủ thiếu ngân sách. Kinh tế Malawi phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ mà kem chống nắng, mũ nón lại không nằm trong ưu tiên của chính phủ hay các chương trình nghị sự của chính phủ nước ngoài.

Tương lai

Clement Gweza dường như sinh ra để làm nghề giáo. Anh đã biến lớp học có 60 thiếu niên nghịch ngợm thành một lớp có kỷ luật. Những ngày đầu công tác, thầy giáo trẻ 24 tuổi mắc bệnh bạch tạng cho biết gặp rất nhiều khó khăn.

“Mọi người không nghĩ rằng người mắc bệnh bạch tạng làm nổi việc gì ra hồn để được xã hội công nhận”, anh nói.

Sau một thời gian Clement được học trò tôn trọng. Tuy nhiên, anh vẫn lo mình gặp nguy hiểm. Vụ học sinh David Fletcher khiến Clement sợ hãi, không dám ra khỏi nhà vào ban đêm và nếu bắt buộc phải đi, Clement luôn yêu cầu bạn thân hoặc người nhà đi cùng.

“Tôi không tìm được người đi cùng về nhà. Tôi đành ngủ lại đây, không còn lựa chọn nào khác”, Clement nói. “Mọi thứ đã thay đổi. Tôi nhìn vào những người xung quanh, vào bạn bè, sợ hãi nghĩ rằng 'có thể một trong số này muốn giết mình đem bán lấy tiền'”.

Stercia Kanyowa, 12 tuổi, là một trong số ba học sinh mắc bệnh bạch tạng ở trường dành cho trẻ khiếm thị Malingunde ở thị trấn Masumpankhunda, ngoại ô Lilongwe. Cô bé là con một, sống cùng mẹ đơn thân, tốt nghiệp là niềm hy vọng tương lai duy nhất của em. Stercia đã học ở đây từ năm 2011.

Đây là trường công, có 17 lớp học và 40 giáo viên cho 3.000 học sinh, hoạt động nhờ vào tiền tài trợ. Trong trường không có điện. Trong lớp của Stercia, vài học sinh đang vây quanh máy chữ nổi còn một số khác, chẳng hạn như Foster Kenney, 15 tuổi, cũng mắc bệnh bạch tạng, lại dùng kính lúp để đọc sách giáo khoa.

“Chúng tôi coi nhau là bạn chí cốt, như thể cùng mẹ sinh ra ấy”, Foster mỉm cười nói. Cậu bé muốn trở thành nhạc sĩ hoặc DJ.

Trường học không có cổng, cũng không có hàng rào. Hàng ngày, người ta vẫn băng qua sân trường để lên trung tâm thị trấn. Đầu năm 2015, một học sinh 16 tuổi mắc bệnh bạch tạng trong trường đã bị một người lạ dụ dỗ cùng đi lên chợ mua quà tặng rồi bắt cóc.

Câu chuyện của Ian Simbota

Ian là ngôi sao trên đài phát thanh. Thính giả cả nước biết tên anh, nhận ra giọng anh, nhưng không phải ai cũng biết Ian mắc bệnh bạch tạng. Phòng thu là nơi trú ẩn an toàn của Ian.

Tôi làm việc suốt đêm, mọi người biết tôi ở đây”, anh nói. “Mỗi lần về nhà tôi đều thấy bất an. Nhỡ họ tấn công tôi thì sao? Suốt ngày tôi cứ lo lắng việc này”.

Lúc mới chào đời, Ian là con thứ hai trong nhà mắc bệnh bạch tạng. Bố bỏ đi từ khi biết tin.

“Bố bảo mẹ giết chúng tôi đi nhưng bà không chịu, ông bỏ đi”, anh kể lại. “Khi đó, người ta không biết căn bệnh này do di truyền. Bố tôi nghĩ chúng tôi là những đứa trẻ bị nguyền rủa”.

Mẹ của Ian bỏ làng ở miền nam Malawi tới Blantyre, thành phố lớn thứ hai đất nước nằm ở miền trung. Bà mang theo hai đứa con đi tìm việc và nhận quét dọn vệ sinh cho trường đại học Y.

Bố anh tái hôn và có con, đứa trẻ cũng mắc bệnh bạch tạng.

Thuở nhỏ, Ian học không giỏi. Giáo viên không nhận ra cậu bé khó học vì bị khiếm thị, luôn quy kết rằng Ian lười biếng. Khi học xong ngành báo chí và xin thực tập ở đài phát thanh, cấp trên lo ngại thị lực ảnh hưởng việc Ian sử dụng máy tính.

Mẹ anh qua đời sau nhiều năm ốm đau. Ian được nhận vào làm toàn thời gian năm 2015, khi đó, anh mới cảm thấy cuộc sống thật sự bắt đầu. Tuy nhiên, các cuộc tấn công nhằm vào người bạch tạng lại khiến anh sống trong sợ hãi.

“Tôi có bạn nhưng lúc này, chỉ tin tưởng đúng một người. Những người khác khiến tôi e sợ, lo rằng họ tiếp cận tôi vì mục đích nào đó”, anh nói.

Ian cũng thường bị quấy rối nơi công cộng và năm ngoái, bạn gái đòi chia tay vì “không thể chịu nổi cảnh Ian bị quấy rầy”. 

“Tôi thích làm ở đài phát thanh vì có lõa thể đến studio cũng chẳng vấn đề gì, người ta chỉ nghe giọng nói mà tưởng tượng ra bạn. Tuy nhiên, giờ đây tôi hơi sợ vì đã có người biết tôi mắc bệnh bạch tạng”, Ian e dè nói.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin mới nhất