Sắc màu Cuộc Sống

Mùa hè vụt qua bên những chiếc smartphone của trẻ em thành phố

Huy Hậu
Chia sẻ

Khóc - điện thoại, ăn - điện thoại, nghịch ngợm phá phách chỉ cần có điện thoại là ngồi yên… Dần dà, thiết bị công nghệ thành công cụ “trông trẻ” hiệu lực thay bố mẹ. Nhưng cũng chính smartphone làm mất dần tuổi thơ của trẻ.

Tôi có người bạn, 2 vợ chồng suốt ngày bận tối mắt tối mũi vì công việc kinh doanh tạp hóa. Và người mẹ chọn chăm đứa con vào mùa hè không đến trường bằng smartphone.

Câu chuyện đơn giản diễn ra thế này: “Ăn đi, mẹ cho điện thoại”, “ngủ đi rồi lúc dậy mẹ cho điện thoại”, “ngồi yên tí cho mẹ bán hàng, mẹ cho xem điện thoại”… Mỗi ngày người mẹ lặp đi lặp lại câu cửa miệng để giúp đứa trẻ chịu ngồi yên và hợp tác với công việc của mình

Dần dà, thằng bé cục mịch hơn, đã không còn bày trò quậy phá, vòi vĩnh, hay cần sự ẵm bồng của người mẹ bận bịu. Smartphone thành công cụ giữ trẻ hiệu lực suốt ba tháng hè dài đằng đẵng, bố mẹ nó lại an tâm tiếp tục bán tạp hóa.

Cho đến 1 ngày, thằng bé xem được đoạn video nào đó trên điện thoại, đêm ngủ mớ, nó liên tục hét toáng và ra sức đấm đá như video dạy. Lần khác, thằng bé lại bâng quơ hỏi: Con bò là gì, thả diều có vui không, sao những bạn ở quê lại được đi chơi, con thì không? Mẹ nó không trả lời được. Lần gay cấn nhất khi người mẹ quên cho chơi điện thoại sau giờ cơm, thằng bé nổi quạu, bỏ ăn và khóc lóc buộc mẹ đưa điện thoại cho chơi. Smartphone và ăn cơm trở thành điều hiển nhiên.

Lúc đó, người mẹ bận bịu mới giật mình: Con mình đã bị smartphone điều khiển? Chị gặp bác sĩ tâm lý.

Khóc - điện thoại, ăn - điện thoại, nghịch ngợm phá phách chỉ cần có điện thoại là ngồi yên… Dần dà, thiết bị công nghệ thành công cụ “trông trẻ” hiệu lực thay bố mẹ. Nhưng cũng chính smartphone làm mất dần tuổi thơ của trẻ. Ảnh: Đỗ Xuân Bút.

Tuổi thơ trong những chiếc điện thoại

Đấy là không ít trường hợp gặp phải trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi thiết bị điện tử dần chi phối lớn đến đời sống con trẻ. Tôi từng nghe ít nhiều câu chuyện đau lòng như thế, bậc phụ huynh khóc lóc vì đa phần họ nhức nhối trước sự thay đổi tính nết của con, hoặc không tìm được giải pháp để “cứu” tuổi thơ của nó.

Còn nhớ cách đây 10 năm, với những đứa trẻ nông thôn như tôi, mùa hè luôn là ngày tháng đáng mong đợi nhất. Vì khoảng thời gian 3 tháng đó sẽ là món quà cho công học tập chăm chỉ, chúng tôi thỏa sức vui chơi, chạy nhảy, nạp lại năng lượng chuẩn bị cho năm học tiếp theo.

Thường những đứa trẻ sẽ được bố mẹ đưa đi du lịch, với nhà có điều kiện. Còn không! Chỉ cần tụi hàng xóm, vài trò chơi dân gian như thả diều, đồ hàng, bắn bi, nhảy cò, thả diều… là đủ vui rồi. 3 tháng hè của đứa trẻ lên 5, lên 6 trôi vùn vụt bằng vô vàn kỷ niệm đẹp nhất, mãi sau này nghĩ lại vẫn phải bật cười tanh tách.

Mùa hè luôn là ngày tháng đáng mong đợi nhất. Vì khoảng thời gian 3 tháng đó sẽ là món quà cho công học tập chăm chỉ, chúng tôi thoả sức vui chơi, chạy nhảy,… Ảnh: Herman Damar.

Trò chơi dân gian như thả diều, đồ hàng, bắn bi, nhảy cò, thả diều… luôn là thú vui của tụi nhỏ. Ảnh: Lao Động.

Đến thời hiện đại, sự phát triển của công nghệ, thiết bị di động thông minh ngày càng trở nên gần gũi hơn, mang cả thế giới thu bé nhỏ lại qua chiếc màn hình vuốt bằng tay. Mùa hè của những đứa trẻ bắt đầu bằng smartphone, máy tính bảng, chơi game, xem video chiếu tự do trên Youtuber… đến hoa cả mắt. Các bậc bố mẹ đã tự tạo ra “cuộc sống trong nhà” cho đứa con, nhốt chúng trong bức tường và không gian đóng kín để dễ dàng kiểm soát.

Một hình ảnh xuất hiện ngày nay là cậu bé say mê bên trò game bằng điện thoại, cô bé chăm chú xem video cạnh máy tính bảng,… bất cứ đâu hay bất cứ khi nào. Đứa trẻ đã chấp nhận ngồi yên một chỗ mà không cần bố mẹ quản lý như thế, chỉ cần smartphone bên cạnh.

Hay là vô số “cuộc thương lượng” dần trở nên quen thuộc hơn trong gia đình, nhất là ở khu vực thành thị như: “Con cố gắng đạt học sinh giỏi, bố sẽ mua máy tính bảng mới cho”, “con vâng lời, mẹ cho chơi điện thoại”, “con ngồi im thì mẹ cho iPad”… Người lớn quá bận rộn với công việc của mình, và họ chấp nhận rút ngắn lại thời gian cho con trẻ như thế.

Các bậc bố mẹ đã tự tạo ra “cuộc sống trong nhà” cho đứa con, nhốt chúng trong bức tường và không gian đóng kín để dễ dàng kiểm soát. Ảnh: Zing.

Từ vô vàn câu chuyện ấy đã để lại vô vàn hệ luỵ, trẻ thơ dần mất sự tập trung với xung quanh, nhàm chàn với thế giới tự nhiên, rời xa với trò chơi truyền thống, vận động trí óc và thể lực. Chúng phụ thuộc và thậm chí “nghiện” các trò chơi trên thiết bị công nghệ, chúng mất dần khoảng thời gian “học ăn, học nói, học gói, học mở” của trẻ thơ. Vì ở đó, không cần phải đi xa, các em đã có một thế giới rộng qua vài cú vuốt nhẹ màn hình điện thoại.

“Gia đình bận lắm nên hay cho cháu chởi điện thoại để ngồi yên một chỗ. Cháu hay chơi game, xem video,… rồi tự ngủ từ lúc 2 tuổi đến nay lên 4 tuổi. Mỗi lần dỗ dành, chị đều phải cho con cầm điện thoại bên cạnh, cháu mới chịu ăn. Bố mẹ đều không ngăn được, nếu không cháu sẽ nổi cáu…” - chị Vy (34 tuổi, kinh doanh) chia sẻ.

Anh Tùng (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cùng tâm sự: “Ban đầu mình nghĩ cho bé xem video lành mạnh chắc sẽ tốt cho trí tuệ, vậy mà, gần đây vì xem quá nhiều video nên cháu hay ngủ mớ, la hét và giật mình giữa đêm. Mình thật sự rất sợ…”.

Trẻ con phụ thuộc và thậm chí “nghiện” các trò chơi trên thiết bị công nghệ, chúng mất dần khoảng thời gian “học ăn, học nói, học gói, học mở” của trẻ thơ. Ảnh: Đỗ Xuân Bút.

Thể lực, tuổi thơ và sự sáng tạo đều bị yếu dần

Không thể phủ nhận lợi ích của công nghệ trong thời đại số, thế nhưng, bằng việc phụ huynh để con trẻ tiếp xúc quá sớm với thế giới ảo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống trẻ thơ .

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương Việt Nam, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trên cả nước mắc tật khúc xạ về mắt và đang có dấu hiệu tăng dần. Trong đó 2/3 trẻ em mắc chứng cận thị, tập trung chủ yếu ở đô thị. Đó là hậu quả của việc tập trung cao độ vào màn hình quá sáng khiến mắt trẻ quen với cường độ ánh sáng phản chiếu trên màn hình, quen với với việc ngồi hàng giờ theo dõi TV, dẫn đến nhẹ nhất là loạn thị, nặng là cận thị.

Những đứa trẻ luôn dí mắt vào chiếc điện thoại, máy tính bảng,… khiến các bệnh về mắt ở trẻ nhỏ tăng nhanh. Ảnh: Internet.

Hay theo một nghiên cứu được công bố năm 2018 trên Tạp chí Developmental & Behavioral Pediatrics (Mỹ), số trẻ em từ 6 đến 17 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh lo âu đã tăng từ 3,5% (năm 2007) cho đến 4,1% (năm 2012). Cũng theo nghiên cứu này, những trẻ em ở độ tuổi 2 hay 3 đã có thể bắt đầu giúp bố mẹ làm việc nhà như dọn bàn ăn, bỏ quần áo bẩn vào giỏ. Hầu hết trẻ 8 tuổi đã có thể tự làm món trứng rán, trẻ 10 tuổi có thể sử dụng dao làm bếp… Tất cả đều là sự phát triển tự nhiên của trẻ thơ.

Sử dụng smartphone, con trẻ dần dần mất đi kỹ năng sống, sự sáng tạo bản thân khi đa phần trò chơi, video,… đều đã được lập trình sẵn, đăng tải tràn lan trên Internet cùng với sự đơn giản hóa bằng việc vuốt, chạm và bấm nhẹ qua màn hình.

Theo một nghiên cứu, số trẻ em từ 6 đến 17 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh lo âu đã tăng từ 3,5% (năm 2007) cho đến 4,1% (năm 2012). Ảnh: Internet.

Tô màu trên máy cảm ứng thì sao biết màu sắc đẹp như thế nào? Tiếng bút cọ vào giấy nghe hay ra sao? Làm sao biết giấy có thể rách, chì có thể gãy? Và đứa trẻ đến bao giờ mới nhận ra tác phẩm trên tay hạnh phúc hơn nhiều so với mẫu màu điện thoại, một nét vuốt có thể xóa sạch. Liệu trong tương lai gần, con thơ còn có thể tự đặt câu hỏi: Siêu nhân là gì, con voi bao nhiêu cái vòi, quả trứng là hình vuông…

Chưa kể, một số nội dung chưa được kiểm duyệt thậm chí còn khiến trẻ em sa vào những suy nghĩ lệch lạc dẫn đến hành động sai.

Lắng nghe ước mơ con 

Tôi đã từng đọc một lá thư của cô bé người Nhật Bản gửi cho bố mẹ về ước mơ cháy bỏng của con trẻ. Nội dung như sau: “Ước mơ của em là biến thành một chiếc điện thoại thông minh. Đó là mơ ước của em vì bố mẹ em thực sự rất yêu chiếc smartphone của họ… Mẹ và bố em chơi game trên điện thoại di động của họ chứ không chơi với em. Khi họ nói chuyện với ai đó qua điện thoại, dù em có chuyện gì đó rất muốn nói thì họ cũng xua tay bảo em đi chỗ khác”. 

Lời nói ngây ngô của cô bé đã đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh: Chúng ta, những ông bố bà mẹ đã thật sự lắng nghe con mình nói rằng nó muốn gì, khi thế giới tự nhiên, vui chơi mở rộng trước mắt hơn chiếc màn hình điện thoại và bốn bức tường nhà?

Cho trẻ thơ được sống đúng với lứa tuổi, vui chơi hết mình vào dịp hè để chúng học thêm nhiều bài học mới về tự nhiên. Ảnh: Hoàng Minh Tuấn.

Hỏi về mong muốn bản thân, em Ngọc Nhi (11 tuổi) chia sẻ: “Em chỉ cần hè nào ba mẹ cũng dẫn về quê thăm ngoại. Về ngoại em vui lắm, em được theo ông ra ruộng bắt cua với đi chợ sáng cùng bà, chiều chiều đi thả diều cùng cu Tít”.

Cậu bé Thái Hòa (12 tuổi, ngụ Q.12) lại nhiều năm cố gắng học giỏi, chỉ để mỗi kỳ nghỉ bố mẹ đưa cậu đi du lịch. Cậu bé hào hứng kể bằng giọng hồn nhiên: “Cháu vừa được ba mẹ dắt đi Nha Trang, được tắm biển và thấy nhiều loài cá biển. Bố đã dạy cho cháu biết rất nhiều điều về nước mặn cùng đời sống của cá ở đó”.

Những đứa trẻ thành phố cũng cần được vui chơi ở các không gian xanh, tự nhiên như công viên, khu vui chơi, sở thú…

Trong câu chuyện đầu tiên tôi kể, người mẹ bận bịu cuối cùng đã dừng việc kinh doanh tạp hóa, chị dành hẳn tuần liền đưa con về quê. Ở đó, thằng bé có dịp vui đùa với đồng lúa, thấy con bò, đi chân đất chạm vào cát… đêm đêm nó ngủ mơ màng trong tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng. Hết tuần, thằng bé trở lại cuộc sống bình thường, không cau có và cục mịch nữa. Người đã chiến thắng chiếc smartphone.

Thế đó, chúng ta không khó khăn gì để tạo cho trẻ thơ lối sống lành mạnh, vui chơi, chạy nhảy trong môi trường tự nhiên, đặt câu hỏi về cuộc sống xung quanh. Để rồi mỗi ngày trôi qua, đứa trẻ ấy sẽ lớn dần cùng trí tưởng tượng phong phú, có thể mỉm cười khi e ấp vào lòng mẹ và nói: Con muốn được làm bác sĩ, siêu nhân, phi hành gia vũ trụ… giọng ngây ngô đến nhường nào.

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất