Sắc màu Cuộc Sống

Mưa lũ kinh hoàng chia cắt nhiều tuyến đường, 15 học sinh ở Lai Châu không thể tham dự kỳ thi THPT Quốc gia

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trận mưa lũ đã khiến hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo thống kê sáng 25/6, đã có 15 người chết và mất tích, 5 người bị thương. Cùng với đó 15 học sinh ở huyện Than Uyên (Lai Châu) không thể đi thi THPT Quốc gia 2018.

20 người chết, mất tích và bị thương sau mưa lũ lớn 

Sáng 25/6, tại Ban chỉ đạo về Phòng chống thiên tại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về Phòng chống thiên tai đã chủ trì buổi họp ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Đại diện Ban chỉ đạo về phòng chống thiên tai cho biết, theo thống kê ban đầu đến sáng 25/6, có 15 học sinh ở huyện Than Uyên (Lai Châu) bị chia cắt không thể đi thi THPT Quốc gia 2018.

Ban chỉ đạo về phòng chống thiên tai họp khẩn sau mưa lũ càn quét khu vực Tây Bắc.

Theo báo cáo mưa lũ đã làm 7 người chết (trong đó Hà Giang 2 người, Lai Châu 5 người), mất tích 8 người ở Lai Châu, bị thương 5 người ở Lai Châu.

Về thiệt hại, có 391 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Quốc lộ 4D từ Lào Cai - Lai Châu bị sạt lở không đi lại được. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 76,6 tỉ đồng.

Lũ lớn kinh hoàng khiến thiệt hại nhiều về người và tài sản.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, từ ngày 23 đến sáng 25/6, lượng mưa trung bình trên dưới 100mm. Mưa chủ yếu xảy ra về đêm, rạng sáng. Đặc biệt, tại các nơi như Sa Pa (Lào Cai), Bắc Quang (Hà Giang), Cao Bằng, lượng mưa từ 200-300mm.

Ông Cường nhận định, lượng mưa phổ biến trên diện rộng, không có bất thường nhưng có một số điểm dị thường ở vùng núi phía Bắc. Trong đó, ở Bắc Quang (Hà Giang) thường xuyên có mưa lớn nên với lượng mưa như vừa qua không có gì bất thường. Lượng mưa dị thường là ở Nậm Giàng (Lai Châu) với 400mm.

Lực lượng chức năng đưa các học sinh đi thi THPT Quốc gia sáng 25/6.

Lượng mưa ở vùng núi phía Bắc trong ngày hôm nay, ngày mai và giảm dần từ 27/6 trở đi. Trong ngày hôm nay, Lai Châu, Điện Biên, phía Bắc của tỉnh Sơn La và xuất hiện điểm mưa mới ở phía Đông Bắc như Quảng Ninh, Móng cái, lượng mưa về đên và sáng, phổ biến từ 40-70mm/ngày, có nơi cục bộ hơn 100mm/ngày.

Cảnh báo về mưa lũ, ông Cường thông tin, có 2 điểm đáng chú ý nhất, hệ thống sông Lô, mực nước hôm qua và nay xấp xỉ báo động 3. Lũ ở đây xuống chậm, một số địa phương bị ngập có thể kéo dài 1-2 ngày tới.

Về sông Thao, nước đang tiếp tục lên, cao nhất là dưới báo động 2 là 0,1m và xuống nhanh. Do mưa lớn nhiều ngày, tiếp tục có mưa dù cường độ mưa không lớn bằng hôm qua và hôm kia nhưng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn có thể xảy ra.

Các tỉnh nhận định nguy cơ lũ quét, sạt lở đất là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, phía Tây tỉnh Cao Bằng. Thời gian tới, nguy cơ sạt lở tiếp tục lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc.

So với đợt lũ năm ngoái ở Mường La và Mù Cang Chải (3/8/2017), ông Cường chia sẻ, nguyên nhân chính vẫn là mưa ngắn cục bộ trong thời gian ngắn. Lần này cũng như vậy, mưa lớn cục bộ.

“Năm ngoái, thời gian mưa là kéo dài, trước đợt lũ quét không phải mưa lớn diện rộng như đợt này mà diễn ra trong thời gian ngắn hơn, trong vòng 6 tiếng”, ông Cường nói.

Nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ lớn, tránh thiệt hại thêm về người

Sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về Phòng chống thiên tai thông tin, qua tổng hợp số người bị chết và mất tích, đánh giá ban đầu cho thấy phần lớn 15 người là chết và mất tích không phải ở tại nơi ở của mình.

Nhiều tuyến đường ở Hà Giang bị chia cắt.

Có 2 trường hợp là mẹ con ở Hà Giang bị sập nhà chết người, còn các trường hợp khác chủ yếu là đi làm ở lán nương bị cuốn trôi, sạt lở đất… Do đó, công tác phòng ngừa, ứng phó cần cụ thể hơn, quyết liệt hơn. Tăng cường công tác kiểm tra thực tế, nếu không có chỉ đạo quyết liệt sẽ tiếp diễn xảy ra thiệt hại cho bà con.

Các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt cụ thể hơn nữa về vấn đề mưa lũ, công tác về dự báo cảnh báo của chính quyền vùng núi phía Bắc là rất quan trọng, nhất là công tác dự báo, cảnh báo để đưa ra được thông tin kịp thời.

Ưu tiên cứu chữa người bị thương, khôi phục cơ sở hạ tầng, kiểm tra thông tin đến tất cả người dân, đặc biệt là khu vực có công trình lán trại. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các học sinh thi tốt nghiệp trong 3 ngày, cô gắng đưa ra được dự báo định ượng mưa để cho người dân biết được và phòng tránh”, ông Sơn nhấn mạnh.

Một ô tô bị lũ cuốn.

Sáng 25/6, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, mưa lũ cũng đã khiến 2 người thiệt mạng là mẹ con chị Giàng Thị Mỷ (41 tuổi) và cháu Lò Thị Lầu (5 tuổi, con gái bà Mỷ) ở thôn Tùng Lùn, xã Lùng Tám, do lũ cuốn trôi.

“Mưa lũ cũng khiến gần 40 hộ dân ở xã Lùng Tám, huyện Quảng Bạ đã bị cô lập hoàn toàn. Trong đó, có nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp. Nhiều công trình bị hư hại. Hầu hết diện tích hoa màu có nguy cơ mất trắng. Hiện nay, giao thông từ trung tâm TP.Hà Giang đi một số huyện cũng đang bị chia cắt. Sau trận mưa đêm qua, TP.Hà Giang bị úng cục bộ”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông lý giải của ông Vinh về nguyên nhân dẫn tới úng trong TP.Hà Giang là do, cống nhỏ thoát nước không kịp trong khi lượng mưa quá lớn. Tuy nhiên, theo dự báo của ông Vinh, với tình trạng hiện tại, khoảng 1 - 2 tiếng đồng hổ nữa, nước ở các điểm sẽ rút.

Thêm một diễn biến khác về tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, mưa lớn bất ngờ đã khiến 19 nhà, trong đó 01 nhà bị hư hỏng do sạt lở đất (xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn), 18 nhà bị ngập nước từ 1-3 m ( xã Minh Lương, huyện Văn Bàn).

Hàng chục hecta lúa và rau màu của người dân bị vùi lấp và ngập trong nước lũ. Quốc lộ 279 đoạn qua xã Nậm Xé bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất