Khám phá ly trà đá mùa đông - Thứ đồ uống rẻ, dễ mua nhưng cũng đem đến nhiều niềm vui dân dã, thú vị nhất

Vương Phi
Chia sẻ

Trà đá vượt qua ngoài ý nghĩa ẩm thực về ăn uống, nó dần trở thành 1 nét văn hóa, 1 thú vui nhiều hơn. Vì thế mà xuân hạ, thu đông, mưa gió, rét buốt hay ngày nắng chang chang, người Thủ đô vẫn yêu mến trà đá - thứ đồ uống rẻ nhất, dễ kiếm nhất mà cũng đem lại nhiều niềm vui thú vị, khó quên nhất.

Ít ai biết, trà đá cũng có cả 1 trang lịch sử dài thật dài

Không giống như người miền Nam thường chuộng uống cafe, ở xứ Bắc, món người ta hay mời nhau đầu tiên chính là 1 ly trà mạn. Khí hậu miền Bắc lạnh, thích hợp cho cây trà phát triển trong khi đó ở miền nam và vùng Tây Nguyên lại được xem là mảnh đất vựa cafe. Sự khác biệt về địa lý, điều kiện sống đã tạo nên sự khác biệt cố hữu trong nét văn hóa, ẩm thực.

Chén trà mướt xanh được pha từ những ngọn búp hảo hạng là loại nước uống mà người miền Bắc yêu thích nhất.

Ngày xưa không có đá nên cũng chẳng có trà đá. Quây quần bên nhau, người miền Bắc chỉ thường dùng nước trà xanh, trà mạn (pha từ lá trà sấy khô hoặc lá tươi) để mời nhau. Ly trà ngon đúng điệu phải pha bằng nước mưa, đun sôi rồi rót vào những búp trà khô, loại mà chỉ được ngắt từ phần non tơ nhất trên đỉnh cây trà. Đó được xem là ly nước thơm ngon, đẹp đẽ, hấp dẫn nhất mà người miền Bắc chỉ thường dùng để đãi khách quý.

Để thêm hương vị cho ly nước, người ta còn ướp trà bằng hoa sen, hoa nhài và ngoài trà khô, dân xứ Bắc còn rất chuộng trà tươi. Lá trà hái về, không cần sao khô mà chỉ cần rửa sạch, vò nhuyễn và chế nước nóng vào là hoàn tất công đoạn chế biến.

Trà pha bằng nước mưa sẽ có màu xanh đẹp mắt, giữ nguyên được mùi thơm.

Những tách trà nóng được hàng triệu người sử dụng có sức sống bền lâu khó tưởng. Trà xuất hiện ở mọi nơi, từ góc phố đến nơi lầu son gác tía. Người dân nghèo cũng uống trà mà quan khách, giới quý tộc cũng chuộng món này. Các cụ ngày xưa vẫn có câu: “Miếng trầu, cơi nước làm đầu câu chuyện” và nước ở đây, không gì khác chính là trà mạn.

Quen thân là thế nhưng rồi từ ly trà nóng cho đến lúc chuyển thành trà đá có cả 1 chặng đường đi thật dài. Lịch sử của trà mạn có khi đã có từ cả nghìn năm nhưng chén trà đá, có lẽ chỉ xuất hiện vài chục năm đổ lại đây.

Nhiều người vẫn kể rằng, trước năm 1975, người Hà Nội không uống trà đá. Phần vì không có đá, phần không quen. “Thật ra thói quen uống tà đá lan từ miền Nam sang xứ Bắc nhưng rồi sau này, người Hà Nội lại chuộng trà đá hơn ở Sài Gòn. Lý do là ngày xưa, xưởng làm đá xuất hiện ở Sài Gòn trước Hà Nội“, 1 cụ bà kể cho tôi nghe.

Người Hà Nội vẫn thường uống trà đá bất chấp trời nóng hay lạnh.

Theo nhiều tài liệu ghi lại, sau thống nhất đất nước, thói quen uống trà đá phát triển mạnh hơn vì Hà Nội có cơ sở sản xuất đá và nhiều gia đình có tủ lạnh. Ngày ấy, mọi thứ còn mua bán bằng tem phiếu. Thế nên, tủ lạnh không để trưa thực phẩm mà chỉ có việc duy nhất là làm đá bán cho mấy bà bán nước chè đầu phố.

Có một kỉ niệm mà đến bây giờ, những người cao tuổi vẫn không thể nào quên khi nhắc đến ly trà đá. Đó là vào thập niên 1980, người đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô gửi hàng hóa về trong đó có tủ lạnh hiệu Saratov. Loại này chạy không êm như tủ Nhật, khi cắm điện, thân tủ rung bần bật, rút điện ra thì nước chảy tứ tung ngoài sàn. Sự khổ cực, vất vả và bất tiện trong những ngày đầu tiên biết đến đá và tủ lạnh cùng ly trà đá, đến giờ nhiều người vẫn ngỡ nó như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

Ly trà đá - “Đặc sản” của vỉa hè Hà Nội

Nếu văn hóa uống trà rất phổ biến, từ chỗ sang trọng đến những nơi bình dân đều có thì trà đá ngược lại, chỉ thường xuất hiện nơi góc phố và mang dáng vẻ mộc mạc, bình dị đến nỗi không thể nào dân giã hơn.

Cởi trần uống trà đá ở Hà Nội. Ảnh: Zing.

Bây giờ 1 ly trà chỉ có 3.000 đồng. Người Hà Nội vẫn dùng nó để so sánh giá cả bởi vì ly trà được xem là thứ rẻ nhất, không thể nào rẻ hơn. Chẳng những giá rẻ, trà đá còn rất dễ mua. Từ thời xa lơ xa lắc khi tủ lạnh vẫn còn là 1 thứ xa xỉ thì giờ đây, đá lạnh là 1 thứ rất dễ kiếm. Kéo theo đó, quán trà đá mọc lên nhan nhản, từ đầu ngõ nhỏ đến các trục đường chính. Gầy dựng 1 quán trà chẳng có gì khó, chỉ cần 1 ấm trà, vài ba chiếc ghế nhựa, cốc chén và 1 thùng xốp đựng đá. Gọi là quán nhưng vỏn vẹn chỉ có vài 3 thứ đồ, cắp trên người gọn gàng, ra lề phố bày biện 5-10 phút là xong.

Thế là có 1 quán nước và người dân cứ vô tư ra đó gọi 1 ly trà đá uống chơi cho đỡ buồn.

Vì sao lại nói trà đá là đặc sản của lề phố bởi vì chẳng ai uống trà đá 1 mình ở nhà. Uống trà đá mà không có bạn bè, không ra vỉa hè tám chuyện, đâu phải là uống trà đá? Phong cách của dân Thủ đô là phải gọi nhau ra phố, ngồi ở những chiếc ghế nhựa thấp, ngắm nhìn dòng người qua lại, gọi thêm 1 đĩa hướng dương, thư thả vừa cắn hạt, vừa nhâm nhi ly nước chuyện trò. Đó mới đúng là đang uống trà đá của Hà Nội.

Nếu bạn không tin có thể thử pha trà đá ở nhà và bày 1 đĩa hướng dương. Kể cả khi đó có bạn bè kéo đến, cảm giác không hiểu sao vẫn không thể nào vui vẻ, sảng khoái bằng lúc uống trà đá ngoài phố.

Trà đá đựng trong chiếc cốc thủy tinh có gờ dọc, gần giống cốc vại bia, bày trên ghế nhựa thấp ở vỉa hè, bao năm nay đã trở thành 1 nét đặc trưng ở Hà Nội.

Mùa đông, phải mặc áo lạnh nhưng người dân vẫn uống trà đá.

Cái thú vị của trà đá nằm ở chỗ nhắc trà đá là nhắc đến giây phút thư thái bên bạn bè, ở góc phố nhộn nhịp mà hóa lại rất nỗi riêng tư. Chúng ta ngoài ở đó, nói thật to những câu chuyện về đánh ghen, ngoại tình, tán tỉnh, yêu đương cho đến những chuyện làm ăn quan trọng… Chẳng sợ ai nghe tiếng vì chẳng ai bận tâm đến câu chuyện bạn đang nói riêng với bè bạn. Chúng ta cứ uống và nói oang oang như ở chốn riêng tư. Quán trà nhỏ ở Hà Nôi, quán nào quán ấy đều gồng gánh, chất chứa không biết bao tâm sự của đủ lớp người, già trẻ, gái trai đều có cả.

Uống trà đá bình dân nên không cần cầu kỳ. Đôi khi không có bạn hiền nhưng đi đường khát quá cũng tạt vào làm 1 ly. Có những khi bực dọc, đang ngồi trong phòng mà muốn giải khuây, cũng chạy ra đầu ngõ uống cạn 1 ly trà đá. Quần áo sang chảnh, bảnh bao hay quần đùi, áo mai ô cũng đều có thể ngồi uống trà đá. Chỗ vỉa hè công cộng, dân dã giản dị nhưng hóa ra lại là nơi tụ hợp của đủ tầng lớp, nhóm người.

Người Hà Nội vẫn uống trà đá giữa ngày lạnh 8 độ C

Đông về, nhìn ra ngoài trời thấy bàng bạc một màu trắng, càng lúc dòng người đi lại càng có vẻ vội vã hơn như để chạy trốn cái lạnh luồn qua lớp áo quần, len vào từng thớ da thịt. Có người bảo, mùa đông Hà Nội lạnh thế, chắc chẳng còn ai uống trà đá. Sự thật là, rét đến mấy, quán trà vẫn chẳng ngày nào đóng cửa.

Giữa ngày rét 8 độ C, người ta vẫn gọi 1 ly trà đá. Ly trà nhàn nhạt, pha bằng nước ấm thêm cục đá nhỏ cũng chỉ đủ làm nước nguội vừa miệng. Hoặc nếu không uống trà đá, thực khách sẽ gọi trà không đá. Dù có đá hay không, quán nước vẫn chẳng hề thay đổi tên gọi. Mùa đông hay hè, người Thủ đô vẫn rủ nhau: “Trà đá đi mày ơi”.

Mùa đông rét buốt ở Thủ dô.

Bốn bề phủ trắng mây mù, mưa bụi.

Những con đường tối lại vì giá rét…

Nhưng ở góc phố, người dân vẫn vui vẻ ngồi uống trà đá. Ảnh: Mai Lân/Trí thức trẻ.

Cuối cùng, trà đá trở thành 1 thứ gì đó thiết yếu, rất gần gũi, thân thường không thể tách rời trong nhịp sống của người Thủ đô. Thật khó để tả hết thành lời nhưng chỉ biết nó rất gần gũi, mộc mạc và dễ mến.

Nếu nói trà đá ngon hảo hạng thì chẳng đúng tí nào. Ly trà được pha từ những búp hạnh 3-4, kém ngon. Để tiết kiệm chi phí, người bán còn thường pha loãng, nhạt thếch. Ngồi ở vỉa hè bụi bặm. Có lúc cầm chén nước trên tay mà khói bụi từ lòng đường tạt vô tận mặt. Ấy vậy mà người dân vẫn vô tư ngồi uống.

Đúng như người xưa từng nói, chén trà làm đầu câu chuyện. Quán nước, ly trà đá hay trà nóng chỉ là 1 cái cớ để “bôi trơn” câu chuyện cho nó thêm phần hấp dẫn, dễ dàng tiếp nhận hơn. Trà đá vượt qua ngoài ý nghĩa ẩm thực về ăn uống, nó dần trở thành 1 nét văn hóa, 1 thú vui nhiều hơn. Vì thế mà xuân hạ, thu đông, mưa gió, rét buốt hay ngày nắng chang chang, người Thủ đô vẫn yêu mến trà đá - thứ đồ uống rẻ nhất, dễ kiếm nhất mà cũng đem lại nhiều niềm vui thú vị, khó quên nhất.

Ảnh: Mai Lân/ Trí thức trẻ.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất