Mới đây Phan Anh đã chính thức lên tiếng sau vụ việc anh trở thành nạn nhân bị đưa ra “đấu tố” trong chương trình 60 phút mở: Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?, và bản thân anh đã phải dùng một từ để thể hiện cảm xúc của mình, đó là “choáng váng”.
Không choáng váng làm sao được khi sau một đêm, cái tên của mình trở thành một từ khóa “hot trends” trên mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm, được đặt chính giữa tâm bão phẫn nộ của cộng đồng mạng với những từ ngữ từ xót xa, thương hại đến tôn thờ, thần tượng, rồi có cả bức xúc, chửi rủa thậm tệ không thương tiếc.
Dù vốn là một người của công chúng với hàng bao năm làm trong nghề “dâu trăm họ” nhưng MC Phan Anh phải hẳn là một người cực kỳ bản lĩnh, chững chạc và có sự từng trải nhất định để vượt qua được “cơn bão” lần này.
Tuy nhiên qua những diễn biến dữ dội của cộng đồng Facebook Việt, cái tên MC Phan Anh giờ đây đã trở thành một hình tượng “soái ca” dám lên tiếng nói ra sự thật, nói lên tiếng nói của bản thân cũng như tiếng nói của cả cộng đồng vì một vấn đề xã hội quan tâm.
Và tất nhiên, bênh vực kẻ yếu là phải “dìm hàng” kẻ mạnh - chuyện đã xưa như Diễm và trở thành thông lệ trên mạng xã hội thì song song với việc thần tượng, ca ngợi MC Phan Anh, cộng đồng đó cũng sẽ lên tiếng vùi dập những vị khách mời còn lại - những người được cho là đã chất vấn, phán xét MC Phan Anh gay gắt đến một cách thô lỗ, những người cho rằng MC Phan Anh là ngụy biện về hành vi chia sẻ clip cá chết trong 2 phút (do đài VTC thực hiện) của mình từng gây bão cách đây không lâu.
Tâm lý “bênh vực kẻ yếu” của đám đông
Để lý giải việc cộng đồng mạng đổ xô về phía MC Phan Anh để bênh vực, ủng hộ anh sau chương trình “60 phút mở” của nhà báo Tạ Bích Loan, có thể dễ thấy trước hết cộng đồng mạng xem MC Phan Anh đã đóng vai hoặc bị đóng vai làm kẻ yếu thế trong cuộc tranh luận này, mà người ta ví Phan Anh như một kẻ tội đồ bị đem ra “đấu tố” giữa một tòa án công khai trên sóng truyền hình, bao gồm các vị chánh án đều là những người “cộm cán” và “có tiếng nói” trong giới truyền thông, báo chí.
Và tất nhiên, cũng như Phan Anh, họ đều là những người được hàng rất rất nhiều người khác tin tưởng và đem lòng hâm mộ.
Trong khi chương trình luôn được nhà báo Tạ Bích Loan nhấn mạnh rằng đây chỉ là một cuộc thảo luận, trao đổi hết sức cởi mở, chân thành và hoàn toàn mang tính dân chủ, công bằng, nhưng trong suốt 60 phút ấy, hầu hết người ta lại không thấy được sự công bằng, dân chủ như lời của chị Loan nói.
MC Phan Anh liên tục bị nhà báo Tạ Bích Loan cùng các khách mời cụ thể ở đây là nhà báo Hồng Thanh Quang, nhà báo Hoàng Minh Trí (biệt danh Cu Trí), chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà phản bác một cách mạnh mẽ, dồn dập.
Hình ảnh một MC Phan Anh luôn rạng rỡ, tươi cười mỗi khi xuất hiện trên truyền hình nay lại hiện ra với gương mặt mà người ta ví như “bị méo đi” theo từng nhịp nhấn nhá trong giọng nói ngoa ngoắt của nhà báo Hồng Thanh Quang, đôi mắt đỏ lên mỗi lần khi người dẫn dắt Tạ Bích Loan lặp lại câu hỏi “Động cơ thực sự của bạn là gì khi chỉa sẻ clip đó?” một cách đầy ẩn ý.
Quan niệm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thường luôn đứng về tầng lớp yếu thế trong xã hội. Quan niệm đó ăn sâu trong tiềm thức mỗi con người Việt và được truyền bá hàng đời qua những câu chuyện thần thoại cổ tích được kể lại cho những đứa trẻ từ những ngày mới chào đời.
Chính quan niệm này đã tạo ra hiệu ứng tâm lý đám đông, rằng khi thấy một kẻ rơi vào thế yếu trước thế mạnh hung hãn, đám đông sẽ muốn bảo vệ, bênh vực như một điều tất lẽ dĩ ngẫu hay là một việc làm, một hành động hoàn toàn vì chính nghĩa.
Và tất nhiên, đám đông lần này lại là đám đông trên mạng xã hội, đáng sợ và hung hãn gấp hàng nhiều lần so với 5 vị khách mời được coi là “đám đông” đã “ăn hiếp” MC Phan Anh trong suốt một tiếng đồng hồ tranh luận về vấn đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”.
Sự thương hại cho MC Phan Anh được cư dân mạng nhanh chóng gán cho anh một cụm từ là “bị đấu tố”, rồi sau đó từ những lời ủng hộ, bênh vực, khen ngợi cho chàng MC chững chạc, trưởng thành đã dẫn sang cả những câu thóa mạ, những lời văng tục dành cho các vị khách mời còn lại trên, và tất nhiên cả người dẫn dắt là nhà báo Tạ Bích Loan cũng không “thoát”.
Nhưng tâm lý đám đông bảo vệ người yếu thế có phải là nguyên nhân duy nhất khiến MC Phan Anh bỗng trở thành một hiện tượng như vậy không?
“Nhu cầu quyền lực” và “ngụy biện” dành cho người muốn lên tiếng đóng góp chung cho xã hội?
Rất nhiều ý kiến cho rằng, MC Phan Anh vốn là một người nổi tiếng, một nhân vật của công chúng hoạt động lâu năm mà không vướng bất kỳ một scadal nào.
Đúng như những lời MC Phan Anh nói về hành động chia sẻ clip cá chết trong vòng 2 phút của mình, đó là anh muốn toàn xã hội có những tiếng nói trao đổi cởi mở, dân chủ và thẳng thắn hơn nữa, và đơn giản đó là điều có ích và mình nên làm.
Theo như khẳng định một mực của nhà báo Tạ Bích Loan, clip trên là dàn dựng không chính xác (dù đến nay thực tế chưa có bất cứ chứng minh khoa học nào khẳng định clip này là dàn dựng, không chính xác), song Phan Anh vẫn thẳng thắn nói rằng, thứ nhất khi chia sẻ clip anh đã suy nghĩ rất kỹ vì anh nhận thức được điều mình muốn chia sẻ là gì. Thứ hai là những thông tin anh chia sẻ đều là sự đóng góp chung mong muốn xã hội có những nhận thức đúng đắn hơn về quyền được lên tiếng, thể hiện quan điểm của mình, dù đôi khi những thông tin đó không phải hoàn toàn chính xác.
Vậy, cộng đồng mạng đã đồng tình rằng, với những mục đích đó của MC Phan Anh khi chia sẻ clip như vậy là không hề sai, thậm chí còn đáng được tuyên dương là đằng khác, bởi MC Phan Anh đã dám lên tiếng vì “quyền được lên tiếng” thể hiện quan điểm của mỗi một con người - điều mà nhiều người đến nay vẫn chưa nói hoặc chưa dám nói một cách công khai như vậy.
Thế nhưng chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà lại cho rằng, hành vi và mong muốn của Phan Anh là “nhu cầu quyền lực”, còn nhà báo Hồng Quang Thanh chỉ tóm lại trong một từ đó là “ngụy biện”.
Phải nói rằng ở đây, MC Phan Anh đại diện cho những người cảm thấy việc chia sẻ clip cá chết là một việc làm cần thiết, rằng thông điệp thực sự cần truyền tải không chỉ nằm trong clip 2 phút đó. Và khi MC Phan Anh bị quy chụp vào một từ “ngụy biện”, thì không chỉ những người đã từng chia sẻ clip kia mà cả những người đã và đang lo ngại, bất bình về vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung cũng đều cảm thấy như đang bị “túm” hết vào là một từ “ngụy biện” như vậy.
Việc “cắt cúp” sự thật của “tòa án” VTV
Có lẽ nhà báo Hồng Quang Thanh sử dụng từ 'ngụy biện” là vì Phan Anh đã chia sẻ một clip sai sự thật, song khiến cho hàng bao nhiêu người khác đã “đặt lòng tin vào một chỗ không đáng tin”.
Song nói về lòng tin, MC Phan Anh đã nhấn mạnh, rằng “Tôi phải tin VTC chứ vì đó là nguồn tin chính thống, là đài truyền hình nhà nước như cách mà người ta tin vào cái phóng sự… quét rau của VTV vậy”. Một câu nói thể hiện sự thật đắt giá đến ngàn vàng của MC Phan Anh trong chương trình (do nhiếp ảnh gia Na Sơn tiết lộ trên Facebook cá nhân của mình), song lại được đội ngũ biên tập VTV “khéo léo” cắt cúp đã khiến cho cộng đồng mạng thực sự phẫn nộ.
Vậy rốt cục thông điệp VTV muốn truyền tải là gì, VTV muốn nhấn mạnh về sự chân thực của mỗi thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, song lại cho phát sóng một chương trình đã được biên tập, cắp cúp những chi tiết không có lợi cho mình. Nếu biết được điều này thì có ai là không giận dữ, phẫn nộ, có ai là không hình tượng một MC Phan Anh dám nói thẳng, nói thật và nói đúng sự thật theo một cách “không thể nào chối cãi được” như vậy?
Cuối cùng, sau 60 phút mở của VTV, người xem lại bị rơi vào trạng thái “đóng” khi chẳng tiếp nhận được một điều gì từ chương trình ngoài việc cảm thấy có cái gì đó thiếu công bằng trong cuộc tranh luận này. Và tất nhiên đã tranh luận không công bằng thì kết luận cuối cùng chương trình đưa ra cũng chẳng đủ sức thuyết phục.
Chưa kể MC Phan Anh quả thực bị “chơi” không đẹp khi một “chọi” sáu trong suốt một tiếng đồng hồ, mà nhiều người nói rằng anh chẳng khác nào bị “đánh hội đồng” - một từ có vẻ như nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với từ “đấu tố” mà một “thánh” nào đó đã nhanh tay phán ngay trong nhữnh bình luận đầu tiên sau khi chương trình được đăng tải lên mạng xã hội.
Nhẹ nhàng, lịch sự và nhưng không kém phần chững chạc, thẳng thắn
Việc Phan Anh “xin phép” mọi người đưa cả gia đình đi nghỉ hè trong khi cả cộng đồng mạng đang “phong ba bão táp” vì anh cũng là một cách hành xử rất tinh tế và khôn khéo của anh. “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, khi thấy những tranh luận nổ ra dữ dội khen chê đủ cả thì anh vẫn từ tốn, nhẹ nhàng và rất lịch sự được “xin phép” rút khỏi tâm bão để được tận hưởng trọn vẹn những giây phút vui vẻ bên gia đình nhỏ.
Để rồi khi kết thúc kỳ nghỉ cũng là khi những tranh luận sau 60 phút mở trên mạng xã hội đã bớt gay gắt hơn, anh đã quay trở lại với những lời chia sẻ hết sức chân thành và thuyết phục, y như cách mà anh đã chiếm được tình cảm của người xem chương trình trong suốt 60 phút mở mà anh bị xem như là nạn nhân, một kẻ bị đem ra “đấu tố” ấy.
Sự hung hãn đó của đám đông mạng Facebook trong suốt mấy ngày vừa qua có lẽ không cần nhắc lại thêm. Song trước tình cảnh đúng là “dở khóc dở cười”, MC Phan Anh đã phải lên tiếng rằng, tất cả những người trong buổi tranh luận ngày hôm đó đều là những người mà anh yêu quý và anh chắc chắn rằng họ cũng chẳng có thù ghét gì với anh, trong khi kịch bản chương trình cũng đã được mọi người vui vẻ thảo luận và nhất trí trong những bữa cà phê gặp mặt trước đó.
Vì vậy, tóm lại đại ý của Phan Anh khi kết luận rằng, cách mà mọi người “yêu” anh như vậy thì chẳng khác nào mười lần “hại” anh.
Còn đối với những người “bất đồng chính kiến” đối với mình, MC Phan Anh vẫn thẳng thắn bày tỏ quan điểm rõ ràng: “Hiểu thế nào là do các bạn, nhưng tôi không khẳng định chuyện đúng/sai của clip cá chết; Tôi vẫn giữ bài đăng của mình trên facebook và không bao giờ xoá; Khi Sở TNMT có công văn giải thích, tôi đã chia sẻ chuyện này và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc minh bạch thông tin, làm rõ đúng sai; Chưa có một cơ quan quản lý hay đơn vị báo chí chính thống nào xử phạt, hay khẳng định về clip cá chết là dàn dựng.”
Sau dòng chia sẻ này của MC Phan Anh, có lẽ khái niệm về “soái ca” của cư dân mạng cũng đã thay đổi ít nhiều. Nhiều người cũng đã nói, thực tế soái ca không ở đâu xa, soái ca cũng không phải là những chàng trai hào hoa phong nhã ga lăng rỗng tuếch, mà soái ca chính là những người như MC Phan Anh - những người dám nói lên sự thật, dám đấu tranh đến cùng để bảo vệ quan điểm của bản thân và luôn mong muốn góp phần thay đổi xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Kết thúc chia sẻ với một câu ngắn gọn: “Và người với người, sống để yêu nhau”, MC Phan Anh đã thể hiện rõ tấm lòng của mình, với sự cảm ơn chân thành tới những người bạn, những người hâm mộ anh và cũng là những mong muốn của một người đàn ông thực sự trưởng thành cho một xã hội dân chủ, công bằng, “không im lặng” và con người với con người sống với nhau chân thành, bao dung và yêu thương nhiều hơn.