Ở Việt Nam có một nơi phụ nữ từng phải đứng để ăn cơm, nếu 'chửa hoang' phải rời làng, một mình sinh con trong rừng

Theo Helino
Chia sẻ

Trong quá khứ, có nhiều quy tắc khắt khe với người phụ nữ Hà Nhì như muốn được đàn ông để ý phải lấy thật nhiều củi mang từ rừng về, ăn cơm đứng, nếu chẳng may "chửa hoang" thì bị phạt vạ phải sinh con trong rừng.

Không riêng gì ở các quốc gia khác trên thế giới, ngay tại Việt Nam của chúng ta cũng có tồn tại nhiều dân tộc anh em với những nền văn hóa riêng biệt khác nhau, vừa đặc sắc nhưng cũng không kém phần kỳ lạ. Chẳng hạn như người Hà Nhì ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam, phụ nữ là lao động chính trong tộc và đảm nhận hầu hết công việc nặng nhọc của gia đình.

Đôi nét về dân tộc có trang phục truyền thống vô cùng ấn tượng

Dân tộc Hà Nhì hiện có khoảng 21.700 người, cư trú chủ yếu tại các tỉnh đồi núi phía Bắc của Việt Nam như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, đặc biệt là những khu vực dọc biên giới giữa Lào và Việt Nam, hoặc Trung Quốc và Việt Nam. Những nơi người Hà Nhì chọn cư trú thường là những thung lũng lưng chừng núi, nơi có nguồn nước dồi dào để họ phục vụ cho công tác sinh hoạt cũng như là trồng trọt, chăn nuôi.

Chính vì chọn gắn bó với với đồi núi và rừng cây như thế nên hầu như bản sắc văn hóa của dân tộc Hà Nhì luôn luôn gắn liền với thiên nhiên, cây cỏ. Họ xây nhà trông như những cây nấm, tổ chức các lễ hội để tạ ơn thần rừng, tự canh cửi tằm tơ, dệt vải làm trang phục riêng, cùng nhau đan lát các vật dụng trong gia đình bằng tre nứa.

Đặc biệt, trang phục dân tộc của người Hà Nhì thì vô cùng độc đáo, tuy không sặc sỡ như những dân tộc anh em khác, chỉ với hai màu chủ đạo là đen với xanh dương nhưng đường nét, kiểu dáng lại tinh tế và hài hòa vô cùng. Đi kèm với bộ trang phục truyền thống này, riêng với phụ nữ Hà Nhì thì họ còn có thêm một mái tóc giả, được tết chỉn chu, tô điểm một vẻ đẹp độc đáo và khác biệt giữa đại ngàn.

Phụ nữ Hà Nhì và những công việc vất vả khó tưởng tượng

Nếu có dịp được đi thăm bản làng của người Hà Nhì, chắc có lẽ chúng ta sẽ vô cùng nhạc nhiên khi biết được, những đống củi được chất thành đống to tướng của mỗi ngôi nhà ở đây đều do một tay người phụ nữ mang về từ rừng già và tự mình bửa ra, xếp gọn ghẽ mà không có sự trợ giúp của một người đàn ông nào.

Lý giải cho điều này, người Hà Nhì có quan niệm từ lâu, đó là một người phụ nữ đẹp và giỏi giang, xứng đáng để làm vợ thì phải là một cô nàng chăm chỉ lấy củi. Nên vì thế, kích thước và khối lượng đống củi của mỗi gia đình tỉ lệ thuận với sự chăm chỉ của người con gái trong gia đình, và cô gái đó hẳn sẽ có nhiều đàn ông theo đuổi.

Vì vậy, những trẻ em gái ở Hà Nhì ngay từ bé đã phải tập làm quen với việc theo các chị, các mẹ, các bà của mình vượt nhiều con dốc vào rừng sâu để mang những bó củi nặng nhọc về nhà. Ngoài ra, mỗi ngày, người phụ nữ Hà Nhì còn được giao nhiều công việc khác trong gia đình như một mình chăm sóc con cái, giặt giũ nấu nướng, chăm lo đàn vật nuôi… Đến mùa nông sản, họ còn phải tất bật, đầu tắt mặt tối hơn nữa để chu toàn việc cấy cày, gặt hái trên nương. Trong khi đó, cánh đàn ông Hà Nhì chỉ quan tâm tới việc dựng nhà và cày bừa mà thôi.

Quanh năm cứ làm việc như thế nên hầu như người phụ nữ Hà Nhì nào cũng trông như già trước tuổi, dáng người nhỏ thó, gầy gò, nước da đen nhẻm, giọt mồ hôi lúc nào cũng lăn trên má và cả nụ cười dường như hiếm khi xuất hiện trên gương mặt.

Quy tắc làm dâu ăn cơm đứng, không được phép đi cùng xe với bố chồng

Bên cạnh quy tắc lấy củi, người Hà Nhì cũng có một số tục lệ lạ áp dụng cho phụ nữ như con dâu không được ngồi ăn cơm cùng bàn với những người đàn ông có vai vế lớn hơn trong gia đình như bố chồng, anh chồng.

Theo đó, sau khi bày soạn chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, tới khi ăn, nếu cánh đàn ông có vai vế trong gia đình chồng ngồi đĩnh đạc thì cánh phụ nữ dưới chỉ được đứng ăn cơm ở một mâm riêng, kể cả người mẹ chồng. Thi thoảng, vì quá mỏi mệt, họ muốn ngồi ăn thì phải vòng ra sau bếp, hoặc nơi nào đó mà không có mặt của những người đàn ông có địa vị lớn hơn chồng trong gia đình. Tục lệ này đã có từ hàng trăm năm trong dân tộc Hà Nhì, bởi theo họ đó là cách bày tỏ niềm kính trọng với những người bề trên.

Thậm chí, cũng còn có một tục lệ khác của phụ nữ Hà Nhì để thể hiện sự kính trọng đối với những người đàn ông bề trên trong gia đình là không được phép ngồi cùng xe với bố chồng, anh chồng. Sự tôn kính này đôi khi cũng tạo nên một số bất tiện, chẳng hạn như khi không có chồng ở nhà, phụ nữ Hà Nhì có đau ốm nặng mà chồng đi vắng thì đành tự mình đến các cơ sở y tế địa phương để thăm khám mà không được phép để cho bố chồng hoặc anh chồng chở đi. Và ngược lại, khi anh chồng hoặc bố chồng ốm nặng thì dù có biết chạy xe máy thì phụ nữ Hà Nhì cũng không dám chở.

Nỗi ám ảnh mang tên “chửa hoang”

Trong các quy tắc dành cho phụ nữ Hà Nhì, đáng sợ nhất phải kể đến hình phạt dành cho những ai trót dại “chửa hoang”, có thai mà không biết bố đứa bé là ai, hoặc có thai trước khi lấy chồng. Theo đó, những người phụ nữ này phải gánh chịu hình phạt gây tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần đó là bị ép buộc phải đi xa khỏi khu vực bản làng của mình, làm lán ở một mình trong đó cho đến ngày sinh con. Con ra đời thì cũng phải đến 1 tháng rưỡi sau mới được phép về lại bản.

Có lẽ, đây là hình phạt cay đắng nhất mà bất cứ người phụ nữ Hà Nhì nào cũng kiêng dè sợ sệt, bởi còn gì bi kịch hơn là phải sinh con một mình trong rừng, tự mình xoay sở với con và nỗi cô đơn khi bị dân làng xa lánh.

Tuy nhiên, đến ngày nay nhiều quy định khắt khe dành cho phụ nữ Hà Nhì đang dần mất đi, chỉ còn giữ lại những nét đẹp văn hóa. Tỉ lệ phụ nữ Hà Nhì “chửa hoang” phải sinh con trong rừng cũng giảm đi đáng kể bởi nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương khi nâng cao tầm nhận thức của người Hà Nhì về mức độ nguy hiểm của việc phạt vạ như vậy.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Helino

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất