Lời từ biệt xúc động của y tá hy sinh trong đại dịch SARS cách đây 17 năm: ‘Anh hãy cố gắng chăm sóc con đến nơi đến chốn nhé’

Định Nguyễn
Chia sẻ

Dù 17 năm trôi qua kể từ khi người vợ thân yêu qua đời khi chiến đấu với dịch bệnh SARS, thế nhưng với ông Nguyễn Thế Vĩnh mọi việc như vừa xảy ra ngày hôm qua. Bao năm qua ông vẫn quyết ở vậy thay vợ nuôi con nên người.

Cuộc chiến chống lại đại dịch SARS

Những ngày qua người dân cả nước cũng như trên thế giới đang hối hả phòng dịch virus Covid-19. Căn bệnh này giúp nhiều người liên tưởng đến đại dịch SARS diễn ra cách đây đúng 17 năm về trước. Đại dịch SARS đã cướp đi sinh mệnh của 6 bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp trong đó có y tá Nguyễn Thị Lượng sinh năm 1957, mất ngày 15 tháng 3 năm 2003, sau khi mắc bệnh SARS tại chính nơi mình làm việc.

Câu chuyện về sự hy sinh của nữ y tá Lượng đã qua đi 17 năm nhưng trong thời điểm bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những ký ức khi xưa lại hiện về trong tâm trí người thân và cả những người đồng nghiệp cùng thời với y tá Lượng.

Các bác sĩ phải mặc trang phục cách ly tránh lây nhiễm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngồi trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể đường sắt, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, ông Nguyễn Thế Vĩnh (70 tuổi) lật dở lại những ký ức về người vợ quá cố của mình. Suốt bao năm qua, ông vẫn lưu giữ những hình ảnh hai vợ chồng coi đó như kỷ vật vô giá và nhắc mình sẽ không bao giờ quên ngày mà vợ ông là y tá Lượng chút hơi thở cuối cùng.

Câu chuyện bắt đầu khi vào ngày 23/2/2003, ông Johny Chen, người Mỹ gốc Hong Kong đến Việt Nam để làm việc với một nhà máy ở Hưng Yên, nhưng đang cư trú ở một khách sạn trên địa bàn Hà Nội thì ông Chen bị ốm, được lễ tân khách sạn đưa vào Bệnh viện Việt Pháp vào ngày 26/2 với các biểu hiện nhiễm trùng suy hô hấp như ho, sốt, khó thở và các triệu chứng nặng như long cơ khớp, suy hô hấp nặng.

Đại dịch SARS là nỗi khiếp sợ của nhiều người cách đây 17 năm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Đầu tháng 3, bệnh nhân Chen phải đặt ống thở hỗ trợ, đáng nói, sau ca phẫu thuật này thì cả kíp bác sĩ, nhân viên y tế cùng thực hiện đều có biểu hiện nhiễm bệnh, thời điểm đó ghi nhận 17 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Pháp phát bệnh.

Ngày 8/3, bác sĩ Võ Văn Bản, thời điểm đó là Phó tổng giám đốc BV Việt Pháp, đã tổ chức một cuộc hội chẩn nhỏ về dịch bệnh. Ngày 10/3, khi giao ban Khoa cấp cứu tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới có nói qua tình hình tại BV Việt Pháp, đồng thời cảnh báo sớm về khả năng lây lan trong thời gian tới, cần phải chuẩn bị tinh thần để tham gia điều trị, chống dịch.

Miếu thờ các y bác sĩ hy sinh trong dịch SARS-2003 ở Bệnh viện Việt Pháp.

Cũng trong ngày 10/3, BV Việt Pháp có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia gồm lãnh đạo BV Việt Pháp, bác sĩ Carlo Urbani (chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chuyên về các bệnh truyền nhiễm đã đến tham khám cho bệnh nhân Chen), GS Trần Quỵ (thời điểm đó là Giám đốc BV Bạch Mai) bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, bác sĩ Nguyễn Đức Hiền (thời điểm đó là Phó Giám đốc Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới).

Tại cuộc họp này, bác sĩ Carlo Urbani đề nghị, WHO thông báo tình hình dịch bệnh cho Bộ Y tế Việt Nam để phối hợp chống dịch và cần phải cảnh báo quốc tế.

Ngay sau đó, một bản báo cáo đã được gửi đến Bộ Y tế cùng những kiến nghị để phòng, chống dịch. Ngày 12/3 Bộ Y tế đã ngay lập tức đáp ứng và thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, ngày 13/3 Ban chỉ đạo ra thông báo cho người dân đã từng tiếp xúc với bệnh nhân hoặc từng đến BV Việt Pháp thì đến khám sàng lọc.

Bao năm qua ông Vĩnh vẫn lưu giữ những ký ức về vợ.

Những hình ảnh hai vợ chồng được ông Vĩnh cất cẩn thận.

Ngày 14/3, Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên là nữ nhân viên lễ tân khách sạn tên Phương nơi ông Chen cư trú. Một tuần sau, Viện đã tiếp nhận trên 10 ca vào điều trị.

Đặc biệt, ngày 15/3, bệnh nhân Chen tử vong (tại Hong Kong). Ngày 18/3 y tá Nguyễn Thị Lượng, một trong những y tá trực tiếp chăm sóc ông Chen tử vong. Ngày 20/3, bác sĩ người Pháp Jean Paul Derosier (người thực hiện phẫu thuật đặt ống thở cho ông Chen) tử vong khiến nhiều y bác sĩ trong Viện mang tâm lý hoang mang, lo sợ.

“Thời điểm nằm viện, bệnh nhân Cheng ho dữ dội lắm, ho 45 phút liên tục không ngớt. Chị Lượng trực tiếp chăm sóc, có thời điểm đi đổ 1 bô cả đờm lẫn máu”, nữ đồng nghiệp của y tá Lượng vẫn nhớ như in khi kể lại.

Sau ca trực ngày hôm đó, y tá Lượng về nhà và bắt đầu mệt mỏi. Đến khi nhập viện điều trị, những ngày đầu tiên nữ y tá này vẫn tỉnh táo, nói chuyện với những người cùng phòng bệnh, thậm chí còn tự chăm sóc cho nhau. “Vài ngày sau đó, chị Lượng mệt nhiều rồi hôn mê. Từ khi hôn mê đến khi mất chỉ có 4 ngày. Trước khi hôn mê chị ấy chỉ kịp dặn chồng đúng 1 câu”, đồng nghiệp y tá Lượng kể.

Lần cuối cùng được tặng hoa cho vợ mùng 8/3

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Vĩnh liên tục lau nước mắt, dù thời gian đã 17 năm trôi qua nhưng trong tâm trí ông chuyện như vừa diễn ra ngày hôm qua. Ông kể, ngày xảy ra dịch SARS, cả bệnh viện Việt Pháp bị phong toả. Ai đi qua phố Phương Mai cũng sợ, người thân những người bệnh cũng không dám vào thăm. Ở đó chỉ có ông Vĩnh là người duy nhất vào thăm vợ, lúc đó ông chẳng nghĩ gì đến chuyện sống chết mà chỉ nghĩ đến việc mong vợ tai qua nạn khỏi.

Những hồi ức về dịch bệnh SARS cướp đi sinh mệnh của vợ khiến ông đau xót khi nhớ lại.

Cho đến bây giờ, ông Vĩnh không thể tin vợ mình ra đi nhanh đến vậy. Ông vẫn còn nhớ ngày 25/2 năm ấy, sau ca trực về vợ ông mệt mỏi, sốt và ông phải đấm bóp, xông lá cây cho vợ vì nghĩ cảm cúm thông thường. Khi đưa vợ vào viện, ông Vĩnh vẫn nghĩ vợ chỉ ốm sốt thông thường nhưng cứ ở lại viện theo dõi cho chắc chắn.

Những ngày sau đó ông vẫn vào thăm vợ thường xuyên, kỷ niệm ông nhớ nhất đó là lần tặng hoa cho vợ ở trên giường bệnh. Hôm đó là ngày 8/3, ông Vĩnh cùng con gái mua hoa vào tặng vợ. Khi đó, y tá Lượng vẫn còn tỉnh và nói chuyện bình thường. Nữ y tá nhỏ nhẹ dặn dò hai bố con yên tâm. Thấy vợ nói vậy, ông Vĩnh chỉ nghĩ đơn giản rằng vài hôm nữa sẽ bình phục. Thế nhưng đó là lần cuối cùng ông Vĩnh được tặng hoa cho người vợ thân yêu của mình.

Sau lần tặng hoa đó, vợ ông Vĩnh ngày càng nặng thêm, rồi một buổi chiều giữa tháng 3 bệnh viện đã thông báo gia đình chuẩn bị sẵn tinh thần. Quá nóng ruột, ông vào viện xin đến gặp vợ bằng được, khi lên gặp vợ thì cũng là lúc nữ y tá qua đời.

Từ khi vợ qua đời, ông Vĩnh một mình gà trống nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Ông tâm sự, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua nhưng nhìn thấy con côi cút, nhớ đến câu nói cuồi cùng của vợ, ông phải cố gắng để vượt qua nỗi đau và mất mát.

“Trước khi rơi vào hôn mê, tôi và con gái có vào thăm vợ, khi cả nhà nói chuyện với nhau được khoảng 10 phút, vợ tôi nói con ra ngoài vì ở lâu trong phòng bệnh không tốt. Tôi ở lại với vợ thêm 5 phút, khi đó vợ dặn dò tôi: ‘Anh hãy cố gắng chăm sóc con, cho con học hành đến nơi đến chốn nhé’”.

Nghe xong câu nói đó tôi chẳng nghĩ gì, vẫn cười và nói vợ cố gắng điều trị, mọi việc sẽ ổn thôi. Không ngờ sau khi tôi về vài tiếng, vợ tôi hôn mê và đó cũng là câu nói cuối cùng tôi nghe được từ vợ”, ông Vĩnh chảy nước mắt.

Ở vậy nuôi con nên người vì câu nói của vợ

Mất vợ đột ngột với ông Vĩnh là điều đau xót vô cùng, cũng chính vì thế mà những năm đầu gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn. Bởi khi vợ còn sống, ông Vĩnh chỉ lo kinh tế gia đình, còn việc học hành của con, sinh hoạt trong nhà một tay vợ ông làm hết.

Những ngày vợ mất, con gái mới 13 tuổi, ông Vĩnh buồn chán, hụt hẫng và mất phương hướng trong cuộc sống. Nhưng rồi những đêm nằm suy nghĩ, câu nói cuối cùng của vợ luôn văng vẳng bên tai, thúc giục ông phải vươn lên nuôi con nên người.

Bao năm qua, ông Vĩnh quyết định không đi bước nữa vì muốn chăm sóc tốt nhất cho con gái.

Cứ vậy, hàng ngày ông dậy từ sớm chuẩn bị từng bữa ăn sáng cho con rồi đưa con đến trường, sau đó mới yên tâm đi làm. Cảnh già trống nuôi con mãi rồi thành quen, kể cả khi con gái đã trưởng thành nhưng trong suy nghĩ của ông Vĩnh chưa bao giờ có ý định đi thêm bước nữa.

“Tôi yêu vợ tôi nhiều lắm. Trước đây khi vợ tôi còn sống, hàng ngày tôi vẫn là quần áo cho vợ, cho con. Nếu tôi mà đi bước nữa, con tôi chưa chắc đã có ngày hôm nay. Tôi vẫn còn giữ cả những bộ quần áo ngày xưa vợ thích mặc, tôi muốn lưu giữ những kỷ vật của vợ bên mình, đó cũng là cách giáo dục con tôi về lẽ sống”, ông Vĩnh giãi bày.

Người con gái ông Vĩnh năm nay cũng đã 30 tuổi và lập gia đình nhưng vẫn ở cùng để thay mẹ chăm sóc bố khi về già. Trong con mắt người cha này, con gái là một người nghị lực và tự lập, cá tính. Từ khi mẹ mất, con gái ông không than thở, đòi hỏi, không nhắc đến chuyện cũ vì sợ bố buồn. Đó là niềm an ủi lớn nhất với ông Vĩnh cho đến thời điểm này.

Tròn 1 tháng nữa là đến ngày giỗ của vợ, như thường lệ ông Vĩnh lại cầm ra những tấm ảnh kỷ niệm của hai vợ chồng khi còn ở bên nhau để hồi tưởng về một thời hạnh phúc. Ông nâng niu, ngắm nhìn từng tấm ảnh, rồi cả những bộ trang sức của vợ khi xưa.

Ông Vĩnh cũng mong rằng dịch virus Covid-19 sẽ sớm đẩy lùi, không thêm trường hợp nào bị nữa. Cách đây ít ngày ông cũng đã qua miếu thờ trong Bệnh viện Việt Pháp thắp hương cho vợ. Ông mong vợ thanh thản ở nơi chín suối và phù hộ giúp đỡ những người đang sống, nhất là trong thời điểm dịch bệnh corona hiện nay, giống như thời vợ mình đã trải qua…

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất