Một cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền

Hàng nghìn tiểu thương thấp thỏm lấy mẫu, hàng trăm nhân viên y tế làm việc quên thời gian... Tất cả đã phác thảo nên bức tranh của cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền, trước khi "cửa ngõ" giao thương hàng hóa lớn nhất TP.HCM chính thức phong tỏa để phòng chống dịch bệnh.

Bài viết Khải Anh
Chia sẻ
Một cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền Ảnh 1

Thành Thái (tình nguyện viên) nhận được tin nhắn này lúc 3 giờ chiều. Không nghĩ ngợi nhiều, cậu xếp vật dụng cần thiết vào túi rồi lao đến một trong những ổ dịch "nhức nhối" trong lòng thành phố.

Xe dừng trước cửa chợ, Thái vội vàng đi vào, một "màu xanh" áo bảo hộ phủ dày đặc ở góc khu chợ đầu mối. "Người dân xếp hàng lấy mẫu dài đến mức không thể thấy đuôi hàng nữa", Thái nhớ lại.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền đã được lấy mẫu tầm soát để sàng lọc những ca nghi nhiễm. Thái nhận nhiệm vụ điều phối người dân, đọc kết quả xét nghiệm. Thái chia sẻ: "Do có sự thay đổi trong cách xét nghiệm, tổ chức lấy mẫu nên mọi thứ có đôi chút cập rập. Mình rất hiểu sự nóng ruột của người dân. Bởi đằng sau tờ giấy xét nghiệm, họ còn cả núi hàng đang chờ, còn con cái, còn gia đình, còn cuộc mưu sinh. Nhưng đội ngũ xét nghiệm không làm khác được, mọi thứ phải chính xác và đảm bảo tính an toàn".

Sau khi có kết quả test nhanh, nếu âm tính, các tiểu thương sẽ được tiếp tục xét nghiệm PCR theo mẫu gộp 10. Còn lại, những ca nghi nhiễm sẽ được di chuyển đến khu vực cách ly riêng và có xe đến đón.

Một cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền Ảnh 2

Thành Thái chia sẻ: "Mình nhớ nhất là câu chuyện của một bà mẹ tại chợ Bình Điền dẫn ba đứa con nhỏ đi xét nghiệm. Sau khi mẹ được xác định nghi nhiễm phải chuyển qua khu vực riêng, ba đứa bé cứ ngơ ngác nhìn theo. Chúng còn quá nhỏ để hiểu được một cơn đại dịch".

Là người trực tiếp đọc kết quả âm tính hoặc nghi nhiễm cho các tiểu thương chợ Bình Điền, hơn ai hết, Thái hiểu được sự thất thần trong những ánh mắt. Có người lo lắng, có người hoang mang, có người đượm buồn, có người không dám tin vào kết quả...

Cậu bộc bạch: "Do nhà mình ở quê cũng buôn bán, mình đã trải qua cảm giác đi lấy hàng ở chợ đầu mối. Chợ không chỉ có tiểu thương mà còn có những người khuân vác, chở hàng... Họ phải kiếm tiền từng ngày để đắp đổi cho bữa cơm, manh áo. Mình rất thương khi thấy những cô chú ở chợ Bình Điền phải tất tả xét nghiệm, chờ đợi kết quả âm tính để quay về sạp hàng của mình". Đêm đó, cậu trở về nhà lúc 2 giờ sáng.

Một cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền Ảnh 3

Trời sắp chuyển mưa, mây đen vần vũ nhưng Quỳnh Giao (tình nguyện viên) vẫn quyết định dắt xe máy ra khỏi nhà. Hướng đi của cô là chợ Bình Điền (quận 8). Cũng như bao tình nguyện viên khác, cô nhận được lệnh khẩn để chi viện hỗ trợ cho khu chợ đầu mối này.

Giao bộc bạch: "Khi tham gia vào "biệt đội" chống dịch, khái niệm thời gian của tụi mình chỉ là tương đối thôi. Tức là không kể xa gần, nắng mưa hay sớm tối, các bạn vẫn sẽ có mặt khi cần. Có bạn nhà cách chợ Bình Điền tận 45 phút chạy xe nhưng vẫn có mặt đúng giờ để bắt tay vào việc".

Nhóm của Giao đã phối hợp cùng với các nhân viên y tế tại Bệnh viện phục hồi chức năng và Trung tâm Y tế quận 8. Có ba khu vực được chia, Giao ở khu vực bến đò, hai khu vực khác sẽ là phía nhà thuốc tây và kho lạnh.

Công việc nhập liệu đòi hỏi sự chính xác cao. Mỗi bệnh nhân có địa chỉ, thông tin, lấy mẫu xét nghiệm... khác nhau, cần tình nguyện viên tập trung tối đa để không xảy ra sai sót. Tại khu chợ chật hẹp, có hàng dài người dân lấy mẫu thấp thỏm đợi chờ. Trong họ là hàng trăm nỗi lo, nếu trễ thì làm sao lấy hàng, con cái ở nhà ra sao. Và ngày mai, ngày mai sẽ thế nào? Vì thế, Giao chẳng bao giờ cho phép mình mất tập trung.

Một cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền Ảnh 4

Tham gia mặt trận chống dịch đã hơn 1 tháng, nhưng đối với Giao, chợ Bình Điền là một trong những ổ dịch phức tạp nhất khi có khá nhiều ca nghi nhiễm. "Đối với mình, những tiểu thương nơi đây rất chất phác, thật thà. Họ cũng khá hợp tác với tụi mình trong việc điều phối, xét nghiệm, lấy mẫu, chờ kết quả... Mình trân trọng tất cả những điều đó".

9 tiếng làm việc, bộ đồ bảo hộ PPE khiến nhiệt độ cơ thể như tăng lên, người nóng hầm hập, mỗi tình nguyện viên được trang bị hai đôi găng tay y tế. "Lúc làm, mọi người chẳng ai cảm nhận được sự vất vả cả", Giao kể. Bởi lẽ, trong suốt 1 tháng qua, các tình nguyện viên đã cùng nhau len lỏi từ ổ dịch này đến khu phong tỏa kia, từ trạm y tế này đến tòa chung cư đang cách ly nọ... mọi thứ đã trở nên quen thuộc.

Cô chia sẻ: "Tội nhất là những bạn làm công tác điều phối phải nói chuyện, hướng dẫn người dân suốt nhưng không dám uống giọt nước nào vì sợ phải cởi đồ bảo hộ". Trong suốt đêm hôm đó, có những đôi tay bợt bạt, co rút vì thấm mồ hôi, cổ họng khô khốc vì nhiều giờ liền không được uống nước.

Một cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền Ảnh 5

Có một điều làm Giao ám ảnh, đó chính là tiếng xe cấp cứu. Những bệnh nhân nghi nhiễm sẽ được chuyển sang khu vực riêng, ánh mắt họ giấu đầy nỗi buồn. Họ sẽ có khu vực tập trung riêng để xe đến đón đi cách ly. Mỗi lần như thế, tiếng còi xe sẽ vang lên inh ỏi. "Âm thanh đó đã ám ảnh mình trong cả giấc ngủ. Nó cứ vang vang trong đầu. Mình thấy thương cho họ, những tiểu thương còn đang nặng gánh mưu sinh, oằn mình giữa đại dịch mà giờ đây phải đi cách ly".

Một cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền Ảnh 6

"Thực sự chúng tôi đã cố gắng hết sức, cũng không biết liệu có thể tiếp tục gồngmình thêm được bao lâu. Mọi người ơi, xin hãy tuân thủ 5K, gửi lời cảm ơn hay chúc sức khỏe thay vì bóc mẽ nhau. Để chúng tôi có thêm phần nào sức lực và giảm bớt đi những mệt mỏi và tiếp tục cố gắng".

Lời kêu gọi khẩn khiết trên mạng xã hội của anh Nguyễn Ngọc Hùng (tình nguyện viên) đã chạm đến trái tim nhiều người. Anh viết dòng trạng thái này vào lúc rạng sáng, khi vừa trở về từ chợ Bình Điền.

Lớn lên tại vùng đất Bảo Lộc (Lâm Đồng), tuổi thơ của anh Ngọc Hùng ngập tràn những kí ức về mẹ, về những buổi chợ sớm hôm. Hơn ai hết, anh hiểu được nỗi vất vả của những tiểu thương. "Họ phải chạy đua với thời gian để có được rau, cá để họp buổi chợ sớm. Đó là những hồi ức của tôi. Tôi thấy được dáng hình của mẹ cha trong những tiểu thương đang tất tả mưu sinh tại Bình Điền".

Một cuộc tầm soát chưa từng có trong tiền lệ tại chợ Bình Điền Ảnh 7

Anh kể, trong lúc chạy xe về nhà, anh đã bật khóc nức nở như một đứa trẻ. "Ở đây tôi đã nhìn thấy những con người vất vả sớm hôm vì miếng cơm manh áo. Tôi cũng nhìn thấy hình bóng của chính mình ở những đứa trẻ nhỏ mới mười mấy tuổi đầu cũng đã phải làm lũ sớm hôm".

Mới đây, mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh hỗn loạn tại chợ Bình Điền. Đối với anh, họ rất đáng thương. "Có những người quanh năm đầu tắt mặt tối, họ không có thời gian đọc báo, tìm hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa có ý thức cao để phòng vệ cho bản thân". Đêm ấy, nhiều ca nghi nhiễm đã được phát hiện. Họ được chuyển sang khu cách ly khi sự lo lắng vẫn còn trĩu nặng trong lòng.

Cũng trong đêm tầm soát ấy, anh đã chứng kiến đồng đội của mình nằm gục xuống, ngủ tạm bên nền đất lạnh giá. "Rất hy vọng đợt tiêm chủng sắp tới sẽ được ưu tiên cho những người nghèo, những bà con đang làm lũ sớm hôm. Để giúp họ giảm bớt phần nào nguy cơ và gánh nặng của cuộc sống", anh chia sẻ.

Cuộc tầm soát tại chợ Bình Điền đã khép lại, chợ tạm thời phong tỏa để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Những biện phát dứt khoát, mạnh mẽ của thành phố đã được thực hiện nhằm để kiểm soát được dịch bệnh, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Sài Gòn cố gắng thêm tí nữa, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi, phải không?

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ