Sắc màu Cuộc Sống

Mỗi ngày, người đàn ông này lại lái xe hàng tiếng đồng hồ để mang nước về cho những loài động vật khát nước

Theo Trí Thức Trẻ
Chia sẻ

Tại Công viên Quốc gia Tsavo West, Kenya, có lẽ không một ai nhận được sự chào đón nhiệt tình từ những loài động vật hoang dã hơn anh Patrick Kilonzo Mwalua.

Anh Patrick Kilonzo Mwalua, 41 tuổi thường xuyên lái một chiếc xe bồn chở hơn 11.000 lít nước tới tiếp tế cho những loài động vật hoang dã đang sống trong điều kiện hạn hán nặng tại Công viên Quốc gia Tsavo West, Kenya.

Anh Patrick Kilonzo Mwalua bên cạnh chiếc xe bồn chở nước quen thuộc.

Mỗi ngày, anh đều dành thời gian dạo quanh khu vực này trong suốt hàng giờ liền nhằm xác định nơi nào tập trung nhiều sự sống, tiến hành khoanh vùng rồi tận dụng tối đa nguồn nước ít ỏi mà mình đang mang theo.

“Ở đây đã hoàn toàn không còn nước. Vì thế, chúng buộc phải phụ thuộc vào sự trợ giúp từ con người. Nếu không chịu giúp đỡ, chúng sẽ chết dần chết mòn vì cơn khát hành hạ”, anh Mwalua cho biết.

Nhiều loài động vật không thể đủ kiên nhẫn để chờ anh Mwalua xả nước mà lập tức vây kín lấy xe bồn vì quá đói khát.

“Tối hôm trước, tôi tìm thấy một đàn khoảng 500 con trâu mộng đang đứng đợi bên một hồ nhân tạo. Khi tôi vừa tới gần, chúng đã ngửi thấy ngay mùi nước và nhanh chóng kéo tới để xin xỏ“, anh Mwalua nói.

Các loài voi, trâu mộng, ngựa vằn… đã quá quen thuộc với hình ảnh của anh Mwalua và nhanh chóng chạy tới ngay sau khi nghe thấy tiếng động cơ xe từ xa.

Trước hình ảnh đau lòng trên, anh Mwalua - người nông dân trồng đậu tại một ngôi làng gần Công viên Quốc gia Tsavo West đã nảy ra ý tưởng tiếp tế nước cho những loài động vật đáng thương ấy.

“Từ tháng 6/2016, toàn bộ khu vực này chưa hề nhận được một giọt nước mưa nào. Tôi buộc phải đưa nước cho động vật hoang dã vì không nỡ nhìn chúng chết dần, chết mòn dưới nền đất khô cằn và nứt toác”.

Người đàn ông tốt bụng còn tự bỏ tiền túi để thuê chiếc xe bồn chở nước, đồng thời cũng lái rất nhiều chuyến để có thể giải tỏa cơn khát cho những loài động vật tại khu vực khô hạn giữa lòng Kenya.

Nhiều loài vật còn thi nhau chạy tới sát cửa xe để chờ nước uống.

Bên cạnh việc tiếp tế nước, anh Mwalua đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng xung quanh thông qua trang “Tsavo Volunteers” trên mạng xã hội Facebook và ghé qua những trường học ở địa phương để trò chuyện với các em học sinh về ý nghĩa của việc bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên.

“Tôi được sinh ra tại đây, được lớn lên cùng những loài động vật hoang dã nên tình yêu thiên nhiên trong tôi là rất lớn. Tôi tôi muốn giúp đỡ thế hệ trẻ nhận thức rõ trách nhiệm trong việc bảo tồn thiên nhiên cũng như vai trò quan trọng của nó đối với cuộc sống này“, anh Mwalua chia sẻ.

Tuy nhiên, nghĩa cử cao đẹp của anh Mwalua rất khó để duy trì lâu dài nếu không có sự hỗ trợ về mặt tài chính từ những người yêu động vật trên khắp thế giới.

Mỗi ngày, anh Mwalua phải đi rất nhiều chuyến mới có thể giải quyết được cơn khát cho những loài động vật tại đây.

Không lâu sau, anh Mwalua quyết định liên hệ với cô Callaway - một nhà hoạt động xã hội người Mỹ để chia sẻ về cuộc sống của những loài động vật hoang dã trong tình trạng hạn hán kéo dài.

“Khi nghe xong câu chuyện đầy cảm hứng này, tôi đã rất ngưỡng mộ trước tấm lòng nhân hậu của anh Mwalua. Tôi cũng giúp anh ấy lập một dự án trên trang gây quỹ trực tuyến GoFundMe nhằm lêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng xung quanh”, cô Callaway kể lại.

Tính đến nay, dự án trên đã thu được nguồn quỹ lên tới hơn 18.000 USD (tương đương hơn 400 triệu đồng) và vẫn tiếp tục tăng dần theo từng ngày.

Anh Mwalua dự định sẽ dành một phần tiền gây quỹ để mua hẳn một chiếc xe bồn nhằm giúp tiếp kiệm chi phí thuê xe cũng như có thể chủ động hơn trong hoạt động của mình vào thời gian sắp tới.

Anh đang tuyên truyền về vấn đề bảo tồn thiên nhiên với các học sinh.

Những con vật uống nước trong những hồ nhân tạo cạn trơ đáy.

Nhờ có sự giúp đỡ của cô Callaway, các loại vật hoang dã tại công viên Quốc gia Tsavo West đã có thể sống sót lâu dài trong đợt hạn hán kỉ lục tại Kenya.

Nhiều lần, anh Mwalua còn mạo hiểm tính mạng chỉ để đưa nước tới những hồ nhân tạo đã cạn khô ngay trong đêm tối.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Trí Thức Trẻ

Tin mới nhất