Sắc màu Cuộc Sống

Một ngày sống cả trăm năm

Theo Tuổi trẻ Online
Chia sẻ

Một ngày sống cả trăm năm - thái độ sống này được Phạm Thị Huế, sinh năm 1996, quê Thái Bình, lựa chọn trong 6 năm qua, sau khi cô biết mình mắc bệnh ung thư.

Và lựa chọn ấy đã khiến Huế trở thành một bệnh nhân ung thư đặc biệt: sống như một người bình thường trong những ngày còn được sống.

Có thể sẽ không trọn vẹn như cách nghĩ nhưng Huế luôn muốn sống một ngày của mình bằng rất nhiều ngày của nhiều người cộng lại.

Trong hơn 6 năm đi cùng bệnh tật, Huế học xong THPT, sau đó tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với luận văn làm rượu vang từ thanh long đỏ.

Chúng tôi gặp Huế khi cô tham gia dự án cộng đồng “Hành trình Memento Mori, đi qua sự chết để nghĩ về sự sống”, do tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ thực hiện.

Huế tham gia dự án, đi khắp nơi để diễn vai diễn được xây dựng từ một nhân vật có thật trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời (tác giả Đặng Hoàng Giang).

Trong vở kịch, Liên có nhiều hoài bão, ước mơ nhưng bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy.

Trong Liên luôn có những đấu tranh nội tâm để tìm cho mình ý nghĩa của cuộc sống và cuối cùng đến với cái chết một cách thanh thản.

Phạm Thị Huế đã nhập vai nhân vật Liên bằng tất cả những trải nghiệm từ cuộc đời mình. Hành trình của Huế là năng lượng tích cực cho rất nhiều người đang loay hoay tìm ý nghĩa của từng ngày sống.

* Trong dự án, Huế diễn vai Liên, nữ bệnh nhân ung thư có cuộc đời tương đồng với Huế. Huế có cảm thấy quá sức khi nỗi đau không chỉ của mình mà của nhiều người khác khắc vào lòng mình nhiều lần sau mỗi lần diễn và tập luyện?

- Khi thử vai để tham gia dự án, tôi đã cảm nhận mình sẽ phải đối diện với cơn đau khủng khiếp không thể diễn tả thành lời ngay khi đang không đau, cơn bệnh đang ngủ yên.

Sáu năm sống cùng ung thư, tôi hình dung được những điều đáng sợ đằng sau một vai diễn trên sân khấu nhỏ nhưng tôi đồng ý.

Ý nghĩa khi được kể để mọi người hiểu về người mắc bệnh ung thư, những điều họ cần trên hành trình gian nan đi cùng bệnh tật cho đến khi giã biệt thế giới xứng đáng để tôi chấp nhận. Và khi tham gia dự án, tôi thấu hiểu được ý nghĩa sinh - tử.

* 6 năm kể từ khi Huế phát hiện khối u ở gan, đó là khoảng thời gian không yên ả. Nhưng những việc Huế làm được lại đầy đặn, đúng hẹn như những bạn trẻ bình thường khác: tốt nghiệp THPT, vào đại học và tốt nghiệp đại học… Huế làm điều đó như thế nào?

- Lúc phát hiện bệnh, tôi không hiểu về nó nên không cảm giác gì. Đến khi hóa trị và tìm hiểu nhiều thông tin tôi mới hốt hoảng và sợ chết. Tôi còn trẻ mà… Gia đình bắt tôi phải bỏ học, phải dừng lại để trị bệnh. Tôi không chấp nhận. Tôi chỉ chịu trị bệnh khi được đi học.

Khi đó bác sĩ chẩn đoán tôi chỉ có thể sống thêm khoảng 3 năm vì khối u phát triển rất nhanh. Tôi biết cuộc sống hữu hạn nhưng không nghĩ sự hữu hạn đó ngắn ngủi và rõ ràng đến vậy.

Sau những hụt hẫng, tôi cân bằng lại và xác định các mục tiêu có thể thực hiện trong quỹ thời gian còn lại. Tôi nghĩ làm sao để sống cuộc sống bình thường như những người bình thường.

Tôi không được chết trong đau buồn, ủ dột ngay khi đang sống. Mục tiêu đầu tiên của tôi là đến trường và đỗ đại học như những người bình thường cùng lứa tuổi làm được.

Tôi viết trên Facebook những câu chuyện tích cực để những chuyện buồn khổ tự tan biến đi. Tôi nghĩ đến ngày tốt nghiệp đại học và dồn sức cho mục tiêu ấy.

Mỗi ngày tôi đều chuẩn bị cho ngày mai. Rằng, nếu còn sống mình sẽ làm gì? Hiển nhiên rồi, tôi làm việc và giúp đỡ gia đình đã kiệt quệ vì chữa bệnh cho tôi.

* Những người tiếp xúc với Huế đã kể rằng Huế lãng mạn và yêu mãnh liệt…

- (Cười khẽ) Tình yêu hả? Có chứ, vì tôi còn trẻ mà. Khi điều trị ở viện tôi có quen một anh bị ung thư xương, đi đâu cũng có nhau. Tôi nhận lời làm người yêu như một lời động viên. Nhưng rồi anh yêu tôi thật.

Sau một thời gian anh ấy phát hiện bị di căn phổi. Tôi vẫn lên thăm anh ấy ở Bệnh viện Vĩnh Phúc, sau khi bác sĩ ở Bệnh viện K trả về. Sau lần đó hai người yêu nhau nhiều lắm, bởi thời gian ngắn ngủi của anh ấy không còn nhiều.

Bác sĩ cho biết anh bị di căn phổi thì chỉ sống được khoảng sáu tháng thôi, mà lúc đó là tháng thứ tư rồi. Rồi hôm đó, tôi thi xong lên thăm anh, bất ngờ bước vào cửa phòng bệnh thì bác sĩ bảo anh đang ở phòng cấp cứu.

Tôi sang đó thì tất cả đang đứng quanh giường bệnh, hai tay anh đặt trên ghế, người không còn sức sống nào nữa. Vừa hỏi thăm vài ba câu, anh đã trong trạng thái không thể nói được nữa, rất mệt, chỉ thở thôi.

Đó là hôm cuối cùng tôi thăm anh. Lúc mẹ anh làm giấy tờ ra viện, tôi ngồi ôm anh ấy. Anh chỉ ôm lại, không nói gì nữa. Về nhà nửa tiếng sau thì anh mất.

* Và chuyện gì đang diễn ra với Huế hiện nay?

- Bác sĩ đã nói: “Tôi hết võ rồi, không cách gì được nữa” trong lần tái khám gần đây. Và 10 ngày trước lần đi diễn ở Lâm Đồng (21, 22-9), tôi trải qua một cơn đau không thể mô tả nổi, tưởng không còn đủ sức để có thể diễn vai Liên một lần nữa. Nhưng rồi tôi lại khỏe và lại lên đường.

Thực ra câu nói của bác sĩ không làm tôi buồn. Cũng như cách đây 6 năm, bác sĩ nói rằng tôi chỉ sống được 3 năm vậy. Tôi tin những dự báo ấy nhưng tôi không sợ cái chết.

Mỗi ngày tôi đều đã sống đủ với những trải nghiệm học hành, yêu thương, đóng góp cho cộng đồng. Nếu cái chết đến thì có nghĩa tôi đi qua cái cửa đã mở sẵn mà ai rồi cũng phải đi qua.

Tôi cố gom cuộc sống trăm năm vào cái ngày tôi đang sống và chuẩn bị cho ngày mai sống hoặc chết.

Nếu trước kia tôi luôn sống với những ký ức buồn của quá khứ và nỗi sợ hãi trong tương lai thì giờ đây tôi luôn sống trọn vẹn với những giây phút hiện tại.

Cái chết sẽ đến, không rõ là lúc nào. Mình chào đón nó và làm cho những ngày sống trở nên có ý nghĩa hay mình kháng cự nó và chết ngay khi đang sống? Chúng ta phải lựa chọn một thái độ sống tích cực trong một hành trình không cưỡng lại được.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Tuổi trẻ Online

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất