Cụ bà 22 năm gây ‘thương nhớ’ với món ca cao bánh mì độc nhất Sài Gòn bằng đôi tay 'biến dạng'

Hồng Ngọc
Chia sẻ

Đôi bàn tay dúm díu u sần do di chứng của đợt bỏng nặng, vậy mà 22 năm nay bà Tám vẫn ngày ngày cho ra đời những ly ca cao đá độc nhất Sài Gòn.

15.000 đồng cho một “combo”: Ca cao thêm sữa thoải mái, bánh mì thả ga và bao luôn cả tiền gửi xe máy

Lần đầu nghe đến cái tên “ca cao đá chấm bánh mì”, hẳn nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Bởi từ trước đến nay, đa phần những món chấm bánh mì đều là món mặn được ăn khi nóng. Vô hình trung món ăn kết hợp nửa quen nửa lạ khiến chúng tôi tự đặt trong đầu câu hỏi: liệu đây là món ăn mới được du nhập chăng?

Thế nhưng, câu trả lời khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tuổi đời của nó chẳng thua kém tuổi đời của mình là bao.

Bảng hiệu là mảnh giấy A4 ép nhựa được một khách quen gửi tặng.

Nằm khiêm tốn tại một góc chung cư cũ trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, quán được nhận diện bằng tấm biển hiệu là mảnh giấy A4 ép nhựa đề dòng chữ “ca cao bà Tám” và câu nói đon đả của người phụ nữ tuổi ngoài 60: “Con ăn ngọt hay đắng”.

Theo lời bà Tám kể lại, trước đây bà cùng chồng bán canh bún ở ngay góc chung cư Chợ Cầu cạnh bên hàng ca cao Campuchia độc nhất của bà Ba. “Giai đoạn đó cuộc sống khó khăn, nửa buổi tôi bán canh bún, nửa buổi còn lại đi phụ việc cho bà Ba: Dọn nhà cửa, đi chợ, nấu cơm… Bà Ba không mở miệng nói truyền nghề nhưng cũng cố tình để mình học được bí quyết”. Rồi vì tuổi tác, bà Ba được con cháu đón về quê chăm nom, mãi đến 2 năm sau đó bà Tám tiếp tục nghề của bà Ba rồi bán cho đến tận ngày hôm nay.

Ca cao kẹo được ủ lạnh trong thùng đá.

Bánh mì được cắt thành miếng vừa ăn luôn được dọn kèm ly ca cao.

Ca cao đá ở Campuchia ăn với giò cháo quẩy mà bánh đó nhiều dầu mỡ quá nên về đây mới “chế” lại thành bánh mì ăn kèm.

Điều làm món ca cao đá chấm bánh mì sống mãi trong lòng người Sài Gòn nằm ở bí quyết cho ra đời ly ca cao với “nước nhì” đặc sánh và “nước nhất” dẻo quẹo. Cứ thế, ai thích ăn đắng thì để vậy mà thưởng thức, ai thích ăn ngọt béo Tám rước thêm chút sữa đặc lên trên. Món phụ được dọn kèm là dĩa bánh mì giòn rụm, ai ăn 1,2 hay 3 ổ đều được bà Tám “bao bụng”, khách hảo ngọt còn được cho thêm sữa đặc thoải mái, cả giữ xe Tám cũng đã trả nốt tiền… vậy mà tất cả chỉ vỏn vẹn 15.000 đồng.

Khi chúng tôi bất ngờ đặt câu hỏi thế này sao có lời, bà Tám chỉ bật cười: “Đó giờ quen bán vậy rồi. Mà khách đến ăn phần đông cũng là học sinh sinh viên, chủ yếu cho tụi nhỏ ăn no bụng rồi vào học tiếp. Thỉnh thoảng cũng có khách tặng Tám luôn tiền dư, coi như bù qua sớt lại thôi”.

Đời bà Tám cũng như ly ca cao, đủ đầy vị ngọt - đắng

Nhìn nụ cười hiền từ, giọng nói đon đả nhưng ít ai biết rằng đời bà Tám cũng lắm nỗi gian truân. Mấy mươi năm chịu thương chịu khó nhưng chỉ vài năm gần đây bà Tám mới có được được ở trong mái nhà tình thương kiên cố. “Kể ra Tám làm gì có nhà, vợ chồng con cái ở nhờ nhà chị chồng từ xưa giờ. Trước đây mưa to là phải lo đậy quầy hàng lại rồi chạy về nhà tát nước. Tát không kịp có hôm ngập lên đến nửa chân giường. Vài năm nay, được nhà nước hỗ trợ một số vốn xây lại ngôi nhà tình nghĩa cho tươm tất hơn”.

Tầm giờ trưa nắng nóng, khách cũng vì thế mà đông hơn, bà Tám thoăn thoắt cho đá bào vào ly rưới ca cao lên trên và tiếp tục câu chuyện đời mình: “Hai vợ chồng miệt mài làm lụng nuôi con thì chẳng may chồng Tám đi đào khoai mì thì trúng mìn và bị thương ở mắt. Ban đầu chỉ là nhìn mờ mờ thôi, về sau là mù hẳn. Lúc đó cũng đâu dư dả gì, cũng may có chị chồng thương tình đứng ra lo tiền viện phí thuốc thang”.

Rồi khó khăn của cuộc đời đâu chỉ dừng lại ở đó, ngày trước trong lúc đang nhấc nồi nước lèo canh bún từ trên bếp thì quai nồi bị sứt làm toàn bộ nước đang sôi đổ hết vào người bà Tám. “Đợt đó đúng là chết đi sống lại. Hai cánh tay với nửa thân dưới bỏng nặng, Tám phải điều trị ở bệnh viện suốt 1 tháng ròng, về nhà nằm dưỡng thương nửa năm trời vì đau nhức chẳng làm gì nổi”.

Đã hơn 20 năm nhưng vết sẹo vẫn lộ rõ trên đôi tay bà Tám.

Di chứng của đợt bỏng nặng là bàn tay dúm díu u sần và chuyển màu đen sạm. Nhiều khách đến quán chưa kịp thưởng thức ca cao đã tỏ vẻ ái ngại vì tưởng đâu chủ quán mắc chừng bệnh truyền nhiễm nào đó. “Đó cũng là một phần lí do sau này Tám nhờ con cái hay chị chồng phụ bán. Người hiểu sẽ thông cảm, còn những người không biết vừa nhìn là đã sợ. Nào phải múc ca cao, bưng bê, thối tiền thì làm sao giấu được mấy vết sẹo này”.

Rồi trong những câu chuyện đời mình, không ít lần bà Tám tặc lưỡi khi kể cho chúng tôi về người chồng ở quê mấy tháng gần đây bị rắn độc cắn phải nhập viện; về hàng ca cao chỉ nghỉ duy nhất vào rằm tháng giêng để giỗ ông bà; về nghề ca cao độc nhất nhưng mãi chưa tìm được ai tiếp nối. “Nấu ca cao không khó nhưng cực nhọc nhiều nên lớp trẻ bây giờ đâu mấy mặn mà. Chỉ chạnh lòng là sau này Tám già yếu rồi, thì bọn học sinh tìm đến quán cũng đâu tìm được bữa xế 15.000 đồng vừa no vừa đã khát nữa đâu”. 

Gian hàng nhỏ với siro đá bào, đá me, nước ngọt và ca cao giúp nhiều người sống lại kí ức tuổi thơ.

Cắt miếng bánh mì giòn tan chấm vào ly ca cao đặc sệt rồi nghe bà chủ kể chuyện đời tại một góc chung cư cũ. Chỉ vậy thôi mà Sài Gòn bỗng nhiên bình dị, giản đơn đến lạ lùng…

22 năm gây ‘thương nhớ’ với món ca cao bánh mì độc nhất Sài Gòn bằng đôi tay 'biến dạng' là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.

Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!

Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.

Chia sẻ

Bài viết

Hồng Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất