Sắc màu Cuộc Sống

Luật sư cung cấp thêm đoạn ghi âm không phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Hoàng Công Lương

Định Nguyễn
Chia sẻ

Tại phiên tòa, luật sư đã cung cấp thêm đoạn ghi âm trước đó được lập vi bằng chứng minh bị cáo Hoàng Công Lương không được giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trước thời điểm xảy ra chạy thận nhân tạo khiến 9 bệnh nhân tử vong.

Ngày 29/5, ngày làm việc thứ 11 của phiên tòa xét xử ba bị cáo liên quan vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Hôm nay cũng tròn 1 năm sau khi xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này.

Trong phiên toà này, HĐXX đã quyết định quay lại phần xét hỏi lần thứ 2 để làm rõ những nội dung có liên quan đến việc giao nộp tài liệu sau khi được luật sư Hoàng Ngọc Biên và luật sư Hằng cung cấp thêm 1 số chứng cứ mới.

Bị cáo Lương và ông Hoàng Công Tình đến phiên tòa.

Mở đầu phiên xét xử, chủ tọa xét hỏi đối với ông Hoàng Công Tình. Ông Tình nhận vi bằng do luật sư Hằng chuyển trước đó được ông lập. Đây là đoạn ghi âm ông Tình khai nhận trước đó có ghi lại cuộc gọi điện thoại giữa mình và điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công về việc không phân công nhiệm vụ cho bị cáo Hoàng Công Lương.

“Ngày 5/7/2017 tôi vào trại giam đón bác sĩ Lương tại ngoại. Trên đường về Lương hỏi tôi về nguồn gốc phân công nhiệm vụ qua sổ giao ban. Về đến nhà tôi có điện hỏi ông Công. Trong cuộc điện thoại, ông Công đã nhận ghi thêm vào.

Sau đó, tôi ghi âm lại và cho bác sĩ Lương nghe về nguồn gốc của việc phân công đó. Tôi thấy cuộc ghi âm đó đủ để chúng minh việc bác sĩ Lương không được giao nhiệm vụ quản lý đơn nguyên thận nhân tạo. Tôi ghi vào iPhone 4. Tôi sao ra 2 cái và gửi cho luật sư bào chữa là luật sư Hằng và luật sư Phúc”, ông Tình nói về nguồn gốc đoạn ghi âm.

Ông Tình khai nhận tại tòa.

Ông Tình cũng cho biết, trong quá trình bác sĩ Lương tại ngoại, phòng Tổ chức có đưa cho anh Công các quyết định của BS Lương. “Việc này đề nghị HĐXX hỏi đồng chí Tới. Tôi nhớ không nhầm thì có một quyết định lập sau (sau khi xảy ra sự cố) giao cho bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. Tận mắt tôi nhìn thấy.

Anh Công là người lưu các công văn của khoa. Tôi chỉ được nhìn quyết định đó, quyết định này thể hiện Giám đốc bệnh viện giao cho bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Tôi không biết còn lưu ở khoa hay không.

Về hai biên bản họp khoa cuối năm 2015, 2016, chỉ có bình xét cán bộ, không có phân công nhiệm vụ. Tôi không được bàn bạc với trưởng khoa về việc ghi thêm”, ông Tình khai trước tòa.

Ông Công thông tin thêm tại tòa.

Trả lời về việc này, ông Đinh Tiến Công khai: ”Cuộc họp giao ban cuối năm anh Tình chưa ký ngay. Sau khi có phần phân công nhiệm vụ anh Tình mới ký. Quyết định tôi cũng không nhớ rõ, không phải quyết định phân công bác sĩ Lương. Riêng về quyết định như bác sĩ Tình vừa nói tôi không được nhận. Chị Tới thời gian đó đang là phó phòng phụ trách của phòng tổ chức cán bộ” , ông Công khai.

Tại phiên xét xử, khi được hỏi, bà Tới cho biết, về quy trình bổ nhiệm, theo căn cứ của Sở Nội Vụ, trước tiên phải có đề nghị đề xuất từ khoa. Sau đó gửi phòng Tổ chức cán bộ, sau khi kiểm tra sẽ trình Giám đốc, sau đó đưa ra Ban chấp hành đảng ủy đưa chủ trương. Sau đó lấy phiếu tín nhiệm gồm Ban lãnh đạo Bệnh viện, Khoa, Phòng. Sau đó đạt 50% số phiếu trở lên thì đưa ra BCH đảng ủy rồi tiến hành bổ nhiệm.

“Khi thành lập một đơn nguyên phải có Quyết định từ Giám đốc Bệnh viện, giao người phụ trách cũng phải có quyết định từ Giám đốc bệnh viện. Từ thời điểm bác sĩ Tiến chuyển đi (2015) chưa có đề xuất gì giao cho ai phụ trách quản lý đơn nguyên Thận nhân tạo. Tôi chưa nghe thấy ai đề xuất tại các cuộc họp về việc phân công phụ trách cho bác sĩ Lương. Về mảng điều dưỡng có khoảng 7 người được đào tạo cấp chứng chỉ về việc lọc máu”, bà Tới khai tiếp.

Trước đó, sáng ngày 28/5, 6 vị luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương đã trình bày xong phần gỡ tội cho thân chủ của mình. Đáng chú ý, trong phần bào chữa cho bác sĩ Lương, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng: “Bộ Y tế mới là cơ quan buộc tội các bị cáo”.

Luật sư Hoàng Ngọc Biên cho rằng: “Các điều tra viên và kiểm sát viên không tuân thủ, vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng trong quá trình thu thập chứng cứ. Theo quy định tại điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, những tài liệu của cơ quan điều tra phải đánh giá đầy đủ theo 3 thuộc tính của chứng cứ. Những tập hồ sơ của CQĐT không hợp pháp. Đề nghị quý tòa không sử dụng hồ sơ này để buộc tội bị cáo. Chúng tôi thống kê gần 300 bút lục vi phạm luật tố tụng nghiêm trọng”.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, luật sư Nguyễn Danh Huế (người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) đề nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ án.

“Chúng tôi kính đề nghị HĐXX buộc công ty Thiên Sơn bồi thường thiệt hại toàn bộ cho gia đình nạn nhân. Đề nghị GĐ Bệnh viện gửi công văn lên Bộ kế hoạch và đầu tư về việc cấm đầu đấu thầu thiết bị ngành y tế trong vòng 3 năm đối với đối với công ty Thiên Sơn. Xem xét kiến nghị khởi tố hình sự Giám đốc công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn”, luật sư Huế nói.

Ngoài ra, LS Huế cũng đề nghị HDXX xem xét trách nhiệm ông Trương Quý Dương (Nguyên giám đốc BV đa khoa Hòa Bình), “Căn cứ vào các hành vi của ông Trương Quý Dương, chúng tôi đề nghị HĐXX buộc ông Trương Quý Dương bồi thường thay bệnh viện, nếu trường hợp bệnh viện có lỗi”.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất